Tên bài viết gốc: SAILBOAT METAPHOR

Phép ẩn dụ Thuyền buồm

Rất có thể bạn đã quen thuộc với hệ thống phân cấp nhu cầu của Abraham Maslow, một mô hình kim tự tháp với nhu cầu thể hiện bản thân nằm ở đỉnh. Bạn có thể đã học về nó trong khóa học Tâm lý học Đại Cương ở trường đại học hoặc đã thấy nó được sơ đồ hóa trên Facebook. Như thường được trình bày, hệ thống phân cấp chỉ ra rằng con người được thúc đẩy bởi các mức nhu cầu ngày càng “cao hơn”. Các nhu cầu cơ bản - sức khỏe thể chất, sự an toàn, quyền được trực thuộc và sự kính trọng - phải được đáp ứng ở một mức độ nhất định nếu muốn hoàn toàn thể hiện bản thân, hay trở thành bất cứ thứ gì mà ta có thể.

Hình dạng tháp quen thuộc ấy gợi ý rằng một khi chúng ta hoàn thành mỗi bậc, chúng ta sẽ giải quyết xong nhu cầu đó mãi mãi. Như thể cuộc sống là một trò chơi điện tử, và sau khi hoàn thành mỗi cấp độ, chúng ta sẽ mở khóa cấp độ tiếp theo mà không cần nhìn lại. Đó là một khái niệm hấp dẫn. Nhưng đó cũng là một sự xuyên tạc thô bạo về ý nghĩa nhân văn mà Maslow đem lại.

Trên thực tế, Maslow chưa bao giờ thực sự tạo ra một kim tự tháp để biểu thị các thứ bậc nhu cầu. Maslow nhấn mạnh rằng chúng ta luôn ở trong trạng thái đang trưởng thành và “cốt lõi bên trong” của một người đơn thuần chỉ bao gồm “tiềm năng, không phải những sự thể hiện cuối cùng” mà chúng “yếu ớt, mờ nhạt và mong manh, rất dễ bị át đi bởi sự học tập, bởi kỳ vọng văn hóa, bởi sợ hãi, bởi sự từ chối, v.v.,” và tất cả đều có thể dễ dàng bị lãng quên, bị sao nhãng, không được sử dụng, bị bỏ qua, không được nói ra hay bị ức chế. Maslow đã nói rõ rằng sự trưởng thành của con người là một quá trình liên tục và sự tăng trưởng đó “không phải là một hiện tượng đột ngột, bất ngờ” mà thường là tiến hai bước và lùi một bước.

Một phép ẩn dụ mới

Kim tự tháp từ những năm 1960 đã kể một câu chuyện mà Maslow không hề nhắc đến: câu chuyện về thành tích, về việc làm chủ từng cấp độ cho đến khi bạn “chiến thắng” trò chơi cuộc đời. Nhưng đó chắc chắn không phải là tinh thần thể hiện bản thân mà các nhà tâm lý học nhân văn như Maslow nhấn mạnh. Điều kiện tạo nên con người không phải là một cuộc tranh đua; đó phải là sự trải nghiệm.

Cuộc sống không phải là một chuyến leo núi. Nó giống như một đại dương rộng lớn hơn với những cơ hội mới đầy ý nghĩa đang chờ khám phá, nhưng cũng chứa đựng nguy hiểm và sự bất trắc. Trong cuộc lướt sóng hỗn loạn này, một kim tự tháp ít được sử dụng. Thứ chúng ta thực sự cần là thứ gì đó linh hoạt và thiết thực hơn: một chiếc thuyền buồm.

Minh hoạ bởi Andy Ogden

Nếu một con thuyền xuất hiện những lỗ thủng, nó sẽ chẳng thể xuất bến. Tất cả năng lượng và sự tập trung của bạn đều hướng vào việc giữ cho con thuyền toàn vẹn và không có lỗ thủng. Nhu cầu của con người được chứa đựng trong phần thân của con thuyền, chúng là sự chắc chắn, sự kết nối, lòng tự trọng - đó là nhu cầu về sự an toàn, chúng sẽ phối hợp với nhau khiến mọi thứ hoạt động ngày càng ổn định hơn.

Có quá nhiều người bị sa lầy bởi sự bất an trong suốt cuộc đời của họ, và kết quả là họ đã bỏ lỡ rất nhiều vẻ đẹp và sự tốt lành tồn tại trên thế giới. Nhưng con người thật sự rất kiên cường. Ngay cả trong những điều kiện bất lợi, chúng ta vẫn tìm thấy động lực tiềm ẩn: cánh buồm.

Sự phát triển là trung tâm của việc thể hiện bản thân - hay như Maslow đã mô tả nó trong các tác phẩm sau này của ông, là trải nghiệm siêu việt về việc trở thành “con người hoàn toàn”. Cuối cùng thì, để phát triển, chúng ta vẫn cần mở rộng cánh buồm của mình và trở nên nhạy cảm trước những sóng gió không thể tránh khỏi của cuộc đời. Ngay cả khi ở những vùng biển xa lạ, chúng ta vẫn có thể đi về hướng có giá trị nhất.

Phát triển là liên tục, ngày này qua ngày khác, hướng tới những gì tốt nhất mà nhân loại có thể đạt được. Sự phát triển là một con đường, không phải là đích đến. Và đó là phép ẩn dụ cho sự xuất hiện của cánh buồm: sự khám phá, tình yêu và mục tiêu.

Khám phá là động lực của mọi sự phát triển, được xác định bởi mong muốn được tìm kiếm và hiểu biết ý nghĩa của các sự kiện mới lạ, đầy thách thức và bất ổn. Trong khi sự an toàn chủ yếu liên quan đến phòng thủ và che chở, sự khám phá được thúc đẩy bởi sự tò mò, cởi mở, mở rộng, hiểu biết và tạo ra các cơ hội mới để trưởng thành và phát triển. Những nhu cầu khác nằm trong cánh buồm - tình yêu và mục đích - được xây dựng dựa trên nhu cầu cơ bản để đạt được mức độ hòa hợp cao hơn trong chính bản thân mỗi người và đóng góp điều gì đó có ý nghĩa cho thế giới.

Hãy lưu ý rằng, nhu cầu về tình yêu là một phần của sự phát triển, khác với nhu cầu kết nối, là một phần của Sự an toàn. Ở cấp độ cao hơn của tình yêu, chúng ta có thể dành tình cảm cho những người mà chúng ta thậm chí không cảm thấy có mối liên hệ thân thiết nào với họ, và có thể quan tâm đến những người mà chúng ta có thể chưa từng gặp mặt.

So với kim tự tháp, một chiếc thuyền buồm đầy năng động sẽ là một phép ẩn dụ tốt hơn về cuộc đời. Bởi vì điều quan trọng không phải là bạn đạt được cấp bậc nào, mà là sự hoà hợp một cách hài hoà trong cơ thể của bạn và cách nó tương tác với thế giới bên ngoài. Bạn là một chủ thể hoàn chỉnh vận động trong thế giới này, và một phần của việc trở thành một con người toàn diện đó là cần sự kết hợp về nhu cầu bảo vệ và phát triển ở mức độ cao hơn.

Thỉnh thoảng, khi chúng ta thực sự bắt gặp gió – khi chúng ta không bận tâm đến những nhu cầu cơ bản của mình và chúng ta đang di chuyển có định hướng với tinh thần khám phá, tình yêu và mục đích – chúng ta có thể trải nghiệm sự siêu việt. Sự siêu việt vượt ra ngoài sự phát triển của cá nhân và cho phép đạt được sự thống nhất và hài hòa trong bản thân và cả với thế giới ở mức cao nhất. Sự siêu việt, dựa trên nền tảng vững chắc của sự an toàn và sự phát triển, cho phép chúng ta đạt được trí tuệ và cảm giác liên kết cùng hiệp lực với phần còn lại của nhân loại.

Trạng thái siêu việt của con người là những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, sự siêu việt lành mạnh không thể được tìm kiếm trực tiếp; đó là một hiện tượng mới xuất hiện do sự hòa hợp một cách hài hòa của toàn bộ bản thân của một người để phục vụ cho việc xây dựng một xã hội tốt đẹp. Sự siêu việt xuất hiện trong quá trình rèn luyện bản thân và tăng cường sự cộng hưởng của bạn với thế giới. Thứ gì giúp ích cho bạn thì cũng giúp ích cho xã hội.

Chúng ta khao khát được thuộc về, hiểu biết, an toàn và khám phá. Theo quan điểm của Maslow, đây là ý nghĩa của việc làm người. Hãy hình dung về phép ẩn dụ thuyền buồm như thế này, khi mỗi người chúng ta đều đang đi trên con đường của riêng mình và một con sóng có thể ập xuống tất cả các con thuyền cùng một lúc, bỗng chúng ta nhận ra rằng, thật ra chúng ta đều đang lênh đênh trên một vùng biển mênh mông vô danh. Cùng với nhau.

Để biết thêm thông tin, hãy xem Transcend: The New Science of Self-Actualization

Nguồn bài viết gốc: https://scottbarrykaufman.com/sailboat-metaphor/?fbclid=IwAR1KzKxqOSSXDkKAlSGWvEKoeAWrvtWMGeDIQ-gFLFpCamw1UkgbfqfiGoY

_______________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Phan Thị Lan Anh
Nguyễn Phú Đức
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Trọng Khương
Nguyễn Thị Diệu Linh
Phạm Thị Thanh Nguyên

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Quang Huy