Tên gốc (tiếng nước ngoài): Training Happiness Skills

Một bài học mà tôi đã có được trong thời gian làm giám đốc chương trình của Trung tâm Quốc gia Toàn cầu ở Bhutan, đó là khi ta muốn đạt được Hạnh phúc thực sự, ta cần tập trung song song vào hai mục tiêu: phải chuyển đổi bối cảnh cấu trúc, hệ thống và xã hội để tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho sự phát triển của con người, động vật và mọi dạng sống; nhưng đồng thời điều kiện tiên quyết để có thể tạo ra một môi trường lành mạnh như vậy yêu cầu ta phải trải qua một sự chuyển hóa trong nội tâm và chuyển biến trong ý thức.

Theo như Thuyết Trường Tồn, kết hợp với những phát hiện khoa học mới nhất, ta có thể thấy rằng Hạnh phúc phần lớn phụ thuộc vào trạng thái nội tâm của chúng ta, và tâm của chúng ta cũng có thể được tu luyện. Do đó, sử dụng cụm từ “Kỹ năng Hạnh phúc” là chính đáng, vì, như bất kỳ kỹ năng nào khác, nó cũng có thể được rèn luyện và phát triển.

Để bắt đầu, tôi muốn chia sẻ về Chánh niệm như là một yếu tố then chốt và là nền tảng cho tất cả các Kỹ năng Hạnh phúc khác:

Vậy Chánh niệm là gì?

Chánh niệm là năng lượng của nhận thức và tỉnh thức tại thời điểm hiện tại. Đó là việc liên tục kết nối với cuộc sống hàng ngày một cách sâu sắc trong từng khoảnh khắc. Chánh niệm là thực sự sống, hiện diện và đồng nhất với những người xung quanh bạn và với những gì bạn đang làm. — Thích Nhất Hạnh

Chánh niệm có nghĩa là chú ý theo một cách cụ thể; có chủ đích, vào thời điểm hiện tại và không có sự phán xét; là duy trì nhận thức từng khoảnh khắc về những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác cơ thể và môi trường xung quanh của chúng ta.

Chánh niệm cũng liên quan đến sự chấp nhận, nghĩa là ta chú ý đến những suy nghĩ và cảm xúc của mình mà không có sự phán xét chúng – không có suy nghĩ hoặc cảm nhận 'đúng' hoặc 'sai', dù chỉ trong trong một khoảnh khắc nào đó. Khi chúng ta tu tập chánh niệm, suy nghĩ của ta sẽ được điều chỉnh theo những gì ta đang cảm nhận vào thời điểm hiện tại, thay vì gợi tưởng lại quá khứ hay tưởng tượng về tương lai.

Mặc dù có nguồn gốc từ thiền định Phật giáo, nhưng việc tu tập chánh niệm thế tục đã trở thành xu hướng chủ đạo trong những năm gần đây, một phần nhờ vào công việc của Jon Kabat-Zinn và dự án Giảm Căng thẳng Dựa trên Chánh niệm (MBSR) của ông, được khởi xướng tại Đại học Y Massachusetts năm 1979. Kể từ thời điểm đó, hàng ngàn nghiên cứu đã ghi lại những lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần của chánh niệm nói chung, truyền cảm hứng cho vô số chương trình áp dụng việc tu tập chánh niệm tại trường học, nhà tù, bệnh viện, trung tâm cựu chiến binh, v.v.

Tại sao cần tu tập chánh niệm?

Các nghiên cứu[1]đã chỉ ra rằng việc tu tập chánh niệm, dù chỉ trong vài tuần, có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt thể chất, tâm lý và xã hội. Dưới đây là một số lợi ích này, trải rộng trên nhiều phương diện khác nhau.

Chánh niệm tốt cho cơ thể chúng ta: Một chuyên đề nghiên cứu cho thấy, chỉ sau tám tuần tu tập thiền chánh niệm sẽ giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.

Chánh niệm tốt cho tâm trí của chúng ta: Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chánh niệm làm tăng cảm xúc tích cực, đồng thời làm giảm cảm xúc tiêu cực và căng thẳng. Thực vậy, ít nhất một nghiên cứu cho thấy tu tập chánh niệm có tác dụng như thuốc chống trầm cảm trong việc chống trầm cảm và ngăn ngừa tái phát.

Chánh niệm thay đổi bộ não của chúng ta: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó làm tăng mật độ chất xám trong các vùng não liên quan đến học tập, trí nhớ, điều chỉnh cảm xúc và sự đồng cảm.

Chánh niệm giúp chúng ta tập trung: Các nghiên cứu chỉ ra rằng chánh niệm giúp chúng ta loại bỏ những phiền nhiễu, giúp cải thiện trí nhớ cũng như kỹ năng tập trung.

Chánh niệm thúc đẩy lòng trắc ẩn và lòng vị tha: Nghiên cứu cho thấy tu tập chánh niệm khiến chúng ta mong muốn giúp đỡ người gặp khó khăn hơn, tăng cường hoạt động trong mạng lưới thần kinh liên quan đến việc thấu hiểu nỗi khổ của người khác và giúp điều chỉnh cảm xúc. Bằng chứng còn cho thấy nó cũng có thể thúc đẩy lòng từ bi.

Chánh niệm giúp cải thiện các mối quan hệ: Việc tu tập chánh niệm giúp các cặp đôi hài lòng hơn với mối quan hệ của họ, khiến họ cảm thấy lạc quan và thoải mái hơn, đồng thời giúp họ cảm thấy dễ chấp nhận và gần gũi với nhau hơn.

Chánh niệm rất tốt cho các cặp phụ huynh và những người sắp làm cha mẹ: Các nghiên cứu cho thấy nó có thể làm giảm lo lắng, căng thẳng và trầm cảm liên quan đến thai kỳ ở các bậc cha mẹ tương lai. Các bậc phụ huynh có tu tập chánh niệm cho biết họ hạnh phúc hơn với các kỹ năng làm cha mẹ và mối quan hệ của họ với con cái, đồng thời con cái của họ được nhận xét là có kỹ năng xã hội tốt hơn.

Chánh niệm hỗ trợ cho giáo dục: Có bằng chứng khoa học cho thấy việc giảng dạy chánh niệm trong lớp học giúp giảm các vấn đề về hành vi và sự hung hăng của học sinh, đồng thời cải thiện mức độ hạnh phúc và khả năng chú ý của chúng. Các giáo viên có thực hành về chánh niệm được ghi nhận huyết áp thấp hơn, giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực và các triệu chứng trầm cảm, cũng như giàu lòng trắc ẩn và sự đồng cảm hơn.

Chánh niệm giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đối phó với căng thẳng: Cải thiện chất lượng cuộc sống của các chuyên gia, hỗ trợ họ kết nối với bệnh nhân. Chánh niệm cũng giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của các chuyên gia bằng cách giảm cảm xúc tiêu cực và lo lắng, đồng thời tăng cảm xúc tích cực và lòng từ bi của bản thân.

Chánh niệm chống béo phì: Thực hành 'ăn uống chánh niệm' khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh hơn, giúp giảm cân và cảm nhận thưởng thức những món ta ăn.

Kết nối lại với cơ thể và hơi thở của chúng ta

Một nghịch lý khác trong thời đại của chúng ta là mặc dù ta dồn sự chú ý vào thế giới vật chất bên ngoài, nhưng chúng ta lại đánh mất mối liên hệ với cơ thể vật chất của chính bản thân mình.

Lợi ích đầu tiên của việc sống chậm lại và có khoảng dừng là để kết nối lại với cơ thể của chúng ta, để ý xem cơ thể đang cảm nhận như thế nào - đang căng thẳng hay thư giãn, đang thoải mái hay kiệt sức - và cách hiệu quả để kết nối lại với cơ thể của chúng ta là học cách kết nối với hơi thở.

Thở là trải nghiệm cơ bản nhất của sự sống; sự tồn tại trên trần thế của chúng ta bắt đầu bằng hơi thở đầu tiên và sẽ kết thúc vào một ngày nào đó bằng hơi thở cuối cùng. Giữa hai khoảnh khắc này, ta sẽ thở liên tục không ngừng nghỉ, cả ngày lẫn đêm, nhưng hầu như ta không để ý tới. Dành một chút thời gian quan sát ta đang thở để đồng thời nhắc nhở bản thân rằng ta đang sống.

Hơi thở, cùng với nhịp tim, đóng vai trò trọng tâm trong trải nghiệm của chúng ta về sức khỏe hay cảm giác khó chịu. Chúng là sự giao thoa giữa cơ thể và tâm trí, và bất kỳ thay đổi về thể chất nào cũng sẽ được phản ánh qua nhịp thở và nhịp tim của chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta đang chạy hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất cường độ cao, nhịp thở và tim của chúng ta sẽ điều hòa để mang lại sự hài hòa cho cơ thể. Khi ta uống cà phê, rượu hoặc các chất tương tự có ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, nhịp tim và nhịp thở cũng sẽ thay đổi theo. Mặt khác, mọi cảm xúc mà chúng ta có cũng có tác động đến nhịp điệu bên trong của chúng ta. Nếu quan sát những gì xảy ra khi chúng ta cười hoặc khóc, ta thấy rằng về cơ bản đây đều là những thay đổi trong nhịp thở, và, mọi cảm xúc, chẳng hạn như buồn, vui, tức giận, đau đớn hoặc ngạc nhiên, đều có ảnh hưởng đến nhịp thở và nhịp tim của ta.

Do đó, rèn luyện nhận thức về hơi thở sẽ giúp ta nhận thức rõ hơn về cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của bản thân. Dưới đây là bài tập đơn giản mà chúng ta có thể tự rèn luyện thường xuyên để nâng cao nhận thức về hơi thở của mình.

Trong bài đăng tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn thực tế hơn về Tu tập Chánh niệm và cách mà nó nâng cao khả năng Nhận thức Xã hội và Cảm xúc.

[1]https://scholar.google.ch/scholar?q=mindfulness+meta+analysis+2018&hl=en&as_sdt=0&as_vis=1&oi=scholart

Link Bài viết gốc: http://havinhtho.blogspot.com/2019/04/trining-happiness-skills.html

___________________________________________

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Đinh Nguyễn Nhã Thanh
Lâm Trọng Kha
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Đinh Thị Nho

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Nguyễn Xuân Long