"Sự đơn giản tự nguyện hóa ra là một cách sống hạnh phúc."

Nhà báo Elizabeth Kolbert và nhà sư Matthieu Ricard đã có những quyển sách gây tiếng vang trong năm 2015. Quyển sách của Kolber: Sự tuyệt chủng lần thứ sáu: Một lịch sử không tự nhiên - đoạt giải Pulitzer đối với tác phẩm phi hư cấu - có một góc nhìn điềm nhiên về lịch sử của sự tuyệt chủng và những con đường khác nhau mà con người đang ảnh hưởng một cách tiêu cực đến cuộc sống trên hành tinh này. Quyển sách của Richard: Chủ nghĩa vị tha: Sức mạnh của lòng từ bi để thay đổi bản thân và thế giới, khám phá những thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và lập luận rằng lòng từ bi và lòng vị tha là chìa khóa tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Cùng nhau, hai quyển sách này – chứa đựng cả nỗi buồn và hy vọng - như hai mặt của một đồng xu, mỗi quyển đều cần thiết để hiểu được rằng trong cuộc khủng hoảng lớn nhất của nhân loại, đâu là ý nghĩa khi được sống.

Điều phối viên Sam Mowe gần đây đã trao đổi cùng Kolbert và Ricard, thảo luận về các phản ứng cảm xúc đối với những những tin tức về môi trường đáng lo ngại, tầm quan trọng của sự chậm lại, và vai trò của nghệ thuật trong các giải pháp môi trường.

Điều Phối Viên (ĐPV): Elizabeth, chúng ta đã nói về điều này trước đây, nhưng Sự tuyệt chủng lần thứ sáu là một cuốn sách khá thảm khốc. Bà có cảm thấy những thử thách về mặt cảm xúc khi truyền tải về vấn đề này không?

Elizabeth: Vâng, khi bạn bắt đầu viết một quyển sách, ở một mức độ nào đó bạn có cảm giác về những gì bạn đang dấn thân vào. Nếu không, bạn sẽ không viết. Vì vậy, cá nhân tôi đã thấm nhuần suy nghĩ trên ở một mức độ nào đó. Đó là một thông điệp rất nghiệt ngã. Nếu bạn không bị suy sụp, thì quyển sách đã không hoàn tất được vai trò của nó.

Nhưng một trong những điều mỉa mai mà tôi đã trải qua trong quá trình viết quyển sách về cách con người đang tàn phá sự sống trên hành tinh rất hiệu quả, là tôi đã đi đến hầu hết những nơi đầy kinh ngạc này, và thấy rằng thế giới tuyệt vời đến nhường nào. Carl Safina đã nói, "Khi tôi càng cảm nhận được phép màu, tôi càng cảm nhận được thảm kịch."

ĐPV: Matthieu, tôi biết rằng Sư cũng nhận thức được về những sự thật ảm đạm này, nhưng Sư thường được mô tả là người hạnh phúc nhất trên thế giới.

Matthieu: Điều đó hoàn toàn phóng đại đấy. [Tiếng cười]

ĐPV: Mặc dù vậy, trong quyển sách của Sư, Sư trích dẫn lời từ một người nào đó, nói rằng, "Đã quá muộn để trở thành một người bi quan." Làm thế nào Sư có thể lạc quan khi đối mặt với những tin tức đáng lo ngại về môi trường?

Matthieu: Thật thú vị khi bạn đề cập đến phản ứng cảm xúc đối với những tin tức khí hậu, bởi vì, thực ra, vấn đề ở đây chính xác là rất khó để chúng ta có thể bị lay động xúc cảm bởi những điều sẽ diễn ra trong tương lai. Tất nhiên, điều tồi tệ nhất của sự biến đổi khí hậu đang đến ngày càng gần, nhưng nó sẽ không xảy ra vào ngày mai. Lý do cho sự kết nối rời rạc về cảm xúc này khá đơn giản: sự tiến hóa đã trang bị cho chúng ta phản ứng trước nguy hiểm tức thời. Nếu có một con tê giác xông với hết tốc lực, mọi người sẽ đứng lên và chạy. Nếu bạn nói, "Có một con tê giác sẽ xông đến trong 30 năm tới," mọi người sẽ hỏi, "Có vấn đề gì chăng?"

ĐPV: Lý do tôi quan tâm đến câu hỏi về những phản ứng cảm xúc là bởi vì các nhà khoa học hành vi nói rằng mọi người bị “đóng băng” trước những tin tức xấu và được thúc đẩy bởi thông điệp tích cực. Điều này tạo ra một thách thức cho những người làm việc vì sự thay đổi môi trường.

Matthieu: Tất cả tác phẩm nhiếp ảnh của tôi là về việc thể hiện vẻ đẹp và điều kỳ diệu mà chúng ta có trong tự nhiên - ngụ ý rằng, dĩ nhiên sẽ vô cùng buồn nếu chúng bị tàn phá. Chúng ta cần truyền cảm hứng. Nhưng chúng ta cũng cần phải thật lòng về những gì sẽ xảy ra trong tương lai nếu không đặt hết năng lượng, sự khéo léo, sáng tạo, quyết tâm và quyết định của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Elizabeth: Tôi nghĩ điều đó cũng dẫn đến câu hỏi về sự truyền đạt thông điệp. Tôi luôn luôn nghe rằng mọi người không muốn tiếp thu những thông điệp tiêu cực. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ đây là công trình xây dựng của nền văn hóa tiêu dùng, và đó chính xác là vấn đề. Chúng ta không muốn nghe những thông điệp tiêu cực vì chúng không phải là một phần của nền văn hóa khẳng định [affirming culture], nơi mà ta sống và điều hướng hướng tất cả chúng ta về, như lời trích dẫn từ McDonald’s, "Bạn xứng đáng được nghỉ ngơi hôm nay", hay bất cứ điều gì. Đó là một phần trong toàn bộ bộ máy truyền thông, được xây dựng để cố gắng chống đỡ chủ nghĩa tiêu dùng. Và nếu đó là vấn đề, thì có lẽ chúng ta thực sự cần phải kiểm tra lại tất cả các giới luật đằng sau chúng.

Tương tự, ý tưởng rằng mọi người chỉ được thúc đẩy bởi những tin tức tốt, rõ ràng là không đúng sự thật. Nếu có điều gì đó chạy đến - giả sử, một con tê giác - bạn sẽ tránh ngay. Rõ ràng, chúng ta bị tác động bởi sự sợ hãi và sự sợ hãi đã xô đẩy chúng ta rất nhiều lần.

Matthieu: Khi có nỗi lo sợ chính đáng bởi hiểm nguy thật sự, bỏ qua chúng là sự ngu xuẩn. Những gì chúng ta không cần là nỗi sợ vô căn cứ hoặc xuất phát từ sự lo lắng bị bỏ lại - đôi khi chuông báo nỗi sợ được bật lên bởi những lý do không chính đáng. Đôi khi những gì chúng ta gọi là sự sợ hãi, đơn giản chỉ là những cảm giác thông thường. Nếu bạn đang đi về phía một vách đá, bạn sẽ không bị cuốn hút bởi nỗi sợ và cảm xúc. Bạn chỉ quyết rằng bạn nên dừng lại trước khi bạn rơi xuống vách.

ĐPV: Dường như những điều trong nền văn hóa tiêu dùng mà Elizabeth vừa đề cập cũng bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi - sợ không có đủ hoặc không đủ tốt như người khác.

Matthieu: Vâng, chúng ta cần khả năng nhận biết đâu là nỗi sợ hợp lý.

ĐPV: Hãy nói về những thang thời gian. Elizabeth, một trong những điểm mà bà truyền tải trong Sự tuyệt chủng lần thứ sáu là con người đã thay đổi hành tinh trong một thời gian rất dài, gần như điều đó thấm vào trong DNA. Vì vậy, sẽ rất khó để thay đổi hành vi của chúng ta chỉ qua một đêm. Và, Matthieu, Sư nói về giá trị của sự chậm lại. Dường như có một sức ép giữa sự khẩn cấp của khoảnh khắc hiện tại và dự án dài hạn về thay đổi bản chất con người hoặc ít nhất là làm chậm nó xuống.

Elizabeth: Tôi nghĩ rằng ý tưởng về sự chậm lại rất xoáy vào trọng tâm của vấn đề. Trong phạm vi mà ở đó chúng ta là một giống loài biến đổi thế giới - và tôi nghĩ rõ ràng là chúng ta đã thực hiện dự án này trong một thời gian rất dài - điều khiến chúng ta có tính phá hoại, không may lại là khả năng thay đổi mọi thứ trên một thang thời gian, ở đó những trật tự của sự thay đổi nhân tạo diễn ra nhanh hơn những gì đến từ tạo hóa tự nhiên.

Nhưng có một sự khác biệt giữa những gì chúng ta đã làm khi đi săn một con voi răng mấu và những gì chúng ta đang làm hôm nay. Ảnh hưởng của loài người lên hành tinh này từ lâu đã được biết đến với tên gọi “Sự gia tăng vĩ đại”. Bắt đầu nhận thức về khả năng thay đổi hành tinh của mình có thể là một điều tốt, và có tiềm năng dẫn dắt chúng ta đến việc tự đánh giá lại rất nhiều thứ chúng ta làm. Tuy nhiên, tôi cố gắng không bao giờ nói, "Mọi thứ sẽ thay đổi," bởi vì tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều đó. Nhưng tôi chắc chắn rằng có khả năng cho sự thay đổi.

“Sự đơn giản tự nguyện hóa ra lại là một lối sống rất hạnh phúc”

Matthieu: Không mâu thuẫn khi nói về tình trạng khẩn cấp để ta chậm lại. Nó không giống như bạn đang lo lắng điên cuồng trong khi làm chậm lại. Chỉ là đã đến lúc phải chậm lại. Tất cả những thuật ngữ đó —sự chậm lại, đơn giản, làm nhiều hơn với ít hơn - mọi người hồi đáp lại chúng bằng câu nói, "Ồ, tôi sẽ không thể ăn kem dâu nữa". Họ cảm thấy tồi tệ khi nghĩ về điều đó. Nhưng, trên thực tế, những gì họ bỏ lỡ là sự đơn giản tự nguyện hóa ra là một lối sống rất hạnh phúc. Đã có rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy chứng minh cho điều này. Jim Casa đã nghiên cứu những người có quan niệm tiêu dùng hàng hóa thật nhiều. Ông làm việc với 10.000 người trên 20 năm và so sánh họ với những người đặt nhiều giá trị hơn vào những điều nội tại - chất lượng của các mối quan hệ, mối quan hệ với thiên nhiên - và ông thấy rằng những người tiêu dùng nhiều có ít hạnh phúc hơn. Họ tìm kiếm những thú vui bên ngoài và không tìm thấy sự hài lòng trong mối quan hệ. Sức khỏe của họ cũng không tốt. Họ có ít những người bạn tốt. Họ ít quan tâm đến các vấn đề toàn cầu như môi trường. Họ ít đồng cảm hơn. Họ bị ám ảnh bởi nợ nần.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta có thể tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và sự thỏa mãn mà không cần mua iPad lớn, iPad mini và iPad cỡ trung.

ĐPV: Sư có nghĩ rằng thực hành suy niệm có thể giúp mọi người đến với sự thấu hiểu những điều đó không?

Matthieu: Đối với tôi, suy niệm có nghĩa là trau dồi kỹ năng, sức mạnh nội tâm và quyết tâm để phục vụ người khác tốt hơn và phục vụ những nguyên nhân đáng được phục vụ. Điều đó giống như là ta gặt hái được những nguồn lực bên trong để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, đối phó với những nghịch cảnh, sự quyết tâm tuyệt đối và lòng dũng cảm từ bi. Vì vậy, vâng, tôi cho rằng suy niệm có thể giúp đặt ra những ưu tiên.

ĐPV: Elizabeth, Bà có nghĩ rằng tâm linh có một vị trí trong các cuộc thảo luận về khí hậu hay Bà thấy nó thiêng về một vấn đề chính sách và tài chính hơn?

Elizabeth: Tôi nghĩ tâm linh có một vị trí trong các cuộc thảo luận đó, hiểu tâm linh một cách rộng hơn trên khía cạnh của sự thận trọng và tự chủ. Thay đổi hệ thống năng lượng rõ ràng là một thách thức lớn về công nghệ, nhưng tôi nghĩ rằng sai lầm thường mắc phải là mọi người nghĩ rằng chúng ta sẽ thay đổi hệ thống năng lượng của mình, và sau đó chúng ta sẽ tiếp tục sống như trước đây. Nhưng nếu bạn chỉ cung cấp cho mọi người nhiều năng lượng hơn - có thể là nguồn năng lượng không có carbon - và họ sẽ sử dụng nó để thu hẹp rừng mưa, thì bạn có khả năng giải quyết hoặc cải thiện một vấn đề chỉ để làm trầm trọng thêm một vấn đề khác. Vì vậy, cách chúng ta sử dụng những công nghệ mà chúng ta tạo ra có sự khác biệt rất lớn và tôi không nghĩ rằng nếu không có bất kỳ hình thức tự chủ nào, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi mớ hỗn độn này. Vì vậy, chúng ta sẽ cần một lượng lớn công nghệ và sự tự chủ một cách đồng thời.

ĐPV: Làm thế nào chúng ta có thể đạt được mức độ tự chủ đó với vai trò cá nhân và toàn thể xã hội?

Elizabeth: Ồ, tôi không có câu trả lời toàn diện cho vấn đề này, và tôi không khẳng định rằng mình có bất kỳ chuyên môn nào trong lĩnh vực này. Tôi chỉ có thể kiểm soát ba đứa con của mình mà thôi. Nhưng ngay bây giờ tại nước Mỹ, bạn biết đấy, một trong những cụm từ yêu thích của chúng ta là “chỉ có bầu trời là giới hạn”. Tôi nghĩ có khả năng các tiêu chuẩn xã hội khác nhau có các giá trị rất khác nhau.

Matthieu: Có nhiều cách để làm điều này. Nhưng, vâng, ý tưởng là chúng ta cần phải nuôi dưỡng những giá trị cơ bản của con người và chúng sẽ cần khác với những cách mà chúng ta đang sống.

ĐPV: Bà có nghĩ rằng nghệ thuật có thể giúp chúng ta tạo lập lại quan điểm về thiên nhiên và giúp chúng ta thay đổi giá trị khuynh hướng Bà đang nói không?

Elizabeth: Tôi nghĩ nghệ thuật có khả năng đóng vai trò rất quan trọng, một phần là bởi vì rất nhiều người trong chúng ta đang sống trong môi trường đô thị và chúng ta không thể đi ra ngoài và thăm viếng Amazon. Và chúng ta không nên làm điều đó, thành thật mà nói. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tiếp cận mọi người thông qua các loại phương tiện truyền thông khác nhau — và phá vỡ sự vô ý đối với những điều mà mọi người xem là tin tức khó chịu, không vui - hữu ích.

Có một câu nói của Emily Dickinson rất tuyệt vời, “Hãy nói tất cả sự thật, nhưng hãy nói xiên.” Có rất nhiều người đang làm việc này, và tôi đã làm việc với một vài nghệ sĩ về điều này. Cho dù bất kỳ điều gì trong số này có thành công trong ý nghĩa thực sự thúc đẩy hành động, nhưng trái ngược với nghệ thuật dù tốt hay xấu, tôi không thể thực sự bình luận về chúng.

Matthieu: Tôi cố gắng làm điều này thông qua việc chụp ảnh. Tôi nghĩ về nó như một cách để chứng hiện cho vẻ đẹp của thiên nhiên và chia sẻ nó với những người sống trong thành phố, để nhắc nhở họ về vẻ đẹp của thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đó có thể là nguồn cảm hứng chính cho sự thay đổi tích cực.

ĐPV: Tôi đặt câu hỏi đó một phần vì đôi khi tôi gặp phải tình trạng quá tải thông tin và có vẻ như nghệ thuật có thể là một cách để tiết chế thông tin và kết nối trái tim của bạn với các vấn đề.

Matthieu: Vâng, nhưng tôi nghĩ chúng ta phải đi thẳng vào vấn đề và không ngây thơ hy vọng rằng bằng cách lắng nghe âm nhạc của Bach, chúng ta sẽ nhận ra ta cần năng lượng tái tạo thay vì nhiên liệu hóa thạch. Tôi không chắc có quá nhiều kết nối trực tiếp.

Elizabeth: Vâng, tôi thực sự đồng ý với điều đó. Tôi nghĩ rằng có đủ chỗ cho mọi nỗ lực sáng tạo và tôi hoan nghênh những nỗ lực đó, nhưng tôi cho rằng có một vấn đề là khi mọi người nhầm lẫn một số loại thuyết trình hoặc tác phẩm nghệ thuật hoặc thảo luận thành hành động. Bạn có thể nói cả hai đều có ích, nhưng bạn không thể nhầm lẫn chúng.

Matthieu: Nếu bạn đang trên một chiếc thuyền đi thẳng về phía một thác nước lớn, thì việc nghe nhạc êm nhạc nhẹ sẽ chẳng có ích gì.

Elizabeth: [Cười] Chính xác. Hoặc có thể có, nhưng bạn không nên thuyết phục bản thân rằng nó sẽ ngăn bạn vượt qua được rìa thác nước.

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh

Với sự hỗ trợ từ (các) Cộng tác viên:
Võ Tuấn Kiệt
Võ Nam Du
Phạm Kim Hoàng