Tên gốc tiếng Anh: HOW SAFE IS IT TO “STAND ON THE SHOULDERS OF GIANTS”?

●    Sự tiến bộ có được là dựa trên những ý tưởng của những người tiền nhân. Nếu chúng ta không biết “đứng trên vai những kẻ khổng lồ” như Newton đã từng nói, thì chúng ta sẽ không bao giờ vươn đến những đỉnh cao hơn.
●    Tiến lên phía trước dựa trên việc giả định rằng một số điều là đúng. Vậy lúc nào thì một điều giả định trở nên phi lý về mặt nhận thức luận?
●    Cõ lẽ, như triết gia Michael Huemer đã nói, có lẽ nhiều lúc chúng ta nên tin vào lời người khác nói hơn là tin vào khả năng lập luận của mình. 

Khi mở một quyển sách ra là chúng ta đang mở ra thế giới của quá khứ. Khi đọc sách, chúng ta đang thâm nhập vào tâm trí của một ai đó đã tồn tại từ rất lâu trước đây, và thường là họ đã mất. Chữ viết cho phép kiến thức được truyền qua nhiều thế hệ. Khi tôi đọc về vật lý trong sách, tôi đang nạp hàng thế kỷ những kiến thức, thí nghiệm và sự thiên tài vào trong sự hiểu biết của mình. Còn khi đọc về triết học, tôi như đang được trải những bước chân của mình trên con đường của một con người khôn ngoan và thông thái, và chính họ cũng đã từng đặt ra câu hỏi mà tôi từng thắc mắc. Những quyển sách đã tạo điều kiện cho sự tiến bộ. Chúng chính là “những trò chơi” được lịch sử “lưu lại” hòng giúp thế hệ sau có thể tiếp nhận và phát triển chúng

Tuy nhiên, về mặt triết học thì câu hỏi đặt ra là chúng ta nên thách thức những ý tưởng đã được tiếp nhận nhiều đến mức nào?

BỜ VAI CỦA NHỮNG NGƯỜI KHỔNG LỒ

Mặc dù không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách nói này, nhưng Issac Newton đã diễn đạt nó qua tài năng xuất chúng của ông rằng, “Nếu tôi đã có khả năng nhìn xa trông rộng được nhiều hơn [những người khác] thì là bởi tôi đang đứng trên vai của những người khổng lồ.” Quan điểm của ông đó là mỗi khám phá về công nghệ, khoa học hay y học chỉ là một viên gạch mới nhất được đính lên trên một tòa lâu đài to lớn. Những học giả và nhà phát minh ngày nay chính là đang tác động lực đẩy trên một quả bóng khi chính nó đang chuyển động. Điều này, dĩ nhiên là có lý. Vì nếu chúng ta phải khám phá lại và phải đi chứng thực lại mọi sự thật đã từng được tìm ra, chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thêm được gì mới. Hướng về tương lai chính là dựa trên việc chúng ta phải chấp nhận một điều gì đó là đúng đắn

Vậy thì khi nào một điều giả định trở nên phi lý về mặt nhận thức? Khi nào thì chúng ta không còn đơn thuần là chỉ đứng trên vai của những người khổng lồ, mà chúng ta còn soi xét xem họ đã làm gì? Hầu như tất cả mọi người – cả học giả và người dân – chúng ta có xu hướng chấp nhận một kiểu nhận thức giả tạo nào đó. Về cơ bản thì điều này có nghĩa là chúng ta đề ra những lý thuyết hay giả thuyết bằng thực nghiệm, quy nạp và cả quan sát, và chúng ta sẽ chấp nhận chúng là đúng miễn là chúng chưa bị chứng minh ngược lại. Khi đó, lượng kiến thức cuối cùng chỉ đơn giản là một loạt các ý tưởng sót lại. Vì vậy, cho đến khi những thế hệ khoa học trước đây (những người khổng lồ) bị chứng minh là đã sai, thì chúng ta có quyền tin tưởng vào họ. Hoặc nếu không có một cơ sở nào khiến ta thắc mắc về nó, thì hãy chấp nhận nó

NỀN TẢNG TỪ XÃ HỘI CỦA KIẾN THỨC

Nếu bạn chịu ngẫm nghĩ một lúc về bộ bách khoa chứa lượng tri thức khổng lồ trong đầu mình, bạn sẽ thấy rằng phần lớn những thứ trong đó hoàn toàn dựa trên niềm tin. Đó là niềm tin vào một ai đó – cả trong lịch sử và nơi nào đó xa xôi cũng như những người gần đây bạn tiếp xúc và ngay bên cạnh bạn. Bạn chưa bao giờ kiểm tra tính thực tế trong mớ kiến thức mà bạn biết. Không có nhiều người đang đọc câu trên của tôi mà đã từng nhìn qua hình thù của một nguyên tử là như thế nào, nhưng bạn vẫn luôn tin rằng chúng thật sự tồn tại. Bạn cũng chưa bao giờ gặp Montezuma, nhưng bạn vẫn tin rằng ông ta đã từng tồn tại trên cõi đời này. Bạn đã chưa bao giờ chứng kiến phần tối tăm của mặt trăng.

Mỗi chúng ta, trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống, đều dựa theo những hiểu biết của người khác. Chỉ có cách duy nhất để vượt qua là chúng ta phải chấp nhận rằng ta có thể tiếp thu kiến thức của người khác đơn thuần là dựa trên trọng lượng của lời nói từ đối phương. Triết gia người Mỹ Robert Audi đã gọi điều này là “nền tảng xã hội của kiến thức” – nơi đó, kiến thức của tôi phụ thuộc vào kiến thức của bạn. Quan điểm của Audi là chúng ta cần chấp nhận rằng những kiến thức này là điều “cơ bản”, giống như cách mà chúng ta thực hiện các phản xạ giác quan của mình. Tuy nhiên, khi mà những ấn tượng về giác quan hay những kinh nghiệm cá nhân là một dạng kiến thức “được tạo ra” thì kiến thức chứng thực lại là một thứ mang tính chất truyền bá. Chúng ta chuyền nó đi xung quanh như một quả bóng hay một dòng điện. Tóm lại đối với Audi, chúng ta phải thừa nhận rằng một lượng kiến thức có thể được truyền từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, và từ thế hệ này sang thế hệ khác (tuy nhiên không hoàn toàn hiệu quả như đã được đề cập trong bộ phim The Matrix).

KỸ NĂNG TƯ DUY KHI PHÊ PHÁN

Năm 2005, triết gia Michael Huemer đã đề xướng quan điểm này nhằm gợi ý cho chúng ta một ý tưởng thú vị rằng: đôi khi chúng ta không nên dùng đến những kỹ năng về “tư duy phản biện” của mình.

Giả sử một người không phải chuyên gia đưa ra quan điểm của họ về một vấn đề nào đó đang tranh cãi. Huemer nói rằng họ về cơ bản có sẵn 3 cách sau đây:

  1. Uy tín: thu thập ý kiến của một số chuyên gia và chấp nhận niềm tin của hầu hết bọn họ
  2. Hoài nghi: khi bạn không đưa ra được ý kiến nào nhưng bạn giữ lại phán đoán của mình cho đến khi vấn đề trở nên rõ ràng hơn
  3. Tư duy phản biện: bạn thu thập những lập luận và bằng chứng về vấn đề đó, từ mọi phía, và có đánh giá về chúng.

Huemer hỏi chúng tôi: Cách nào trên đây đáng tin cậy và hiệu quả nhất?

Ông ấy chọn cách 1 và 2.

Nếu bạn chọn cách số 3, khả năng tư duy phản biện của mình, thì sẽ có 2 kết quả. Hoặc là bạn thấy đồng thuận chuyên gia là đúng, trong trường hợp đó bạn có thể đã tiết kiệm được vài năm nghiên cứu học tập và đằng nào bạn cũng theo “niềm tin” đó. Hoặc trường hợp còn lại bạn nhận thấy đại đa số các chuyên gia đều sai. Tuy nhiên như Huemer viết, “Trong trường hợp này, điều có hợp lý ở đây là các chuyên gia vẫn sẽ đúng … bất kỳ chuyên gia nào cũng sẽ ít có khả năng sai hơn bạn, thậm chí rõ ràng hơn nữa là hội các chuyên gia nói chung sẽ có nhiều khả năng đúng hơn.” Điều này có nghĩa là mặc dù dành hai giờ đồng hồ trên Reddit hoặc đọc một chủ đề nào đó lớn trên Twitter, bạn vẫn chẳng thể trở thành một thiên tài đi tiên phong để thay đổi gì đó.

Huemer so sánh điều này với một bệnh nhân đi khám bác sĩ. Khi bạn gặp bác sĩ của mình, bạn chịu nghe theo lời bác sĩ nói, không phải là không có nghi ngờ, nhưng có sự tin tưởng. Điều mà bạn không làm là bỏ 10 năm ra nghiên cứu về y khoa để rồi thử bác bỏ đơn thuốc kháng sinh mà bác sĩ đã kê cho bạn. Tương tự như vậy, “tư duy phản biện, trong [một số] trường hợp, có thể trở nên mất khôn ngoan như việc ta tự chẩn bệnh cho chính mình. 
Vì vậy, có những lúc ta nên dựa vào niềm tin hay sự nghi ngờ. Tư duy phản biện nhiều khi trở nên quá nhiều, quá khó hay quá phi thực tế trong một số tình huống. Chúng ta cần dựa theo ý kiến của các chuyên gia. Hầu như mọi lúc trong đời của chúng ta, chúng ta cần người khác làm một việc cho mình và để họ nói chúng ta biết về sự đúng đắn của việc đó. Nói tóm tại, chúng ta cần phải tin tưởng vào những người khổng lồ dưới chân rằng họ mạnh mẽ và chân chính. 

Link bài viết gốc: https://bigthink.com/thinking/shoulders-of-qiants/

___________________________________________

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Đinh Nguyễn Nhã Thanh
Lâm Trọng Kha
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Đinh Thị Nho

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Nguyễn Phương