Tên bài viết gốc (tiếng nước ngoài): 7 SKILLS THAT ARE HARD TO LEARN BUT PAY OFF FOREVER

Quá trình học tập cũng quan trọng không kém những gì mà bạn học được. Việc tin tưởng rằng trong tương lai, bạn có thể cải thiện bản thân và sẽ vượt xa khả năng hiện tại của bạn là một điều thật sự thú vị và mãn nguyện.

Tuy nhiên, thời gian của bạn là hữu hạn, và bạn nên dành hết sức mình để học hỏi những kỹ năng mang lại cho bạn nhiều lợi ích nhất. Có bảy kỹ năng mà tôi tin là phù hợp, vì chúng không ngừng tạo ra điều tốt đẹp trong tương lai. Đây là những kỹ năng mang lại nhiều lợi ích nhất, cả về những điều mà bạn được học và cả khả năng duy trì việc học của những kỹ năng này.

  1. BIẾT KHI NÀO NÊN IM LẶNG

Chắc chắn, bạn có thể cảm thấy rất tuyệt khi trút bỏ phiền muộn lên ai đó và cho họ biết suy nghĩ thực sự của bạn, nhưng cảm giác tuyệt vời đó chỉ là tạm thời. Điều gì xảy ra vào ngày hôm sau, tuần sau hay năm sau? Bản chất của con người là muốn chứng minh rằng mình đúng nhưng điều này hiếm khi hiệu quả. Trong xung đột, khi không kiểm soát được cảm xúc bạn sẽ không chấp nhận và chiến đấu, điều này có thể khiến bạn và mối quan hệ bị tổn hại nghiêm trọng. Khi bạn có thể đọc và hiểu được cảm xúc của mình, bạn có thể lựa chọn chiến đấu một cách khôn ngoan và chỉ khẳng định bản thân khi cần thiết. Trong phần lớn thời gian, bạn cần giữ im lặng.

  1. TRÍ TUỆ CẢM XÚC (EQ).

EQ là “một điều” khá vô hình trong mỗi chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách ta quản lý hành vi, điều hướng những phức tạp trong xã hội và tự đưa ra quyết định để đạt được kết quả tích cực. EQ là khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của bản thân và người khác, đồng thời là khả năng sử dụng nhận thức này để quản lý hành vi và các mối quan hệ của bạn. Qua vài chục năm nghiên cứu, giờ đây, trí tuệ cảm xúc được cho là yếu tố quan trọng khiến những ngôi sao trở nên khác biệt so với những người còn lại. Đó là nhờ vào việc tập trung mạnh mẽ năng lượng về một hướng, mang lại hiệu quả tuyệt vời.

TalentSmart đã thử nghiệm EQ cùng 33 kỹ năng quan trọng khác tại nơi làm việc và nhận thấy rằng EQ là yếu tố dự đoán hiệu suất rõ rệt nhất, giải thích 58% tỷ lệ thành công trong tất cả các công việc. Trong tất cả đối tượng nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng 90% những người làm việc hiệu quả hàng đầu có chỉ số EQ cao. Mặt khác, chỉ 20% người làm việc kém có chỉ số EQ cao. Bạn có thể là người làm việc tốt nhất mà không cần EQ nhưng cơ hội đó rất mong manh. Hiển nhiên, người có chỉ số EQ cao kiếm được nhiều tiền hơn, trung bình nhiều hơn 29.000 USD mỗi năm so với những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc thấp. EQ và thu nhập liên hệ chặt chẽ đến mức mỗi điểm EQ tăng thêm sẽ cộng thêm 1.300 USD vào thu nhập hàng năm. Tăng chỉ số EQ của bạn sẽ không chỉ tăng tài khoản ngân hàng của bạn mà còn giúp bạn hạnh phúc và bớt căng thẳng hơn.

  1. QUẢN LÝ THỜI GIAN

Một trong những vấn đề lớn nhất cản trở việc quản lý thời gian hiệu quả là “sự chiếm đoạt của việc khẩn cấp”. Điều này nói đến xu hướng khi bạn phải thực hiện ngay những việc ít quan trọng và cản trở những điều thực sự quan trọng. Khi bạn không thể chống lại nó, bạn dành quá nhiều thời gian thực hiện nhiều vấn đề lặt vặt mà không bao giờ hoàn thành được bất kỳ công việc nào. Đã bao nhiêu lần bạn ra về vào cuối ngày và nhận ra rằng mình đã không thực hiện điều quan trọng dù chỉ một ít? Học cách quản lý hiệu quả thời gian của bạn, và mỗi ngày bạn sẽ có thể thực hiện hết mức khả năng của bạn.

Bvbd K7 N114 C T01

Nguồn ảnh: https://coamplifi.com/5-effective-time-management-tips/

  1. LẮNG NGHE

Điều này có vẻ dễ dàng. Có phải nếu ta đang không nói tức là ta đang lắng nghe? Không hẳn là vậy. Rất nhiều lần, ta nghĩ mình đang lắng nghe, nhưng thực ra ta đang lên kế hoạch cho điều mình sẽ nói tiếp theo. Lắng nghe thực sự có nghĩa là chỉ tập trung vào những gì người khác đang nói. Đó là sự thấu hiểu mà không phản bác hoặc chen vào. Học cách ngừng phán xét và tập trung vào việc hiểu ý kiến của người khác là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà bạn có thể cải thiện.

Lắng nghe cũng tương tự trí tuệ—hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ ở trên mức trung bình (mặc dù điều này là không thể). Một nghiên cứu tại Đại học Bang Wright đã khảo sát hơn 8.000 người từ các ngành khác nhau và gần như tất cả đều tự đánh giá mình là người lắng nghe tốt ngang bằng hoặc tốt hơn đồng nghiệp của họ. Chúng tôi có linh cảm rằng nhiều người trong số họ đã sai.

Tại nơi làm việc có rất nhiều cuộc nói chuyện, vì thế mà ta có rất nhiều cơ hội để lắng nghe. Chúng ta trò chuyện để đưa ra phản hồi, làm rõ các chỉ dẫn và thông báo hạn chót công việc. Ngoài lời nói, còn có thông tin vô giá thông qua giọng điệu, ngôn ngữ cơ thể và nhiều điều không nói ra cần được bạn thấu hiểu. Nói cách khác, nếu bạn không mở tai (và mắt) để lắng nghe, bạn có nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi.

  1. NÓI “KHÔNG”

Nghiên cứu thực hiện tại Đại học California, San Francisco, cho thấy rằng nếu bạn càng gặp khó khăn khi từ chối, bạn càng dễ bị căng thẳng, kiệt sức và thậm chí trầm cảm. Nói “không” thực sự là một thách thức lớn đối với nhiều người. Không là một từ quyền lực mà bạn đừng nên ngại sử dụng. Khi đã đến thời điểm nói không, hãy tránh những cụm từ như tôi không nghĩ mình có thể hoặc tôi không chắc chắn. Bằng cách nói không với một cam kết mới, bạn tôn trọng những nhiệm vụ hiện tại của mình và cho bản thân cơ hội để thực hiện chúng một cách hiệu quả. Khi bạn học cách nói không, bạn giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc không cần thiết đồng thời dành thời gian cũng như năng lượng cho những điều quan trọng trong cuộc sống.

Bvbd K7 N114 C T02
Nguồn ảnh: The Detwiler Group.

  1. Có giấc ngủ chất lượng.

Chúng ta luôn biết rằng giấc ngủ chất lượng sẽ tốt cho não của bạn, nhưng nghiên cứu gần đây của Đại học Rochester đã chứng minh tính chính xác của điều này. Nghiên cứu cho thấy rằng khi bạn ngủ, não của bạn sẽ loại bỏ các protein độc hại, là sản phẩm phụ của hoạt động thần kinh khi bạn thức, khỏi các tế bào thần kinh của nó. Vấn đề ở đây là não của bạn chỉ có thể loại bỏ toàn bộ các protein độc hại này khi bạn có giấc ngủ chất lượng. Khi bạn không có được giấc ngủ sâu, chất lượng cao, các protein độc hại sẽ tồn tại trong tế bào não của bạn, tàn phá và cuối cùng làm suy giảm khả năng suy nghĩ của bạn—điều mà không lượng caffein nào có thể khắc phục được. Điều này làm chậm khả năng xử lý thông tin và giải quyết vấn đề của bạn, giết chết khả năng sáng tạo của bạn và tăng phản ứng xúc cảm của bạn. Học cách có được giấc ngủ chất lượng cao là một kỹ năng khó, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả lớn vào ngày sau đó.

  1. SỐNG TÍCH CỰC

Tất cả chúng ta đều nhận được lời khuyên có thiện chí là "hãy luôn lạc quan". Thử thách càng lớn, lời khuyên theo hướng tích cực này càng trở nên lạc lõng và phi thực tế. Thật khó để tìm ra động lực để tập trung vào điều tích cực khi sự tích cực dường như không có gì khác hơn là mơ tưởng. Trở ngại thực sự đối với sự tích cực là não bộ của chúng ta cố tìm kiếm và tập trung vào các mối đe dọa. Cơ chế sinh tồn này đã giúp ích rất nhiều cho chúng ta, vì con người là những kẻ săn bắt hái lượm và phải sống hàng ngày với mối đe dọa thực sự là bị giết bởi ai đó hoặc thứ gì đó ở ngay xung quanh chúng ta.

Nhưng đó là hàng nghìn năm trước. Ngày nay, cơ chế này tạo ra sự bi quan và tiêu cực do tâm trí có xu hướng tìm kiếm xung quanh, cho đến khi nó tìm thấy mối đe dọa. Những “mối đe dọa” này phóng đại sự nhận thức rằng mọi thứ đang diễn ra—và/hoặc sẽ diễn ra—một cách tồi tệ. Khi mối đe dọa là có thật và rình rập đâu đó, cơ chế này sẽ phục vụ bạn rất tốt. Khi mối đe dọa là do tưởng tượng và bạn mất hai tháng để tin rằng dự án mình đang thực hiện sẽ thất bại, cơ chế này mang lại một cái nhìn tồi tệ về thực tế và tàn phá cuộc đời bạn. Duy trì sự tích cực là một thử thách mỗi ngày, đòi hỏi phải có sự tập trung và chú ý. Bạn phải có chủ ý giữ thái độ tích cực nếu muốn vượt qua bản năng tập trung vào các mối đe dọa của não bộ.

KẾT HỢP TẤT CẢ LẠI VỚI NHAU

Nghiên cứu cho thấy rằng học tập suốt đời mang lại nhiều lợi ích bên cạnh kỹ năng bạn có được. Hãy không ngừng học hỏi.

Nguồn bài viết gốc: https://www.forbes.com/sites/travisbradberry/2016/11/01/7-skills-that-are-hard-to-learn-but-payoff-forever/?sh=4c7a700541f8

___________________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Nguyễn Thị Kim Thương
Đinh Nguyễn Nhã Thanh
Lâm Trọng Kha
Hồ Tấn Hùng
Đinh Thị Nho

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Dương Thị Vĩnh An