Tên bài viết gốc: 5 WAYS TO BUILD RESILIENCE AND CONQUER ADVERSITY

Kiên cường không có nghĩa là luôn cảm thấy tốt – nó có nghĩa là đôi khi bạn sẽ cảm thấy ổn với cảm giác tồi tệ.

Vài tuần trước đó, tôi đã tìm kiếm các ứng dụng về sức khỏe tâm thần, tải về chiếc điện thoại của mình bất cứ thứ gì liên quan đến giải tỏa stress, lo âu, trầm cảm và hơn thế nữa. Tôi đã muốn xem xem chuyện gì đang xảy ra ở phần đó của ngành công nghiệp và nếu có thể tôi muốn bỏ ra một khoản tiền vào để thử tạo ra một cái của mình.

Hầu hết các ứng dụng đều tự quảng cáo cho mình như là các ứng dụng “tự chăm sóc”. Chúng có những cái tên dễ thương và sang chảnh, và được cố tình viết sai một chữ cái. Những ứng dụng đó hứa sẽ giúp giảm lo âu, dịu bớt sự trầm cảm và giúp bạn giải tỏa stress trong những tình huống khó khăn. Và họ cũng đảm bảo rằng họ đều dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất và mới nhất.

Tôi đã trải nghiệm quanh quẩn với các ứng dụng đó vài ngày. Một số thú vị và có các điểm khá tuyệt. Nhiều ứng dụng khác thì không. Một số đưa ra lời khuyên hợp lý. Hầu hết lại không. Tôi ghi chú rồi lại tiếp tục trải nghiệm.

Nhưng điều tôi đã quên là tôi đã bật thông báo ở tất cả các ứng dụng.

Vài tuần sau, tôi thức dậy nhìn thấy những dòng tin tẻ nhạt và vô nghĩa trên chiếc điện thoại của tôi:

  • “Mark à, bạn có một nụ cười rất đẹp. Đừng quên chia sẻ nụ cười đó với thế giới trong ngày hôm nay nhé.”
  • “Bất cứ điều gì mà bạn muốn thực hiện hôm nay, bạn đều có thể làm nhé Mark. Và tất cả những gì bạn cần làm là tin tưởng vào bản thân.”
  • “Mỗi ngày là một cơ hội và hôm nay nó là của bạn. Tôi tự hào về bạn vì trở thành bạn.”

Điều chắc chắn là những thông báo này ngay lập tức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Làm thế nào mà một chiếc điện thoại biết nụ cười của tôi ra sao? Và bằng cách chết tiệt nào mà mày lại cảm thấy tự hào về tao khi mà ngay cả tao là ai mày còn không biết? Đây có thật sự là điều mà mọi người tìm kiếm khi đăng ký tài khoản trong những ứng dụng này? Phải chăng là một thiết bị đang tự huyễn bản thân mỗi buổi sáng với một mớ nịnh nọt bay bổng? Tôi đã vào lại những ứng dụng đó và đã nhanh chóng bị tấn công bằng những ngôn từ tích cực rằng tôi đặc biệt thế nào, rằng tôi đã có một món quà đặc biệt để chia sẻ ra với thế giới thế nào, và tôi nên chia sẻ điều gì đó mà tôi cảm thấy tự hào ngay lúc đó. Hãy đăng ký với 9.99$ mỗi tháng. Tôi xin lỗi, nhưng nếu như đây là những điều được xem như những lời khuyên về sức khỏe tâm thần ngày nay, thì việc chúng ta đang làm cũng chỉ là đổ thêm dầu vào đống lửa chết tiệt đang cháy. Bởi lẽ nó chẳng giúp cải thiện sự cân bằng trong cảm xúc, nó lại làm tăng sự tự kỷ của bản thân.

Bvbd K7 N111 C T01@Uninspirational

NỘI DUNG BÀI VIẾT

  1. Không phải lúc nào cũng cảm thấy tốt
  2. Hãy quan tâm về một thứ gì đó khác
  3. Hãy chú trọng những điều mà bạn có thể kiểm soát được
  4. Lạc quan trong lòng, bi quan ngoài mặt
  5. Hãy tìm kiếm kẻ khao khát sự đau khổ bên trong bạn
  6. Đừng bao giờ chịu đựng điều gì một mình

TẠO DỰNG SỰ KIÊN CƯỜNG KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ SẼ LUÔN CẢM THẤY TỐT ĐẸP

Chẳng có gì bí mật khi nói rằng hiện đang có một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần gia tăng hiện nay. Tỷ lệ người bị lo âu và trầm cảm luôn ở mức cao.1 Mức độ stress đã lên cao tới nóc.2 Tỷ lệ tự sát cũng đã leo thang ở hầu hết các quốc gia trong vài thập kỷ gần đây.3 Và còn điều tệ hơn chính là độ tuổi bị các rối loạn lo âu và trầm cảm ngày càng trẻ hóa.4

Nói một cách khác, về mặt tâm lý học, như một nét văn hóa, chúng ta đang dần trở nên kém kiên cường hơn. Từ “khủng hoảng” từng được dành cho ít nhất 1 triệu người đang chết – thường là trong trại tù giam hay trại tập trung. Ngày nay từ “khủng hoảng” được tung ra khắp nơi như một quả bóng đá vào Lễ Tạ ơn. 

Mọi thứ là một cuộc hoảng. Mọi người đều đang có một cuộc khủng hoảng chết tiệt của mình. Timmy bị điểm F cho bài thi học kỳ. Đó là một sự khủng hoảng. Hãy gọi cho cha mẹ và ông bà của nó! Hãy đào mồ ông bà cố của nó lên! Sự tự tin của nó đang gặp khủng hoảng. Và lòng tự trọng của nó cũng vậy. Nhanh lên, hãy giúp nó đăng ký một ứng dụng nào đó mà bảo nó rằng nó cười đẹp nhường nào!

Ác cảm của chúng ta về nỗi đau và khó khăn đã ăn sâu vào mọi việc chúng ta làm, đến mức nó ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, phát triển và bình thường như những người khỏe mạnh và ổn định. Tôi bị sốc và hoảng hốt khi mà những công ty và sản phẩm đó được cho là giúp giảm bớt vấn đề này lại chỉ làm nó trở nên tồi tệ hơn.

“Bạn không thể xây dựng cho mình tính kiên cường bằng việc lúc nào cũng cảm thấy tốt. Bạn chỉ có thể xây dựng nó bằng cách trở nên tốt hơn khi cảm thấy tồi tệ.”

Điều này gây ấn tượng cho tôi rõ ràng đến mức tôi vẫn thường cảm thấy choáng ngợp khi bắt gặp những quyển sách, khóa học hay bài báo – và bây giờ là các ứng dụng – khiến cho một người giống như bị nghiện được nhận phản hồi trống rỗng và sau đó càng bán chúng trống rỗng hơn. Vấn đề của Timmy không phải nằm ở việc nó bị điểm F. vấn đề của nó chính là nó quá bận bịu để có thể một lần cảm thấy có lỗi với bản thân để học tập.

Trong nền văn hóa liên tục đuổi theo sự thuận tiện tối ưu, cũng như những công nghệ thần tốc tuân theo mọi ý thích của con người và những hoan nghênh kèm theo những sự tích cực liên tục, chúng ta đã khiến cho mình trở nên mong manh và yếu đuối. Chúng ta làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chúng ta còn bị mọi thứ làm cho tổn thương. Và chúng ta đã tự cho mình là quan trọng đến mức chúng ta thật sự nghĩ rằng việc bị xúc phạm có một ý nghĩa nào đó. Không đâu. Chết tiệt.

Nếu tôi là người tạo ra một ứng dụng về sức khỏe tâm thần, khi bạn thức dậy, các thông báo sẽ mang các nội dung như là:

  • “Chúc mừng, hiện tại bạn chỉ còn một ngày để sống. Bạn sẽ tận dụng nó như thế nào?”
  • “Hãy nghĩ về người bạn yêu nhất trên thế gian này. Và bây giờ hãy tưởng tượng rằng họ đang bị tấn công bởi một bầy ong bắp cày chết người. Được rồi đó, hãy đến và nói rằng bạn yêu họ.”
  • Andy Dufresne thật sự đã bơi qua 300 thước nước tiểu và phân để có cơ hội được tự do. Còn bạn, bạn có chắc là mình đang không lãng phí của bạn?”

Tôi tự hỏi rằng sẽ có ai tải nó về hay không.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TẠO LẬP SỰ KIÊN CƯỜNG TRONG CUỘC ĐỜI CỦA BẠN

Sự kiên cường không đến từ những cảm xúc tích cực. Nó bắt nguồn từ việc biết tận dụng những cảm xúc tiêu cực của bản thân. Kiên cường là khả năng tạo ra sự thích nghi tích cực với những tình huống tiêu cực.5 Nó chính là khả năng hấp thụ sự giận dữ và buồn bã và khiến chúng trở nên có ích và hiệu quả hơn. Nó còn là khả năng của con người trải nghiệm qua những thất bại cũng như những lần tự căm ghét bản thân, từ đó dùng chúng để cải thiện bản thân hơn. Nó sẽ biến những quả chanh trở thành một ly pina colada chết tiệt. Nó sẽ lấy một hộp sơn và đá một cú bowling hoàn hảo. Một khi bạn trở nên kiên cường, bạn sẽ trở nên không thể dừng lại được.

Tuy nhiên, điều này dường như là một kỹ năng có từ lâu đời, một nghệ thuật bị lãng quên. Nhưng đừng sợ hãi hỡi các tay ném bóng dùng cảm của tôi, vì tôi sẽ hướng dẫn cho bạn những cách tốt nhất để thực hiện nó.

1/ Hãy một lần quan tâm đến thứ gì đó khác ngoài bản thân

Ngày 1 tháng 8, năm 1966, Charles Whitman, một cựu lính thủy đã bị suy sụp tinh thần hoàn toàn, leo lên đỉnh của tòa nhà 27 tầng trường Đại học Texas ở Austin, bang Texas, cầm theo một khẩu súng bắn tỉa, và bắt đầu bắn vào những người dân bên dưới đường phố.

Trong hơn 96 phút tiếp theo, ông ta đã bắn được 45 người. Một số người đã chết ngay tại chỗ. Nhưng nhiều người cũng đã bị bỏ mặc dưới cái nắng gay gắt 100 độ (40 độ C) ở Texas nhiều giờ trước khi đội y tế tiếp cận được họ.

Một tân sinh viên trường cao đẳng tên John Fox đã chơi cờ với bạn chiều hôm vụ nả súng bắt đầu xảy ra. Những tưởng tiếng nổ là pháo hoa còn sót lại từ ngày 4 tháng 7, anh ấy đã ra ngoài xem có chuyện gì đang xảy ra. Chẳng mấy chốc, anh ta thấy bản thân đang bị ép sau tấm chắn, sợ hãi cho sự sống của mình.

Vài phút trôi qua tưởng như hàng giờ. Sự kinh hoàng và sức nóng nhấn chìm toàn bộ thành phố. John bắt đầu lên cơn hoảng loạn. Anh ấy thấy choáng váng, tầm nhìn của anh mờ đi. Anh ấy cảm thấy thở khó khăn hơn. Tuyệt vọng, anh ấy chui xuống một bụi cây để làm dịu bản thân và hy vọng sẽ trấn tĩnh mình lại.

Vài phút nữa trôi qua. Anh ấy nhìn ra phía trung tâm thương mại – phía lối đi rộng ở trước tòa nhà – có nửa tá nạn nhân bị bắn nằm trên nền bê tông rực nóng.

Bvbd K7 N111 C T02“Tòa nhà UT”, chụp bởi Eric Borja được cấp phép từ CC. Cắt từ hình gốc.

Lúc đó là khi anh ấy bắt gặp Claire Wilson, một sản phụ cũng bị bắn. Hơn nữa, từ vị trí mới thuận lợi hơn của mình, anh ấy có thể nhận ra cô ấy vẫn còn sống và đang chuyển động. Nhưng yếu ớt.

Ngay lúc đó, có gì đó đến với John. Cũng nhanh hệt như cơn hoảng loạn và lo âu xấm chiếm cơ thể của anh ấy, thì khoảnh khắc ấy một thứ gì đó khác đã nảy sinh trong anh. “Tôi chỉ biết là tôi phải làm gì đó” anh ấy bộc bạch. Đó chính là sự dũng cảm.

Anh ấy lấy lại bình tĩnh, đứng dậy từ bụi cây, lao ra trung tâm thương mại đó, anh và một học sinh khác đã đưa Claire đến được nơi an toàn và cứu sống cô trong khi bản thân đang đứng ngay trước tầm ngắm của tên bắn tỉa.6

Còn vô số các tấm gương anh hùng như vậy trên thế giới này. Nhưng điều làm tôi cảm thấy yêu quý ở câu chuyện này chính là nó thể hiện một sự phân đôi tốt đẹp:

“Khi chúng ta chú tâm vào bản thân trong một cuộc khủng hoảng nào đó, chúng ta trở nên quá tải và chúng ta hoảng loạn. Khi chúng ta chuyển sự tập trung vào người khác, chúng ta chiến thắng được sợ hãi và hành động.”

Ngày nay, rất nhiều thứ khiến chúng ta lo lắng là suy ngẫm và tập trung không ngừng về bản thân. Chúng ta có một công việc mới. Thì chúng ta lại tự hỏi liệu có ai phán xét chúng ta vì công việc mới này không. Rồi chúng ta lại tự hỏi rằng chúng ta có nên lo lắng về việc mọi người sẽ đánh giá chúng ta hay không. Nhưng nếu ta không lo lắng gì, thì liệu chúng ta có vô cảm không? Vậy chắc có lẽ ta nên quan tâm đến nó. Nhưng sẽ thế nào nếu như chúng ta đang nghĩ quá lên việc ta có nên quan tâm hay không? Và sẽ thế nào nếu ta lại đang nghĩ quá lên việc chúng ta nghĩ quá như vậy? Và sẽ thế nào nếu sự nghĩ nhiều của bản thân lại làm chúng ta quan tâm quá nhiều và – aghhh!!! Nhanh lên, valium đâu?

Khi chúng ta lo lắng, chúng ta bị ám ảnh với việc không để đau đớn trong tương lai. Thay vào đó, chúng ta nên có sự chuẩn bị trước cho những đau đớn trong tương lai. Đoán xem? Bé Timmy ngày nào đó sẽ bị điểm F. Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ bị vậy cách này cách khác. Câu hỏi đặt ra là, bạn sẽ được trang bị để giúp nó học từ chính sai lầm của mình? Hay bạn lại sẽ trở thành một trong những cha mẹ ngoài kia, gửi những hộp thư thoại đầy giận dữ cho thầy cô của nó?

Cách mà chúng ta định hướng bản thân chuẩn bị đương đầu nỗi đau hơn là ngăn ngừa nó chỉ đơn giản là để có một mục tiêu lớn hơn trong cuộc đời, không chỉ là về cảm xúc hay là cơn đau. Nếu bạn xem sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu của cuộc đời mình, thì bạn đã chẳng thèm quan tâm nếu người ta có chỉ trích bạn vì bạn đã nghỉ việc chỗ này hay chỗ kia. Nếu bạn xem sự trưởng thành của con mình là sứ mệnh cả đời bạn thì một bài thi rớt sẽ giúp bạn thực hiện sứ mệnh đó hơn là cản trở bạn.

Cách dễ dàng nhất để vượt qua sự lo lắng đó không phải là loại bỏ những rủi ro, mà đơn giản là làm cho rủi ro trở nên xứng đáng. Hãy tìm nguyên nhân, một vài nhiệm vụ, một vài mục đích sâu sắc hơn cho hành động của bạn.

Như Friedrich Nietzsche đã nói, “Người có lý do để sống có thể chịu đựng hầu hết mọi “thế nào”.7

Vào cái ngày ầm ỉ đó ở Austin, Texas, không loại trừ khả năng John Fox bị bắn ngày hôm đó. Nhưng thay vào đó, anh ấy dường như tìm thấy được điều gì đó xứng đáng hơn để hy sinh vì nó. Và chính điều đó đã cho anh ấy sự dũng cảm để đứng lên hành động.

 2/ Hãy chú trọng vào thứ mà bạn có thể kiểm soát được

Được rồi, tôi có vài tin tốt và vài tin xấu cho bạn đây.

Tin xấu là bạn hầu như không kiểm soát được bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của mình. Bạn không thể kiểm soát những gì người khác nói ra, làm hay niềm tin của họ.

Bạn cũng chẳng thể kiểm soát được bản chất di truyền, hoàn cảnh xuất thân của mình, ngay cả việc bạn có sinh ra trong gia đình có người cha nát rượu và người mẹ trầm cảm hay không.

Bạn cũng không thể nào kiểm soát được thời tiết, năm mà bạn sinh ra, những giá trị văn hóa bạn thừa hưởng hay những người xung quanh quá trình bạn trưởng thành. Bạn không thể kiểm soát được hầu như tất cả những gì xảy ra xung quanh bạn – tai nạn xe hơi, sét đánh, lũ quét, phun trào núi lửa, động đất, lửa mặt trời hay thiên thạch.

Bạn không thể khống chế hoàn toàn việc bạn có mắc ung thư, tiểu đường, lupus, Alzheimer hay Hashimoto hay không. Bạn cũng không thể kiểm soát được việc sống chết của con cái, chị em, bạn bè hay bạn của họ, hay chàng trai bạn từng ngủ chung thời đại học có chết trong một vụ tai nạn quái đản trong lúc câu cá trên băng. Bạn cũng không thể kiểm soát được người khác cảm thấy gì về mình, những gì của mình mà họ nghe ngóng được, những suy nghĩ của người khác hay cách mà họ nhìn bạn, nghe, ngửi hay thậm chí sờ vào bạn.

Về cơ bản, bạn chẳng thể kiểm soát hoàn toàn bất cứ điều gì diễn ra trong cái thế giới điên rồ xung quanh bạn. Còn sau đây là tin tốt lành. Có một thứ trong tầm kiểm soát của bạn mà nó quan trọng hơn tất cả những thứ khác. Đó là bạn có thể kiểm soát được suy nghĩ của chính bạn. Bạn luôn luôn có thể điều khiển được những ý nghĩ của mình.

Đức Phật từng nói rằng khi bạn bị trúng một mũi tên, bản thân bạn đã bị thương 2 lần. Lần bị thương thứ nhất là tổn thương vật lý, mũi tên đâm vào da của bạn làm bạn chảy máu. Nhưng còn mũi tên thứ hai chính là niềm tin và suy nghĩ của chúng ta qua thương tổn đó. Chúng ta tin rằng chúng ta không xứng đáng phải chịu mũi tên đó. Chúng ta nghĩ về việc chúng ta ước ao mình không bị mũi tên đó đâm đến dường nào. Chúng ta ước ao việc đó chưa từng xảy ra. Và với những suy nghĩ đó, chúng ta đau khổ với nó. Tổn thương thứ hai này hoàn toàn về mặt tinh thần. Và ta có thể lựa chọn nó có xảy ra hay không.

Bvbd K7 N111 C T03

Các nhà tâm lý học thường nói về cái gọi là “bi kịch hóa nỗi đau”.8 Thuật ngữ này là để nói về khi ai đó nhận được điều gì đó nhỏ – như sự bất đồng tình của ai đó về quan điểm với họ – và họ thổi phồng điều này lên trong tâm trí của mình đến mức họ tin rằng cuộc đời họ đến đây là chấm dứt. Tôi chắc mẩm là bạn khá quen với chuyện này, bởi vì trong thời đại của phương tiện đại chúng, lúc chết tiệt nào người ta cũng có hành vi này. Có vài lý do khiến người ta thường hay bi kịch hóa. Thứ nhất, lý do đơn giản chỉ là họ đã trở nên được nâng niu và lười nhác và không còn điều gì có ý nghĩa đang diễn ra, đến mức khi có một điều không thuận lợi nhỏ nhất xảy đến cũng trở thành một sự khủng hoảng chính đáng với họ. Lời giải thích này là tôi đã khám phá ra ở nửa sau quyển sách của tôi, quyển Everything is F*cked: A Book About Hope.

Tuy nhiên còn nhiều nguyên nhân khác khiến chúng ta phải bi kịch hóa mọi thứ lên. Một nguyên nhân nữa đó là chúng ta có thể được xã hội tán thưởng vì nó thông qua sự chú ý, sự đồng cảm của mọi người và cảm giác được trở nên quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng mãng xã hội đã tạo nên một “nền văn hóa nạn nhân” nơi mà người ta được đền đáp về mặt cảm xúc cho những bất bình của họ. Vì vậy mà mọi người trong vô thức cố gắng khiến mình trở nên đau khổ nhất có thể.9

Trước đây tôi đã từng viết về việc văn hóa của chúng ta gần đây đã bị chi phối bởi những trải nghiệm cực đoan của con người thế nào. Việc bi kịch hóa mọi thứ có thể dễ dàng trở thành một cách chúng ta tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta đang sống cùng với những cực đoan đó.

Bi kịch hóa thậm chí có thể trở thành một đặc điểm tính cách của chúng ta – hãy nhìn vào chúng tôi, chúng tôi là những người luôn tồn tại một điều khác biệt ĐIÊN RỒ đang diễn ra! Đó cũng là cách mà gia đình, đồng nghiệp và chính bản thân chúng tôi nhìn nhận mình. Và, như bất kỳ đặc tính khác, chúng ta gắn chặt với nó và bảo vệ nó. Nó đem lại cảm giác an toàn và sự hiểu biết.

Vấn đề là việc bi kịch hóa mọi thứ sẽ khiến chúng ta rất khó chịu. Nó khiến cho mũi tên thứ hai mà Đức Phật nhắc đến trở nên to và gây ra đau đớn hơn rất nhiều so với mũi tên đầu. Trong khi điều Đức Phật nói đến là thật sự không có mũi tên thứ hai - nó được tạo ra trong tâm trí của mỗi người trong chúng ta - thì chúng ta lại kiểu: “Cho tôi xin, hãy kiểm tra xem trang Facebook của tôi có thể nhận được bao nhiêu lượt like nếu tôi biến điều này thành một trò cười chết tiệt lớn nhất mà thế giới từng được chứng kiến!”

Có một thứ mà tôi luôn cố gắng tự nhắc nhở chính mình rằng, trên đời này không có bất cứ thứ gì tôi từng phải chịu đựng mà hàng triệu (thậm chí hàng tỷ?) người khác trước tôi chưa từng nếm trải qua và đã sống sót với nó. Việc phóng đại hóa nỗi đau, giống với sự tư lự đầy ám ảnh, nó che giấu đi cái cốt ái kỷ bên trong. Nó hiện hữu dựa trên giả định rằng những gì bạn trải qua là duy nhất và cũng rất đặc biệt, rằng không một ai có khả năng hiểu được những nỗi đau vất vả bạn phải chịu đựng, rằng bằng cách nào đó mà cả cái thế giới này đang âm mưu chống lại bạn và chỉ bạn mà thôi. Bạn không thể nào kiểm soát được cơn đau trong bạn. Tuy nhiên bạn có thể kiểm soát những gì mình nghĩ về nỗi đau đó. Bạn hoàn toàn điều khiển được niềm tin của mình rằng nỗi đau đó không thể nào vượt qua được hay nó chỉ là chuyện vặt vãnh. Bạn cũng có thể kiểm soát được việc liệu bạn có nghĩ mình sẽ không bao giờ vượt qua được hay mình sẽ vượt qua được và sẽ hồi phục tốt.

Bởi lẽ nỗi đau là điều không thể tránh khỏi, nhưng việc chịu đựng nó lại chỉ xuất hiện trong tâm trí chúng ta.

3/ Lạc quan trong lòng, bi quan ngoài mặt

Marcus Aurelius, một vị vua - nhà triết học vĩ đại, trị vì Đế chế La Mã, đã viết về thói quen mỗi ngày của mình như sau: “Khi ngươi thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nhủ rằng: Những người mà ta sẽ phải đối phó trong ngày hôm nay sẽ là những kẻ thích can thiệp, vô ơn, kiêu ngạo, không trung thực, hay ganh ghét và gắt gỏng.”10

Chà, vậy hãy để nó vào trong quyển nhật ký buổi sáng của bạn và chấp nhận nó đi!

Marcus Aurelius là một trong những người khắc kỷ nổi tiếng nhất. Không giống như nhiều người hiện đại chú trọng vào hạnh phúc và sự lạc quan, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng một người nên tập hình dung ra những kết quả xấu nhất có thể xảy ra với một tình huống nào đó, điều này như một cách để chuẩn bị cho mình về mặt tinh thần trước những khó khăn. Họ tin rằng nếu bạn có thể cảm thấy thoải mái với những điều tồi tệ nhất, thì mọi thứ bất ngờ xảy đến với bạn đều trở nên thú vị.

Xem ra có gì đó khôn ngoan ở đây. Mặc dù điều quan trọng là lạc quan về những gì bạn có thể kiểm soát được, nhưng đối với những thứ nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, việc lạc quan về nó lại thường chỉ khiến bạn đau khổ hơn nhiều nếu mọi chuyện không xảy ra theo ý bạn.

Một cách nữa là tốt nhất bạn hãy bi quan về những việc ở thế giới xung quanh bạn, nhưng hãy lạc quan về khả năng của bản thân trong việc vượt qua những trở ngại đó - đó chính là lạc quan trong lòng, bi quan ngoài mặt.

Trong chiến tranh Việt Nam, có một ví dụ cực đoan như vậy từng xảy ra. Admiral James Stockdale, từng bị bắt và trở thành tù nhân chiến tranh và được đưa đến trại tù nhân chiến tranh bí mật, đó là “Khách sạn Hà Nội” ở Việt Nam. Ở đó, cùng với những bạn tù khác, ông ta đã bị xích lại, bị tra tấn, và bị bắt bớ thành nô lệ lao động nhiều năm trời. Khi hồi tưởng lại về nó, ông nói rằng ông ta chưa từng có hy vọng sẽ thoát ra. Ông ta cũng chẳng hề hy vọng rằng mình sẽ được thả hay giải phóng. Và đã nghĩ mình sẽ còn phải ở đó trong rất nhiều năm trời.

Trong khi đó, những người lính bên cạnh ông ấy lại cảm thấy lạc quan và nuôi hy vọng. Họ luôn tin rằng ngày giải phóng đã đến rất gần. Rồi khi ngày đó đã không đến như họ vẫn mong, họ đã rất đau buồn. Như Stockdale sau này đã nói:

“Những kẻ lạc quan lại là những kẽ đã chết. Những kẻ đó đã nói, ‘Chúng ta sẽ thoát ra khỏi đây khi Giáng Sinh đến.’ Và khi Giáng Sinh đến rồi đi qua. Họ lại tự nhủ, ‘Đến Phục Sinh chúng ta sẽ thoát’. Rồi Phục Sinh lại đến và lại đi. Và rồi đến lễ Tạ ơn. Rồi lại Giáng Sinh lần nữa.”11

Đến cuối cùng, những tù nhân đó không chết vì những đòn tra tấn hay khổ sai, ông nói, “Họ chết vì trái tim đã tan nát.” Họ đã mất đi niềm hy vọng.

Trong khi đó, Stockdale dường như đã chấp nhận số phận của mình. Ông đã dự tính rằng mình sẽ ở tù lâu dài. Và ông đã quyết định, nếu bị mắc kẹt ở đây, ông ấy cũng có thể tận dụng nó tối đa. Tám năm tiếp theo, ông đã phát triển mã hóa các phương tiện liên lạc, còn có mạng lưới tình báo bí mật và buôn lậu vật dụng vào và ra khỏi phòng giam của tù nhân. Và sau đó, ông ấy đã được trao Huân chương Danh dự vì lòng dũng cảm của mình.

“Tôi chưa bao giờ mất niềm tin… Tôi chưa bao giờ nghi ngờ rằng không chỉ mình sẽ có thể thoát ra mà còn rằng cuối cùng tôi sẽ thắng thế và biến trải nghiệm đó thành một sự kiện quyết định của cuộc đời mình, điều mà khi nhìn lại, tôi sẽ không đánh đổi nó.”

Ông nói tiếp:

“Đây là một bài học rất quan trọng. Bạn không bao giờ được nhầm lẫn giữa niềm tin rằng cuối cùng bạn sẽ vượt qua được - điều mà bạn không được đánh mất - với việc đối mặt với những sự thật phũ phàng nhất trong thực tại của mình.”

Những người có sự chuẩn bị cho nỗi đau sẽ là những người kiên cường nhất khi đối mặt với nó. Những người mong chờ thử thách sẽ là những người sẵn sàng đối mặt với nó nhất. Do đó, tư tưởng tốt nhất để đối mặt với cuộc sống có 2 mặt: một mặt bi quan thể hiện bên ngoài - “Cuộc sống chết tiệt này thật khó khăn và thế giới này thật tệ hại” - nhưng bên trong lại lạc quan - “nhưng tôi có thể xử lý được nó, và tôi sẽ trở nên tốt hơn nhờ nó.”

Đây dường như là một sự kết hợp kỳ diệu để đạt được những chiến thắng trong cuộc sống.

4/ Hãy tìm kiếm kẻ khao khát sự đau khổ bên trong bạn

Có một sự thật khá bệnh hoạn và méo mó về bản chất con người là khi chúng ta càng khao khát muốn điều tốt lành bao nhiêu, thì sẽ luôn tồn tại một phần trong ta thích sự đau đớn và chịu đựng.

“Đó là bởi vì quá trình chúng ta vượt qua nỗi đau và đấu tranh vì nó khiến chúng ta cảm thấy bản thân đã sống có ý nghĩa hơn.”

Những khoảnh khắc quan trọng và mang tính quyết định nhất trong cuộc đời của chúng ta thường cũng là những lkhoảnh khắc bất mãn nhất: khoảnh khắc gần kề cái chết, mất mát những người yêu thương, khi ly hôn hay chia tay người mình yêu, giành chiến thắng trong một trận chiến khốc liệt, hoặc khi chúng ta vượt qua những thử thách khốc liệt một cách xuất sắc. Qua những khó khăn đó chúng ta trưởng thành, chúng ta thay đổi và quay đầu nhìn lại tất cả những thứ đó, và chúng ta cảm thấy biết hơn sâu sắc vì những gì chúng ta đã trải qua.

Khi tôi nghĩ về những con người kiên cường nhất tôi từng biết đến, điều khiến tôi ấn tượng về họ đó là họ không chỉ mời gọi những thử thách vào cuộc đời của mình, mà họ còn công nhận sự tồn tại xung quanh chúng. Họ cho phép chúng quyền định nghĩa bản thân của mình.

Bvbd K7 N111 C T04

Nhìn lại thì tôi nghĩ đây là điều mà tôi đã làm được trong cuộc sống của chính mình. Tôi còn nhớ khi mình bắt đầu công việc kinh doanh của mình vào năm 2008, tôi đã có thể làm 12, 14, hay 16 giờ một ngày. Tôi nhớ tôi từng gục trên giường với chiếc laptop đè trên bụng, rồi khi tỉnh giấc vào sáng hôm sau, ngay lập tức tôi tiếp tục công việc đang còn dang dở.

Từ đầu, tôi đã làm việc suốt những giờ kinh hoàng đó vì sự cần thiết của nó và cũng vì bản thân cảm thấy lo sợ. Tôi đã phá sản. Sự nghiệp vứt sọt rác. Tôi chẳng còn nơi nào để đi. Tôi đã phải ngủ trên chiếc ghế của bạn bè và sau đó lại nhờ đến sự giúp đỡ của cô bạn gái. Hầu như chẳng có tháng nào tôi phụ được tiền thuê nhà. Nhiều tuần tôi còn không thể tự mình mua đồ ăn. Nhưng tôi đã kiên định cho rằng nếu có thất bại thì cũng không phải do bản thân đã không có gắng. Khoảng thời gian đó thật tệ hại, nhưng khi thời gian tiếp tục trôi, những cuộc đua công việc điên rồ này bắt đầu trở lại bình thường. Thì tôi bắt đầu nhận thấy trong tôi tình cờ hiện hữu một loại siêu năng lực mà tôi chưa từng có trước đây.

Tôi nhớ vài năm sau đó, khi tôi ở cùng với một vài người bạn trong một ngôi nhà chung ở bãi biển, tôi nhận ra rằng mình dậy sớm hơn bất kỳ ai vào buổi sáng và cũng chính tôi là người cuối cùng đóng laptop của mình vào ban đêm. Tôi có thể làm việc xuyên suốt các ngày cuối tuần và cả những ngày lễ mà không hề nhận ra chúng là cuối tuần hay lễ. Càng về sau, việc này trở thành thứ khiến tôi cảm thấy tự hào, một mảnh tính cách trong tôi khiến tôi rất thích. Tôi đã từng là một gã có thể làm việc không biết mệt mỏi, chăm chỉ hơn bất kỳ ai, những người ngủ gục trên bàn.

Ngày nay, rõ ràng rằng việc chúng ta nghiện làm việc có những hạn chế của nó. Tuy nhiên thời điểm hiện tại tôi đã học được cách bật và tắt bản thân như một công tắc. Khi tôi cần thì nó vẫn luôn ở đó. Và tôi vẫn luôn tự hào về nó. Và vẫn luôn hài lòng với nó. Tôi cảm thấy tự hào một cách kỳ lạ khi dành cả ngày cuối tuần để làm việc. Chẳng ai biết. Cũng chẳng ai quan tâm. Nhưng tôi biết và tôi cũng quan tâm. Và chính điều này làm cho tôi cảm thấy vui.

Nó chính là một phần nhỏ của chủ nghĩa khao khát sự đau khổ bên trong tôi. Giọng nói bên trong con người tôi thốt lên rằng “Được lắm, bóp cổ tao đi, thằng khốn! Bóp chết tao đi!” khi tôi đang ngồi suốt 6 tiếng đồng hồ làm việc nước rút vào một buổi chiều Chúa Nhật.

Trong chúng ta ai cũng tồn tại giọng nói đó. Những vận động viên nghe thấy chúng trong những lần kiểm tra ngưỡng thể lực của mình. Những nhà khoa học tìm thấy nó trong những dữ liệu phân tích khoa học đầy ám ảnh. Những người lính và cảnh sát lại có nó trong những lần mạo hiểm bản thân để cứu sống người khác.

Còn bạn tìm thấy nó ở đâu? Bạn bí mật làm một kẻ khao khát sự đau khổ bằng cách nào? Bạn tìm thấy một niềm vui bẹnh hoạn ở nỗi đau nào?Và bạn đã tận dụng nó như thế nào để ứng phó với những thách thức?

5/ Đừng bao giờ chịu đựng thứ gì một mình

Ai cũng biết bài học đầu tiên trong đầu tư là chiến lược đa dạng hóa. Bạn sẽ không muốn dồn hết tiền đầu tư vào Apple bởi vì nếu Tim Cook phát rồ và quyết định phát hành  iToothpaste, thì tất cả các khoản tiết kiệm hưu trí của bạn đều tiêu tan. Thay vào đó, bạn dường như sẽ chia các khoản đầu tư của mình ra thành hàng chục hay thậm chí hàng trăm. Bằng cách đó nếu có gì đó đáng tiếc xảy ra - *động tác ho* như một trận đại dịch xảy đến *động tác ho* - không phải tất cả tiền của bạn đều đổ vào cùng một sọt rác.

Bạn có thể kiểu nghĩ về các mối quan hệ giữa con người với nhau theo cùng một cách. Mỗi chúng ta buộc phải đầu tư vào chính mình. Nếu nó đem lại điều tốt, chúng ta cũng sẽ cảm thấy tốt. Nhưng nếu điều xấu xảy đến, chúng ta sẽ cảm thấy tồi tệ. Nhưng khi chúng ta đã nếm trải cuộc đời, chúng ta nhận ra mình cũng có thể xây dựng được các mối quan hệ cùng người khác. Nó giống như bạn đầu tư một phần trăm nhỏ niềm hạnh phúc của mình vào người khác, và bạn cũng nhận lại phần hạnh phúc từ sự đầu tư của người đó cho bạn. Điều này cho phép chúng ta đa dạng hóa sự hạnh phúc của mình qua nhiều mối quan hệ ở nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Sự đang dạng này khiến tinh thần chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn đương đầu khó khăn khi chúng ập tới.

Bvbd K7 N111 C T05

Bạn mong muốn một sự gắn kết vững chắc hơn trong các mối quan hệ bởi vì khi bạn gục ngã và cuộc đời sẽ đến đá vào đít bạn - và tin tôi đi, rồi nó sẽ đến đá vào đít bạn thật đấy - lúc này bạn sẽ mong ước có một mạng lưới cảm xúc an toàn từ những người bạn mà họ có thể bước vào và chia sẻ phần nào tâm tư và gánh nặng cảm xúc với bạn.

Bạn muốn có một người sẽ chịu lắng nghe và quan tâm bạn, muốn họ ngồi xuống cạnh bạn và uống cùng bạn tám lon bia ngay cả khi họ biết buổi sáng của họ sẽ tan tành sau khi nói chuyện với bạn. Bạn muốn người ta sẽ gọi điện cho bạn và gọi nhiều lần nữa, ngay cả khi bạn là một thằng khốn nạn và đang đắm chìm vào sự tủi thân của mình.

Bởi vì không cần biết bạn nghĩ mình xấu xa tệ hại đến dường nào, nhưng không một ai trong chúng ta có thể luôn tự mình đứng lên mãi được. Là con người, chúng ta được tiến hóa để trở nên có thể dựa dẫm vào nhau về mặt cảm xúc, nương tựa vào nhau và cần đến nhau, nhất là khi chúng ta đang trong những lúc khó khăn nhất.

Nếu bạn đang phải chịu đựng đau khổ gần đây, điều có giá trị nhất bạn có thể làm lúc này chính là gặp ai đó, nói về chuyện bạn đang gặp phải, và cùng chia sẻ nỗi đau của bạn với người đó. Nó là phần trọng yếu nhất để giúp bạn đương đầu với bất cứ kiểu chấn thương tâm lý nào.

Và nếu cuộc đời này đang rất tuyệt vời và bạn đang làm rất tốt - rất tuyệt luôn! Nhưng hãy dùng khoảng thời gian tuyệt vời này để tạo dựng các mối quan hệ, chia sẻ những điều tốt lành, để đa dạng hóa việc đầu tư vào cảm xúc của bạn và để tạo nên một mạng lưới hỗ trợ khi cần. Bởi lẽ những khoảnh khắc tốt đẹp thì không bao giờ kéo dài. Và lần tới khi điều xấu xảy đến, thì điều cuối cùng bạn muốn sẽ là té xuống vực sâu tăm tối, chỉ một mình bạn mà thôi.

Tham khảo

  1. L. Klernman and M. M. Weissman (2009) Increasing Rates of Depression, Journal of the American Medical Association. 261, pp. 2229-35.↵
  2. Cohen and D. Janicki-Deverts, (2012) Who’s Stress? Distributions of Psychological Stress in the United States in Probability Samples from 1983, 2006 and 2009. Journal of Applied Social Psychology, 42, pp. 1320-34.↵
  3. See: Our World in Data, “How Suicide Rates Have Changed”↵
  4. M. Twenge, “Time Period and Birth Cohort Differences in Depressive Symptoms in the U.S., 1982-2013,” Social Indicators Research 121 (2015): 437-54.↵
  5. See: Fletcher, D., & Sarkar, M. (2013). Psychological resilience: A review and critique of definitions, concepts, and theory. European Psychologist, 18(1), 12–23.↵
  6. This story comes from the excellent documentary Tower (2016). I highly recommend it.↵
  7. This famous line (and many others) comes from the opening section of Nietzsche’s Twilight of the Idols (1889).↵
  8. See: Sturgeon, J. A., & Zautra, A. J. (2013). Psychological Resilience, Pain Catastrophizing, and Positive Emotions: Perspectives on Comprehensive Modeling of Individual Pain Adaptation. Current Pain and Headache Reports, 17(3).↵
  9. See: Campbell, Bradley & Manning, Jason. The Rise of Victimhood Culture: Microaggressions, Safe Spaces, and the New Culture Wars. (2018) Palgrave MacMillan.↵
  10. Marcus Aurelius, Meditations, translated by Gregory Hays (2002), Modern Library, p. 17.↵

These quotes come from Jim Collins’ interview of Stockdale as written in his classic business book, Good to Great: Why Some Companies Make the Leap and Others Don’t (2001) Harper Business, pp. 84-85.↵

Nguồn bài viết gốc: https://markmanson.net/resilience

___________________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Nguyễn Thị Kim Thương
Đinh Nguyễn Nhã Thanh
Lâm Trọng Kha
Hồ Tấn Hùng
Đinh Thị Nho

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Nguyễn Tuấn Phương