Đây là một sự thật không mấy vui vẻ: rất ít người tiến đến bước trưởng thành. Và càng có ít người hơn duy trì được nó.

Hồi tôi 4 tuổi, mặc cho mẹ đã dặn đi dặn lại là không được sờ tay vào lò nướng, tôi vẫn cứ sờ. Tôi biết những món khoái khẩu của mình đi ra từ cái lò nướng đỏ hồng và sáng rực ấy, một sức hấp dẫn không thể chối từ.

Ngày hôm đó, tôi học được một bài học quan trọng: những thứ nóng chẳng có gì vui cả. Nó làm ta bỏng tay. Và ta chẳng bao giờ muốn đụng vào nó nữa.

Cùng quãng thời gian đó, tôi khám phá ra một điều quan trọng khác. Hộp kem mà bố mẹ thỉnh thoảng mới cho tôi ăn thật ra được giấu trong tủ lạnh, trên một cái kệ mà chỉ tôi cần nghến chân lên một tí tẹo là lấy được.

Một ngày nọ, trong lúc mẹ tôi đang ở phòng khác, tôi lén lấy hộp kem, ngồi trên sàn và ngấu nghiến ăn bằng tay.

Đó là lần gần với cực khoái nhất cho đến tận 10 năm sau. Nếu có một thiên đường nào đó trong cái tâm trí bốn tuổi ngây thơ của tôi thì chính là cảm giác đó. Quá sức hoàn hảo. Hộp kem bé nhỏ của tôi chứa đầy cảm giác lâng lâng thần thánh.

Và rồi kem bắt đầu chảy, tôi bôi một ít lên mặt, để nó chảy từ từ xuống khắp áo, tắm mình trong dòng chất lỏng ngọt ngào ấy. Oh yeah, dòng sữa ngọt lành mát tươi, hãy kể cho ta nghe bí mật của em, vì ngày hôm nay ta sẽ biết được điều vĩ đại.

…và rồi mẹ tôi bước vào. Mọi thứ chao đảo - bao gồm cả một bữa tắm táp ra trò. Tôi học được bài học tiếp theo, đó là ăn trộm kem rồi đổ lên người và sàn bếp sẽ khiến cho mẹ vô cùng giận dữ. Và những bà mẹ giận dữ không có gì vui cả. Họ mắng mỏ và trách phạt bạn. Và ngày hôm đó, giống như ngày cho tay vào lò nướng, tôi học được điều không nên làm.

Nhưng rồi, quá tam ba bận, tôi lại học thêm một bài học nữa. Đó là một bài học đơn giản - hết sức hiển nhiên đến mức ta không để ý khi nó xảy ra. Nhưng bài học này thực sự quan trọng hơn nhiều những bài trước: ăn kem thì tốt hơn bị bỏng.

Đây có thể không phải bài học quá thâm thúy. Nhưng thực ra là có đấy. Bởi vì đó là một phán đoán giá trị. Kem lạnh tốt hơn lò nóng. Tôi thích sự ngọt ngào tan chảy trong miệng hơn là một vết phỏng trên bàn tay. Đó là một khám phá về sở thích, do đó cũng là về sự ưu tiên. Đó là hiểu biết về việc một thứ trên đời được ưa thích hơn những thứ khác, và vì vậy tất cả hành vi trong tương lai sẽ được cân nhắc dựa trên nó.

Và đó là tất cả những việc mà một thằng cu bốn tuổi thò lò mũi xanh đã làm - khám phá không ngừng. Khám phá thế giới xung quanh, quyết định xem cái gì khiến nó cảm thấy vui và khó chịu - rồi tạo nên sự phân cấp giá trị trong những hiểu biết này. Ăn kem tốt hơn bị bỏng. Chơi với cún vui hơn chơi với một hòn đá. Ngày nắng dễ chịu hơn ngày mưa. Tô màu vui hơn hát hò. Những cảm xúc vui sướng và đau đớn ấy sẽ làm nền tảng cho mọi sở thích và hiểu biết của ta trên đường đời và thậm chí cả tính cách của chúng ta sau này.

NHƯ THẾ NÀO LÀ TRƯỞNG THÀNH?

Một người bạn tôi từng mô tả quãng đời làm cha mẹ như sau, "về cơ bản là chạy theo một đứa thò lò mũi xanh khoảng vài thập kỷ để chắc chắn nó không tình cờ tự làm mình ngủm, và mày sẽ bất ngờ khi biết có bao nhiêu cách để một đứa trẻ con có thể làm chính nó ngủm củ tỏi."

Người ta có thể nói rằng trẻ con luôn luôn tìm ra cách mới để không may tự giết chính mình vì động lực thúc đẩy sau đó là sự tò mò ngây thơ. Những năm đầu đời, chúng ta được thúc đẩy tìm tòi thế giới quanh mình vì não bộ đang thu thập thông tin về những thứ khiến ta vui sướng cũng như gây hại cho ta, những điều xấu và tốt, những điều đáng để theo đuổi và điều đáng phải tránh xa.

Song đến cuối cùng, giai đoạn khám phá này tự ngừng lại. Không phải vì ta chẳng còn gì trên đời để khám phá, mà là ngược lại. Quá trình khám phá không tiếp tục vì chúng ta già đi, ta bắt đầu nhận ra có quá nhiều thứ trên đời cần khám phá. Quá nhiều để thu nạp vào tâm trí. Bạn không thể sờ và nếm mọi thứ. Bạn không thể gặp tất cả mọi người. Bạn chẳng thể nhìn thấy tất cả mọi vật. Có quá nhiều trải nghiệm tiềm năng và tầm vóc to lớn về sự tồn tại của bản thân khiến ta choáng ngợp.

Do đó, não bộ của chúng ta bắt đầu tập trung ít hơn vào việc thử mọi thứ và nhiều hơn vào việc phát triển một số quy tắc nhằm giúp ta điều chỉnh sự phức tạp vô tận của thế giới trước mắt mình. Ta kế thừa phần lớn những nguyên tắc này từ cha mẹ và thầy cô. Nhưng rất nhiều nguyên tắc là do ta tự tìm lấy. Ví dụ, sau những lần ở cạnh nguồn phát lửa đủ nhiều, bạn phát triển một quy tắc tâm lý là tất cả những ngọn lửa đều nguy hiểm, không phải chỉ có lửa trong lò nướng. Và sau những lần nhìn thấy mẹ tức giận đủ nhiều, bạn bắt đầu phát hiện ra ăn trộm luôn xấu, không phải chỉ ăn trộm kem mới xấu.

Kết quả là, một số quy tắc bắt đầu xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Cẩn thận khi ở gần những đồ vật nguy hiểm giúp bạn tránh khỏi đau đớn. Trung thực với cha mẹ sẽ khiến họ yêu thương bạn hơn. Chia sẻ với anh chị em và họ sẽ chia sẻ lại với bạn.

Những giá trị mới này tinh vi hơn vì chúng trừu tượng. Những đứa thò lò mũi xanh sẽ nghĩ, "kem rất ngon, mình muốn ăn kem." Còn bọn thiếu niên thì khôn hơn, "kem thì ngon đấy, nhưng ăn trộm đồ sẽ khiến bố mẹ tức giận và mình sẽ bị phạt, mình sẽ không lấy trộm kem trong tủ lạnh." Bọn thiếu niên áp dụng những quy tắc và luật lệ vào việc ra quyết định mà những đứa con nít không thể làm được.

 

Kết quả là một thiếu niên học được rằng hãy theo đuổi những gì khiến mình vui sướng và tránh xa những chuyện có thể gây ra rắc rối. Hành động gây hậu quả. Bạn phải đàm phán với khao khát bên trong mình với những khao khát bên ngoài. Bạn phải chơi theo luật của xã hội và chính quyền, và rồi thường thì bạn sẽ được khen thưởng.

Đây chính là sự trưởng thành về mặt hành động: phát triển những nguyên tắc ở mức độ cao hơn và trừu tượng hơn nhằm cải thiện khả năng ra quyết định trong những bối cảnh có phạm vi rộng hơn. Đó là cách bạn điều chỉnh trong thế giới này, cách bạn học để xử lý những trải nghiệm vô cùng đa dạng của cuộc sống. Đó là một bước nhảy vọt về nhận thức cho con trẻ và làm nền tảng để chúng lớn lên theo một cách thức lành mạnh và hạnh phúc.

Khi mới chập chững bước đi, chúng ta học cách nhìn thế giới dựa trên nguyên tắc nhân quả. Vui sướng và đau đớn. Chạm vào lò nóng sẽ khiến bàn tay đau đớn, do vậy đó là điều xấu. Trộm kem từ tủ lạnh khiến cơ thể cảm thấy vui sướng, do vậy đó là điều tốt. Điều tốt thì hiển nhiên tốt hơn điều xấu.

Đó là lý do vì sao bọn trẻ nhỏ thường hơi giống các bệnh nhân tâm thần. Chúng không thể tưởng tượng ra bất cứ điều gì trong cuộc sống ngoài những niềm vui hay nỗi đau tức thời. Chúng không cảm thấy đồng cảm. Chúng không thể đặt mình vào bạn để hình dung cuộc sống. Chúng chỉ muốn ăn kem. NGAY LẬP TỨC!

Khi lớn lên ta bắt đầu nhận ra rằng có nhiều hậu quả đến từ một hành động, và nó ảnh hưởng đến chúng ta theo cách gián tiếp hoặc tại một thời điểm nào đó trong tương lai. Những luật lệ và sự trao đổi nói chung được hiểu là cách những hậu quả này vận hành. Bố và mẹ sẽ tức giận nếu tôi ăn trộm thứ gì đó; cho nên tôi sẽ không ăn cắp, dù nó khiến tôi sung sướng. Giáo viên sẽ phạt nếu tôi nói chuyện trong giờ; cho nên tôi sẽ không nói, dù tôi muốn nói.

Nhận thức về niềm vui và nỗi đau vẫn còn đó khi đứa trẻ lớn dần. Chỉ là nó không còn định hướng cho hầu hết những quyết định. Nó không còn là căn cứ cho những giá trị của chúng ta. Những đứa trẻ lớn cân nhắc cảm xúc cá nhân của mình với những hiểu biết về luật lệ, sự trao đổi, và trật tự xã hội quanh chúng để lên kế hoạch và ra quyết định.

Đây là một bước tiến, song nó vẫn là một điểm yếu cho những thiêu niên này bước vào đời. Mọi thứ đều là sự trao đổi. Lứa tuổi thiếu niên (và một số lượng lớn những người trưởng thành) tiếp cận cuộc đời như một chuỗi những vụ thương lượng bất tận. Mình sẽ làm những gì sếp nói để có tiền. Mình sẽ gọi cho mẹ để không bị mắng. Mình sẽ làm bài tập về nhà để có một tương lai xán lạn. Mình sẽ nói dối và giả vờ tử tế để không phải đối mặt với mâu thuẫn.

 

Không việc gì được thực hiện vì lợi ích của chính nó. Mọi thứ là sự trao đổi có tính toán, thường được thực hiện dựa trên nỗi sợ những hậu quả tiêu cực.

Bạn không thể sống mãi cả đời theo cách đó, bằng không thì bạn đang không thực sự sống cuộc đời của chính bạn. Bạn chỉ đơn thuần đang sống trong sự mong đợi của những người xung quanh. Để trở thành một cá nhân tối ưu và lành mạnh về cảm xúc, bạn phải vượt ra khỏi những vụ thương lượng và hiểu các quy tắc ở mức độ cao hơn và trừu tượng hơn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LỚN

Khi bạn google "làm thế nào để trở thành người lớn" ("how to be an adult"), hầu hết các kết quả cho ra nội dung về cách chuẩn bị phỏng vấn xin việc, kiểm soát tài chính, tự chăm sóc bản thân, và không trở thành một đứa mất dạy.

Những thứ đó đều tuyệt, và thực ra nó là tất cả những gì mà người lớn được mong đợi phải làm. Nhưng tôi sẽ tranh luận rằng bản thân những điều đó không biến bạn thành người lớn. Nó chỉ ngăn bạn không quay về là một đứa trẻ, và điều đó không đồng nghĩa với trở thành người lớn.

Đó là bởi vì rất nhiều người làm những điều tương tự vì chúng là những quy tắc và giao dịch. Bạn chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn vì bạn muốn có một công việc tốt. Bạn học cách dọn dẹp nhà cửa vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và những gì người khác nghĩ về bạn. Bạn kiểm soát tài chính của mình vì nếu không, bạn sẽ trắng tay một ngày không xa.

Thương lượng với quy tắc và trật tự xã hội cho phép chúng ta trở thành một con người có chức năng trong thế giới này. Song lý tưởng là, sau một thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra rằng thế giới này không phải lúc nào cũng đổi chác được, và ta cũng không nên đặt mọi khía cạnh của cuộc sống lên bàn thương lượng. Bạn không muốn mặc cả với cha mẹ vì tình yêu, hay với bạn bè vì tình bằng hữu, hay với ông sếp vì sự tôn trọng. Vì sao? Vì cảm giác phải thao túng để người khác yêu mình chẳng có gì hay ho cả. Nó làm suy yếu toàn bộ kế hoạch. Nếu bạn phải thuyết phục ai đó yêu mình, thì có nghĩa là họ không yêu bạn. Nếu bạn phải nịnh hót ai đó để họ tôn trọng bạn, vậy thì họ không hề tôn trọng bạn. Điều quý giá và quan trọng nhất trên đời không thể mặc cả được. Cố quá sẽ thành quá cố.

Bạn không thể âm mưu dành được hạnh phúc. Đó là điều bất khả. Nhưng đây lại là cách mọi người thường làm, đặc biệt khi họ tìm kiếm những lời khuyên tự phát triển bản thân - họ thường nói rằng, "Hãy cho tôi thấy quy tắc của những trò chơi tôi phải chơi, và tôi sẽ tuân theo nó." Họ không nhận ra việc họ nghĩ rằng có quy tắc dẫn đến hạnh phúc thực ra lại ngăn cản họ trở nên hạnh phúc.

Trong khi những người vận hành trong thế giới bằng luật lệ và thương lượng có thể tiến xa về mặt vật chất, song họ lại bị tê liệt và đơn độc về mặt cảm xúc. Đó là bởi vì những giá trị giao dịch được tạo nên những mối quan hệ độc hại - những mối quan hệ dựa trên sự thao túng.

Khi đến tuổi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra quan điểm coi những mối quan hệ và sự theo đuổi như một vụ thương lượng sẽ tước đi toàn bộ niềm vui và ý nghĩa của nó. Đó là khi sống trong một thế giới nơi mọi thứ đều được đổi chác để phục vụ cho bạn và suy nghĩ, mong muốn của người khác, thay vì tự do theo đuổi mong ước của chính mình. Để có thể tự đứng trên đôi chân mình, đôi khi bạn phải sẵn sàng đứng một mình.

Trưởng thành là khi bạn nhận ra rằng đôi lúc một nguyên tắc trừu tượng là đúng và có ích bởi chính nó. Tương tự như một đứa trẻ mới lớn nhận ra có nhiều thứ trên đời hơn niềm vui và nỗi buồn trẻ thơ, thì người lớn cũng nhận ra có nhiều hơn những cuộc thương lượng bất tận thời niên thiếu để xác thực, chấp thuận và hài lòng. Người trưởng thành làm điều đúng đơn giản vì nó đúng. Không bàn cãi gì nữa.

Một thiếu niên sẽ nói cô bé đánh giá cao sự trung thực - vì cô học được rằng nói thật sẽ mang đến những kết quả tốt - nhưng khi đối mặt với những cuộc trò chuyện khó khăn, cô sẽ nói ra vài lời nói dối vô hại, phóng đại sự thật và thất bại trong việc đứng lên vì giá trị trung thực của mình.

Một thiếu niên sẽ nói họ yêu bạn. Nhưng khái niệm về tình yêu của anh ta là anh ta sẽ nhận lại được thứ gì đó (có thể là sex), tình yêu kiểu đó chỉ đơn thuần là trao đổi về mặt cảm xúc, khi mỗi người mang tất cả những gì mình có thể trao đổi ra và mặc cả để có được cái tốt nhất cho bản thân.

Một thiếu niên có thể nói cô ta hào phóng. Nhưng khi tặng quà cho ai đó, nó luôn kèm theo điều kiện dù không nói ra, rằng cô sẽ nhận lại một món quà khác vào một ngày khác.

Một người trưởng thành sẽ thành thật vì một lý do đơn giản rằng sự trung thực quan trọng hơn niềm vui hay nỗi đau. Trung thực quan trọng hơn có được thứ bạn muốn hay đạt được mục tiêu. Trung thực vốn là điều tốt và có giá trị, tự thân nó đã như vậy. Một người trưởng thành sẽ yêu một cách vô tư mà không mong chờ nhận lại bất cứ điều gì vì họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để tạo nên tình yêu đích thực. Một người trưởng thành sẽ trao đi mà không mong chờ đáp lại vì nó làm mất đi mục đích của món quà ngay từ đầu.

Vì vậy một đứa nhóc ăn trộm kem vì kem khiến nó vui sướng, nó không hề biết hậu quả ra sao. Một đứa lớn hơn sẽ không ăn trộm kem vì nó biết điều đó sẽ gây ra hậu quả tệ hơn trong tương lai. Song rốt cuộc quyết định của thằng bé vẫn là một cuộc thương lượng với chính nó trong tương lai: "Mình sẽ từ bỏ vài niềm vui trong hiện tại để tránh nỗi đau lớn hơn trong tương lai."

Song chỉ có người lớn mới không ăn cắp vì nguyên tắc đơn giản rằng ăn cắp là xấu. Và việc ăn cắp - dù họ đã thoát khỏi nó - sẽ khiến họ cảm thấy bản thân tệ hại.

GIÁ NHƯ CÓ NHIỀU NGƯỜI LỚN HƠN TRÊN THẾ GIỚI NÀY

Giờ thì tôi biết bạn đang nói, "Trời ạ, Mark này, theo định nghĩa của ông thì hầu hết mọi người trên thế giới này đều chỉ là bọn thiếu niên ngu ngốc, hay tệ hơn là một lũ trẻ con to xác à.."

 

Chà…đúng vậy đấy. Bạn đã từng nói chuyện với bất kỳ người nào gần đây chưa? Hầu như bọn họ đều chẳng ra gì.

Đây là một sự thật không mấy vui vẻ: rất ít người tiến đến bước trưởng thành. Và càng có ít người duy trì được nó. Tại sao ư?

1. Khi còn là những đứa trẻ, cách chúng ta học để vượt qua những giá trị vui sướng/đau đớn thông thường ("kem thì ngon", "lò nóng thì đau") là bằng cách theo đuổi những giá trị đó và xem nó thất bại như thế nào. Ta lấy trộm kem, mẹ tức giận và phạt ta. Bỗng nhiên, "kem thì ngon" không còn đơn giản như trước nữa - có nhiều loại yếu tố khác phải cân nhắc. Tôi thích kem. Và tôi cũng thích mẹ. Nhưng lấy trộm kem sẽ làm cho mẹ phiền lòng. Tôi phải làm sao đây? Cuối cùng, đứa trẻ bị buộc phải tính đến thực tế rằng có những hậu quả không mong muốn đến từ việc theo đuổi niềm vui và tránh nỗi đau.

2. Đây là cách thức chủ yếu mà các bậc cha mẹ có hiểu biết thường áp dụng: thi hành những nguyên tắc đối với các hành vi của trẻ. Phạt nếu trẻ ăn trộm kem. Thưởng nếu trẻ ngồi ngoan trong nhà hàng. Theo nghĩa đen, bạn đang giúp chúng hiểu ra rằng thế giới này phức tạp hơn nhiều so với việc đơn giản theo đuổi niềm vui của bản thân và tránh xa nỗi đau. Những bậc phụ huynh thất bại trong việc này sẽ khiến cho con họ mất đi nền tảng, vì khi những đứa trẻ lớn lên, chúng sẽ bị sốc khi nhận ra rằng thế giới này không đáp ứng tất cả mong đợi của chúng. Điều này sẽ khiến chúng vô cùng đau đớn, hơn cả nỗi đau chúng phải chịu đựng nếu học được bài học này sớm từ khi còn nhỏ. Và kết quả là, vì chỉ có được bài học khi đã lớn, chúng sẽ phải chịu sự trừng phạt mang tính xã hội bởi những đứa trẻ ngang tuổi vì đã không hiểu điều đó. Chẳng ai muốn làm bạn với một kẻ ích kỷ. Chẳng ai muốn làm việc với một người không quan tâm đến cảm xúc của người khác hay tôn trọng những nguyên tắc. Những đứa trẻ không được dạy dỗ sẽ bị xa lánh và chế giễu vì hành vi của mình trong thế giới thực, dẫn đến nhiều đau khổ và tổn thương hơn.

3. Cha mẹ còn có thể khiến con mình thất bại theo cách khác: Ngược đãi chúng. Một đứa trẻ bị ngược đãi cũng không phát triển vượt lên giá trị động lực niềm vui/nỗi đau được vì sự trừng phạt mà chúng nhận được không có khuôn mẫu logic nào và không củng cố những giá trị sâu sắc hơn. Nó xảy ra ngẫu nhiên và hung dữ. Ăn trộm kem đôi khi dẫn đến những đau đớn khôn tả, song đôi lúc lại không có hậu quả gì. Do đó, nó không dạy cho trẻ bài học nào cả, không cung cấp giá trị nào cao hơn. Và đứa trẻ không bao giờ học được cách kiểm soát hành vi của mình. Đó là lý do tại sao những đứa trẻ bị bạo hành và bị bỏ bê thường lặp lại những rắc rối khi lớn lên: chúng mắc kẹt trong hệ thống giá trị thuở nhỏ của mình.

4. Tệ hơn, nếu sự bạo hành quá sức chịu đựng (hoặc nếu đứa trẻ đặc biệt nhạy cảm) thì những nỗi đau không ngừng này có thể hằn sâu vào tâm lý. Sự tồn tại bình thường ngày qua ngày của chúng sẽ là một trạng thái luôn nghi ngờ và sợ hãi, và chúng sẽ mải mê tìm kiếm niềm vui để xoa dịu nỗi đau ẩn nấp phía sau. Đó là lúc nghiện ngập và những thôi thúc xuất hiện. Rượu, sex, ma túy, cờ bạc, Instagram - khi lớn lên chúng sẽ bị hút vào những hoạt động này vì nó cho phép chúng quên đi ngay lập tức mình là ai và mình cảm thấy như thế nào. Quan trọng hơn, nhiều đứa trẻ bị bạo hành sẽ vô thức tìm kiếm sự bạo hành trong các mối quan hệ của mình khi trưởng thành vì đơn giản bạo hành là thứ duy nhất có ý nghĩa với chúng. Nó trở thành nhân cách của chúng. Chúng cần nó để cảm thấy mình là một tổng thể toàn vẹn.

5. Người ta thường mắc kẹt ở giai đoạn thiếu niên của những giá trị vì những lý do tương tự, mặc dù kết quả ít nghiêm trọng hơn. Một số người cực kỳ xuất sắc trong trò chơi thương lượng. Họ quyến rũ và lôi cuốn. Họ giỏi trong việc đọc những gì người khác mong muốn ở họ và đáp ứng nó. Nói thẳng ra, họ quá giỏi trong việc thao túng người khác để đạt được những gì mình muốn. Và bởi vì kỹ năng thao túng của họ hiếm khi thất bại nên họ bắt đầu tin rằng đó đơn giản là cách thế giới này vận hành. Ai cũng nghĩ như vậy cả. Tất cả mọi người đều thao túng và kiểm soát lẫn nhau. Yêu đương chỉ là trò vớ vẩn. Tin tưởng là dấu hiệu của sự yếu đuối.

 

6. Điều này đòi hỏi những bậc cha mẹ và giáo viên tốt không cho phép bản thân mình thỏa hiệp trước những phương thức mặc cả của con trẻ.. Trách nhiệm của họ là chỉ ra rằng với một đứa trẻ mới lớn hành vi mặc cả đó là chỉ một trò mè nheo dai dẳng, rằng điều duy nhất có giá trị và ý nghĩa thực sự trong cuộc sống sẽ có được mà không kèm theo điều kiện và sự giao dịch nào. Cách tốt nhất để làm điều này là thông qua những ví dụ. Cách tốt nhất để dạy trẻ biết tin tưởng là tin tưởng chúng. Cách tốt nhất để dạy trẻ biết tôn trọng là tôn trọng chúng. Cách tốt nhất để dạy ai đó về tình yêu là yêu thương họ.

 

 

7. Nếu cha mẹ và thầy cô thất bại trong việc này, thường là do họ mắc kẹt trong khả năng phán đoán giá trị cấp độ ngang với một đứa trẻ mới lớn. Họ cũng nhìn thế giới bằng những giao dịch. Họ cũng trao đổi tình yêu lấy sex, lòng trung thành lấy cảm tình, sự tôn trọng lấy vâng lời. Thực tế, họ gần như mặc cả với con mình vì tình cảm, sự yêu thương và tôn trọng. Họ nghĩ đó là bình thường, vì thế những đứa con họ lớn lên cũng suy nghĩ tương tự. Và rồi mối quan hệ cha mẹ/con cái nông cạn và mang tính giao dịch này sẽ được nhân rộng khi đứa trẻ bắt đầu hình thành quan hệ tình cảm.

8. Một vài thiếu niên bị mắc kẹt ở giai đoạn thứ hai vì cùng một lý do với những người bị mắc kẹt ở giai đoạn đầu: bị bạo hành và tổn thương. Nạn nhân của bạo lực là một ví dụ đặc biệt đáng chú ý. Một người từng bị bắt nạt suốt những năm tháng đi học sẽ bước vào đời với một giả định rằng không ai thích và tôn trọng họ vô điều kiện, và mọi tình cảm đều chỉ có được thông qua một chuỗi những cuộc trò chuyện đã được tập luyện trước và hành động dập khuôn. Bạn phải mặc theo một cách nhất định, nói theo một cách nhất định, làm theo một cách nhất định. Không thì đừng hòng.

 

9. Là người trưởng thành, họ sẽ bước vào đời với niềm tin rằng mọi mối quan hệ đều dựa trên thỏa thuận có qua có lại. Sự thân mật chỉ là cảm giác hiểu đối phương một cách giả tạo vì lợi ích của đôi bên. Một lần nữa, lý do cho việc này là trong thế giới giao dịch của các trường học, người này đã bị bắt nạt và bạo hành vì không biết cách giao dịch với người khác. Họ không mặc đúng cách, không phải một đứa trẻ "sành điệu". Họ bị điểm kém hoặc không có khả năng tiếp thu nhanh hoặc tỏ ra yếu đuối hay lúng túng. Kết quả là, họ bị trừng phạt về mặt tâm lý suốt nhiều thập kỷ, cũng như sống cả phần đời còn lại trong nỗi sợ hãi không ngừng về việc sẽ làm hỏng bất cứ mối quan hệ giao dịch nào. Và thay vì nhận ra vấn đề là bản thân cách tiếp cận giao dịch với thế giới, họ lại cho rằng vấn đề là phải mất nhiều thời gian để thực hiện các giao dịch một cách phù hợp.

Có thể hơi quá nếu nói Marilyn Manson đã cứu đời tôi. Song anh ấy hẳn đã cứu rỗi sự trưởng thành của tôi. Khi mới 13, tôi bị đuổi học và mất gần hết bạn. Vài tháng sau thì bố mẹ tôi ly dị, và không lâu sau đó anh trai tôi chuyển ra khỏi nhà. Để cho tôi tránh bị nhiễm những thói hư tật xấu, bố mẹ đã gửi tôi đến một trường dòng ở ngoại ô bang Texas, nơi tôi không biết một ma nào. Tôi là một người vô thần và không hứng thú gì với thể thao trong một đất nước tôn thờ bóng đá và Jesus, theo đúng thứ tự.

Thời gian đầu chẳng phải chuyện vui vẻ gì cho cam. Tôi bị khóa vào tủ đựng đồ, bị cười nhạo trên sân bóng. Tôi mất gần hai năm để kết bạn. Khốn kiếp. Tôi cảm thấy nỗi thôi thúc để cố gắng hòa nhập, để tuân theo bản chất giao dịch tự nhiên trong môi trường cấp ba, để "giả vờ cho đến khi nó biến thành sự thực". Song, cùng lúc đó, những hành vi người khác mong đợi từ tôi cũng là cái mà tôi ghét cay ghét đắng.

Marilyn Manson là một nguồn cảm hứng bên cạnh tôi thời điểm đó vì thông qua âm nhạc và những buổi phỏng vấn, anh ấy đã lên tiếng thúc đẩy một thông điệp về sự tự cường, đặc biệt dành cho các thiếu niên vỡ mộng giống như tôi. Anh ấy là người đầu tiên gợi ý rằng tôi là người quyết định cái gì ngầu hay không ngầu, rằng người ta chế giễu những kẻ không tuân thủ vì họ sợ phải tuân theo chính mình, và rằng việc dám không tuân theo và tự cho phép bản thân trở thành người mình muốn là đang cho phép người khác được làm điều tương tự.

Ngày nay, Marilyn thường được nhớ đến vì kiểu trang điểm đậm và những bộ đồ gây sốc khi chơi nhạc trên sân khấu. Người ta không nhận ra mối liên hệ anh ta có với những thanh thiếu niên bất mãn vùng ngoại ô những năm 90. Lý do anh ta khiến người khác sốc vì những bài phỏng vấn cũng nhiều như khi anh làm trò trên sân khấu. Bởi vì luôn có một thông điệp ẩn dưới sự điên rồ của anh: rằng bạn không cần tuân theo trò chơi thương lượng nếu bạn không muốn. Bạn luôn được tự do lựa chọn. Và không chỉ tự do, bạn còn buộc phải lựa chọn con người mình sẽ trở thành, dù nhận ra hay không. Câu hỏi duy nhất là: bạn có can đảm làm điều đó không? Bạn có can đảm trở thành người lớn không? Bạn có can đảm để quyết định giá trị của bản thân mình không?


Nguồn:

https://ybox.vn/gia-vi/truong-thanh-di-huong-dan-lam-nguoi-lon-phan-1-xb9or5heoq

Link bài gốc: https://markmanson.net/how-to-grow-up

 
 
 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh