Tên bài viết gốc: THE AWESOME RESPONSIBILITY OF LEADERSHIP

Simon Sinek là diễn giả nổi tiếng thế giới và là tác giả của hai cuốn sách: Bắt đầu với câu hỏi tại sao: Nghệ thuật truyền cảm hứng trong kinh doanh, là cuốn sách bán chạy nhất toàn cầu, và cuốn sách mới nhất của anh ấy, Lãnh đạo luôn ăn sau cùng. Simon đã dành cả cuộc đời để chia sẻ suy nghĩ của mình nhằm giúp các nhà lãnh đạo và các tổ chức truyền cảm hứng hành động.

Simon cũng là một cố vấn đáng tin cậy đang giúp chúng tôi tạo không gian để mọi người trở thành phiên bản tốt nhất của họ và truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự bằng cách cải thiện giao tiếp nội bộ và quản lý hiệu suất. Trong cuộc phỏng vấn thứ hai của chúng tôi, Simon thảo luận về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo đối với việc đặt lợi ích của họ sang một bên để những người khác cảm thấy an toàn và tìm thấy sự thỏa mãn.

Dấu HỎI phía sau Simon Sinek

Những câu hỏi TẠI SAO của Simon truyền cảm hứng cho mọi người làm những gì họ muốn để cùng nhau thay đổi thế giới của mình. Anh ấy nói, viết, giảng dạy, tư vấn và tạo ra các sản phẩm để truyền tải thông điệp đó.

Anh ấy hình dung ra một thế giới mà đại đa số mọi người thức dậy vào mỗi buổi sáng đều có cảm hứng để đi làm, cảm thấy an toàn khi ở đó và trở về nhà với cảm giác mãn nguyện vào cuối ngày.

Sự thỏa mãn và khả năng nói rằng tôi yêu công việc của mình không phải là một điều xa xỉ, đó là một quyền của chúng ta. Đó không phải là một đặc ân cho một số ít người may mắn. Chúng ta có thể yêu cầu các nhà lãnh đạo của mình tạo ra một đất nước tuyệt vời và bảo vệ chúng ta, vì vậy chúng ta cũng có thể yêu cầu họ cung cấp một môi trường làm việc mà chúng ta muốn có hàng ngày.

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống là vô nghĩa

Sự khác biệt duy nhất giữa con người chúng ta ở nhà và ở nơi làm việc là quần áo chúng ta mặc và chiếc bàn chúng ta ngồi. Nếu ta cảm thấy an toàn khi ở nhà chứ không phải ở nơi làm việc, thì đó là sự mất cân bằng. Nếu ta gặp vấn đề ở nhà, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta thực hiện công việc. Nếu chúng ta gặp căng thẳng và các vấn đề trong công việc, điều đó sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với vợ/chồng, con cái và bạn bè khi  ở nhà.

Trong những tổ chức được lãnh đạo tốt, mọi người có cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn và hòa thuận với con cái hơn. Chúng ta đi làm muộn như thế nào và đi công tác bao nhiêu lần đều hầu như không ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con cái. Chính mức độ căng thẳng của chúng ta khi về nhà mới có tác động lớn nhất đến mối quan hệ đó.

Các nhà lãnh đạo có thể can thiệp để chuyển đổi vòng xoáy luẩn quẩn này thành một vòng tuần hoàn tốt. Một nhà lãnh đạo nói, “Tháng này hiệu suất làm việc của bạn giảm sút, mọi thứ vẫn ổn chứ?” Chúng tôi mang về nhà sự đồng cảm đó, phẩm chất rất con người đó và sau đó nói với người bạn đời của mình, “Anh/Em xin lỗi vì đã cư xử như vậy. Em/Anh ổn chứ?"

Trò đùa kinh doanh

Simon giao trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo phá vỡ vòng luẩn quẩn, nhưng nhiều nhà lãnh đạo nói rằng đó không phải là trách nhiệm của họ. Nhưng đây mới là điều quan trọng. Nó tốt cho việc kinh doanh! Cứ như một trò đùa vậy!

Các công ty bó tay với việc gắn kết các nhân viên. Bạn nghĩ điều gì khiến mọi người muốn kết nối với nhau? Đó là mong muốn được ở đó của họ, cảm giác rằng có ai đó quan tâm đến họ và công việc hàng ngày của họ với tư cách là một con người.

Các công ty gặp vướng mắc với sự sáng tạo của nhân viên. Chà, bạn nghĩ mọi người sáng tạo đến mức nào khi họ nghĩ rằng họ sẽ mất việc nếu không đạt doanh số? Họ sẽ cống hiến cho bạn hết mình hay đi xung quanh sợ hãi mỗi ngày?

Sự sáng tạo đến khi chúng ta mang đến cho mọi người một mục đích hoặc một lí do và khiến họ cảm thấy mình được coi trọng với tư cách là một thành viên trong nhóm. Sau đó, họ sẽ cống hiến máu, mồ hôi và nước mắt để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Họ sẽ đưa ra tất cả những ý tưởng hay nhất của mình, không phải là hiện tại họ đang giữ chúng lại, mà là vì họ tự nhiên có nhiều ý tưởng hơn nhờ môi trường làm việc tích cực.

Thay đổi lãnh đạo

Các CEO nói rằng “nhân lực của chúng tôi quan trọng”, nhưng họ thường không làm đến cùng. Một vài CEO sẽ nói: “Ưu tiên số một của chúng tôi là tăng trưởng. Tất nhiên nhân viên của chúng tôi rất quan trọng vì nếu chúng tôi không chăm sóc họ thì chúng tôi sẽ không bao giờ phát triển được.” Hoặc người khác có thể nói: “Ưu tiên số một của chúng tôi là con người. Nếu chúng ta quan tâm đến nhân viên của mình, chúng ta sẽ đạt được tất cả các mục tiêu tài chính của mình.” Bạn muốn làm việc cho công ty nào?

Các doanh nghiệp ngày nay đang phải gánh chịu những hậu quả không lường trước được của những quyết định đưa ra trong những năm 80 - 90, những quyết định đặt chúng ta trên con đường này. Quyền tối cao của cổ đông, một lý thuyết được đề xuất vào cuối những năm 1970, hiện đã trở thành tiêu chuẩn hóa. Trước những năm 1980, việc sa thải hàng loạt để quyết toán không tồn tại ở Hoa Kỳ. Hiện tại chúng đã trở nên bình thường đến mức không ai nghĩ rằng điều đó là sai.

Bạn có thể tưởng tượng việc sa thải một người nào đó khiến cho họ không thể chu cấp cho gia đình vì công ty không đạt doanh số hàng năm không? Và những người vẫn giữ được công việc của họ vẫn phải đi làm khi biết rằng đó không phải là chế độ trọng dụng nhân tài. Cho dù bạn làm việc chăm chỉ đến đâu, nếu bạn không trúng số, bạn sẽ bị “lên thớt”.

Trong hệ thống của chúng ta, khi một công ty sa thải hàng loạt nhân viên, giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Vì vậy, các công ty khuyến khích và khen thưởng các nhà quản lý cấp cao không dựa trên cách thức hoạt động của công ty, mà dựa trên hiệu quả vận hành vốn chủ sở hữu. Khi vốn chủ sở hữu tăng lên, giá cổ phiếu tăng lên, dù là dựa trên những hành vi không tốt cho công ty chẳng hạn như sa thải hàng loạt nhân viên, thì hành động đó vẫn sẽ được tiếp tục.

Điểm bùng phát

Tôi đã phỏng vấn Simon làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nhận ra một sự thật đơn giản là hãy quan tâm đến nhân viên của mình trước và bạn sẽ thành công.

Simon biết rằng những lí lẽ đúng đắn sẽ là không đủ để thuyết phục mọi người thay đổi. Mỗi tháng Harvard Business Review đều viết một bài báo về chủ đề này, mọi người đều đọc nhưng không ai thực sự hành động. Và đây là cách để thay đổi:

  1. Quy luật lan tỏa sự đổi mới

Tất cả mọi người sẽ nằm ở đâu đó trên đường cong hình chuông với độ lệch chuẩn nhất định và bạn phải thuyết phục được những người trong khoảng 15-18% đồng ý mua vào. Đó là nơi xảy ra điểm bùng phát. Khi bạn cố gắng thuyết phục phần đa thì thường là họ sẽ phớt lờ những gì bạn nói. Thay vào đó, hãy cố gắng thuyết phục nhóm khách hàng thích nghi nhanh, đó là một nhóm nhỏ những người quan tâm đến sản phẩm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thử nghiệm những công nghệ mới. Hãy lập ra nguyên tắc chỉ làm việc với những người sẽ lắng nghe một cách nghiêm túc và đạt được khối lượng tới hạn với nhóm người đó.

  1. Biết rõ vai trò của mình

Mỗi chúng ta đều là một mảnh ghép trong bức tranh của mình. Khi chúng ta tìm thấy những mảnh ghép khác phù hợp với bức tranh của chúng ta thì hãy tập hợp họ lại với nhau. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, làm việc cùng nhau và thống nhất hành động của mình. Bạn phải biết vai trò của mình là gì. Những gì 15Five đang làm cũng chỉ là một mảnh ghép của bức tranh. Bản thân việc đó không thể tạo nên toàn bộ bức tranh. Những gì Simon đang làm lại là một mảnh ghép khác. Anh ấy đi khắp nơi và nói với mọi người: “Này các bạn, đó là viễn cảnh tương lai  khi bạn hoàn thành bức tranh. Đừng bao giờ lãng quên viễn cảnh đó.”

Hãy tập hợp các mảnh ghép khớp với nhau, rồi cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra điểm bùng phát và thay đổi thế giới.

Lãnh đạo làm việc vì mọi người

Tôi tin rằng một trong những điều tạo nên bước nhảy hệ thống là khi nhân viên biết rằng họ không phải chịu đựng môi trường làm việc tiêu cực, đáng sợ. Khi những nhân viên hiểu rằng họ có thể lựa chọn làm việc tại các công ty đáp ứng được điều đó thì các công ty khác sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi.

Simon nói rằng bài học quan trọng nhất về khả năng lãnh đạo tuyệt vời là các nhà lãnh đạo luôn làm việc vì mọi người. Đó là lý do tại sao những kẻ độc tài luôn khiến tập thể bị chia rẽ. Nếu một tập thể không đoàn kết, nhà độc tài vẫn sẽ giữ vững được vị trí của mình. Nhưng nếu mọi người cùng đoàn kết lại, kẻ độc tài sẽ phải ra đi.

 Tất cả chúng ta đều rất lo lắng cho công việc và kế sinh nhai của chính mình do đó một số nhà lãnh đạo với những chính sách sai lầm vẫn còn đó. Nếu chúng ta đoàn kết lại và cùng yêu cầu những nhà lãnh đạo xây dựng môi trường làm việc phù hợp thì chúng ta sẽ giành được chiến thắng. Doanh nghiệp sẽ chuyển đổi thành nơi mọi người thực sự được truyền cảm hứng để làm việc hiệu quả và sẵn sàng cống hiến.

Nguồn bài viết gốc: https://www.15five.com/blog/simon-sinek-interview-on-the-responsibility-of-leadership/

_____________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo