Người biết tự lập và tự trọng là người hoàn toàn tự tập trong cả ý thức lẫn hành vi, biết tự coi trọng bản thân mình và không làm hoen ố phẩm cách cá nhân.

Fukuzawa Yukichi


Dẫn nhập. Dưới đây là “Những nguyên tắc đạo lý quan trọng”, được biết như “Luật đạo đức” (Moral code, tiếng Anh), của nhà khai sáng Nhật Bản Minh Trị Fukuzawa Yukichi. Ông không những quan tâm truyền bá tri thức về thể chế, giáo dục, khoa học phương Tây để thực hiện cuộc chuyển đổi đất nước đang diễn ra gấp rút, như được diễn đạt trong các tác phẩm Tây dương sự tình, Văn minh luận, Khuyến học, mà còn đề cập đến những vấn đề của đạo đức cần phải giữ gìn. Đạo đức thực tế đối với các nhà cách mạng Minh Trị là vấn đề sống còn của dân tộc, để giữ gìn bản sắc của một dân tộc đang trên đường lột xác. Không giữ được giềng mối đạo đức, con người và xã hội sẽ biến thành cái gì?  Nhật Bản tiếp thu Bunmei-kaika (Văn minh và khai sáng) trên tinh thần “Đạo đức phương Đông”. Họ học rất nhiều từ Khổng giáo, nhưng không phải để làm quan, mà để có đạo đức, và năng lực trí thức. Trong chuyến đi Iwakura (1871-73) để tìm khai minh cho Nhật Bản, các trí thức keimō, nhìn thấy ‘chỗ yếu’ của văn minh đượm mét ‘chủ nghĩa vật chất’ của phương Tây, và rất tự hào về nền đạo đức của họ, và ra sức gìn giữ nó . Người có quyền lực cao nhất đồng thời là biểu tượng tinh hoa đạo đức cho dân tộc Nhật không ai khác là Hoàng đế Minh Trị (1882-1912). Ông được các nhà lãnh đạo cải cách tôn vinh lên lúc 14 tuổi, và có một nhóm gia sư Khổng giáo xung quanh ông, trong đó tên tuổi nổi bật là nhà Khổng học Motoda Eifu (1818-1891). Vị gia sư và cố vấn này có ảnh hưởng quyết định trong các pháp lệnh như “Ý chí Đế chế về Giáo dục” 1879 và “Pháp lệnh Đế chế về Giáo dục” năm 1890 để tạo nền tảng cho đạo đức công dân mà trung quân, ái quốc là những giá trị then chốt. Vì thế, xã hội Nhật Bản mang dấu ấn nhất định của đạo đức Khổng giáo. Xin xem thêm Dẫn nhập của tác giả trong tác phẩm ‘bom tấn’ về Hoàng đế Minh Trị sắp ra mắt kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy Tân.

Nhưng Luật đạo đức của Fukuzawa đi xa hơn. Nó không dựa trên chế độ tôn ti trật tự truyền thống trên-dưới, mạnh-yếu, vua-tôi, chồng-vợ, trung quân, hiếu thảo phận làm con, như trong đạo đức Khổng giáo, mà trên những tính chất lý tính mọi người hiểu được giữa người-và-người, như bình đẳng, trách nhiệm với nhau, với xã hội, lòng yêu thương, không trọng nam khinh nữ, không xúc phạm, ngay cả trong tình vợ chồng, tình thương yêu thuần khiết giữa cha mẹ và con cái, tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng quyền lợi người khác, mở rộng lòng yêu thương và bao dung với người xung quanh, ngay cả tránh ngược đãi động vật hay sát sinh không cần thiết. Trong xã hội văn minh, đạo đức cần được thay đổi “theo sự tiến bộ của văn minh xã hội, để phù hợp một cách tự nhiên trong xã hội đã văn minh đổi mới” như Fukuzawa nói, để xã hội vừa hài hòa, phát triển và văn minh. Có những xã hội phát triển nhưng không văn minh và hài hòa. Hay những xã hội không phát triển được vì ngay từ đầu thiếu một nền tảng đạo đức lành mạnh.

Fukuzawa vốn từ thời trai trẻ có đầu óc đầy tinh thần tự do và yêu lý tính sáng sủa, không dựa lên quyền uy nào, kể cả quyền uy tôn giáo. Ông đã trải qua giáo dục Trung Hoa cổ điển như mọi người có học lúc bấy giờ, nên rất am hiểu lịch sử và văn học Trung Hoa. Sau đó ông hưởng nền giáo dục văn minh phương Tây qua lan học (Dutch studies) tại trường Tekijuku của Ogata Kōan ở Osaka nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Trường này được theo học bởi tất cả giai cấp xã hội, nhà nông, thương nhân, bác sĩ và samurai. Ở đây, sau khi học tiếng Hà Lan, sinh viên học các ngành khoa học phương Tây, như khoa học quân sự, đúc súng, thực vật học, hóa học, vân vân. Ông có lẽ là sinh viên sáng chói nhất của trường. Fukuzawa không thích các loại học cũ, đặc biệt Trung Hoa học, và không có cảm tình với các nhà Khổng học Trung Hoa, và ông sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đầu óc sáng cho tuổi trẻ để tiếp thu cái học phương Tây đang cần thiết. Luật đạo đức không dựa trên tôn giáo. Ông không tin vào tôn giáo, nhưng cũng không phải là kẻ thù của tôn giáo nào. Ngược lại, ông còn khuyên nên truyền bá Phật giáo hay Kitô giáo để “làm dịu lại trái tim của đồng bào tôi”.

Về hai khái niệm ‘tự lực’ và ‘tự trọng’ xuyên suốt trong Luật đạo đức của Fukuzawa: ở đây ‘tự lực’ cũng có thể hiểu ‘độc lập tinh thần’ như được dịch trong bản dịch tiếng Anh: independence of mind. Đương thời, Fukuzawa ca ngợi tinh thần độc lập trong sự học và tư duy, tính chất đặc trưng của phương Tây mà ông thấy phương Đông thiếu cho nên không phát triển được. Và ông cũng sống đúng theo tinh thần độc lập tư duy đó, mở trường Keio dạy học để khai sáng tuổi trẻ, và từ chối tham gia chính quyền để giữ vững độc lập tư duy. Còn ‘tự trọng’ (self-respect) chính là tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản. Họ không đợi người khác đến bắt nạt mình vì thấy mình thấp kém hay mê muội. Họ phải tự tỉnh thức, ở tầm cá nhân cũng như quốc gia, để vươn lên ngang bằng các dân tộc đi trước, về tri thức cũng như đức hạnh. Không xin xỏ, cầu cận ai, mà phải tự lực và độc lập. Tác phẩm Tinh thần tự lực của Samuel Smiles vì thế đã bán ra cả triệu bản khi nó được dịch sang tiếng Nhật 150 năm trước. Hai tính chất này, tinh thần tự lực và lòng tự trọng, là những đức hạnh góp phần làm lên nước Nhật hiện đại . Muốn có một quốc gia độc lập thì phải có những con người độc lập, tự lực, và biết tự trọng danh dự . Chúng ta nên đọc những lời của Fukuzawa và suy ngẫm về những vấn đề đạo đức Việt Nam hiện nay, từ bao giờ và tại sao xã hội Việt Nam lại mất mát đạo đức xuyên khắp các giai tầng xã hội, và làm sao để thiết lập lại đạo đức?

Luật đạo đức này, hay Tu thân yếu lĩnh (Shushin yoryo), ra đời thế nào? Tháng 9, 1898, Fukuzawa bị tai biến lần đầu tiên, tưởng đã qua đời. Vua, hoàng hậu và thái tử gửi tặng quà gồm rượu vang và đồ ngọt cùng với lời thăm hỏi, những thứ ông ưa thích. Sau đó ông tạm hồi phục. Nhưng từ đó trở đi ông không còn viết lách được nhiều nữa. Đầu năm 1899, ông tập hợp một số cựu sinh viên lại, và đọc cho họ nội dung ý tưởng của ông, và các học trò viết thành một bản thảo để ông duyệt. Đó là Luật đạo đức, tác phẩm cuối cùng của ông[ .(1) Ý tưởng nền tảng của tác phẩm này là quan niệm tự trọngđộc lập tinh thần (dokuritsu jison). Đối với Fukuzawa, sự phát triển văn minh, khai minh, tìm tri thức đều có cùng gốc rễ trong Luật đạo đức. “Một khi đã nguyện làm người tự lập và tự trọng thì sau khi trưởng thành, cả nam lẫn nữ đều phải thấy trách nhiệm tiếp tục sự học cho đến hết đời, không được chểnh mảng trong việc tự trau dồi học vấn, vận dụng tri thức và tu dưỡng đạo đức” (Điều 12).

Khi Fukuzawa mất ngày 3 tháng 2, 1901, báo Japan Weekly Mail viết: “Ông được mô tả là động lực vĩ đại cho nền văn minh hiện đại Nhật Bản; [ông là] con người đã làm nhiều hơn tất cả các người đương thời ông để thúc đẩy sự lan tỏa một tinh thần khai phóng đích thực.” Và Quốc Hội Nhật Bản gửi lời chia buồn đến “Ngài Fukuzawa Yukichi, người đã lèo lái cỗ xe tiến bộ văn minh và đã đóng góp phần lớn vào sự nghiệp giáo dục.”(2)

Chúng tôi rất cảm ơn Lam Anh, khoa Nhật Bản học của Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh, đã cho chúng tôi một bản dịch hoàn hảo từ bản gốc của Fukuzawa. Cám ơn Lam Anh, và xin giới thiệu với bạn đọc.

Nguyễn Xuân Xanh

*

* *

Phần lớn giới thanh niên đang trau dồi học thức ngày nay đều bị bối rối trước vấn đề đạo lý trong xử thế ở thời đại đổi mới văn minh, rằng nên theo hướng nào gắn với chủ trương như thế nào. Có trường hợp đã nhiều lần tham vấn người đi trước. Fukuzawa tiên sinh, với ý định giải đáp vấn đề này, đã giao cho môn đệ chúng tôi thảo ra bản yếu lược. Vì vậy chúng tôi đã viết ra những điểm quan trọng cần chú ý, dựa theo lời nói và việc làm của tiên sinh trong cuộc sống đời thường, rồi sau khi được tiên sinh phê chuẩn thì đặt tựa là “Những nguyên tắc đạo lý quan trọng”, và truyền đạt đến người học như nội dung sau đây.

Ngày 11 tháng Hai năm 1900(3)

Ban biên soạn của Trường Keio (Khánh Ứng nghĩa thục)

Fukuzawa Yukichi (1835-1901)

Tu thân yếu lĩnh (1900)

NỘI DUNG LUẬT ĐẠO ĐỨC:

Mọi người dân sinh sống ở nước Nhật, bất kể nam phụ lão ấu, không ai lại không sùng kính và ngưỡng vọng ân đức của hoàng gia – vốn là một dòng họ truyền qua suốt nhiều đời. Chẳng có ai phải nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề rằng nam nữ ngày nay cần phải theo đạo lý như thế nào để ứng xử trong xã hội ngày nay, thì chúng ta nhận thấy, tuy rằng việc giáo dục đạo đức từ xưa đến giờ đã có nhiều đường hướng khác nhau nhưng cũng cần thay đổi theo sự tiến bộ của văn minh xã hội, để phù hợp một cách tự nhiên trong xã hội đã văn minh đổi mới. Vì vậy mà cần phải đổi mới những nguyên tắc trong đạo lý ứng xử.

Điều 1: Con người phải nâng cao phẩm giá làm người, trau dồi đạo đức và trí tuệ, ngày càng vươn cao rạng rỡ và phát huy tối đa năng lực của bản thân. Nam nữ chúng ta đều phải lấy chủ trương tự lập và tự trọng làm nguyên tắc căn bản trong đạo lý ứng xử, luôn khắc ghi điều đó trong lòng mà chu toàn trách nhiệm làm người trong đời sống.

Điều 2: Người biết tự lập và tự trọng là người hoàn toàn tự tập trong cả ý thức lẫn hành vi, biết tự coi trọng bản thân mình và không làm hoen ố phẩm cách cá nhân.

Điều 3: Gốc rễ của đời sống tự lập là ở việc tự nuôi thân bằng sức lao động của chính mình. Người tự lập và tự trọng phải là người biết tự lo và tự giúp mình.

Điều 4: Giữ gìn sức khỏe là trách nhiệm quan trọng không thể bỏ qua trong đời sống con người. Phải luôn giữ cho thân thể cường tráng và trí tuệ minh mẫn, không nên làm điều gì bất lợi gây tổn hại cho sức khỏe dù chỉ là nhỏ nhặt.

Điều 5: Hãy sống hết mình với tuổi thọ được tạo hóa ban cho. Tự làm hại sinh mạng của chính mình, dù nguyên nhân hoàn cảnh ra sao, đều được xem là hành vi lỗi đạo và hèn nhát, trái với chủ trương tự lập và tự trọng, và là điều tồi tệ nhất trên đời.

Điều 6: Không thể giữ đúng theo chủ trương tự lập và tự trọng nếu không có tinh thần dũng cảm, xông xáo, kiên nhẫn và bất khuất. Để vươn lên và tồn tại vững vàng, con người không thể thiếu dũng khí.

Điều 7: Người tự lập và tự trọng không dựa vào người khác mà phải sử dụng năng lực trí tuệ của chính mình để suy nghĩ và phán đoán về đường hướng tiến thoái của bản thân.

Điều 8: Trọng nam khinh nữ là thói tục lạc hậu. Thời văn minh thì nam nữ bình đẳng, cùng yêu thương tôn trọng lẫn nhau, mỗi giới đều phát huy tối đa tinh thần tự lập và tự trọng.

Điều 9: Hôn nhân là việc hết sức quan trọng của đời người, nên lựa chọn bạn đời cần thận trọng tối đa. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng gắn bó cùng nhau suốt cuộc đời, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, không xúc phạm đến nhau trong tinh thần tự lập và tự trọng, chính là nền tảng của đạo lý làm người.

Điều 10: Con cái sinh ra trong chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì chỉ có một cha một mẹ, và bố mẹ cũng không có con cái nào khác nữa. Tình thương yêu giữa bố mẹ và con cái là tình cảm chân thành thuần khiết. Tránh làm tổn thương tình cảm này để giữ vững nền tảng của hạnh phúc gia đình.

Điều 11: Khi con cái còn trong tuổi trẻ thơ, cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ để các con trở thành người tự lập và tự trọng. Phận làm con thì phải nghe theo lời mẹ cha dạy bảo mà nỗ lực phấn đấu, để khi trưởng thành sẽ là người tự lập và tự trọng, có đầy đủ năng lực giúp ích cho đời.

Điều 12: Một khi đã nguyện làm người tự lập và tự trọng thì sau khi trưởng thành, cả nam lẫn nữ đều phải thấy trách nhiệm tiếp tục sự học cho đến hết đời, không được chểnh mảng trong việc tự trau dồi học vấn, vận dụng tri thức và tu dưỡng đạo đức.

Điều 13: Xã hội là tổ chức được hình thành bằng cách tập hợp ngày càng nhiều các gia đình, dòng tộc. Có thể hiểu rằng nền tảng của xã hội lành mạnh nằm ở khả năng tự lập và tự trọng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.

Điều 14: Mỗi cá nhân đều bảo vệ quyền lợi và mưu cầu hạnh phúc cho chính mình, đồng thời tôn trọng, không mảy may xâm hại đến quyền lợi và hạnh phúc của người khác, không xúc phạm tinh thần tự lập và tự trọng của mình cũng như của mọi người, ấy là lối sống hòa hợp trong xã hội.

Điều 15: Ôm hận, trả thù là thể hiện thói tục lạc hậu và hành vi thấp kém. Nhất định phải lựa chọn đường lối đúng đắn chính trực để xóa bỏ nỗi hổ nhục và đạt đến tột đỉnh vinh quang.

Điều 16: Mỗi người cần phải trung thực trong trách nhiệm mà mình đảm nhận ở nơi mình công tác. Người tự lập và tự trọng thì không thể mảy may lơ là trách nhiệm, không kể là việc lớn hay việc nhỏ, việc nặng hay việc nhẹ.

Điều 17: Giao thiệp với mọi người cần phải có lòng tin. Ta tin người khác thì người khác cũng sẽ tin ta. Có tin tưởng lẫn nhau mới thật sự có được sự tự lập và tự trọng ở bản thân mình cũng như ở người khác.

Điều 18: Cư xử đúng lễ nghĩa là yếu tố cần thiết cho hoạt động giao tế xã hội thể hiện sự tôn trọng và tình thương mến. Vậy nên không thể mảy may lơ là vấn đề này, nhưng đồng thời cần ứng xử đúng mực.

Điều 19: Cố gắng mở rộng tình yêu thương đối với bản thân mình và mở lòng bao dung với những người xung quanh, ấy là biểu hiện của lòng bác ái – một phẩm chất tốt đẹp của con người.

Điều 20: Không nên chỉ giới hạn lòng nhân đạo trong phạm vi đối xử với con người đồng loại. Con người nên tránh làm những việc như ngược đãi động vật hay sát sinh vô ích.

Điều 21: Năng khiếu về nghệ thuật giúp nâng cao nhân cách và mang đến sự hứng khởi tinh thần, và do đó góp phần làm cho xã hội được bình an, con người thêm hạnh phúc, nên cũng có thể được xem là một lĩnh vực rất cần thiết trong đời sống con người.

Điều 22: Có quốc gia thì chắc chắn sẽ có nhà nước. Chính phủ có trách nhiệm hành pháp, xây dựng quân đội, bảo vệ nhân dân, đảm bảo cho người dân không bị xâm hại thân thể, tính mạng, tài sản, danh dự và quyền tự do. Do đó người dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Điều 23: Một khi đã thực hiện nghĩa vụ quân sự và đóng góp vào ngân sách nhà nước thì người dân có quyền và nghĩa vụ tham gia vào công việc lập pháp và giám sát việc chi tiêu ngân sách.

Điều 24: Công dân Nhật Bản, không phân biệt nam nữ, đều không được quên nghĩa vụ hy sinh tính mạng và tài sản, chống lại kẻ thù của quốc gia để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Điều 25: Nghĩa vụ của công dân là tôn trọng và sống theo pháp luật. Nghĩa vụ này không chỉ đơn thuần là tôn trọng và tuân thủ pháp luật, mà còn là trách nhiệm đóng góp vào việc thi hành pháp luật trong đời sống, duy trì trật tự và an toàn xã hội.

Điều 26: Trên thế giới có không ít quốc gia. Tuy rằng các nước khác nhau về tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục tập quán, nhưng người dân các nước đều là con người và bình đẳng với nhau, nên khi ứng xử với người dân nước khác thì không được phân biệt thấp cao tốt xấu. Thái độ độc tôn dân tộc mình mà coi thường người dân nước khác là trái với tinh thần tự lập và tự trọng.

Điều 27: Người dân nước ta trong thời đại ngày nay phải hoàn thành nhiệm vụ nâng cao trình độ phát triển và làm tăng phúc lợi của xã hội vốn là thành quả của tổ tiên để lại, và truyền lại những điều đó cho thế hệ sau này.

Điều 28: Con người được sinh ra trong đời tất nhiên là có sự khác nhau về năng lực trí tuệ và thể chất. Hoạt động giáo dục có tác dụng làm gia tăng số người thông minh, mạnh mẽ và giúp cho những trường hợp yếu kém giảm đi. Như vậy giáo dục có vai trò định hướng cho con người lối sống tự lập và tự trọng, đưa họ đến với việc vận dụng điều đó trong đời sống thực tiễn.

Điều 29: Mong rằng cả nam và nữ giới đều không chỉ tự giác làm theo những nguyên tắc ứng xử này mà còn phổ biến điều đó rộng khắp trong xã hội, sát cánh cùng quảng đại quần chúng vươn đến một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời.

Hết

(LAM ANH CHUYỂN NGỮ)

Các chú thích:

(1)KitaokaShinichi,308-314

(2)CarmenBlacker,138-39

(3)Năm 1900 mới đúng, không phải 1890 như bản dịch tiếng Anh ghi. Bởi vì năm 1898 Fukuzawa bị tai biến (lần đầu tiên), điều được xác nhận một cách thống nhất. Cho nên sau đó, ông không còn đủ sức tự viết và mới cần đến các cựu sinh viên của ông. Chỉ vài năm sau Fukuzawa mất, 1901, hưởng thọ 66 tuổi. Mặt khác bản tiếng Nhật cũng ghi năm Meiji 33, tính ra Tây lịch chính là năm 1900.

Tham khảo:

[1] Marleen Kassel, Tokugawa Confucian Education. The Kangien Academy of Hirose Tansō. State University of New York Press, 1996.

[2] Kitaoka Shinichi, Self-Respect and Independence of Mind. Japan Publishing Industry Foundation for Culture, 2017.

[3] Carmen Blacker, The Japanese Enlightenment. Cambridge University Press, 1969.

[4] Fukuzawa’s Moral code (1), tiếng Anh:

https://opensiuc.lib.siu.edu/cgi/viewcontent.cgi?referer=https://www.google.com/&httpsredir=1&article=2114&context=ocj

[5] Fukuzawa’s Moral code (2), tiếng Anh: http://www.kf.keio.ac.jp/english/moral.html

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý