Tên gốc (tiếng nước ngoài): WAITING FOR THE FUTURE

Xuất bản trên tạp chí Tổng Quan Tài Chính Việt Nam, Quyển 8, Số phát hành 53, ngày 10 tháng 9 năm 2011

Có lẽ phải đến tận 2030, khi làn sóng doanh nhân thứ ba của Việt Nam lên nắm quyền, đất nước mới có thể tiến gần hơn tới tiềm năng thực sự của mình.

Sự thăng hoa của nền kinh tế một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các nhà doanh nghiệp của nền kinh tế đó. Mặc dù sự thành công của một tập đoàn chắc chắn bị ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường vĩ mô bao gồm các chính sách của chính phủ và những xu hướng toàn cầu, cũng như các điều kiện vi mô như động lực thị trường và quản lý nguồn lực. Nhưng chính những nhà lãnh đạo doanh nghiệp mới lại là chìa khóa quyết định sự thành bại của doanh nghiệp đó. Vậy nên, sự giàu mạnh của một quốc gia - dựa trên bình quân đầu người của tổng sản phẩm quốc nội - phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của những nhà kinh doanh và quản lý các doanh nghiệp hiện thời.

Khi mà Hoa Kỳ nổi tiếng bởi những nhà kinh doanh với tư duy sáng tạo cùng sự cách tân trong quản lý, những nhà doanh nghiệp Nhật Bản lại được tôn trọng vì tính kỷ luật và đạo đức trong nghề nghiệp. Trong khi các nhà doanh nghiệp Đức thường đạt được những giải thưởng cho trình độ kỹ thuật chính xác cao và khả năng quản lý khuôn khổ của họ, thì người Pháp và Ý lại được yêu thích vì những sáng tạo mang đậm tính nghệ thuật và đầy sự duyên dáng. Các doanh nhân Ấn Độ giỏi tính toán, chú trọng tiểu tiết và rất bền bỉ khi đàm phán thương vụ, còn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc lại thông minh, kiên nhẫn và sở hữu các mạng lưới quan hệ tuyệt vời. Chính những nhà doanh nghiệp này đã giúp tạo ra sự tăng trưởng GDP một cách bền vững và trong quá trình đó, thúc đẩy nền kinh tế của đất nước họ dẫn đầu.

Với việc các chương trình đào tạo Thạc sĩ quản trị kinh doanh được toàn cầu hóa, cùng các nền kinh tế trên thế giới tương tác lẫn nhau, những điểm khác biệt trong phong cách kinh doanh và thực hành kinh doanh giữa các quốc gia khác nhau có xu hướng biến mất. Ngày nay, các nhà quản lý thường linh hoạt, có khả năng giao thoa văn hóa và am hiểu nhất định về thế giới. Mặt khác, các nhà doanh nghiệp trong nước lại có xu hướng giữ lại được tính chất, truyền thống và đẳng cấp riêng của mình.

Trong suốt 50 năm qua, cá nhân tôi nhận thấy một sự khôn ngoan được tích lũy lâu đời đã có xu hướng được tái khẳng định nhiều lần: một quốc gia có trở nên giàu có hay không đa phần sẽ tỉ lệ thuận với tài năng và kinh nghiệm của chính những nhà doanh nghiệp của quốc gia ấy. Tôi đã chứng kiến nhiều nền kinh tế trỗi dậy theo sự thay đổi vai trò lãnh đạo của các doanh nghiệp. Như nền kinh tế Hoa Kỳ đã đạt được bước tiến lớn trong những năm 1990 với sự xuất hiện của các nhà kinh doanh số. Hay sau chế độ độc tài năm 1980, các nhà doanh nghiệp trẻ tiếp quản những công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc, gần như thay đổi mãi mãi nền kinh tế nước nhà. Hoặc các nhà doanh nghiệp Đông  u giờ đây hoàn toàn khác với những vị quan chức bảo thủ thời trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1989. Họ xoay chuyển vận may của Ba Lan, Cộng hòa Séc và thậm chí cả Nga bằng tầm nhìn mới mẻ cùng các dự án kinh doanh đầy mạo hiểm của mình.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sự khác biệt giữa những thế hệ các doanh nhân chắc chắn sẽ thay đổi bộ mặt nền kinh tế đất nước trong những năm sắp tới.

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, không còn nhiều nhà doanh nghiệp tư nhân còn tồn tại ở Việt Nam. Dưới nền kinh tế chỉ huy và tập trung, tất cả các doanh nghiệp đều thuộc sở hữu của Nhà nước và tất cả các nhà doanh nghiệp ở miền Nam trước đây đều trở thành công chức hoặc thất nghiệp. Những chiến sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam sau chiến thắng trở thành các quan chức hàng đầu, nắm quyền quản lý tất cả các tài sản kinh tế Việt Nam. Nhưng với sự thiếu hụt kỹ năng quản lý và óc tài chính, những quyết định cho nền kinh tế nước nhà của họ đều rất ngẫu hứng, đa phần dựa trên bản năng sinh tồn được hình thành trong thời chiến, góp phần khiến Việt Nam đã từng là một trong những đất nước nghèo nhất châu Á trong 25 năm sau Thống nhất Đất nước.

Sau đó, những nhà doanh nghiệp thế hệ thứ hai nổi lên vào năm 2000. Với chính sách “mở cửa” tương tự Trung Quốc, Việt Nam đi theo người láng giềng dấn thân vào thị trường toàn cầu, nền kinh tế và GDP bắt đầu được cải thiện, đặc biệt sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2005. Chính sách Đổi Mới cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp nhỏ lẻ, trong khi các công ty độc quyền quy mô lớn và có lợi nhuận vẫn nằm trong tay nhà nước. Tuy nhiên, số lượng các nhà doanh nghiệp tư nhân mới này đã tăng lên hàng trăm ngàn chỉ trong vòng một vài năm. Mặc cho họ không có bất kỳ nền tảng giáo dục hoặc kinh nghiệm nào trong thực tiễn quản lý hoặc kỹ thuật khoa học để vận hành các doanh nghiệp phức tạp, nhưng họ lại học tập không ngừng nghỉ và dám chấp nhận những rủi ro lớn.

Khi mà quan chức vẫn còn nhiều ảnh hưởng sâu sắc lên các quyết định về nền kinh tế, cùng với các quy định nặng nề và nghiêm ngặt hiện thời, các nhà doanh nhân thế hệ mới hầu như luôn đứng trên bờ vực. Sự can thiệp quá mức và có phần tùy tiện ấy của chính phủ diễn ra khá thường xuyên. Gần đây tôi đã nói chuyện với một vài nhà doanh nghiệp thành công, họ kể lại những trải nghiệm sống động về những hoàn cảnh ngặt nghèo như là những câu chuyện thời chiến ngày xưa. Tuy nhiên, họ được trang bị một loạt các công cụ sinh tồn, bởi rằng họ được sinh ra và lớn lên dưới những điều khó khăn như vậy. Họ phát triển những mối quan hệ cực kỳ có giá trị với những cá nhân quyền lực và sở hữu nghệ thuật xoay chuyển tình thế sau những cánh cửa đóng kín một cách điêu luyện.    

Và để đổi lại, những nhà doanh nghiệp này có được đất đai, quyền khai thác khoáng sản và rừng giá rẻ. Họ mua những tòa nhà và tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước (nhà máy, thiết bị, thương hiệu, độc quyền thị trường…) với mức giá thấp. Họ cũng được hưởng chi phí hoạt động không đáng kể nhờ nguồn nhân lực và số vốn (từ các ngân hàng quốc doanh) khá dồi dào. Nhiều người trong số họ đã xây dựng đế chế của riêng mình dựa vào vận may trong một môi trường tương tự như “Miền Tây hoang dã” này; trong khi một số khác kém may mắn hơn đã bị bỏ tù vì trở nên quá tham lam. Thế hệ thứ hai này chính là thế hệ mà ở đó các nhà doanh nghiệp thống trị nhiều lĩnh vực tư nhân, bận rộn trong công cuộc củng cố vị trí của mình bằng các mối quan hệ chính trị. Tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vòng mười năm tới, hoặc sớm nhất cũng là đến năm 2020.

Trong khi đó, các lĩnh vực do Nhà nước làm chủ vẫn sở hữu 76% tài sản kinh tế của Việt Nam trong khi chỉ đóng góp 34% GDP cả nước. Các nhà quản lý hiện thời của cơ ngơi này đa phần là con cháu của các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ trước, những người khả năng cao đã trải qua sự đào tạo ở Đông  u, đặc biệt là Nga. Mặc dù thế hệ thứ hai này thể hiện năng lực và sự linh hoạt hơn các nhà lãnh đạo cũ; nhưng họ vẫn giữ thói quen ra quyết định dựa trên lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung của toàn thể doanh nghiệp. Những nhà quản lý này ít khả năng chuyển dời quyền lực trong tương lai 10 năm tới, như Chính phủ và Đảng ta đã nhiều lần khẳng định trong các tuyên ngôn rằng doanh nghiệp Nhà nước vẫn là nền tảng xây dựng kinh tế nước nhà trong tương lai.

Chỉ sau năm 2020, tôi mới kỳ vọng rằng lứa doanh nhân thứ ba sẽ ra đời và tạo dấu ấn trong việc định hình nền kinh tế Việt Nam.  Những doanh nhân này là con trai và con gái của những người giàu mới nổi cũng như con cái của tầng lớp trung lưu chăm chỉ đã tìm cách ra nước ngoài để học tập và đào tạo. Họ nhiều khả năng được học tại các trường đại học phương Tây ở Mỹ, Châu  u, Nhật Bản hoặc Úc. Họ sẽ bắt đầu ứng dụng phong cách quản lý doanh nghiệp mới mẻ, phù hợp hơn với xu hướng toàn cầu và thực tiễn thế giới. Họ sẽ kinh doanh theo tiêu chuẩn thông thường, cạnh tranh trong môi trường thị trường dưới khuôn khổ pháp lý vững chắc. Khi đó, để đảm bảo sự tồn tại và tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ cũng sẽ buộc phải đưa ra những chính sách và quy định có sự thay đổi mạnh mẽ. Những chính sách và quy định mà chúng ta có thể gọi là: “Đổi mới” phần II.

Với giai đoạn này, sau khi thoát khỏi sự kìm kẹp mạnh mẽ, Việt Nam mới có thể tái gia nhập nền kinh tế và tài chính toàn cầu, đánh dấu sự bắt đầu mới, như cách Hàn Quốc bắt đầu năm 1980 hay Thái Lan bắt đầu năm 1997, 

Mặc dù vậy, ta phải nhận ra rằng hiện trạng kinh tế của một quốc gia không liên quan nhiều đến nỗ lực tạo ra lợi nhuận của một cá nhân. Luôn có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư hiểu biết kiếm lợi nhuận trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi đã chứng kiến ​​một người bạn thu về hơn 70 triệu chỉ trong một cuộc giao dịch ở một đất nước nghèo khó như Guinea. Nhưng kể cả vậy, thì tầng lớp dân cư trung lưu của bất kỳ quốc gia nào cũng luôn mong đợi họ có thể làm giàu nhanh chóng dựa vào đà phát triển của nền kinh tế sở tại. Do đó, họ sẽ bồn chồn và xen lẫn thất vọng khi chờ đợi đất nước chậm rãi đổi thay. Giả định cá nhân của tôi cho rằng sự giàu có của một quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh của các doanh nghiệp tư nhân để duy trì tăng trưởng và phát triển. Nếu tôi đúng, những động lực đưa Việt Nam trở thành một trong những con rồng châu Á sẽ không thể xảy ra trước năm 2030, mười năm sau khi thế hệ doanh nhân thứ ba nắm quyền lãnh đạo.

Với tầng lớp trung lưu, đó chắc hẳn sẽ là một sự chờ đợi lâu dài.

Link bài viết gốc: https://gocnhinalan.wordpress.com/2011/08/04/waiting-for-the-future/

___________________________________________

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Đinh Nguyễn Nhã Thanh
Lâm Trọng Kha
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Đinh Thị Nho

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Trần Thảo Trang