Ngoài việc là nhà quản lý giáo dục, TS.Bùi Trân Phượng còn là nhà nghiên cứu khoa học. Từ năm 1975-1992, các công trình nghiên cứu của bà tập trung vào lịch sử cận - hiện đại Việt Nam, lịch sử văn hóa, lịch sử phụ nữ Việt Nam. Bà được Tổng thống Pháp trao tặng Huân chương Quốc công bậc hiệp sĩ năm 2012 và Huân chương Bắc đẩu bội tinh bậc hiệp sĩ năm 2014 vì những đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục. TS. Bùi Trân Phượng cho biết, rất nhiều người đã đặt cho bà câu hỏi rằng đâu là điểm mấu chốt, là “bí quyết” trong giáo dục, thì câu trả lời của bà luôn nhất quán: đó chính là sự trân trọng dành cho mỗi con người.

* Cấp tiểu học, phải trả lời được “Tôi là ai?”

* Trong chia sẻ của mình về quan điểm giáo dục con người, bà thường nói trong chương trình giáo dục phổ thông ở nhiều nước, câu hỏi “Tôi là ai?” đã được giải quyết xong ở bậc tiểu học. Liệu có quá sớm không khi thực tế có nhiều người mất cả đời để đi tìm câu trả lời cho vấn đề này?

- Theo tôi là không sớm. Cần hiểu, câu hỏi “Tôi là ai?” là câu hỏi được trả lời nhiều lần trong đời chứ không phải một lần. Tuy nhiên, đứa trẻ 12 tuổi cần hình thành được thói quen khẳng định bản thân, điều này là vô cùng quan trọng, tất nhiên khẳng định với tầm hiểu biết và tư duy của trẻ 12 tuổi. Người Việt Nam thường quan niệm “con chỉ là con, con phải nghe lời cha mẹ, thầy cô”, ta thấy rằng tư duy này định nghĩa “con” là cái gì đó, “của ai”, chứ không khẳng định “con” chính là “con”, là một cá thể độc lập.

Nếu giáo dục đúng, đứa trẻ 3 tuổi đã có thể biết và tự khẳng định nó là ai: thích ăn và không thích ăn thức ăn nào, thích màu gì, mặc quần áo nào, thích trò chơi gì và không thích trò gì…Hay nói đúng hơn, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo phải đủ sức hiểu đứa trẻ 3 tuổi mà mình đang chăm dạy là ai. Vì trước đó rất lâu, trẻ đã có nhiều sở thích, sở trường khác biệt, chẳng qua chúng chưa đủ ngôn ngữ nên khó diễn đạt cho người lớn hiểu; đến 3 tuổi, khó khăn này phải được vượt qua hoàn toàn. 12 tuổi thì mức độ nhận biết cao hơn, ví dụ: tôi là người Việt Nam, tôi giống và khác những người thuộc dân tộc khác, nền văn hóa khác ở chỗ nào… Vậy nên, ở độ tuổi tiểu học, dạy trẻ trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” chỉ là có phương pháp giáo dục đúng để mỗi đứa trẻ đủ hiểu biết và tự tin khẳng định mình là một cá thể độc lập, nó không cần phải giống ai hoàn toàn và không hòa lẫn vào ai. Ở mỗi độ tuổi, mỗi người sẽ tự tìm cho mình câu trả lời phù hợp, nhưng theo tôi, không nền giáo dục nào có thể né tránh việc hỗ trợ học sinh trả lời câu hỏi này cả. Nhưng hỗ trợ hoàn toàn không có nghĩa là áp đặt cho người học câu trả lời duy nhứt “đúng đáp án”.

* Với bà, “giáo dục” nghĩa là gì?

- Đối với tôi, dù là một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ hay một người đã ở tuổi 60 thì đó đều là một con người. Và vì thế, trong mọi mối quan hệ, họ đều cần phải được tôn trọng như một nhân cách tự do. Đứa trẻ có quyền nói thương người này hay không thương người kia nếu đó là suy nghĩ thật của nó, có thể mô tả mình “tôi giỏi bóng đá nhưng không giỏi toán” và vẫn được tôn trọng, không bị ép buộc vào một thứ hạng, một khuôn khổ nào do người lớn đặt ra. Tóm lại, chúng cần được tôn trọng và học cách tôn trọng người khác. Đây là nhiệm vụ của giáo dục theo suy nghĩ của tôi. 

* Bà đề cao sự tôn trọng con người, dù đó là một đứa trẻ, nhưng cụ thể, cần phải làm gì để dạy một đứa trẻ về sự tôn trọng?

- Mỗi đứa trẻ phải được dạy sự tự trọng đầu tiên. Tự trọng tức là tự tôn trọng bản thân mình, từ thân thể đến tinh thần. Một đứa trẻ tự trọng sẽ không dùng bạo lực với người khác và không cho người khác sử dụng bạo lực với thân thể và tinh thần của chính mình. Ví dụ, tôi chứng kiến một người cha độ tuổi 30, kiên trì, liên tục dạy con mình từ bé “ba không đánh con, và con cũng không đánh người khác dù trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Tôi tán thành bạn trẻ đó và quý trọng chọn lựa phi bạo lực của bạn. Nhưng đó là sự lựa chọn của người cha đó, thực tế vẫn có nhiều phụ huynh dạy con đáp trả khi bị đánh. Không thể áp đặt quan điểm nào. Đó là sự lựa chọn và mỗi gia đình, mỗi cá nhân chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.

* Tôn trọng con người là mấu chốt

* Là một nhà giáo dục tâm huyết, suy nghĩ của bà như thế nào với những câu chuyện bạo hành hoặc quấy rối tình dục ở trường học?

- Tôi thấy đau khổ và lo lắng. Nếu xã hội thiếu an toàn, trẻ em là đối tượng chịu hậu quả đầu tiên, vì chúng yếu ớt, lại thiếu được trang bị khả năng tự vệ. Trường học lẽ ra là nơi trẻ phải được an toàn, trẻ em lại không được bảo vệ trong môi trường đó thì quả là điều rất đáng lo.

Với tư cách người làm giáo dục, tôi cho là những giáo viên mang lại sự thiếu an toàn cho trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần thì cần phải loại ra khỏi hệ thống giáo dục bằng cách này hay cách khác. Họ có thể chọn công việc khác và vẫn được trọng vọng, không sao cả, nhưng họ không được phép mang những ẩn ức cá nhân, những bi kịch cuộc đời mình để biện minh cho việc mình gây hại cho học sinh. Nếu đó là sự thiếu kiềm chế nhất thời, họ cần biết tự sửa sai, hoặc được nhắc nhở, hỗ trợ bằng huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, hay cả chăm sóc y khoa, nếu cần. Nhưng không tự kiểm soát được cảm xúc, hành vi thì không đủ điều kiện hành nghề, nhứt là nghề trực tiếp liên quan đến con người, đến trẻ em.

* Bà từng bày tỏ quan điểm “không thể “nhốt” con mãi trong một môi trường lý tưởng do chính gia đình tạo ra”, liệu điều này có mâu thuẫn với quan điểm “dạy con không bạo lực” của bà? Vì môi trường bên ngoài vẫn đầy những biểu hiện của bạo lực dưới nhiều hình thức và mức độ?

- Khi con dưới 18 tuổi, cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con an toàn, trong đó bao gồm trách nhiệm dạy con biết tự bảo vệ an toàn của chính nó, vì không ai có thể ở bên cạnh con 24/24 giờ một ngày. Nhưng nếu giáo dục đúng, đứa trẻ sẽ không bao giờ sử dụng bạo lực với người khác, song cũng có cách để người khác không sử dụng bạo lực với mình. Tôi ví dụ, đứa trẻ khi bị đánh phải biết chạy, biết khóc, biết la lên, biết kêu gọi sự giúp đỡ… chứ không đứng im chịu trận, mặc dù không đánh trả. Nếu dùng mọi biện pháp đó mà vẫn không thoát, cha mẹ luôn có cách cứu con, kể cả chuyển trường.

* Bên cạnh câu hỏi “Tôi là ai?” thì việc trở thành một con người hạnh phúc làm nhiều người trăn trở. Bà có “bí quyết” gì trong việc hướng dẫn, hỗ trợ một đứa trẻ trở thành một người hạnh phúc hay không?

 

- Không có “bí quyết” gì cả, với tôi, tôi tôn trọng mọi con người, từ đứa trẻ chưa biết nói đến người trưởng thành. Hạnh phúc là một trạng thái khá riêng tư và không có công thức chung cho nó. Song tôi cho rằng một con người hạnh phúc thường có một số điểm nền tảng như: có trí tuệ, có cảm xúc, có sự tự do trong mọi quyết định liên quan đến bản thân mình và chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Đứa trẻ 3 tuổi, 5 tuổi cũng có thể chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở mức độ nhận thức của bé, đừng hành xử như nó chưa biết gì. Hành xử như thể trẻ em không biết gì chính là hành vi thiếu tôn trọng đứa trẻ như một con người.

 Xin cảm ơn bà!

------

TS BÙI TRÂN PHƯỢNG 

TS.Bùi Trân Phượng du học Pháp từ năm 1968, tốt nghiệp cử nhân giáo khoa lịch sử Đại học Paris năm 1972, thạc sĩ lịch sử tại Đại học Paris VII năm 1994 và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ lịch sử tại Đại học Lyon 2, Pháp năm 2008. Bà nhận giải thưởng “Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục” của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2013 vì đóng góp có hiệu quả trong nhiều năm qua góp phần đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng tại Việt Nam.”

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý