GS Phan Văn Trường là một nhà quản trị, một chuyên gia đàm phán quốc tế lỗi lạc. Ông đã từng có kinh nghiệm quản trị những tập đoàn quốc tế như Alsthom Power, Alsthom Transports với cương vị Phó chủ tịch, đồng thời tham gia thương thuyết những công trình lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, với tổng giá trị hợp đồng ký kết đến 80 tỷ USD. Cống hiến lớn nhất của ông cho thế giới là tham gia cải tổ nền điện lực toàn cầu vào năm 1980. Với những đóng góp to lớn cho nước Pháp, ông đã được Tổng thống Pháp Francois Mitterrand trao tặng Huy chương Hiệp Sĩ Đài Ghi Công (Chevalier de l’Ordre du Mérite) vào năm 1990 và Tổng thống Nicolas Sarkozy trao tặng Huy Chương Hiệp Sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) vào năm 2007.
Đặc biệt, ông đã có những cống hiến không mệt mỏi cho Việt Nam khi tham gia dạy học miễn phí tại Đại học Kiến trúc TP. HCM, tham gia làm Chủ nhiệm chương trình Quản trị và Lãnh đạo tại Viện John von Neumann, tham gia viết báo và đóng góp cho nhiều quỹ từ thiện tại Việt Nam. Với những cống hiến to lớn cho giáo dục, năm 2010, Chủ tịch nước đã trao tặng ông “Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục”.
Trong “Lá thư chúc mừng tân khoa Đại học Hoa Sen”, Giáo sư đã chia sẻ những bài học từ hơn 40 năm làm việc và cống hiến của mình, đó không chỉ là những chia sẻ cho tân khoa Đại học Hoa Sen, mà còn là lời tâm huyết dành cho những thanh niên Việt Nam. Trong thư là rất nhiều bài học về chuyện làm người, làm việc, về ý nghĩa cuộc sống…, đó là những bài học vô cùng sâu sắc, là hành trang quý giá, giúp cho những người trẻ hôm nay bước vào cuộc đời một cách đàng hoàng, tự tin và bản lĩnh.
* * *
Các em tân khoa thân mến,
Lá thư này, thầy dành riêng cho các em, vì hôm nay là ngày của các em. Thầy rất hân hạnh được tham dự lễ trao bằng tốt nghiệp của trường Đại Học Hoa Sen và tặng các em một cẩm nang, trước khi một số em vào đời, và một số em sẽ còn học tập thêm, với mục đích sau này dốc hết tài năng của mình cho xã hội.
Nhưng trước hết, Thầy muốn thay mặt các em long trọng tạ ơn tất cả các phụ huynh của các em có mặt ngày hôm nay. Thầy đã từng là học trò, rồi là sinh viên, rồi là phụ huynh, rồi cuối cùng là nhà giáo. Thầy hiểu sâu đậm tâm tình của từng vai trỏ và Thầy xin được phép chia sẻ sự hy sinh của cha mẹ, ông bà của các em. Có lẽ phải hơn một ngàn ngày chăm sóc và theo dõi, cũng như hàng trăm đêm lo âu phập phồng, để rồi được sống trong giờ hạnh phúc tuyệt vời, chính ngày hôm nay.
Các em ơi, ngay tại đây, ngay lúc này, các em hãy đứng dậy ngay, thay cho lời cảm tạ sâu sắc.
* * *
GS. Phan Văn Trường phát biểu tại buổi lễ
Cũng ngay tại đây, thầy xin thay mặt các phụ huynh và các em tân khoa tri ơn sâu sắc nhà trường, ngôi trường thân yêu mà ngày mai đây sẽ là ngôi trường xưa yêu dấu, tri ơn các Thầy Cô đã tận tụy hướng dẫn các em, để ngày hôm nay chúng ta cùng nở mặt nở mày, xin tri ơn Ban Giám Hiệu và nhất là Bà Hiệu trưởng kính mến, Bùi Trân Phượng, đã trong nhiều năm vượt bao nhiêu trở ngại để xây dựng nhà trường như là một nơi đào tạo có chất lượng, không chỉ những kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ cho guồng máy kinh tế văn minh, mà còn là những con người với lương tri, nhân tâm và lòng vị tha để phục vụ cho toàn xã hội.
Các phụ huynh ơi, các em tân khoa ơi, tôi lại xin mời tất cả chúng ta cùng đứng dậy để cùng nhau vỗ tay thật ròn rã như pháo nổ để bày tỏ lòng tri ơn của chúng ta đối với những người mà xã hội đã giao cho sứ mệnh đào tạo những con người cho xã hội, những công dân cho đất nước.
* * *
Đối với nhà trường, có lẽ nhiệm vụ đối với các em nay đã hoàn tất. Các em sắp tạm biệt.
Đối với phụ huynh các em, một giai đoạn lớn đã kết thúc. Hôm nay, các phụ huynh còn có trách nhiệm với các em, nhưng ngay ngày mai, vận mệnh của các em, nay đã trưởng thành, hoàn toàn nằm trong sự định đoạt của chính các em. Những lựa chọn, những bước tiến sẽ đều do sự chủ động của chính các em. Nó sẽ như thế từ đây, mãi mãi. Và nó sẽ phải như thế, mãi mãi, các em ạ.
Trước khi các em vào đời lập nghiệp mưu sinh, Thầy có đôi lời muốn gởi đến các em, hy vọng sẽ là hành trang theo các em suốt đời:
1. Ngày hôm nay chỉ đánh dấu giai đoạn đầu của một cuộc phiêu lưu. Cuộc đời là cả một cuộc phiêu lưu thích thú, mà phần thưởng luôn luôn là một chai nửa đầy nửa vơi. Hãy nhìn nửa vơi để cảm nhận được hạnh phúc rằng mình có được một chai nửa đầy. Nhưng cũng hãy nhìn nửa chai đầy để hiểu rõ rằng cái nửa vơi kia là rủi ro, là công việc chưa hoàn tất, là lộ trình chưa đi tới, có khi là điều gì đó đang bị xã hội bỏ rơi trong khi mình đang tiến bước.
Khi các em ở bên phía dương, các em hãy nhớ là xã hội loài người còn có phía âm. Vào đúng lúc đó các em phải tập cảm nhận mình đã may mắn như thế nào. Phải luôn ý thức: “học tập là mãi mãi”. Càng có tuổi, các em sẽ càng thấy rõ không có lộ trình học tập nào tạo được hứng thú cho bằng khi bản thân đã nhuần nhuyễn những kiến thức và đối chiếu với nhiều trải nghiệm.
2. Các em hãy yêu thương xã hội và gắn bó với mọi thành phần. Có người kém hơn thì mới có người cao hơn. Chính vì thế mà các em phải thấm thía những may mắn của mình và các em nhớ nhé: chớ bao giờ nhìn xuống để xem thường một ai, cũng như không phải lúc nào các em cũng ngước mắt lên cao để ao ước. Các em cứ yêu xã hội là xã hội sẽ yêu các em. Thành công sẽ tới, may mắn sẽ hỗ trợ các em chứ không hẳn do chỉ tài năng của các em! Và nếu, đôi khi, các em thấy xã hội không đẹp, thì các em hãy làm cho xã hội đẹp hơn bằng những hành động và tác phong đẹp, vì chính các em là xã hội đấy!
3. Thành công bắt buộc sẽ tới với các em, vì xã hội ngày nay vô cùng tích cực, ai ai cũng cần sự thành công của người khác để chính mình thành công. Đó là ý nghĩa của “globalization” và của “làm việc nhóm”. Vậy chính các em hãy ý thức phải hỗ trợ cho người khác thành công, để rồi chính mình thành công. Ngày nay không còn thành công nào là cá nhân nữa. Các em hãy làm ngay đi để đừng bao giờ phải hối tiếc. Thời gian không bao giờ trở lại, cơ hội sẽ lướt qua nếu mỗi chúng ta không cố gắng hết sức mỗi lúc. Và muốn có được tác phong đó chúng ta phải biết yêu nghề và biết đam mê. Yêu loài người, yêu chủng tộc, yêu người đi trước cũng như rộng lượng sẻ chia với người đi sau.
4. Các em hãy đón nhận thất bại như là một món quà quý báu. Nhiều người suốt đời không có được “ân huệ” đó, và chính đó là lý do mà họ không có thêm cơ hội để thành công. Các em hãy ra ngoài đồng, nhìn lên trời cao để cầu mong thánh nhân ban cho một ân huệ, đó là ân huệ được trải nghiệm và được nếm mùi thất bại. Mỗi lần thất bại ta sẽ cứng cáp hơn và ta sẽ có nhiều bài học để thành công sau này.
5. Cuối cùng các em đừng bao giờ nghĩ đến đồng tiền. Xưa kia, khi Thầy còn trẻ thầy thú nhận đã nhìn đồng tiền với lòng hăng say, Thầy đã may mắn gặp một Đức Hiền Từ dạy Thầy: “Quý vật tìm quý nhân”. Ngay lúc đó Thầy không hiểu rõ ý nghĩa, nhưng càng sống Thầy càng trắc nghiệm được rằng khi ta cho xã hội lòng nhiệt huyết, những kiến thức, những đồ án có tính cách xây dựng, thì loài người và xã hội sẽ quý chúng ta, và sẽ tặng lại cho chúng ta sự êm ấm, sự an sinh. À ra thế, Thầy tự nhủ, đâu bao giờ mình dám nghĩ mình là quý nhân? Nhưng thực vậy. Các em cứ cư xử có tác phong, các em cứ giao thiệp có quy có phép, các em cứ biết chia đều, và nếu không đạt kết quả như mong muốn thì hãy cứ nhận lấy phần thiệt thòi, thì các em sẽ ngạc nhiên khám phá ra xã hội sẽ tặng cho các em gấp trăm lần như thế. Chớ bao giờ làm nô lệ của đồng tiền nhé các em.
* * *
Cũng chính vì lý do đó mà không những người, mà cả những tổ chức nữa cũng phải hướng về tinh thần vị tha. Vị tha là cho hết, với tấm lòng, với tất cả tình cảm lành mạnh, với tận đáy của hy sinh. Gương sáng của phụ huynh các em đấy. Gương sáng của Trường Đại Học Phi Lợi Nhuận đấy, gạt bỏ óc lời lỗ và đồng tiền ra khỏi tư duy tính toán vụ lợi để dành hết tình cảm và sự săn sóc cho việc đào tạo giáo dục con người . Với tinh thần đó, những con em, những sinh viên sẽ được vươn lên như những cây xanh màu mỡ, được lớn lên trong sự nuôi nấng ân cần, được tu tập trong sự tĩnh mịch của thế giới trong lành, chứ không phải trưởng thành từ những tổ chức mang tính hơn thiệt.
Hôm nay, tôi rất hạnh phúc được hưởng sống những phút hưng phấn cùng với những tân khoa minh sáng trước mặt tôi, với trường Đại Học Hoa Sen đáng kính.
Để kết thúc, tôi xin đọc 4 câu thơ của Thi sĩ Văn Liêm, cũng chính là GS, TS. Đào Văn Lượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công Nghệ Sài Gòn, trong bài thơ Khát vọng:
Cuộc đời người chỉ cháy một lần
Đừng leo lét, lụi tàn khi đông đến
Ta muốn đốt tim ta thành ngọn nến
Cháy đến kiệt cùng giọt sáp long lanh!
Yêu Đại Học, đam mê giáo dục, đối với tôi, là cháy như ngọn nến, đến kiệt cùng giọt sáp long lanh.
Chúc mừng các tân khoa, chúc các em vững bước trên đường đời!
GS. PHAN VĂN TRƯỜNG
Cố Vấn Chiến Lược Trường Đại Học HOA SEN ./.
----- Hết -----
Nguồn bài viết và hình ảnh: https://news.hoasen.edu.vn/vi/node/4278/feed-items
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh