Nếu cuộc đời chúng ta không có mục đích cuối cùng, chúng ta sẽ sống ra sao? 

 

 

Sau khi chúng ta chết đi, sẽ không còn trải nghiệm ý nghĩa nào nữa, không có kiếp sau, thậm chí không có cả giấc ngủ an yên dưới cái cúi mình kính cẩn của con cháu, vậy phải làm sao? 

 

Giả sử tất cả quy tắc, lề thói, phong tục xã hội, bao gồm cả thói quen làm việc vất vả để kiếm nhiều tiền, chỉ giúp ta trốn tránh thách thức lớn nhất của đời người - là sống có đam mê theo những giá trị và tiêu chuẩn chúng ta tự đặt - vậy phải làm sao? 

 

Và giả sử điều ta quan tâm, có khi đến điên rồ: những gì người khác nghĩ về ta - địa vị, tài năng, sắc đẹp hay thành công - là hoàn toàn vô căn cứ; đại đa số mọi người chủ yếu chỉ quan tâm đến việc của riêng họ, vì vậy họ không hề để ý đến ta, ít ra là không đến mức có thể bào chữa cho sự bận tâm quá nhiều như thế của ta. Vậy phải làm sao? 

 

Chủ nghĩa hiện sinh mang tới câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này. Có thể nói đó là cách suy nghĩ cho rằng một người muốn sống thực sự viên mãn và táo bạo thì phải đối đầu liên tục với thử thách từ mấy câu hỏi hóc búa đó.  

 

Nói như vậy thì “nhân sinh quan hiện sinh" chắc nghe có vẻ hơi mệt, nhưng thực ra không phải vậy. Để giúp bạn hình dung, cho tôi xin tóm tắt lại ý chính bằng một câu nói đùa: “Nếu bạn có thể ngồi yên khi nghe tin tức xấu từ khắp thế giới, nếu bạn có thể bình tĩnh khi nền kinh tế đang khủng hoảng, nếu bạn có thể không cảm thấy ghen tị khi hàng xóm, bạn bè đi du lịch các vùng đất kỳ lạ, nếu bạn sẵn lòng ăn bất cứ món nào mà người ta đặt trước mặt, tối đi ngủ sau một ngày chạy tới chạy lui mà không cần uống rượu hay thuốc gì cả... nói chung nếu bạn tìm được hạnh phúc ở bất cứ chỗ nào bạn đang ở thì... cũng có thể bạn là con chó.” 

 

Điểm chính ở đây là một số người tưởng khả năng thích nghi với thăng trầm của cuộc sống, thậm chí vui mừng với chúng mà không bi quan, không chán nản là đáng ngưỡng mộ; và hẳn một số người thành công trong việc sống yêu đời như thế. Người theo chủ nghĩa hiện sinh thì cho rằng chúng ta không nhất thiết nên chấp nhận một cuộc đời bình yên. Người đó tin rằng cuộc sống NHẤT THIẾT PHẢI khiến chúng ta bồn chồn lo lắng; và mục tiêu của một cuộc đời thực sự cao đẹp là đối mặt trực diện với nguồn gốc của những mâu thuẫn làm ta khó chịu. 

 

Nói cách khác, cuộc sống buộc ta phải đương đầu với nhiều nghịch lý. Ta sống với hi vọng ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay, mặc dù ngày mai cũng có nghĩa là ta đến gần cái chết hơn. Ta nỗ lực để sống thật với chính mình, dù cuộc đời là một hành trình bỏ ngỏ để phát hiện ra ta là ai, điều không bao giờ biết chắc được. Theo chủ nghĩa hiện sinh, ta cần một thái độ thật can đảm để đối diện với tính chất mập mờ này của cuộc đời chứ không tránh né, thậm chí không giải quyết mà tiếp tục sống, trong khi biết vấn đề vẫn tồn tại. 

 

Nếu chủ nghĩa hiện sinh khởi đầu với một cái nhìn trực diện vào vài ba nghịch lý, nếu không muốn nói là tiêu cực - còn được gọi là “chủ nghĩa vô lý” - thì nó vẫn muốn kích thích chúng ta sống một cuộc đời năng động và độc đáo. Chủ nghĩa hiện sinh không chỉ là loại triết học mặc nhiên thừa nhận rằng cuộc sống con người về cơ bản là vô lý hay trớ trêu, mà còn là nhân sinh quan đặt trọng tâm là sự tự do đặc biệt. 

 

Dưới đây là năm điều tích cực bắt nguồn từ nguyên lý con người tự do trong một ý nghĩa gần như vô hạn. 

 

1. Tôi không “có” thân thể, tôi LÀ thân thể. Thân thể không chỉ gợi ta nhớ đến tính hữu hạn của đời sống, khả năng ta có thể đau bệnh hay cái chết không thể tránh khỏi. Nó cũng tạo ra sợi dây kết nối giữa ta và thời khắc hiện tại theo ý nghĩa tích cực. Cơ thể con người có “cuộc sống” của riêng nó, có thể nói nó có trí tuệ của riêng nó. Chúng ta sống cởi mở với nó, thay vì gắng gượng theo dõi, kiểm soát hay cải thiện nó như nhiều người vẫn làm thì có thể sống tốt hơn, tự do hơn. 

 

Giả sử tôi quá muốn sự trẻ đẹp của tôi gây ấn tượng với người khác đến độ mỗi sáng thức dậy tôi đều soi gương để kiểm tra xem có dấu hiệu tuổi tác nào phải đề phòng không. Theo chủ nghĩa hiện sinh, cách cư xử với cơ thể mình như phương tiện hay đối tượng - dù là đối tượng đặc biệt nhưng vẫn là đồ vật có mục đích thực dụng rõ ràng - khiến trải nghiệm hằng ngày của cơ thể thật tiêu cực. Hơn nữa, nó khiến những điều tất yếu như sự già đi, những điều không hoàn hảo nhỏ nhặt trở thành nỗi lo lắng lớn. 

 

2. Sống “quy mô nhỏ”. Tôi có thể sống không ham tiền của và nhờ thế không vướng vào công việc mệt nhọc, vốn là trọng tâm của cuộc sống với phần lớn mọi người ngày nay. Như Will Smith từng nói: chúng ta cứ mua những thứ chúng ta không cần, với tiền bạc chúng ta không có, nhằm mục đích gây ấn tượng cho những người chúng ta không thích - đó là cách gần như hoàn hảo để khổ sở. 

 

Nhà triết học Đức Nietzsche, thường được coi là “ông tổ” của chủ nghĩa hiện sinh, liên kết khả năng “sống nhỏ nhẹ” với tự do. Phần lớn mọi người dễ trở thành “tài sản của tài sản của họ”; theo Nietzsche, “chúng ta sở hữu càng ít thì càng khó trở thành sở hữu của kẻ khác”. 

 

Giả sử tôi có hai sự lựa chọn: đi 20 nước khác nhau trên thế giới, ở lại mỗi nước một tuần, hoặc chỉ đi hai nước láng giềng, ở luôn mỗi nước 10 tuần, kết bạn với dân địa phương, bắt đầu hiểu ngôn ngữ của họ và đi xem nhiều cảnh đẹp. Gần như chắc chắn phần lớn sẽ chọn phương án thứ nhất, tôi đoán là vì những người đó muốn được trải nghiệm nhiều nhất có thể. Còn những người theo chủ nghĩa hiện sinh thì khác. Họ muốn sống quy mô nhỏ, một là để có kinh nghiệm đậm đà, sâu sắc hơn, hai là để không bị vướng vào những rắc rối liên quan đến việc kiếm tiền. 

 

3. Thời khắc hiện tại. Nhiều khi người ta đau khổ vì bị ám ảnh bởi quá khứ (ân hận, nghĩ đến chuyện ta bị kẻ khác xúc phạm hay hành hạ) hoặc tương lai (vì hi vọng mù quáng hay vì cảm giác loài người đang chuốc lấy thảm họa). 

 

Người theo chủ nghĩa hiện sinh không sống như vậy, mà tự nhắc nhở hiện tại là khung thời gian duy nhất ta thật sự được “ăn ở”, vì vậy ta nên nỗ lực ở với nó một cách thân mật, nồng nhiệt, cũng như tránh phán xét những gì đang xảy ra từ góc nhìn định kiến của quá khứ hay tương lai. 

 

Giả sử có hai quan niệm về thời gian khác nhau mà chúng ta phải chọn một và sống theo nó. Thứ nhất là nhìn thời gian trên khía cạnh một cuộc đời thật dài, mục đích sống đại khái là thọ được 90 hay 100 tuổi bằng cách sống thật khỏe, thật cẩn thận (chắc là cần đến nhiều may mắn và gen di truyền tốt nữa). Thứ hai là cách nhìn thời gian khác của những người muốn sống táo bạo, mạnh mẽ, tỉnh táo trong thời khắc hiện tại đến độ quan niệm thứ nhất không còn ý nghĩa nữa với họ. Người theo chủ nghĩa hiện sinh chắc là chọn góc nhìn thứ hai. 

 

Nhà triết học Áo Wittgenstein từng nói: “Nếu chúng ta sống vĩnh cửu trong ý nghĩa là vượt qua khái niệm về thời gian//vượt thời gian, chứ không phải theo nghĩa là sống một thời gian dài vô hạn thì ai sống trong thời khắc hiện tại là người sống vừa tỉnh táo vừa vĩnh viễn.” Người theo chủ nghĩa hiện sinh chắc là chọn góc nhìn thứ hai. 

 

4. Trải nghiệm. Một khi ta dừng lại, không đánh giá thế giới xung quanh theo những tiêu chuẩn rập khuôn của xã hội, các nguyên tắc đạo đức hay thẩm mỹ cố định, ta mới bắt đầu cởi mở với trải nghiệm mới. Mặc dù những người theo chủ nghĩa hiện sinh không chạy theo kinh nghiệm mới đến độ ám ảnh, họ quyết tâm tìm kiếm và biết thưởng thức một cách tỉnh táo, những khoái cảm với cơ thể, tất cả những điều họ gặp gỡ ngày qua ngày, miễn là chúng không xâm phạm sự tự do.  

 

Nhận xét của người theo chủ nghĩa hiện sinh: cũng có thể tôi là nạn nhân của sự bất công, nhưng tôi cũng phải chịu trách nhiệm vì đánh giá tình hình không đủ linh hoạt, tinh tế, cởi mở, điều vốn ngăn cản tôi có được kinh nghiệm mới, đa sắc về cả con người xung quanh lẫn thế giới. 

 

Sống đáng tôn quý theo chủ nghĩa hiện sinh là công nhận kế hoạch của mình không được xã hội, quyền lực siêu nhiên hay nguyên tắc bất tử nào định giá trị, không căn cứ vào bất cứ điều gì, ngoài nỗ lực và niềm vui nhất thời của mình mà vẫn mải miết với nó. 

 

5. “Cam kết hiện sinh”. Những người theo chủ nghĩa hiện sinh quyết tâm với kế hoạch của mình (hoặc quyết tâm không theo đuổi kế hoạch nào cụ thể). Không hẳn BẤT CHẤP chuyện kế hoạch của họ không có ý nghĩa cao cả gì, mà CHÍNH VÌ nó không có ý nghĩa cao cả gì. 

 

Lần này không cần giả sử nữa, tôi muốn nói tới tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh. Cốt truyện tiêu biểu của tác giả này thường giản dị: nhân vật chính là con trai tuổi teen phải lòng cô gái cùng quê. Tình yêu không được đáp lại nhưng chàng tiếp tục yêu, dù sau đó cô gái thường chọn một người khác. 

 

Khó biết Nguyễn Nhật Ánh có theo chủ nghĩa hiện sinh không, nhưng vẫn có thể nói việc nhân vật trong truyện của ông chọn tiếp tục yêu đơn phương - bất kể hậu quả vừa trực tiếp (tình yêu không được đáp lại), vừa gián tiếp (không cảm hứng yêu người khác, không lập gia đình...) là một cam kết hiện sinh. Từ góc nhìn thông thường, sự kiên trì của nhân vật chính không phải là lựa chọn khôn ngoan, nhưng từ góc nhìn chủ nghĩa hiện sinh, nó có gì đó vừa can đảm vừa dễ hiểu vì nhân vật gần như “cam kết” yêu tiếp, không ân hận, bất kể (hay chính vì) tình trạng vô lý, khó chịu của mối tình đơn phương. 

 

Cuối cùng, đôi lời về chủ nghĩa hiện sinh từ góc nhìn Việt Nam. Bạn chắc đã đoán trước - tư tưởng này mâu thuẫn với kiểu suy nghĩ truyền thống và nhiều xu hướng chung trong xã hội Việt Nam hiện đại. 

 

Một mặt nó không hòa hợp được với đạo ông bà. Mặt khác, nó đi ngược chiều chủ nghĩa lãng mạn, vốn có thể coi là tư tưởng không chính thức của nhiều người trẻ. Rõ ràng nhất, nó phản bác sự sùng bái đồng tiền quyền năng, xu hướng đặt thành công vật chất lên trên hết; chắc trong mắt một người theo chủ nghĩa hiện sinh, “chủ nghĩa” trái ngược nó hoàn toàn là chủ nghĩa tiêu thụ - theo đó giá trị một con người được xác định theo những gì họ mua được - đặc điểm của kiểu người có nhiều tự do lựa chọn, nhưng chỉ biết thể hiện tự do đó bằng cách mua hàng tiêu dùng càng đắt tiền càng tốt. 

 

Nhưng có một xu hướng trong cách suy nghĩ của giới trẻ Việt Nam cũng có điểm chung với chủ nghĩa hiện sinh. Công nhận từ YOLO (tức “You Only Live Once" - bạn chỉ sống một lần trong đời) giống khẩu hiệu hơn nguyên tắc sống, nhưng nó vẫn nắm bắt một khía cạnh quan trọng của “nhân sinh quan hiện sinh". YOLO coi như là phương châm của những người muốn duy trì cảm giác tự do, cởi mở, vui tính đến vô tư, bất chấp tất cả các áp lực từ phía xã hội. Và chính chủ nghĩa hiện sinh cũng vậy. 

 

Cuối cùng có thể nói chủ nghĩa hiện sinh không phải hệ thống triết học mà là sự quyết tâm làm hai điều: Một là yêu đời bất chấp (hay chính vì) cái vô lý, gò bó của nó. Hai là dẹp bỏ những quy định, sự ép buộc tập thể, vốn giúp ta tự che giấu bản chất đầy lo lắng của cuộc đời, rồi từ đó tự tạo ra ý nghĩa nhất thời cho chính mình. 

 

Hay nói nên thơ một chút là nhảy múa với đôi chân nhẹ nhàng, mặc cho nỗi muộn phiền khôn kham của cuộc sống với sự vô nghĩa bủa vây quanh nó. 

 

----- Hết ----- 

 

Nguồn bài viết: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-hoa-nghe-thuat/20181020/vi-sao-ta-can-song-hien-sinh.html

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh