CÂU HỎI: Tôi 34 tuổi, có một công việc tốt và một gia đình tốt; tôi cưới một người đàn ông tuyệt vời. Tuy nhiên, tôi lại thường xuyên cảm thấy lo lắng và tôi không biết là mình muốn gì trong cuộc sống. Tôi cảm thấy rất tự ti và tôi dễ dàng trở nên phòng thủ. Hiếm khi nào tôi cảm thấy hài lòng và biết ơn. Những suy nghĩ của tôi rất tiêu cực. Tôi cần sự chấp nhận từ người khác.
ECKHART TOLLE: Có vẻ như đây không phải là một câu hỏi, nhưng thật ra là có một câu hỏi ẩn giấu trong đó. Đầu tiên, tôi muốn chúc mừng người đặt câu hỏi này bởi cô ấy có sự tự nhận thức để nhận ra mình đang cảm thấy lo lắng. Không phải ai đang lo lắng cũng biết rằng mình đang lo lắng. Nỗi lo lắng chiếm lấy họ, và trở thành trạng thái bình thường của họ. Nếu bạn hỏi họ: “Bạn có đang lo lắng không?” họ sẽ nói: “Không, tôi không lo lắng.”
Câu “Tôi không biết là mình muốn gì trong cuộc sống” có vẻ là sự bắt đầu của nơi không-biết, và đây là một điều tốt. “Tôi cảm thấy rất tự ti” chỉ ra bạn cũng đang nhận ra sự tự ti của mình. “Tôi dễ dàng trở nên phòng thủ”, một lần nữa, chỉ ra rằng bạn biết rằng mình có xu hướng phòng thủ; nhưng câu hỏi là trong khoảnh khắc mà bạn đang trở nên phòng thủ, bạn có biết rằng mình đang phòng thủ hay không, hay bạn chỉ nhận ra điều đó sau đó? “Hiếm khi nào tôi cảm thấy hài lòng và biết ơn”, cũng là một sự tự quan sát tốt. “Những suy nghĩ của tôi rất tiêu cực” cũng là một sự tự nhận thức tốt khác. Bạn có thể hỏi, trong ngay lúc này, có những suy nghĩ nào đang diễn ra trong tâm trí của mình không?
Nếu trong bạn có sự nhận thức này vào giây phút mà những thứ bạn nêu trên đang diễn ra – sự phòng thủ, sự tự ti, nỗi lo lắng – bạn sẽ nhận ra có những suy nghĩ nhất định cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn, có những tiếng nói trong đầu bạn nói rằng bạn không xứng đáng, và điều đó dẫn đến sự tự ti. Có thể có những cảm xúc nào đó đi cùng với những suy nghĩ ấy, nhưng:
Người đặt câu hỏi biết rằng cô ấy cảm thấy tự ti, và nếu cô ấy có thể nhận ra những suy nghĩ trong khoảnh khắc mà cảm giác tự ti đang nổi lên, cô ấy có thể nhận ra những suy nghĩ bị điều kiện hóa, lặp đi lặp lại này không nhất thiết là sự thật. Sự tự ti có thể xuất phát từ tuổi thơ của cô ấy – nó thường diễn ra ở những người mà bố mẹ họ hay chỉ trích họ hoặc nói với họ rằng họ chẳng bao giờ đủ giỏi. Có thể việc này bắt đầu từ đó, và nó hình thành nên một cách suy nghĩ bị điều kiện hóa.
Sự tự nhận thức đã có sẵn bên trong bạn cần phải ở đó khi mà những suy nghĩ ấy nổi lên – để bạn có thể nhận ra chúng chỉ là những suy nghĩ – và rồi bạn sẽ không còn hoàn toàn bị mắc kẹt trong điều mà những suy nghĩ ấy nói nữa. Nói cách khác, cảm nhận về bản thân bạn không còn nằm trong suy nghĩ; mà là trong sự nhận thức đang nhận ra những suy nghĩ ấy. Nó cũng giống như phép ẩn dụ, sự rộng lớn của bầu trời là sự nhận thức của bạn, và những suy nghĩ là những đám mây trôi trong bầu trời ấy.
Bạn là sự nhận thức ở đằng sau những suy nghĩ ấy. Hãy áp dụng điều này với bất kỳ loại suy nghĩ tiêu cực nào – nó nổi lên, và một cách tự động, bạn nhận ra rằng đó là một suy nghĩ. Bạn là sự nhận thức đang nhận ra rằng sự tự ti này thực chất là một khuôn mẫu suy nghĩ tiêu cực. Bằng cách này, bạn sẽ không tiếp thêm nhiên liệu cho những suy nghĩ bị điều kiện hóa nữa, do đó mà cảm nhận về con người của bạn sẽ không còn nằm trong suy nghĩ và những khuôn mẫu cũ sẽ không còn được làm mới.
Nếu sự nhận thức của bạn phát triển, hay nói cách khác là trở nên sâu sắc hơn, bởi vì nó đã có bên trong bạn ở một mức độ nào đó rồi, thì những khuôn mẫu bị điều kiện hóa sẽ tan biến và được chuyển hóa.
Một điểm khác được đề cập trong câu hỏi: “Tôi dễ dàng trở nên phòng thủ”. Sự phòng thủ diễn ra rất nhanh trong những tương tác của con người; đó là một khuôn mẫu tự động. Bạn có thể chỉ nhận ra sự phòng thủ sau đó, và nói rằng “Mình lại trở nên phòng thủ nữa rồi.” Thực ra, sự phòng thủ chính là việc cái tôi đang bảo vệ chính nó (cái tôi chính là cảm nhận về con người bạn nhưng do tâm trí bạn tạo ra). Cái tôi muốn bảo vệ chính nó, do đó mà nó thêu dệt nên những suy nghĩ không đúng sự thật và trở nên phòng thủ.
Trong cuốn sách A Course in Miracles có một câu nói rất hay rằng: “Bất kỳ khi nào bạn trở nên phòng thủ vì bất kỳ điều gì, hãy biết rằng bạn đang đồng hóa mình với một sự ảo tưởng.” Điều đó thật thú vị. Ví dụ, bạn nói rằng khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng là khoảng 350.000 km, và ánh sáng thì chỉ mất một giây để đi từ Mặt Trăng đến Trái Đất. Và rồi một người nào đó khác nói: “Không, điều bạn nói sai hoàn toàn. Thực ra là mất đến một phút.” Đây chỉ là một sự khác biệt trong quan điểm, và bạn biết người kia không đúng. Nếu bạn nói: “Không, điều đó không đúng.”, thì đó có phải là sự phòng thủ không? Nó phụ thuộc vào cái cách mà bạn nói điều ấy như thế nào. Câu hỏi là, liệu bạn có đang đồng hóa mình với tâm trí? Suy nghĩ trong tâm trí bạn có vẻ là đúng và người kia là sai, nhưng bạn có đang đồng hóa mình với suy nghĩ ấy? Hay nói cách khác là cảm nhận về bản thân bạn có đang đến từ suy nghĩ? Nếu bạn đồng hóa mình với suy nghĩ của mình, bạn sẽ dễ dàng trở nên tức giận và phòng thủ với người kia; đối với bạn thì người ấy hoàn toàn sai và bạn có thể nói những điều như: “Bạn lúc nào cũng nghi ngờ tôi.” Đó chính là việc cái tôi đang bảo vệ chính mình.
Điều mà A Course in Miracles nói là đúng bởi vì thực sự thì bạn đang đồng hóa mình với một sự ảo tưởng. Ảo tưởng ở đây không phải là việc ánh sáng đi từ Mặt Trăng đến Trái Đất mất bao lâu, mà là việc bạn đang đồng hóa mình với suy nghĩ – một khuôn mẫu của tâm trí – và do đó mà bạn đang củng cố cho một sự cảm nhận ảo tưởng về con người của mình – và đó được gọi là trạng thái vô thức. Điều này cho thấy tại sao mà một sự khác biệt nhỏ trong quan điểm có thể dẫn đến một mâu thuẫn lớn, bởi vì cái tôi đang trở nên phòng thủ. Do đó mà sự tỉnh táo và nhận biết là cần có từ phía bạn, để bạn có thể nhận ra cái tôi của mình.
Tóm lại, chìa khóa ở đây chính là sự nhận thức của bạn. Khi sự nhận thức này trở nên sâu sắc hơn, tất cả những khuôn mẫu mà bạn nêu trên sẽ dần trở nên suy yếu. Và thực ra thì trong bạn đã có một sự nhận thức lớn nhất định. Sự nhận thức không phải là một con người cá nhân, nó sâu sắc hơn một con người cá nhân. Bạn hãy áp dụng sự nhận thức này vào thời điểm mà những thứ trên xuất hiện. Bạn không cần hỏi: “Liệu có bao giờ trong tương lai tôi có thể sẽ trở thành một con người không tiêu cực không? Liệu có bao giờ trong tương lai tôi có thể hoàn toàn thoát ra khỏi những khuôn mẫu này không?” Những điều ấy không quan trọng, phút giây này mới là quan trọng. Do đó mà bạn chỉ cần áp dụng sự nhận thức vào giây phút này mà thôi. Phút giây này chính là nơi mà bạn cần áp dụng sự hiện hữu của mình. Do đó mà thỉnh thoảng tôi nói rằng: “Lưỡi kiếm của sự hiện hữu sẽ cắt đứt thời gian.”
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo