Tên gốc của Bài viết (tiếng nước ngoài): CLEARING THE PATHWAYS TO SELF-TRANSCENDENCE
Tổng quan
“Tự siêu việt” được coi như là một cách mà các cá nhân có thể tìm thấy sự giải thoát và sự hỗ trợ trong bối cảnh của COVID-19, cũng như những thời điểm khó khăn mông lung khác. Tuy nhiên, các tác giả đề xuất rằng nhiều định nghĩa về sự tự siêu việt trong các tài liệu hiện có nghiêng về phía tâm linh phức tạp, đôi khi mơ hồ và không chính xác. Một điều đáng lo ngại là điều này tạo ra một tình huống, trong đó khả năng hỗ trợ của sự tự siêu việt trong cộng đồng đông dân cư hơn sẽ bị mất đi do sự phức tạp đó. Trong bài báo này, chúng tôi đã thực hiện một đánh giá tóm tắt quan trọng, tập trung chủ yếu vào các nền tảng lịch sử của khái niệm tự siêu việt và các phương pháp tiếp cận chính về mặt lý thuyết, trong đó tự siêu việt và trải nghiệm tự siêu việt được thảo luận với mục đích là tìm kiếm một sự rõ ràng để hiểu về tự siêu việt và con đường dẫn đến điều này. Chúng tôi tin rằng sự rõ ràng rất cần thiết này trong hiểu biết của chúng ta về sự tự siêu việt có thể đóng vai trò là nguồn lực toàn diện và dân chủ hóa để hỗ trợ sức khỏe và khả năng phục hồi trong bối cảnh đang diễn ra đại dịch COVID và hơn thế nữa.
Từ khóa: tự siêu việt, tự hiện thực hóa, COVID-19, dòng chảy, ý nghĩa.
Giới thiệu
Wong và cộng sự (2020, trang 1) coi “khoa học mới” về sự tự siêu việt (Self-Transcedence- ST) là trọng tâm trong sự hiểu biết của chúng ta về cách con người có thể đối phó, thậm chí phát triển, trong bối cảnh khó khăn và nghịch cảnh như chúng ta đang thấy đó là đại dịch toàn cầu COVID-19, thứ mà thế giới đang phải đối mặt. Họ lưu ý rằng “sự tự siêu việt liên quan đến sự thay đổi cơ bản trong thái độ sống của một người, từ việc tập trung vào cái tôi sang quan tâm đến người khác hoặc điều gì đó to lớn hơn bản thân mình.”
Theo nhiều cách mà “khoa học” về ST đã trở thành trọng tâm của các nhà tâm lý học kể từ khi bắt đầu, ví dụ, William James lưu ý rằng “chúng ta có thể trải nghiệm sự kết hợp với một thứ gì đó lớn hơn bản thân mình và trong sự kết hợp đó, chúng ta tìm thấy sự bình yên lớn nhất” (James, 1902). Mới đây, trải nghiệm tự siêu việt được mô tả là trải nghiệm có thể mở rộng trong nhiều bối cảnh và cường độ nơi mà “ý thức chủ quan về bản thân của một người như một thực thể biệt lập có thể tạm thời biến thành trải nghiệm hợp nhất với người khác hoặc với môi trường xung quanh của người đó, bao gồm việc xóa bỏ ranh giới giữa ý thức về bản thân và 'người khác' (Yaden và cộng sự, 2017, trang 1).”
Chúng tôi cũng nhận ra giá trị của việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về ST giữa các nhà nghiên cứu cũng như đông đảo công chúng, và với mục đích này, chúng tôi đặt ra mục tiêu làm rõ các cách tiếp cận ST hiện có và làm nổi bật các cách để đạt được nó. Chúng tôi đã làm điều này với một nỗ lực thực sự để tổng hợp và đơn giản hóa các bài viết của những tác giả khác ở một mức độ có thể giúp cho chủ đề này được nhiều độc giả dù không cần nhiều kiến thức chuyên ngành, vẫn có thể dễ dàng tiếp cận được, và (a) hỗ trợ người đọc hiểu khái niệm rộng hơn về ST và (b) giúp dễ dàng tiếp cận việc trải nghiệm ST hơn. “Con đường” dẫn đến ST mà chúng tôi khám phá bao gồm: ST thông qua việc “làm người”; ST thông qua “ý nghĩa”; ST thông qua "tự hiện thực hóa"; ST thông qua "dòng chảy"; ST qua “tuổi thọ”. Chúng tôi tóm tắt thêm các nỗ lực để mô hình hóa ST về mặt lý thuyết. Chúng tôi lập luận rằng khi được tập hợp lại với nhau, các con đường hướng tới ST trở nên rõ ràng và dễ định hướng hơn. Chúng tôi hy vọng rằng bài đánh giá ngắn này sẽ tạo hứng thú cho nhiều người để khám phá thêm nhiều tài liệu giúp làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của phương hướng và đặc biệt là cách các nhà tâm lý học, đã viết về chủ đề Sự tự siêu việt.
Tự siêu việt thông qua “Làm người”
Hai trong số những tác giả trước đó thảo luận về sự tự siêu việt đó là Frankl và May, những người tiên phong của Tâm lý học hiện sinh (ví dụ: Frankl, 1946/2020, 1959/1992, 1966; May và cộng sự, 1960; May, 1983). Cả Frankl và May đều chú ý rằng trong chính hành động làm người tồn tại một dạng “tự siêu việt”, trong đó để tồn tại hoặc được tồn tại, bao gồm sự chú ý của chúng ta được định hướng vượt ra khỏi chính bản thân chúng ta và hướng đến những người khác và thế giới rộng lớn. Quan điểm về sự tự siêu việt dường như hơi khác so với những gì William James ám chỉ, và thực sự là phần lớn “những trải nghiệm tự siêu việt” được khám phá chi tiết bởi Yaden và các đồng nghiệp (James, 1902; Yaden và cộng sự., 2017).
May và cộng sự (1960) và May (1983) định nghĩa “hiện hữu” là những xu hướng bên trong chúng ta liên tục xuất hiện và trở thành, và chúng sẽ ngày càng nổi bật theo thời gian. Ông đề xuất rằng sự tự nhận thức của chúng ta với tư cách là con người, mở rộng phạm vi ý thức của chúng ta và do đó tạo ra tình huống mà chúng ta có thể vượt qua hoàn cảnh trước mắt của mình. Hơn nữa, ông lập luận rằng sự tự ý thức hoặc sự tự nhận thức của chúng ta làm cho khả năng tự siêu việt trở nên không thể tách rời thông qua cách mà chúng ta có thể đứng ngoài một tình huống một cách điềm tĩnh và xem xét nội dung và đặc điểm của nó cũng như các lựa chọn cho tương lai. Khi khám phá cả những đặc điểm của sự tồn tại tâm lý và việc làm nổi bật lên sự sinh động của chính sự việc giúp chúng ta tiến vào trạng thái “hiện hữu” như một quá trình liên tục, May đã mô tả sự tự siêu việt theo một cách mà về sau là nền tảng cho các tác giả khác dựa vào.
Tự Siêu Việt Qua “Ý Nghĩa”
Đặc biệt, cách tiếp cận của Frankl nhấn mạnh tính trung tâm của cái mà ông gọi là “ý chí hướng tới ý nghĩa” của con người, trong đó bản chất của con người bao gồm: nhu cầu tìm kiếm và tạo ra ý nghĩa như một sức mạnh hoặc một khía cạnh cơ bản của bản chất con người. Đó chính là định nghĩa về con người. Để tồn tại, thậm chí phát triển, nghĩa là trở thành con người trọn vẹn, chúng ta phải hiểu được sự tồn tại của mình trên thế giới (Frankl, 1946/2020, 1966). Frankl lập luận rằng sự tồn tại của chúng ta chỉ là sự thật khi nó liên quan đến phẩm chất tự siêu việt của hình thức chú ý này: “ngoài chúng ta và hướng tới ý nghĩa”. Cuộc sống đặt câu hỏi cho chúng ta, và trong hành động tìm kiếm ý nghĩa hay những câu trả lời, chúng ta đang chịu trách nhiệm về cuộc sống của chính mình.
Người ta đề xuất rằng chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình theo ba cách khả thi (Frankl, 1959/1992). Đầu tiên, trong việc tạo ra công việc hoặc hành vi hoặc hành động. Thứ hai, thông qua một sự việc hoặc một người nào đó. Thứ ba, bởi thái độ mà chúng ta lựa chọn khi đối mặt với những đau khổ không thể tránh khỏi (mà ông định nghĩa là “số phận”). Bài viết của ông cho rằng đau khổ chỉ là một trong ba nguồn ý nghĩa có thể có. Bằng những kinh nghiệm trải qua cường độ đau khổ dĩ nhiên có được từ thời chiến, ông đưa ra những ví dụ sâu sắc về cách mà số phận/đau khổ có thể xảy ra thông qua một sự chuyển biến về thái độ của chúng ta đối với hoàn cảnh (Frankl, 1946/2020). Frankl đã nói rõ rằng chúng ta có một chiều tâm linh như một phần của con người chúng ta, nó có thể là hữu thần hoặc vô thần, và trong việc chúng ta tìm kiếm ý nghĩa cá nhân và/hoặc hỗ trợ những người khác làm như vậy, chiều tâm linh này cần sự công nhận và sự hiện diện và phát triển của nó là sự phản ánh tính toàn vẹn của chúng ta với tư cách là những cá nhân (Frankl, 1969/2004).
Tự siêu việt thông qua “Tự hiện thực hóa lý tưởng của bản thân”
Nhận thức của Maslow về sự tự siêu việt phát triển từ công trình của ông về sự tự hiện thực hóa lý tưởng và các báo cáo đến từ các cá nhân tự hiện thực hóa về “những trải nghiệm đỉnh cao” (ví dụ: Maslow, 1964, 1968). Maslow (1968) đã định nghĩa quá trình tự hiện thực hóa gồm bốn phần: hiện thực hóa tài năng, năng lực và tiềm năng của chúng ta; từ đó cho phép hoàn thành những gì chúng ta có thể coi là “sứ mệnh” hoặc đam mê của mình; đổi lại nó lại liên quan đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản chất của chính chúng ta; và tạo ra một xu hướng trong đó chúng ta hướng đến sự hội nhập và thống nhất cá nhân.
Trải nghiệm “đỉnh cao” là một trong những đặc điểm của những cá nhân tự hiện thực hóa được Maslow xác định, ông định nghĩa đó là những trải nghiệm tuyệt vời, những khoảnh khắc sung sướng và ngây ngất (Maslow, 1968, 1970). Trong những trải nghiệm này, các cá nhân như trở nên quên mình, không ích kỷ và vượt qua cái tôi của bản thân (Maslow, 1964). Một sự hòa hợp hoặc thống nhất xảy ra trong chính con người họ, và giữa những cá nhân này với cảm giác của họ về thế giới xung quanh. Maslow cũng đã viết về một sự tự siêu việt trong công việc sáng tạo, trong đó xảy ra sự đồng nhất với công việc bạn đang làm, có thể được cảm nhận như sự ngây ngất và phấn khích (Maslow, 1971). Hình thức tự siêu việt này có thể liên quan đến cảm giác lĩnh hội sâu sắc, cảm giác lãng quên thời gian, từ bỏ quá khứ và tương lai, đồng thời thu hẹp ý thức vào thời gian và công việc hiện tại.
Maslow bày tỏ sự ngạc nhiên trong tác phẩm này về sự hiện diện của tính siêu việt ở những người tự hiện thực hóa bản thân, ông nhận thấy những nỗ lực được đầu tư vào việc phát triển tiềm năng của chính họ, và ông thừa nhận rằng sau đó, họ cũng đầu tư thời gian vào việc hỗ trợ người khác. Ông cho rằng những người tự hiện thực hóa thường đầu tư vào một mục tiêu khác bản thân hoặc lớn hơn chính bản thân họ. Một nhận xét lặp đi lặp lại trong bài viết của Maslow ví những người thể hiện ST giống như thể hiện trạng thái “Bồ tát”, nhằm hỗ trợ và phục vụ những người đang gặp khó khăn hoặc hoang mang ngoài bản thân họ. (Hoffman, 1999). Điều này phản ánh một nghịch lý rõ ràng là những cá nhân đầu tư vào hoặc được thúc đẩy bởi sự phát triển tiềm năng của họ, để trở thành một “cái tôi” lành mạnh và mạnh mẽ, sau đó lại tìm cách buông bỏ “cái tôi đó” để hợp nhất với những mong muốn và nhu cầu được hỗ trợ của các cá nhân hoặc những lý tưởng khác (Maslow, 1971). Kaufman (2020) đề xuất rằng quá trình tự hiện thực hóa đóng vai trò là “cầu nối” dẫn đến các trạng thái, giá trị và động lực tự siêu việt. Maslow (1964) đề xuất rằng, khi vượt qua sự phân cực và tách rời trong trải nghiệm sống, chúng ta mở ra một nhận thức rộng hơn và dễ chấp nhận hơn về bản thân và thế giới xung quanh chúng ta.
Tự siêu việt qua “Dòng chảy”
Trải nghiệm về một dạng “siêu việt” của bản thân trong công việc sáng tạo do Maslow xác định, đã được nghiên cứu sâu hơn nhờ Csikszentmihalyi (1992). Csikszentmihalyi, được hướng dẫn bởi những người mà ông đã phỏng vấn, gọi trải nghiệm này là “dòng chảy” và lưu ý rằng nó thường xảy ra khi chúng ta chấp nhận thực hiện một cơ hội và thách thức vượt quá khả năng chuyên môn hiện tại của chúng ta. Những thách thức mà chúng ta hướng tới sẽ phản ánh tài năng, sức mạnh và giá trị của chúng ta. Nhiệm vụ cần sự tập trung và chú ý, thường dễ thu hút sự chú ý của chúng ta, do đó, dẫn đến việc giảm nhận thức về bản thân và sự cảm thụ thời gian – ranh giới của sự tự thư giãn và bị cuốn vào trải nghiệm bên ngoài. Csikszentmihalyi nhận thấy các cực xảy ra trong những trải nghiệm này: chuyển từ cái đã biết sang cái chưa biết, tập trung sự chú ý vào trải nghiệm bên ngoài, điều này làm giảm nhận thức bên trong về bản thân và thời gian. Ông đề xuất rằng nếu sẵn sàng bước vào trạng thái tăng trưởng và phát triển này, theo thời gian, chúng ta sẽ dần dần phát triển sự riêng biệt của mình và, trong sự siêu việt, trở nên hướng tới các mục tiêu bên ngoài đóng góp cho người khác.
Tự siêu việt qua “Tuổi thọ”
Các lý thuyết phát triển tuổi thọ chỉ ra một quá trình tự siêu việt khi chúng ta già đi. Ví dụ, lý thuyết về sự phát triển vòng đời sinh học -tâm lý -xã hội của Erikson và Erikson (ví dụ, Erikson, 1951; Erikson và Erikson, 1997) cho thấy cuộc sống bao gồm tám (sau đó được sửa đổi thành chín) giai đoạn tăng trưởng được đặc trưng bởi một căng thẳng đối nghịch giữa hai kết quả tiềm năng dẫn đến sự xuất hiện một sức mạnh phát triển theo cách lý tưởng, cân bằng. Hơn nữa, kết quả của từng giai đoạn sẽ được xem xét lại và sửa đổi nhiều dần trong từng giai đoạn tiếp theo. Điều này diễn tả cách một cá nhân có thể điều chỉnh, thay đổi, đào sâu ý thức về bản thân và nhận thức cuộc sống, lặp đi lặp lại trong suốt cuộc đời. Một cách giải thích do Erikson và Erikson đưa ra và phản ánh nghiên cứu của McAdams (1993) rằng chúng ta xây dựng và điều chỉnh ý thức về bản thân và câu chuyện cuộc đời của chúng ta theo thời gian.
Reed (2018) đề xuất rằng ST là một quan điểm sống nảy sinh trong những trải nghiệm trưởng thành về mặt phát triển, thông qua quá trình già đi hoặc những trải nghiệm sống khác ở mọi lứa tuổi giúp nâng cao nhận thức về cái chết và giá trị của cuộc sống. Cô ấy gợi ý rằng hình thức nhận thức này sẽ không tìm kiếm câu trả lời tuyệt đối mà đổi lại sẽ tìm kiếm ý nghĩa trong trải nghiệm sống, tích hợp điều này trong bối cảnh xã hội, đạo đức và lịch sử rộng lớn hơn. Điều cốt lõi trong giả thuyết của Reed là chúng ta được kết nối toàn diện với môi trường của mình, và trải nghiệm về sự tự siêu việt kết nối chúng ta với chính mình, với những người khác và với môi trường của chúng ta. Reed định nghĩa sự tự siêu việt là sự mở rộng ranh giới của chúng ta về bản thân: (i) nội tâm cá nhân (hướng tới nhận thức rõ hơn về trạng thái, giá trị và ước mơ bên trong của chúng ta); (ii) giữa các cá nhân (ủng hộ cách chúng ta gắn kết với người khác và môi trường của chúng ta); (iii) hiện tại (thông qua đó chúng ta kết hợp ý thức về quá khứ và tương lai làm thay đổi ý nghĩa của chúng ta trong hiện tại; và (iv) xuyên cá nhân (thông qua đó chúng ta kết nối các chiều bên ngoài thế giới có thể thấy được). Trong công việc liên quan, McCarthy và Bockweg (2013) ) thực hiện một phân tích khái niệm sâu rộng và đưa ra một sự tranh luận mạnh mẽ cho năm lĩnh vực siêu việt: các mối quan hệ, sự sáng tạo, chiêm nghiệm, tự ngẫm và tâm linh.
Tương tự như vậy, Tornstam đã cải tổ và đào sâu hiểu biết của chúng ta về trải nghiệm già đi, lưu ý rằng, ngoài những mất mát do lão hóa, vẫn còn có khả năng học hỏi, thay đổi và phát triển về mặt tâm lý (ví dụ: Tornstam, 1997, 2011). Khái niệm “siêu việt lão hóa” của ông gói gọn việc vượt qua “biên giới và rào cản” của những trải nghiệm cuộc sống trước đó mang tính đa chiều (vũ trụ, bản thân, các mối quan hệ cá nhân và xã hội).
Trong cả nghiên cứu của Tornstam và giả thuyết của Eriksons, quá trình lão hóa và siêu việt được xem như một quá trình phát triển hướng tới trạng thái cao hơn về sự trưởng thành của cá nhân. Thật vậy, Tornstam công khai về việc được truyền cảm hứng bởi nhiều người trong đó có công trình của Jung (1930) người đã đề xuất quá trình “cá nhân hóa” trong chúng ta giúp chúng ta có khả năng trở thành một cá nhân hoàn chỉnh và toàn diện. Hơn nữa, như một phần của phát hiện đó, Jung đã đưa ra giả thuyết về cái mà ông đặt tên là “chức năng siêu việt”, một quá trình trong đó các cực của trải nghiệm sống, ý thức và vô thức, được dung hòa và lần lượt ảnh hưởng đến sự phát triển của ý thức con người theo những cách được minh họa bởi Nghiên cứu của Tornstam (Stein, 2006/2018).
Ba bước để tự siêu việt
Wong đã tiếp tục mô hình hóa sự tự siêu việt, xây dựng trực tiếp trên công trình của Frankl (ví dụ: Wong, 2016). Wong đề xuất việc tìm kiếm ý nghĩa và tự siêu việt là một biểu hiện cơ bản của bản chất tâm linh của chúng ta và thông qua đó, ảnh hưởng đến sự chữa lành và hạnh phúc của chúng ta. Anh ấy gợi ý rằng chúng ta càng “quên mình” trong hành động cống hiến bản thân cho một mục đích, sự phục vụ hoặc tình yêu, thì chúng ta càng trở nên giống con người hơn và đổi lại, hiện thực hóa con người thật của chúng ta. Wong bác bỏ “sự tự hiện thực hóa” theo đúng nghĩa của nó và tin rằng nó chỉ đơn giản là một “tác dụng phụ” của sự tự siêu việt.
Đối với những người trong chúng ta đang tìm kiếm sự tự siêu việt, Wong đề xuất ba cấp độ hữu ích mang lại sự tập trung theo trình tự, mở rộng vào những điều mà sự tự siêu việt có thể liên quan:
Tìm kiếm ý nghĩa tình huống: điều này liên quan đến việc nhìn xa hơn những ràng buộc cá nhân hoặc tình huống của chúng ta đối với các giá trị, đó có thể là tinh thần. Để làm được điều này, chúng ta sẽ dựa vào sự tỉnh thức về khoảnh khắc hiện tại trong các trải nghiệm bên trong và bên ngoài của mình và sự cần thiết duy trì thái độ “cởi mở, ham học hỏi và lòng trắc ẩn”.
Tìm kiếm tiếng gọi của bản thân: thông qua đó, chúng ta tìm kiếm, theo đuổi và gắn kết với một mục đích, sứ mệnh hoặc thiên chức cao cả hơn, được kết nối hoặc phục vụ một điều tốt đẹp hơn. Điều này có thể có các đặc điểm của ý nghĩa cụ thể hoặc mục tiêu cuộc sống trong việc trực tiếp phục vụ người khác. Wong cho rằng tiếng gọi không chỉ liên quan đến công việc hay sự nghiệp, mà còn là cách chúng ta đáp ứng những yêu cầu của chính cuộc sống. Biểu hiện hoặc phản ứng của chúng ta đối với sự kêu gọi của mình sẽ dựa trên sự riêng biệt của tài năng, tính cách hoặc kinh nghiệm cá nhân của chúng ta.
Tìm kiếm ý nghĩa tối thượng: nhìn xa hơn bối cảnh hiện tại, những hạn chế về thể chất mà chúng ta trải qua, thời gian và không gian, đến một cõi siêu việt. Chính tại đây, Wong nhận ra một cách hữu ích rằng không phải ai cũng tập trung vào tâm linh hướng đến tôn giáo, và xác định những gì mà những người vô thần có thể cân nhắc tìm kiếm, chẳng hạn như “ý tưởng về lòng tốt, sự thật và vẻ đẹp”. Mức độ siêu việt này sẽ phản ánh những giả định của một cá nhân về thế giới, triết học, quan điểm và niềm tin.
Wong (2016) gợi ý rằng sự tự siêu việt ở mỗi cấp độ này sẽ liên quan đến một quá trình cải thiện cá nhân liên tục, nhằm mở rộng tiềm năng của chúng ta. Ông nhấn mạnh rằng quá trình cải tiến này không dựa trên sự tự tham chiếu mà dựa trên sự phục vụ người khác. Wong và Reilly (2017) dựa trên những bài báo trước đó, xây dựng và phát triển một lộ trình minh họa rõ ràng và hữu ích để đạt được sự tự siêu việt xuất phát từ giả thuyết của Frankl và của chính ông (xem Hình 1 bên dưới).
Nền tảng của mô hình này là “sự tự do của ý chí” của Frankl như một khía cạnh trung tâm trong sự tồn tại của con người, trong đó chúng ta sẽ đáp ứng một cách có đạo đức và có trách nhiệm đối với những người khác và những yêu cầu của cuộc sống đối với chúng ta. Wong trích dẫn thuật ngữ “khả năng phản hồi” của Frankl như một khả năng mũi nhọn của chúng ta với tư cách là con người để phản ứng một cách chu đáo và có đạo đức đối với những trải nghiệm mà chúng ta gặp phải, và thông qua điều này, chúng ta có khả năng tự quyết. Hai phẩm chất và đặc điểm xuất hiện từ tự do ý chí. Đầu tiên, đó là “ý chí về ý nghĩa” do Frankl đề xuất. Đây là định hướng, động lực và năng lượng để tìm kiếm ý nghĩa. Nếu chúng ta có ý chí về ý nghĩa, thì theo giả thuyết của Wong, chúng ta sẽ tìm kiếm, khám phá và trải nghiệm “ý nghĩa của cuộc sống”. Theo giả thuyết của Wong, điều này được vận hành bởi một “tư duy ý nghĩa” cho phép chúng ta tìm ra ý nghĩa và phản hồi một cách tích cực đối với những trải nghiệm của mình.
Wong đề xuất rằng “ý chí hướng tới ý nghĩa” là một yếu tố thúc đẩy, và tư duy ý nghĩa là khả năng nhận thức hoặc phản ứng để xác định và khám phá ý nghĩa trong cuộc sống. Ông tin rằng hai yếu tố này dẫn đến khám phá và trải nghiệm về sự tự siêu việt. Wong xác định các đặc điểm của sự tự siêu việt là sự thay đổi trọng tâm từ bản thân sang người khác, sự thay đổi các giá trị của chúng ta từ bên ngoài vào bên trong, gia tăng mối quan tâm về đạo đức và trải nghiệm những cảm xúc thăng hoa như sùng bái hoặc ngây ngất. Xa hơn, Wong gợi ý rằng những trải nghiệm này tạo ra một hiệu ứng xoắn ốc trong đó ý nghĩa, đức hạnh và hạnh phúc tương tác và xây dựng một cách tích lũy.
Kết luận
Bản đánh giá tóm tắt này là một quá trình tạo ra ý nghĩa có chủ đích. Bằng cách vạch ra các chủ đề rõ ràng trong các phương pháp được xem xét, chúng ta có thể khám phá những cách hiệu quả nhất mà chúng có thể được tích hợp. Ví dụ, trong lịch sử, có những ý kiến khác nhau về mối quan hệ giữa “sự tự hiện thực hóa” (như Maslow đã trình bày rõ ràng) và “sự tự siêu việt bản thân” (như Frankl và gần đây hơn là Wong đã trình bày rõ ràng). Một số khác biệt này có thể được dung hòa ở một mức độ nào đó bằng cách áp dụng quan điểm “cả hai/và” thay vì quan điểm “một trong hai/hoặc”. Thật vậy, trở thành con người hoàn toàn, là một trải nghiệm “cả hai/và” và khi tiếp nhận quan điểm này, một số điểm chung giữa các giả thuyết trở nên rõ ràng. Chúng ta vượt qua chính mình trong việc trở thành chính mình và thông qua việc cho đi bản thân mình, và trong sự cho đi đó cũng hiện thực hóa tiềm năng của chúng ta. Sự tự siêu việt xảy ra trong và thông qua quá trình tự hiện thực hóa bản thân trong quá trình phát triển các tiềm năng của chúng ta, trong đó các ranh giới trải nghiệm giữa bản thân và người khác tan biến. Theo cách này, chúng ta lặp lại theo Csikszentmihalyi (1993) khi ông đề xuất rằng chúng ta tiến hành các giai đoạn khác biệt hóa và tích hợp và các con đường phát triển xoắn ốc biện chứng.
Quan điểm “cả hai/và” này cũng rõ ràng trong việc nhận ra sự tự siêu việt có thể được trải nghiệm và quan sát như một kết quả mang tính cá nhân trong cách tiếp cận của chúng ta đối với một nhiệm vụ (ví dụ: như trong “dòng chảy”) hoặc các hành động nhỏ được tích lũy và phát triển theo thời gian và như một quá trình nhận thức tại thời điểm sống trong lúc bệnh tật và cận kề cái chết (như trong bối cảnh liên quan trực tiếp với tác phẩm của Reed, Erikson, Tornstam, và McCarthy và Bokweg). Trải nghiệm tự siêu việt tồn tại trên một loạt các khả năng, cường độ và sự lựa chọn (Yaden và cộng sự, 2017). Nếu nhìn theo cách này, chúng ta thấy nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt.
Lời nhắc hướng tới sự tự siêu việt
Mục đích của chúng tôi là cung cấp phương pháp tiếp cận tâm lý theo la bàn để tự siêu việt cho nhiều đối tượng hơn khi đối mặt với nhu cầu và ảnh hưởng của trải nghiệm với đại dịch COVID. Với ý tưởng này, chúng tôi đúc kết lại một số gợi ý để kích thích sự khám phá cá nhân về sự tự siêu việt khi đối mặt với những điều không rõ ràng trong các tài liệu. Chúng được đưa ra với sự cởi mở, mong muốn tìm tòi và lòng trắc ẩn:
Ban đầu, hãy tìm cách lùi lại để đứng ngoài hoàn cảnh hiện tại và tự hỏi bản thân xem bạn có thể đóng góp và bị thách thức cụ thể như thế nào trong những thứ bạn phải đối mặt?
Ý nghĩa hướng tới cuộc sống tích cực nào có thể được tìm thấy trong hoàn cảnh này? Đây có thể là một quan điểm bên trong cho chính chúng ta hay bên ngoài về kinh nghiệm và đóng góp cá nhân?
Tình huống này yêu cầu bạn phát triển cá nhân hoặc hiện thực hóa tiềm năng của bạn như thế nào? Bạn có ở trong hoàn cảnh mà bạn có thể và mong muốn được phục vụ người khác không? Làm cách nào để bạn mang lại điều này?
Bạn có khả năng phải đối mặt với sự phân cực nào của ý định tích cực và thách thức tình huống trong hoàn cảnh này? Bằng cách nào bạn có thể thực hiện ý định tích cực của mình đồng thời quan tâm đến áp lực và căng thẳng mà bạn có thể gặp phải?
Bạn có sẵn sàng xác định và tham gia vào các nhiệm vụ hoặc hoạt động cân bằng giữa các thách thức và kỹ năng của bạn, và cho phép bản thân hòa mình vào dòng chảy, học hỏi, phát triển đồng thời cống hiến cho người khác trong khi đang say mê trong công việc không?
Làm thế nào bạn có thể duy trì sự chú ý mà không hề bị phân tâm trong các trải nghiệm của mình, xem xét những yêu cầu trong các khó khăn to lớn cũng như sự đóng góp từ những hành động nhỏ được tích lũy khi làm việc trong những hoàn cảnh như thế?
Bạn sẵn sàng cho phép các sự kiện diễn ra theo cách mà bạn từ bỏ quyền kiểm soát cho một điều gì đó vĩ đại hơn đến mức nào? Bạn có thể “tin tưởng vào quy trình” như thế nào?
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Csikszentmihalyi M. (1992). The psychology of optimal experience. New York: Harper Collins. [Google Scholar]
- Csikszentmihalyi M. (1993). The evolving self. New York: Harper Collins. [Google Scholar]
- Erikson E. H. (1951). Childhood and society. New York: W.W. Norton. [Google Scholar]
- Erikson E. H., Erikson J. M. (1997). The life cycle completed: Extended version. New York: W.W. Norton. [Google Scholar]
- Frankl V. E. (1946/2020). Yes to life in spite of everything. London: Random House. [Google Scholar]
- Frankl V. E. (1959/1992). Man’s search for meaning. London: Random House. [Google Scholar]
- Frankl V. E. (1966). Self-transcendence as a human phenomenon. J. Humanist. Psychol. 6, 97–106. 10.1177/002216786600600201 [CrossRef] [Google Scholar]
- Frankl V. E. (1969/2004). The doctor and the soul: From psychotherapy to logotherapy. London: Souvenir Press. [Google Scholar]
- Hoffman E. (1999). The right to be human: A biography of Abraham Maslow. New York: McGraw Hill. [Google Scholar]
- James W. (1902). The varieties of religious experience. Cambridge, MA: Harvard University Press. [Google Scholar]
- Jung C. G. (1930). Die Lebenswende, Lecture, Ges, Werke 8. Olten 1982.
- Kaufman S. B. (2020). Transcend: The new science of self-actualisation. New York: Tarcher Perigee. [Google Scholar]
- Maslow A. H. (1964). Religions, values and peak experiences. New York: Viking Compass. [Google Scholar]
- Maslow A. H. (1968). Toward a psychology of being. 2nd Edn. New York:Van Nostrand Reinhold. [Google Scholar]
- Maslow A. H. (1970). Motivation and personality. 3rd Edn. New York: Harper Collins. [Google Scholar]
- Maslow A. H. (1971). The farther reaches of human nature. New York: Viking Press. [Google Scholar]
- May R. (1983). The discovery of being. New York: W.W. Norton and Co. [Google Scholar]
- May R., Allport G., Feifel H., Maslow A., Rogers C. (1960). Existential Psychology. New York: Random House. [Google Scholar]
- McAdams D. P. (1993). The stories we live by: Personal myths and the making of the self. New York: The Guildford Press. [Google Scholar]
- McCarthy V. L., Bockweg A. (2013). The role of transcendence in a holistic view of successful aging: a concept analysis and model of transcendence in maturation and aging. J. Holist. Nurs. 31, 84–92. 10.1177/0898010112463492, PMID: [PubMed] [CrossRef] [Google Scholar]
- Reed P. G. (2018). “Theory of Self-Transcendence,” in Middle Range Theory for Nursing. 4th Edn. eds.Smith M. J., Liehr P. R. (Cham, Switzerland: Springer Publishing; ). [Google Scholar]
- Stein M. (2006/2018). The principle of individuation. Asheville, NC: Chiron Publications. [Google Scholar]
- Tornstam L. (1997). Gerotranscendence: the contemplative dimension of ageing. J. Aging Stud. 11, 143–155. 10.1016/S0890-4065(97)90018-9 [CrossRef] [Google Scholar]
- Tornstam L. (2011). Maturing into gerotranscendence. The Journal of Transpersonal Psychology 43, 166–180. [Google Scholar]
- Wong P. T. P. (2016). “Meaning-seeking, self-transcendence, and well-being” in Logotherapy and existential analysis. Proceedings of the Viktor Frankl institute. Vol. 1. ed.Betthyany A. (Cham, CH: Springer; ), 311–322. [Google Scholar]
- Wong P. T. P., Mayer C.-H., Bowers V. L. (2020). Existential positive psychology (PP 2.0) and the new science of flourishing through suffering.
- Wong P. T. P., Reilly D. P. (2017). Frankl’s Model of Self-Transcendence and Virtue Ethics. Available at: http://www.drpaulwong.com/frankls-self-transcendence-model-and-virtue-ethics/
- Yaden D. B., Haidt J., Hood R. W., Vago D. R., Newberg A. B. (2017). The varieties of self-transcendent experience. Rev. Gen. Psychol. 21, 143–160. 10.1037/gpr0000102 [CrossRef] [Google Scholar]
Ghi Chú:
Nguồn của bài viết: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8119623/
_____________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo
và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Phùng Thị Anh Thư và Nguyễn Lê Ngọc Trâm