Mỗi cá nhân đối mặt – và đồng thời phải trả lời – hai câu hỏi chủ chốt về khía cạnh đạo đức trong cuộc sống: “Tôi muốn trở thành một người như thế nào?” và “Tôi muốn sống cuộc đời như thế nào?” Bởi vì cách hành xử và phẩm chất đạo đức của mỗi người đều không thể xác định trước cũng như không tự động sinh ra, những câu hỏi về tôi là ai và tôi sống như thế nào sẽ luôn xuất hiện và trở thành đặc tính bất biến của con người.
Nhưng người ta có thể tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như vậy ở đâu? Làm thế nào để một người có thể hình thành nên một khái niệm về một phẩm cách đáng để họ xây dựng và sống cả đời?
Làm thế nào để một người có thể hình thành nên một khái niệm về phẩm cách và một mẫu hình sống lý tưởng cho mình, để có thể trở thành hình mẫu đáng hướng đến và khao khát trong cuộc sống?
Môi trường sống trước mắt của mỗi người thường cho thấy sự pha trộn giữa cái đáng ngưỡng mộ và cái đáng khinh bỉ, cái đầy cảm hứng và cái khiến cho thất vọng, cái lý trí và cái phi lý trí, khiến cho việc hình thành nên một khái niệm về phẩm cách và mẫu hình sống lý tưởng để có thể luôn hướng đến và khao khát trong cuộc sống trở nên một việc thật khó khăn.
Dưới góc nhìn của Ayn Rand, đây là nơi mà nghệ thuật – cụ thể bà đã gọi là nghệ thuật “Lãng mạn” – có thể và nên đóng một vai trò quan trọng.
“Chủ yếu một đứa trẻ có thể tìm kiếm hình mẫu hoặc minh họa cho những giá trị đạo đức ở nghệ thuật Lãng mạn (mà cụ thể là văn học Lãng mạn). Cái mà nghệ thuật Lãng mạn mang lại cho đứa trẻ không phải là những quy tắc đạo đức, cũng không phải những thông điệp giáo huấn một cách trực tiếp, mà chính là hình ảnh của một con người đạo đức – ví dụ, sự trừu tượng một cách cụ thể của một lý tưởng đạo đức. Nó mang đến một câu trả lời được nhìn nhận cụ thể và trực tiếp cho mọi câu hỏi trừu tượng mà một đứa trẻ có thể cảm nhận được, nhưng chưa định nghĩa rõ ràng được: Con người đạo đức là như thế nào và nó muốn sống cuộc đời như thế nào?”
Những gì một đứa trẻ có thể có được từ nghệ thuật Lãng mạn, Rand chỉ rõ, không phải là một chuỗi những nguyên tắc đạo đức, nhưng là “tiền đề và động cơ để sau này đứa trẻ hiểu hơn về những nguyên tắc: trải nghiệm cảm xúc khi ngưỡng mộ người có tiềm năng vĩ đại, trải nghiệm cảm giác ngưỡng mộ một người hùng.”
Nhưng tố chất anh hùng ở đây là gì? Và cái gì tạo nên tiềm lực lớn nhất của một người? Đâu là lý tưởng đạo đức mà người ta phải ngưỡng mộ, phải hướng đến, và muốn làm theo?
Nếu người ta tìm đến những quy chuẩn đạo đức (dù thuộc tôn giáo hay không) để trả lời cho các câu hỏi này, người ta có thể tìm ra một lý tưởng mà tiêu biểu là một cuộc sống hi sinh để phụng sự người khác – cho Chúa, cho xã hội, cho những người cần đến – và một phẩm cách đạo đức sẵn lòng thực hiện vai trò đó. Đó là một lý tưởng mà đặt đạo đức ngược lại với lợi ích cá nhân. Và với góc nhìn này, cuộc sống dường như sẽ có hai mặt đối nghịch song song tồn tại: Hoặc anh sống một cuộc sống hoàn toàn đạo đức và hi sinh tất cả lợi ích cá nhân hoặc anh theo đuổi hoàn toàn lợi ích cá nhân và đánh mất đạo đức.
Theo quy chuẩn đạo đức, lý tưởng đạo đức là một cuộc sống phải hi sinh bản thân để phụng sự người khác – một lý tưởng mà đặt đạo đức ngược lại với lợi ích cá nhân.
Chẳng có mặt đối nghịch nào đủ hấp dẫn, nên hầu như chẳng ai có chủ ý theo đuổi một mặt nào. Thay vào đó, họ cố gắng ở đâu đó phần giữa, hi sinh ít nhiều lợi ích để gìn giữ một cảm giác về phẩm cách đạo đức nào đó, và cũng đồng thời theo đuổi những lợi ích cá nhân ít nhiều để thấy cuộc đời đáng sống hơn.
Nhưng sẽ ra sao nếu một người không nhìn cuộc sống và lợi ích của mình là có thể bỏ qua hoặc phẩm cách đạo đức của anh ta là thứ gì đó mà anh ta có thể sẵn sàng thỏa hiệp – những người tin rằng vẫn có thể vừa hoàn toàn theo đuổi lợi ích cá nhân và cũng hoàn toản sống đạo đức? Những người này không chịu sự dẫn dắt của những hình mẫu hoặc lý tưởng, không chấp nhận bất cứ khái niệm nào về một cuộc sống đạo đức là phải cống hiến lợi ích của mình.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn như vậy, cho tới khi Ayn Rand xuất hiện.
Những tiểu thuyết của bà – cụ thể là Suối nguồn (1943) và Atlas Shrugged (1957) – mang đến một khái niệm mới về cuộc sống đạo đức trông như thế nào, một người luôn đòi hỏi và không bao giờ thỏa hiệp, nhưng cũng phản đối những lý tưởng về sự hi sinh. Ngắn gọn, Rand mang đến một lý tưởng mới, một lý tưởng dựa trên khái niệm mới về điều đáng khâm phục và dựa trên một lý thuyết mới về bản chất của tư lợi.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm phát hành cuốn Suối nguồn, đây là lúc thích hợp để nhìn lại bức chân dung hoàn thiện đầu tiên Rand phác họa một lý tưởng đạo đức mới, người hùng của cuốn tiểu thuyết: Howard Roark.
Không thể mang ra thảo luận dài dòng ở đây về từng chi tiết của tiểu thuyết. Nhưng hoàn toàn có thể cân nhắc một số khía cạnh quan trọng của nhân vật Roark mà được Rand xem như hội tụ đủ các thành tố của lý tưởng đạo đức này.
Tiểu thuyết của Rand mang đến một khái niệm mới về cuộc sống đạo đức trông như thế nào, một người luôn đòi hỏi và không bao giờ thỏa hiệp, nhưng cũng phản đối những lý tưởng về sự hi sinh.
Theo Rand, mọi thứ khiến một người trở nên vĩ đại và đáng ngưỡng mộ bắt nguồn từ sự cam kết trực tiếp của người đó với sự thật và những giá trị từ cuộc sống cũng như hạnh phúc riêng của người đó. Một người lý tưởng phải suy nghĩ, đánh giá và sống chủ động – và đó chính là hình tượng mà Howard Roark đại diện.
Phẩm chất cốt lõi của Roark là sự độc lập. Anh ta độc lập trong từng điều cơ bản nhất: trong suy nghĩ, trong động cơ, trong sự lựa chọn các giá trị, và trong công việc.
Tư duy của anh ta đến từ những kết luận của chính anh ta và Roark nhận ra không có quyền lực nào đặt lên trên những phán xét độc lập của chính anh ta. Vì thế, anh không đợi người khác bảo mình phải nghĩ gì, cũng không đầu hàng trước sự kết án của những người phản đối, chống lại anh, hoặc đòi hỏi anh hãy nhắm mắt lại và phó mặt cho số phận.
Anh ta học hỏi từ người khác, nhưng anh ta cũng hiểu rằng việc học đòi hỏi một quá trình tư duy độc lập và những đánh giá mà anh ta phải tự mình thực hiện, và đó là chuẩn mực duy nhất mà anh ta chấp nhận, không có thứ gì khác ngoài những thông tin anh ta nắm được.
Động cơ của Roark không phải là kỳ vọng xã hội hay những cảm giác không được xem xét, mà bởi chính những giá trị do anh ta lựa chọn. Khi hỏi vì sao anh ta muốn trở thành kiến trúc sư, anh ta trả lời đơn giản: “Bởi vì tôi yêu hành tinh này. Đó là tất cả những gì tôi yêu. Tôi không thích những hình thù của sự vật trên trái đất. Tôi muốn thay đổi chúng.” Và anh đã làm điều đó bằng cách xây nên những công trình đẹp, hợp lý và độc đáo một cách bắt mắt.
Giải thích cho cách tư duy sáng tạo của mình với Trưởng khoa của trường kiến trúc mà anh ta bị cho thôi học, Roark bảo:
“Có thể nói, tôi có 60 năm để sống. Phần lớn thời gian đó tôi sẽ dành để làm việc. Tôi chọn công việc tôi muốn làm. Nếu tôi không thấy thích công việc mình làm, tôi đang tự kết án mình với 60 năm cực hình. Và tôi chỉ có thể tìm thấy niềm vui khi tôi làm tốt nhất việc của mình theo cách của mình. Nhưng tốt nhất lại là vấn đề về chuẩn mực – và tôi đặt ra chuẩn mực của riêng mình.”
Đó là sự chính trực của Roark. Roark không thỏa hiệp trước những giá trị hay niềm tin của mình, cũng không cho phép bất cứ sự lấn lướt nào giữa những định kiến với chuẩn mực riêng mà anh ta luôn tin tưởng để làm theo.
Ở một phân cảnh quan trọng của tiểu thuyết, Roark được giao một dự án kiến trúc quan trọng tại thời điểm mà anh cần nó nhất, nhưng với điều kiện là anh phải thêm phần mặt tiền cổ điển theo quy cũ vào thiết kế gốc gọn gàng của mình. Khi Roark từ chối – để bảo vệ sự toàn vẹn của tòa nhà anh thiết kế cũng như của bản thân anh ta với tư cách người tạo ra nó – anh được bảo:
“Anh cần dự án này mà. Tại sao anh cứ phải cuồng tín và không ích kỷ vì nó đến như vậy?”
“Cái gì?” – Roark hoài nghi hỏi lại.
“Cuồng tín và không ích kỷ.”
Roark cười. Anh ta nhìn xuống những bức tranh. Khủy tay nhẹ di chuyển rồi chống lên thân mình. Anh bảo:
“Đây mới là hành động ích kỷ nhất mà anh từng thấy một con người có thể làm.”
Công việc cũng như những niềm tin của Roark đối với cá nhân anh ta thật quá quan trọng đến nỗi không thể phản bội – và anh ta cũng chẳng tìm thấy giá trị nào trong việc phản bội chúng. Một dự án quan trọng thì có giá trị gì chứ nếu phải trả giá bằng chính niềm vui mà anh ta tìm thấy trong công việc, bằng chính niềm tin nghệ sĩ về cái gì là đẹp và đáng được xây dựng – trả giá bằng sự chính trực của mình?
Howard Roark đại diện cho một khái niệm lý tưởng đạo đức mới về sự vị kỷ, và cho một sự hình tượng hấp dẫn của một nhân vật mà người ta muốn trở thành và một phong thái mà người ta muốn sống.
Chỉ có những niềm tin và chuẩn mực nghệ thuật của Roark là thành quả của việc tư duy chủ động của chính anh ta, nên cũng là sự tự đánh giá mang tính nền tảng của anh ta. Anh ta đánh giá bản thân mình không tùy thuộc vào ý kiến hay chuẩn mực của người khác hoặc so sánh mình với người khác, nhưng trên cơ sở những thành tựu mà anh ta đạt được và trên phẩm cách đạo đức mà anh ta nỗ lực xây dựng và giữ gìn. Và trên cơ sở đó, Roark có được một sự tự trọng sâu sắc và bền vững.
Trong tất cả sự ngưỡng mộ nói trên, Roark về cơ bản là vị kỷ. Anh ta có bạn bè – bao gồm cả những người yêu thương anh ta sâu sắc – nhưng anh ta không sống vì họ. Anh ta không phụ thuộc cuộc sống, hạnh phúc, mục tiêu, giá trị và niềm tin của mình vào bất kỳ thứ gì hay bất kỳ ai. Anh ta cũng không bắt ai phải hi sinh cho mục tiêu của mình. Anh ta không sống cho hay sống nhờ người khác, mà chỉ sống cho và sống nhờ vào chính mình, chẳng hạn như bằng chính suy nghĩ và nỗ lực của anh ta, tạo nên hạnh phúc riêng của anh ta.
Có thể nói, Howard Roark đại diện cho một khái niệm lý tưởng đạo đức mới về sự vị kỷ, và cho một hình tượng hấp dẫn của một nhân vật mà người ta muốn trở thành và một phong thái mà người ta muốn sống.
Không bất ngờ khi Suối nguồn được liên tục tái bản với số lượng lớn từ lần phát hành năm 1943. Như Rand đã viết năm 1968, “dù cho tương lai có như thế nào, thì từ thuở bình minh của nhân loại, con người đã tìm kiếm những tầm nhìn to lớn về bản chất con người cũng như tiềm năng của cuộc sống” và Suối nguồn là một trong số ít những tác phẩm mang lại hình hài và tiếp sức cho tầm nhìn này, “chỉ ra sự huy hoàng của nhân loại và nó khả thi đến mức nào.”
Nguồn: https://newideal.aynrand.org/ayn-rands-the-fountainhead-envisioning-a-new-moral-ideal/
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm