Khám phá quan điểm của triết gia huyền thoại về việc xã hội đã thất bại trong việc chuẩn bị cho chúng ta trong giáo dục và tiến bộ như thế nào.

  • Alan Watts là một gương mặt đại diện cho cuộc cách mạng đi ngược lại với phần đông xã hội (counterculture) những năm 1960.
  • Ông tin rằng chúng ta quá chú trọng những thành tích mơ hồ cho sự nghiệp giáo dục và nghề nghiệp.
  • Watts tin rằng toàn bộ tổ chức giáo dục là một trò hề khi so sánh với việc chúng ta cần thật sự sống cuộc sống của mình như thế nào.

Là một nhà hùng biện, nhà văn và triết gia hoạt động tích cực, Alan Watts là một trong những gương mặt đương đại đầu tiên đầu thế kỷ 20 khi mang triết lý và những tư tưởng Thiền phương Đông (Eastern Zen) đến số đông công chúng phương Tây. Ông là gương mặt đại diện cho cuộc cách mạng đi ngược lại với phần đông xã hội những năm 1960 và tiếp tục viết và biện luận cho đến khi ông mất vào năm 1973. Ngày nay, các bài giảng và bài viết của ông dường như lại đang trỗi dậy trong đại chúng.

Với vô số bài giảng trên mạng, được nói trên bản nhạc nền nhẹ nhàng, và người máy A.I. cấp tiến trong phim Her cũng có giọng nói tương tự với giọng nói của ông, dường như Alan Watts vẫn còn rất nhiều điều để nói với chúng ta.

LỜI KHUYÊN CỦA ALAN WATTS VỀ GIÁO DỤC HIỆN NAY ĐANG TRỞ NÊN ĐÚNG HƠN BAO GIỜ HẾT

Trong thời đại của sự lo lắng về công nghiệp hoá hàng loạt hiện nay, các sinh viên và các nhà giáo dục dường như đang trải qua nhiều hơn những giờ làm việc mệt mỏi và không hiệu quả, trong khi cùng lúc đó, họ vẫn hoạt động kém khi so sánh với các hệ thống giáo dục thư thái và hiệu quả, như ở Scandinavia.

Đây là một phát biểu của Alan Watts tổng hợp được một phần lớn quan điểm triết học của ông.

“Nếu hạnh phúc luôn phụ thuộc vào những điều được mong đợi trong tương lai, chúng ta đang theo đuổi một điều không thể đạt được nằm ngoài tầm với của mình, cho đến khi tương lai, và chính chúng ta tan biến vào vực thẳm của cái chết.”

Xem xét một vài triết lý của Watts, chúng ta có thể chuyển đổi góc nhìn của mình đến các chủ đề cuộc sống, sự học và giáo dục sang một góc nhìn đầy cảm hứng và mới mẻ hơn.

CHU KỲ BẤT TẬN CỦA TRƯỜNG HỌC VỀ VIỆC CHUẨN BỊ ĐIỀU TIẾP THEO

Đối với số đông chúng ta, cuộc sống lúc nhỏ được định nghĩa bằng việc chúng ta phát triển qua những cấp độ lớp học tăng dần, từ trường tiểu học đến trung học và cứ như vậy. Đó là bảng xếp hạng và danh hiệu mà chúng ta đóng khung suốt những thay đổi lớn về mặt sinh học và tinh thần trong những năm đầu đời, chuyển từ nấc thang chắc chắn này sang nấc thang khác và tuân theo những chỉ dẫn của các giáo viên nếu chúng ta muốn tiếp tục trên con đường được vạch sẵn để trở thành một con người thành công trong xã hội.

Alan Watts đã nhận ra ý tưởng này là một sự phát triển kỳ lạ và không tự nhiên trong những năm đầu đời của chúng ta, và điều này cho thấy một vấn đề sâu xa hơn trong cách chúng ta nhìn nhận bản chất của thay đổi và thực tế. Watts nói:

“Hãy nói về giáo dục. Thật là một trò hề. Bạn có một đứa trẻ, và chúng ta đưa chúng vào một cái bẫy và đưa chúng đi nhà trẻ. Và ở nhà trẻ chúng ta nói với đứa trẻ ‘Con đang sẵn sàng để vào mẫu giáo. Và sau đó ngạc nhiên chưa, cấp một đến, rồi cấp hai, và cấp ba.’ Bạn đang leo dần lên các bậc thang về phía trước, phía trước, tiến đến sự tiến bộ phía trước. Và sau đó khi đến cuối cấp học, bạn nói ‘Cấp ba, con đã thực sự sẵn sàng rồi đấy.’ Sai.”

Cho dù chúng ta có nhận thức được điều này hay không, nhưng bản chất phát triển được mong đợi này mà chúng ta nuôi dưỡng suốt những năm đi học là điều trở thành một cơ cấu không thể phủ nhận về cách chúng ta sống và nghĩ. Nó gắn chặt suốt toàn bộ cuộc đời của chúng ta.

Chúng ta đang liên tục tiến tới một số mục tiêu ngoài tầm với, không bao giờ ở thời điểm hiện tại, dù sớm hay muộn, chúng ta luôn muốn phải đạt được thành tựu này hay thành tựu kia. 

Watts tin rằng chúng ta vẫn bị áp lối tư duy này ngay cả khi chúng ta rời khỏi hệ thống trường học phân cấp. Ông tiếp tục:

“Khi đi làm, bạn đang bước ra thế giới với cái cặp táp và tấm bằng của mình. Và sau đó chúng ta đến cuộc họp bán hàng đầu tiên, và họ nói ‘Giờ ra ngoài kia và bán thứ này’. Vì sau đó bạn sẽ được thăng chức và có thể có một vị trí tốt. Bạn bán nó và họ lại tăng chỉ tiêu cho bạn. 

“Và sau cùng vào khoảng 45 tuổi, một buổi sáng bạn thức dậy với tư cách là phó chủ tịch của công ty, và bạn nói với bản thân mình trong gương; ‘Tôi đã đến nơi rồi. Nhưng tôi cảm giác như bị lừa vì tôi chỉ cảm thấy hệt như cái cảm giác tôi luôn có…’”

TÔI ĐÃ ĐẾN NƠI CHƯA?

Ở đây, Alan Watts chạm đến một điểm kinh điển trong triết lý Phật giáo – ý tưởng rằng thực tế không có gì để phấn đấu và khao khát. Watts gắn khía cạnh này vào khao khát phải-giỏi-hơn-người-khác trong hệ thống giáo dục thâm nhập vào cuộc sống nghề nghiệp của chúng ta. Đây là một ví dụ cho sự phiền muộn bất tận của việc theo đuổi vật chất dưới hình thức này hay hình thức khác.

Alan Watts tiếp tục:

“Có điều gì đó thiếu sót. Tôi không còn có tương lai nữa.’ Ừ ừ’ người bán bảo hiểm nói ‘Tôi có tương lai cho ông đây. Điều khoản này sẽ cho phép ông nghỉ hưu an nhàn vào năm 65 tuổi, và ông sẽ có thể mong đợi điều đó.’ Và bạn cảm thấy vui vẻ. Và bạn mua điều khoản đó và vào năm 65 tuổi bạn nghỉ hưu và suy nghĩ rằng bạn đã đạt được mục tiêu của cuộc đời, trừ việc là bạn có vấn đề về tuyến tiền liệt, răng giả và da nhăn.

“Và bạn trở thành một người duy vật. Bạn là một bóng ma, bạn là một người trừu tượng, bạn chỉ là hư không, bởi vì bạn chưa bao giờ được bảo rằng, cũng như chưa bao giờ nhận ra rằng sự vĩnh cửu là ngay bây giờ”

Bây giờ thay vì rơi vào một chủ nghĩa hư vô thụ động (đó là nơi mà tư tưởng Phật giáo có thể dẫn dắt), Alan Watts nói về việc sống tại đây và ngay bây giờ. Học vì lợi ích của việc học! Phút giây hiện tại là vĩnh hằng… Chú tâm hoàn toàn vào hành trình, bất kể đó là hành trình gì, và không tập trung vào một mục tiêu nào đó khó nắm bắt trong tương lai. 

Không ràng buộc vào kết quả cuối cùng là điều mà phần lớn mọi người sẽ không bao giờ hiểu bởi vì nó đi ngược lại trực giác. Lý tưởng này là điểm trọng tâm trong triết lý của Alan Watts.

Trong chương mở đầu cuốn sách của mình “Trí tuệ của sự bất định”, ông đã đặt ra thuật ngữ “luật ngược”, trong đó ông nói:

“Khi bạn tìm cách ở trên mặt nước, bạn chìm xuống; nhưng khi bạn tìm cách chìm xuống, bạn lại nổi”

Công án này nói rằng khi chúng ta tạo quá nhiều áp lực lên bản thân để đạt được một lý tưởng hoặc một mục tiêu trong tương lai, chúng ta sẽ làm giảm đi chất lượng của công việc mà mình đang làm trong hiện tại. Lý tưởng hoặc mục tiêu trong tương lai sẽ không bao giờ đạt được bởi vì những gì cần hoàn thành không phải là trọng tâm của chúng ta.

Ngược lại, bằng cách hoàn toàn tham gia vào thực tại, những mục tiêu khó nắm bắt trong tương lai một ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực. Đây là điểm mà một số người sẽ cảm thấy rối.

Nhưng nó có thể được tổng kết đơn giản như sau: Bằng cách không tập trung quá nhiều vào tương lai, bạn sẽ đạt được nó.

MỘT HỆ THỐNG CÓ LỖ HỎNG NGAY TỪ ĐẦU

Alan Watts ví giáo dục bắt buộc với hệ thống hình phạt.

Alan Watts cảm thấy hệ thống giáo dục đã làm chúng ta thất bại bằng cách bảo chúng ta cứ phải hướng đến phần còn lại của cuộc đời trong tương lai. Một phiên bản lý tưởng hoá mà ông đã nung nấu trong đầu về việc mà một nền giáo dục tuyệt vời sẽ trông như thế nào có thể được lượm lặt từ đoạn văn sau đây:

“Khi chúng ta mang đứa trẻ đến thế giới, chúng ta chơi những trò chơi khủng khiếp với chúng. Thay vì nói ‘Con thế nào rồi? Chào mừng đến với loài người. Giờ thì con thân yêu, chúng ta sẽ chơi vài trò chơi rất phức tạp, và đây là quy luật của trò chơi này. Ta muốn con hiểu chúng, và khi con lớn hơn một chút con có thể nghĩ ra luật chơi hay hơn, nhưng giờ ta muốn con chơi bằng luật của chúng ta’.

Thay vì thẳng thắn với con cái, chúng ta nói ‘Con đang ở đây trong thời gian tập sự, và con phải hiểu điều đó. Có thể khi con lớn hơn một chút, con sẽ được thừa nhận, nhưng cho đến lúc đó con phải bị trông coi và không được lắng nghe. Con là một đống hỗn độn, và con phải được giáo dục và rèn luyện vào khuôn phép cho tới khi con trở thành một con người.”

Ông thậm chí còn ví hệ thống giáo dục bắt buộc là những giáo điều tôn giáo nặng nề.

“Nhìn này con đang ở đây trong đau khổ. Con đang chịu sự trừng phạt. Con vẫn chưa phải là một con người.’ Vì vậy người ta tiếp tục cảm thấy điều này khi lớn và hình dung rằng vũ trụ được kiểm soát bởi kiểu cha mẹ Chúa - Cha khủng khiếp này”.

Phần lớn những điều này vẫn còn cộng hưởng với chúng ta ngày nay. Lời khuyên uyên bác của Alan Watts về giáo dục có thể là điều mà chúng ta cần xem lại nếu chúng ta muốn thoát khỏi thực tế đơn điệu của nền giáo dục hiện đại.

Nguồn:
https://bigthink.com/personal-growth/alan-watts-education?rebelltitem=3#rebelltitem3

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo

Với sự hỗ trợ từ (các) Cộng tác viên:
Nguyễn Trần Khánh Ngọc