Tên bài viết gốc (tiếng nước ngoài): THE CHALLENGES OF ADVANCING INCLUSIVE EDUCATION

Các luật sư vì người khuyết tật khác với các luật sư khác: họ theo đuổi các mục tiêu chiến lược vượt trên cả lợi ích của từng khách hàng cá nhân — và hy vọng phù hợp với các mục tiêu của phong trào quyền cho người khuyết tật. Họ cũng khác với những người tham gia khác trong phong trào quyền cho người khuyết tật bằng sự tập trung vào các hoạt động pháp lý. Vị thế cụ thể này yêu cầu họ phải cân bằng các lợi ích khác nhau trong việc đưa ra chiến lược pháp lý của mình. Tôi muốn nhấn mạnh một số quyết định khó khăn này thông qua ví dụ MDAC kiện Bulgary, một vụ việc thúc đẩy thành công quyền giáo dục hòa nhập mà tôi đã tham gia với tư cách là luật sư cho Trung tâm Vận động cho Người khuyết tật Tâm thần.

Thống nhất việc theo đuổi các mục tiêu đối lập

Vấn đề khuyết tật làm cho các luật sư tham gia tranh tụng cần phải cân bằng các lợi ích đối đầu nhau. Với tư cách là luật sư, họ phải tính đến mong muốn của các khách hàng cá nhân của mình - thực tế, họ có nghĩa vụ pháp lý phải làm như vậy. Họ cũng phải theo đuổi lợi ích của phong trào quyền của người khuyết tật, hoặc ít nhất là lợi ích của một tập thể cử tri hẹp hơn trong tổng thể phong trào quyền của người khuyết tật lớn hơn mà họ đang hỗ trợ. Cuối cùng, họ cần xem xét lợi ích của tổ chức và các nhà tài trợ đang tài trợ cho công việc kiện tụng và những người sẽ giúp thi hành kết quả của việc kiện tụng đó.

Việc xây dựng các thỏa hiệp xung quanh các mục tiêu chiến lược dài hạn sẽ dễ dàng hơn so với các bước cụ thể để đạt được mục tiêu đó.

Ví dụ, những nhóm lợi ích khác nhau này đôi khi phù hợp với những nỗ lực nhằm bảo vệ tốt hơn cho các nạn nhân bị ngược đãi[1] hoặc loại bỏ chế độ giám hộ tuyệt đối thông qua kiện tụng[2]. Bất kỳ người nào không đồng ý với những mục tiêu đó đều đến từ phe đối lập với phong trào, không phải từ bên trong phong trào đó. Nhưng thường thì lợi ích của khách hàng cá nhân không hoàn toàn phù hợp với lợi ích của các tổ chức vận động chính sách. Và đôi khi thật khó để tìm thấy sự nhất trí trong chính phong trào rằng đâu là cách hành động tốt nhất. Tóm lại, tất cả những người liên quan có thể đồng ý rằng nên bãi bỏ việc điều trị tâm thần cưỡng bức, nhưng họ có thể không đồng ý phương án thay thế cho nó nên là gì, và càng không đồng ý về những hành động cần thực hiện để đạt được điều đó. Việc xây dựng các thỏa hiệp xung quanh các mục tiêu có tầm nhìn dài hạn sẽ dễ dàng hơn so với các bước cụ thể để đạt được điều đó, vốn thường bao gồm những sự đánh đổi khó khăn.

Giáo dục hòa nhập—mục tiêu cho tất cả?

Những người ủng hộ người khuyết tật nhất trí một cách rộng rãi rằng nên cung cấp giáo dục hòa nhập cho tất cả trẻ em khuyết tật. Đáng buồn thay, rất nhiều trẻ em khuyết tật trên khắp thế giới đang theo học tại các trường học đặc biệt dưới tiêu chuẩn thông thường, tách biệt hoặc hoàn toàn không được tiếp cận với giáo dục. Trung tâm Biện hộ cho Người khuyết tật Tâm thần (MDAC), một tổ chức quốc tế ủng hộ quyền của người khuyết tật, vào năm 2006 đã quyết định gửi đơn khiếu nại tập thể lên Ủy ban Quyền Xã hội Châu Âu theo Hiến chương Xã hội Châu Âu để nhấn mạnh vấn đề này và gây áp lực lên chính phủ để thực hiện nghĩa vụ của họ trong lĩnh vực này. Họ quyết định khởi xướng vụ kiện ở Bungari vì các điều kiện ở quốc gia đó đã được Ủy ban Helsinki của Bungari ghi chép đầy đủ. MDAC đã bắt đầu tham vấn diện rộng với các đối tác của mình về cách xây dựng luận điểm cho vụ việc tranh tụng.

Tuy nhiên, rõ ràng là không phải tất cả người khuyết tật đều ủng hộ vụ kiện. Ví dụ, một số nhóm được giáo dục trong các trường tách biệt nhưng không nhất thiết dưới tiêu chuẩn thông thường, chẳng hạn như trường dành cho người mù và người điếc. Các bậc cha mẹ sợ rằng việc cấm các trường này, mặc dù là một chiến thắng trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế có thể dẫn đến ít lựa chọn hơn cho con cái họ trong thời gian lâm thời [Khi chưa có trường học mới thay thế]. Do đó, một thỏa hiệp đã được đưa ra để chỉ tập trung vụ kiện vào tình trạng của trẻ em thiểu năng trí tuệ, những đối tượng bị bỏ rơi nhiều nhất trong hệ thống trường học.

Việc gộp quá nhiều vấn đề khác nhau trong một vụ kiện có thể phản tác dụng, bởi vì các vấn đề cụ thể của các nhóm khác nhau có thể bị bỏ qua.

Không phải tất cả trẻ khuyết tật trí tuệ đều có hoàn cảnh giống nhau. Một số đã được đưa vào sống trong các cơ sở dành cho trẻ em khuyết tật nặng, nơi chúng không được giáo dục. Những người khác đang sống trong các trường nội trú hoặc theo học các trường đặc biệt, tách biệt. Cũng có những đứa trẻ sống cùng gia đình: một số học trường đặc biệt, số khác học trường bình thường, thường không nhận được sự hỗ trợ và chỗ ở đầy đủ. Mặc dù tất cả các tình huống này đều vi phạm các quy tắc quốc tế, nhưng chúng vi phạm các quy tắc khác nhau và cần các biện pháp khắc phục khác nhau. MDAC phải quyết định xem có đại diện cho tất cả các nhóm này trong vụ kiện hay không và nếu không đại diện cho tất cả thì đại diện cho nhóm nào.

Có những lý do chính đáng để gộp tất cả các nhóm đối tượng trẻ em vào chung đơn khiếu nại. Rằng, bằng cách đó, vụ việc có thể cung cấp một biện pháp khắc phục cho tất cả chúng; hay việc loại trừ một đứa trẻ có thể dẫn đến hậu quả là tình huống của chúng bị bỏ qua trong quá trình cải cách tiếp theo. Có những ví dụ về các vụ kiện lớn, theo kiểu như vậy được thực hiện bởi các tổ chức biện hộ. Đó là các vụ việc đã gộp chung cả một vài nhóm bị ảnh hưởng phụ, nổi tiếng nhất là D.H. và Những người khác kiện Cộng hòa Séc, thách thức nền giáo dục phân biệt đối với trẻ em Roma[3] .Tuy nhiên, gộp quá nhiều vấn đề khác nhau trong một trường hợp cũng có thể phản tác dụng, bởi vì các vấn đề cụ thể của các nhóm khác nhau có thể bị bỏ qua hoặc mô tả sai trong quyết định. Điều đó có thể làm cho việc khó thực thi. Vì lý do đó, các luật sư quyết định rằng vụ việc chỉ nên tập trung vào một trong các nhóm bị ảnh hưởng để có đủ sự quan tâm đến các vấn đề cụ thể của chúng và tạo cơ sở đầy đủ cho việc thực thi tiếp theo.

Quyết định tiếp theo là quyết định khó khăn nhất: Nhóm nào nên tham gia vào vụ án? Tất cả đều có lý do chính đáng: Trẻ em sống cùng gia đình là nhóm có nhiều sự hỗ trợ về chính trị và xã hội nhất, điều này rất phù hợp cho việc thực thi thành công. Trẻ em ở các trường đặc biệt là nhóm bị ảnh hưởng lớn nhất trên khắp châu Âu; do đó thành công của họ có thể có tác động lớn nhất trên khắp lục địa. Cuối cùng, trẻ em trong các viện dưỡng lão là đối tượng bị bỏ rơi nhiều nhất và cần được giúp đỡ nhiều nhất.

MDAC quyết định tập trung vào trẻ em trong các viện, kết luận rằng tình hình của chúng là cấp bách nhất. Cũng có một nỗi sợ rằng những đứa trẻ như vậy sẽ bị lãng quên nếu chúng bị đẩy xuống thứ tự ưu tiên cuối cùng. Nhưng đó không phải là một quyết định dễ dàng để thực hiện. Rất khó để giải thích với những đứa trẻ khác và đại diện của chúng rằng chúng không thể tham gia vụ án. Thật dễ dàng để đánh giá một cách chung chung rằng làm thế nào các mục tiêu của phong trào có thể được theo đuổi một cách tốt nhất. Tuy nhiên, lại khó hơn nhiều để truyền đạt cho một người rằng họ sẽ không được hỗ trợ bởi vì người khác có cơ hội tốt hơn để đạt được các mục tiêu của phong trào. Đây thường là những cuộc thảo luận tốn rất nhiều tâm sức.

Thật dễ dàng để đánh giá một cách chung chung làm thế nào các mục tiêu của phong trào có thể được theo đuổi một cách tốt nhất. Khó hơn nhiều để truyền đạt cho một người rằng họ sẽ không được hỗ trợ.

Luật sư có một số cách để giảm thiểu những khó khăn này. Ví dụ, họ có thể đề nghị rằng tất cả những người bị ảnh hưởng cuối cùng sẽ nhận được sự giúp đỡ bằng cách tham gia vào các vụ việc bổ sung trong tương lai. Điều này đã xảy ra trong vụ việc hiện tại. Tuy nhiên, những lời hứa này lại không chắc chắn: Chúng phụ thuộc vào năng lực tương lai của luật sư và một số yếu tố khác mà luật sư có thể không kiểm soát được. Tình hình chính trị hoặc luật pháp có thể thay đổi theo cách khiến cho việc khởi xướng một vụ án lẽ ra có thể dễ dàng thực hiện vài năm trước nhưng sau đó là không thể. Các dòng tài trợ có thể cạn kiệt hoặc bị chuyển hướng sang các lĩnh vực khác. Nhân viên có thể rời đi. Các tổ chức có thể giải thể hoặc thay đổi ưu tiên. Không có gì ngạc nhiên khi trong điều kiện và khả năng vận động nhân quyền không chắc chắn, tất cả các bên bị ảnh hưởng đều sẽ mong muốn nhận được sự giúp đỡ ngay lập tức hơn là một lời hứa mơ hồ về việc sẽ được giúp đỡ trong tương lai.

MDAC đã hứa sẽ giúp đỡ tất cả những người bị ảnh hưởng, nhưng do những thay đổi trong cấu trúc của tổ chức và những thay đổi ở Bulgaria, vụ việc tiếp theo tập trung vào trẻ em ở các trường đặc biệt chỉ được khởi xướng nhiều năm sau đó ở Flanders[4].

Vụ kiện chống lại Bulgaria cuối cùng đã được đệ trình vào tháng 2 năm 2007 thay mặt cho tất cả trẻ em sống trong các cơ sở dành cho trẻ em khuyết tật nặng, những người trước đây bị luật pháp Bulgaria tuyên bố là “không thể giáo dục được”. Vụ kiện thắng lợi tạo ra một quyết định rất thành công được ban hành vào ngày 10 tháng 6 năm 2008. Ủy ban Quyền Xã hội Châu Âu cho rằng quyền được giáo dục của tất cả trẻ em bị ảnh hưởng đã bị vi phạm. Nó bác bỏ tuyên bố của chính phủ rằng quyền được giáo dục là không chính đáng bởi vì nó phải được thực hiện một cách tiến bộ. Nó chấp nhận lập luận của người nộp đơn về cách đo lường sự tiến bộ trong các tình huống tương tự, cách đo lường như vậy có ý nghĩa áp dụng vượt trên cả vấn đề giáo dục.

Không có cân nhắc nào được phân tích ở trên được đề cập trong quyết định. Các vấn đề bị loại bỏ, nạn nhân bị bỏ lại phía sau, đồng minh trở thành đối thủ và các mục tiêu thay thế bị từ bỏ để đổi lấy mục tiêu quan trọng hơn hiếm khi được đề cập đến trong các quyết định và do đó không phải là đối tượng cho các phân tích học thuật. Tuy nhiên, chúng thực sự có tác động đến việc biện hộ và khiến các luật sư phải nhận thức được chúng để thành công trong công việc của họ.

Một số bài học chung

Vụ việc nêu bật một số quyết định phải được đưa ra để cân bằng lợi ích của các nạn nhân cụ thể với lợi ích của phong trào. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là thường sẽ không có giải pháp dễ dàng—tất cả các lựa chọn đều có ưu điểm và nhược điểm, thông thường sẽ là những lựa chọn khác nhau đối với các bên liên quan khác nhau. Cũng khó có thể đánh giá chính xác ưu và nhược điểm của tất cả các lựa chọn. Thảo luận về khả năng thành công và khả năng thực thi bao gồm cả việc ước tính xác suất xảy ra. Luật sư có chuyên môn trong việc này, và vì lý do đó họ có rất nhiều quyền lực, thường là quyền lực không tương xứng, để tác động đến các quyết định. Họ sẽ phải quyết định một cách cơ bản chiến lược pháp lý sẽ là gì.

Luật sư nên tiếp cận tất cả các ý kiến ​​với tinh thần cởi mở, đưa ra lời giải thích đầy đủ và đưa ra các giải pháp ngoài tố tụng để thay thế [cho giải pháp tố tụng].

Quyền lực đi kèm với trách nhiệm. Có thể dễ dàng hơn để đưa ra quyết định một mình, nhưng để có kết quả tốt nhất, điều quan trọng là phải có sự tham gia của các bên tham gia khác với các quan điểm khác nhau. Tính minh bạch là rất quan trọng trong quá trình này: vì một số kiến ​​thức, ví dụ, liên quan đến luật pháp quốc tế, chỉ có các luật sư mới có thể tiếp cận được, nên họ phải làm cho những người tham gia biết rõ các lựa chọn thực sự là gì. Bóp méo bức tranh để đạt được một kết quả nhất định là điều hấp dẫn, nhưng nó không chắc chắn dẫn đến kết quả tốt nhất. Nó khiến cho các đồng minh, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong vận động chính sách liên quan đến việc thi hành xa lánh người luật sư đó. Nếu mục tiêu của luật sư thực sự là thay đổi xã hội, thì họ không thể bỏ qua tiếng nói của những người sẽ làm cho sự thay đổi đó xảy ra.

Có thể có những lý do pháp lý hợp lý khiến một số chiến lược mà các đồng minh đang ủng hộ không thể theo đuổi bằng kiện tụng. Nhưng vội vàng bác bỏ những gợi ý như vậy là một sai lầm. Luật sư nên tiếp cận tất cả các ý kiến ​​với tinh thần cởi mở, đưa ra lời giải thích đầy đủ và đưa ra các giải pháp ngoài tranh tụng để thay thế. Mặc dù nhiệm vụ trước mắt có thể là xây dựng luận điểm cho một vụ tranh tụng, nhưng một số người tham gia vào quá trình này có thể có những mục tiêu khác trong đầu. Họ sẽ không coi trọng cuộc thảo luận nếu họ cảm thấy rằng họ không được coi trọng.

Theo kinh nghiệm của tôi, cách tiếp cận tốt nhất là làm rõ xung đột về các lợi ích khác nhau đối với chính chúng ta, khách hàng và tất cả các bên liên quan khác.

Luật sư phải trung thực—kể cả với chính họ—về những lợi ích khác nhau mà họ phải cân đối. Mối quan tâm của tổ chức và nhà tài trợ, khả năng thu hút tài trợ và quảng bá, dù không phải là động cơ cao quý nhất, nhưng chúng ảnh hưởng đến khả năng thực hiện loại công việc này. Tốt hơn là xem xét chúng một cách cởi mở, hơn là ra vẻ chúng không quan trọng. Ví dụ, theo kinh nghiệm của tôi, các luật sư thường ngại thảo luận về việc ai sẽ là luật sư trong hồ sơ. Khi được hỏi, họ thường ra vẻ như đó không phải là vấn đề, như thể những điều nhỏ nhặt đó không đáng để thảo luận. Đối với một số luật sư, điều đó thực sự không quan trọng lắm. Đối với những người khác, một trường hợp thành công sẽ giúp nâng cấp hồ sơ của họ và tạo ra sư quảng bá, cơ hội nghề nghiệp và khả năng tiếp cận nguồn tài trợ tiếp theo. Nếu đây là điều cần cân nhắc, hãy thảo luận một cách cởi mở, nếu không nó có thể trở thành nguồn cơn của các căng thẳng về sau. Tôi đã từng chứng kiến ​​các vụ việc thất bại ở giai đoạn nâng cao bởi vì các luật sư địa phương và luật sư quốc tế ban đầu đều ra vẻ họ không quan tâm ai sẽ là luật sư trong hồ sơ, và sau đó không ai trong số họ có thể bỏ qua một khi vụ việc được đưa ra tòa án cấp cao hơn.

Một số trong những mâu thuẫn này không có câu trả lời dễ dàng. Như đã hướng dẫn, theo kinh nghiệm của tôi, cách tiếp cận tốt nhất là làm rõ xung đột về các lợi ích khác nhau đối với chính chúng ta, khách hàng và tất cả các bên liên quan khác. Chúng ta có thể không đạt được quyết định mà mọi người đều thích, nhưng sự minh bạch hơn nhìn chung sẽ dẫn đến các quyết định tốt hơn và ít gây hại hơn so với việc cố gắng vờ rằng mọi người trong phong trào đều muốn đạt được các mục tiêu giống nhau thông qua các giải pháp giống nhau.

__________________________________

János Fiala-Butora là giảng viên về luật khuyết tật quốc tế tại Trung tâm Luật và Chính sách về Người khuyết tật tại Đại học Quốc gia Ireland Galway. Ông cũng là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Pháp lý ở Hungary và là thành viên của Dự án về Người khuyết tật của Trường Luật Harvard.

Nguồn tham khảo:

[1] Bureš v. the Czech Republic, Eur. Ct. Hm. Rts., no. 37679/08, Oct. 18, 2012.

[2] Shtukaturov v. Russia, Eur. Ct. Hm. Rts., no. 44009/05, Mar, 27, 2008.

[3] Eur. Ct. Hm. Rts. [GC], no. 57325/00, Nov. 13, 2007

[4] MDAC v. Belgium, Eur. Ctte. Sc. Rts., no. 109/2014, Mar. 29, 2018.

Nguồn bài viết gốc: https://clp.law.harvard.edu/knowledge-hub/magazine/issues/global-disability-cause-lawyering/the-challenges-of-advancing-inclusive-education/

__________________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú