Cuộc sống ngắn ngủi, ai cũng biết vậy. Khi tôi còn nhỏ, tôi đã từng tự hỏi về điều này. Cuộc sống có thực sự ngắn hay là chúng ta đang phàn nàn về tính hữu hạn của nó? Liệu chúng ta có còn cảm thấy cuộc sống ngắn ngủi nếu chúng ta sống lâu hơn 10 lần?

Vì dường như không có cách nào để trả lời câu hỏi này, tôi đã ngừng thắc mắc. Rồi đến khi tôi có con, nó đã cho tôi một cơ hội để trả lời câu hỏi này. Câu trả lời của tôi đó là cuộc sống thực sự ngắn ngủi.

Việc có con cho tôi thấy làm thế nào để phân chia quỹ thời gian cho các công việc khác nhau. Bạn chỉ có vỏn vẹn được 52 ngày cuối tuần với đứa con 2 tuổi của bạn. Giả sử như từ lúc con bạn 3 tuổi đến lúc 10 tuổi, nó vẫn tin vào sự màu nhiệm của lễ Giáng sinh, thì đồng nghĩa rằng bạn chỉ có thể nhìn con bạn trải nghiệm phép màu này được 8 lần. Khó có thể nói bao nhiêu thời gian là nhiều hoặc bao nhiêu thời gian là ít, nhưng chắc chắn một điều 8 không phải là một con số đáng kể. Nếu bạn có 8 hạt đậu phộng, hoặc một kệ sách có 8 quyển sách để lựa chọn, chắc chắn là số lượng có vẻ hạn chế, bất kể tuổi thọ của bạn là bao nhiêu.

Bây giờ cứ cho là cuộc sống thực sự ngắn ngủi, nhưng việc biết sự thật này thì có tạo nên khác biệt gì không?

Với tôi thì có. Điều này có nghĩa là, khi ta nói “Cuộc sống quá ngắn cho X” thì nó không hề có tính phóng đại chút nào nữa.

Khi tôi tự hỏi điều gì trong cuộc sống mà không nên mất nhiều thời gian cho nó, “nhảm nhí” là từ đã bật ra trong đầu của tôi. Tôi nhận ra rằng câu trả lời này hơi có phần thừa thãi. Bản thân từ “nhảm nhí” đã nói lên rằng cuộc đời này quá ngắn ngủi để dành thời gian cho chúng.

Nếu bạn tự hỏi mình đang dành thời gian cho điều nhảm nhí gì, thì có thể bạn đã biết câu trả lời. Những cuộc họp không cần thiết, tranh chấp vô nghĩa, quan liêu, làm dáng, giải quyết những sai lầm của người khác, ùn tắc giao thông, trò tiêu khiển gây nghiện nhưng không mang lại phần thưởng gì.

Có hai cách mà những thứ “nhảm nhí” len lỏi vào cuộc sống của bạn: hoặc là hoàn cảnh ép buộc bạn, hoặc là nó đánh lừa bạn. Ở một mức độ nào đó, bạn phải chịu đựng những thứ nhảm nhí do hoàn cảnh tạo nên. Bạn cần kiếm tiền, và kiếm tiền bao gồm phần lớn là làm những việc lặt vặt. Thật vậy, quy luật cung - cầu đảm bảo rằng: việc càng dễ thì tiền công càng thấp. Mặc dù vậy những điều nhảm nhí mà bạn phải chấp nhận có thể ít hơn bạn nghĩ. Luôn luôn có một nhóm người chọn không sống cuộc đời mặc định đầy tẻ nhạt ấy, và chuyển đến sống ở nơi mà cơ hội có thể ít hơn theo suy nghĩ thông thường, nhưng cuộc sống ở đó mang lại cảm giác chân thực hơn. Điều này có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai.

Bạn có thể làm điều đó ở một quy mô nhỏ hơn mà không cần di chuyển đi đâu cả. Lượng thời gian bạn phải dành cho sự nhảm nhí là khác nhau tuỳ vào người sử dụng lao động. Hầu hết các tổ chức lớn (và nhiều tổ chức nhỏ) đều bị ngập ngụa trong đó. Nhưng nếu bạn có ý thức ưu tiên việc tránh né sự nhảm nhí hơn các yếu tố khác như tiền bạc và uy tín, có thể bạn sẽ tìm được nhà tuyển dụng ít gây lãng phí thời gian của bạn hơn.

Nếu bạn là một người làm việc tự do hoặc có một công ty nhỏ, bạn có thể làm điều này ở cấp độ khách hàng. Nếu bạn “sa thải” hoặc tránh xa các khách hàng tệ, bạn có thể giảm sự nhảm nhí trong cuộc sống của mình nhiều hơn là  giảm thu nhập.

Nhưng trong khi một số điều nhảm nhí là do hoàn cảnh tạo ra, những thứ nhảm nhí len lỏi vào cuộc đời bạn bằng cách lừa lọc bạn thì hoàn toàn là lỗi của bạn. Chưa kể sự nhảm nhí mà bạn chọn có thể khó loại trừ hơn là cái mà hoàn cảnh áp lên bạn. Những điều làm lãng phí thời gian của bạn phải thực sự giỏi trong việc lừa bạn. Một ví dụ quen thuộc với rất nhiều người đó là thói “anh hùng bàn phím”. Khi ai đó mâu thuẫn với bạn, họ có ý muốn tấn công bạn. Đôi khi khá là công khai. Bản năng của bạn khi bị tấn công là bảo vệ chính mình. Nhưng cũng như rất nhiều bản năng khác, nó không phù hợp với thế giới mà chúng ta đang sống. Mặc dù nghe có vẻ không được hợp lý lắm, nhưng tốt hơn hết trong phần lớn thời gian là bạn không nên tự bảo vệ mình. Nếu không, những người này theo nghĩa đen sẽ lấy đi cuộc sống của bạn.

“Anh hùng bàn phím” dẫu sao cũng chỉ gây nghiện một cách vô tình thôi. Có nhiều thứ nguy hiểm hơn thế. Như tôi đã viết trước đây, tác dụng phụ của tiến bộ kỹ thuật là những thứ chúng ta dùng có xu hướng dễ trở nên gây nghiện hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc ta sẽ phải nỗ lực một cách có ý thức để tránh bị nghiện - để tách mình ra khỏi bản thân và tự hỏi "đây có phải là cách tôi muốn sử dụng thời gian của mình không?"

Ngoài việc né tránh những thứ nhảm nhí, chúng ta nên tích cực tìm kiếm những điều quan trọng. Nhưng mỗi người đều có những điều quan trọng khác nhau, và hầu hết đều phải học cách biết được điều gì là quan trọng với họ. Một số ít may mắn và sớm nhận ra rằng họ yêu thích toán học hoặc chăm sóc động vật hay viết lách, và sau đó tìm cách dành nhiều thời gian cho việc đó. Nhưng hầu hết mọi người bắt đầu với một cuộc sống mà những thứ quan trọng và những thứ không hề quan trọng trộn lẫn vào nhau, và chỉ đang dần học cách phân biệt chúng.

Đối với người trẻ, phần lớn sự nhầm lẫn này là do người khác gây nên. Ở trường trung học, những gì những đứa trẻ khác nghĩ về bạn dường như là điều quan trọng nhất trên thế giới. Nhưng khi bạn hỏi người lớn về những sai lầm của họ ở độ tuổi đó, hầu hết đều nói rằng đó là việc quan tâm quá nhiều đến những gì những đứa trẻ khác nghĩ về mình.

Một kỹ thuật thường được sử dụng để phân biệt những điều quan trọng là tự hỏi liệu bạn có quan tâm đến nó trong tương lai không. Những thứ giả mạo sự quan trọng thường sẽ có một thời điểm đỉnh cao, mà ở đó bạn cho rằng nó cực kỳ quan trọng với bạn. Nhưng đó chính là cách nó lừa dối bạn. Bởi sau đỉnh cao đó, tầm quan trọng suy giảm rõ rệt.

Những thứ quan trọng không nhất thiết là những thứ mà mọi người sẽ gọi là "quan trọng". Uống cà phê với một người bạn là điều quan trọng. Bạn sẽ không cảm thấy việc này là lãng phí thời gian chút nào.

Một điều tuyệt vời khi có con nhỏ là chúng khiến bạn dành thời gian cho những thứ quan trọng: chúng. Chúng nắm lấy tay áo bạn khi bạn nhìn chằm chằm vào điện thoại và nói "bố sẽ chơi với con chứ?" Và cá chắc là bạn sẽ bỏ ngay những thứ nhảm nhí sang một bên.

Nếu cuộc sống ngắn ngủi, chúng ta nên mong đợi sự ngắn ngủi của nó sẽ khiến chúng ta bất ngờ. Chuyện này rất thường xảy ra. Bạn coi mọi thứ là hiển nhiên, và rồi chúng biến mất. Bạn nghĩ rằng bạn luôn có thể viết cuốn sách đó, hoặc leo lên ngọn núi đó, hoặc bất cứ điều gì, và sau đó bạn nhận ra cửa sổ đã khép lại. Những cánh cửa sổ đóng lại gây đau buồn nhất là khi người nào đó qua đời. Cuộc sống của họ cũng ngắn ngủi. Sau khi mẹ tôi mất, tôi ước mình đã dành nhiều thời gian hơn cho bà. Tôi sống như thể bà ấy luôn ở đó. Kèm với sự im lặng cố hữu của mình, bà khiến cho ảo tưởng đó của tôi càng thêm vững vàng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người cũng phạm phải lỗi tương tự.

Thông thường, cách để tránh bị bất ngờ bởi một điều gì đó là ý thức về nó. Khi nhìn về cuộc sống bấp bênh trong quá khứ, mọi người thường nhận thức được cái chết ở một mức độ mà bây giờ có vẻ hơi bệnh hoạn. Tôi cũng không chắc lý do tại sao, nhưng tôi không cho rằng việc liên tục suy nghĩ về một tử thần đang lơ lửng trên vai mỗi người là một câu trả lời đúng. Có lẽ một giải pháp tốt hơn là xem xét vấn đề từ đầu kia. Hãy luyện tập thói quen thiếu kiên nhẫn với những điều bạn muốn làm nhất. Đừng chờ đợi trước khi leo lên ngọn núi đó hoặc viết cuốn sách đó hoặc về thăm mẹ của bạn. Bạn không cần phải liên tục nhắc nhở bản thân tại sao không nên chờ đợi. Chỉ đơn giản là đừng chờ đợi nữa.

Tôi có thể nghĩ thêm hai điều nữa mà một người thường sẽ làm khi họ không có quá nhiều thứ trong tay: cố gắng đạt được nhiều hơn, và tận hưởng cái mình đang có. Cả hai cách đều hợp lý.

Cách bạn sống ảnh hưởng đến thời gian bạn sống. Hầu hết mọi người có thể làm tốt hơn. Tôi cũng nằm trong số đó.

Nhưng bạn thậm chí có thể đạt được hiệu quả tốt hơn bằng cách chú ý đến thời gian mà bạn đang có. Thật dễ để cho ngày tháng trôi đi như một cái chớp mắt. Khái niệm “dòng chảy” mà những người sáng tạo rất yêu thích thật ra lại có một hiệu ứng ngược khác, đó là ngăn cản ta dừng lại để tận hưởng cuộc sống giữa vòng xoay tất bật của cuộc đời. Một trong những điều ấn tượng nhất tôi từng đọc được không phải là trong một quyển sách, mà chính là tựa đề của nó: “Cháy bỏng những tháng năm” của James Salter.

Bạn hoàn toàn có thể học cách sống chậm lại. Bản thân tôi đã tiến bộ hơn trong việc này. Có con sẽ giúp bạn làm điều này. Khi bạn có con nhỏ, sẽ có những khoảnh khắc cực kỳ hoàn hảo mà bạn không thể nào không để tâm đến.

Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc cũng là một cách. Lý do tôi buồn về mẹ tôi không chỉ là tôi nhớ mẹ mà tôi nghĩ về tất cả những điều chúng tôi có thể làm mà chúng tôi đã không làm. Con trai lớn của tôi sẽ sớm 7 tuổi. Và mặc dù tôi rất nhớ phiên bản 3 tuổi của nó, ít nhất tôi không có bất kỳ sự hối tiếc nào về những gì có thể đã xảy ra. Chúng tôi đã có khoảng thời gian tốt nhất mà một người cha và một đứa trẻ 3 tuổi từng có.

Không ngừng bỏ bớt sự nhảm nhí, đừng chờ đợi để làm những việc quan trọng và tận hưởng thời gian bạn có. Đó là những gì bạn làm khi cuộc sống quá ngắn ngủi.

 
Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến