Tên bài viết gốc: EMOTIONAL INTELLIGENCE HAS 12 ELEMENTS. WHICH DO YOU NEED TO WORK ON?

12 yếu tố của trí thông minh cảm xúc, đâu là yếu tố mà bạn cần trau dồi?

Tóm tắt: Mặc dù hiện nay tồn tại nhiều mô hình khác nhau về trí thông minh cảm xúc, chúng vẫn thường được gom chung thành cụm từ “EQ” trong tiếng bản xứ. Một thuật ngữ thay thế khác cho EQ chính là “EI” (Emotional Intelligence - Trí thông minh cảm xúc), bao gồm 4 mảng chính: nhận thức bản thân, quản lý bản thân, nhận thức xã hội và quản lý mối quan hệ.

Các mảng nêu trên được phân thành 12 loại EI, bắt đầu với khả năng tự nhận thức cảm xúc trong mảng nhận thức bản thân. Các khả năng khác bao gồm kiểm soát cảm xúc bản thân, khả năng thích ứng, định hướng thành tựu và quan điểm tích cực đều thuộc mảng quản lý bản thân. Sự đồng cảm và nhận thức về tổ chức thuộc về mảng nhận thức xã hội. Quản lý các mối quan hệ bao gồm khả năng tạo sức ảnh hưởng, huấn luyện và hướng dẫn, quản lý mâu thuẫn và lãnh đạo truyền cảm hứng. Người lãnh đạo cần đạt đến sự cân bằng giữa các khả năng nói trên. Các công cụ đánh giá, như công cụ đánh giá 360 độ sử dụng đánh giá của bản thân và những người am hiểu về bạn, có thể giúp bạn xác định khả năng EI nào cần được cải thiện. Hãy tìm một chuyên gia để huấn luyện bạn nhằm cải thiện điểm yếu một cách tốt nhất.

Esther đang là quản lý của một đội ngũ nhỏ và được mọi người yêu mến. Cô ấy tử tế và lễ phép cũng như luôn nhạy cảm với nhu cầu của người khác. Cô ấy còn là người có khả năng giải quyết vấn đề, và có thể tìm ra những cơ hội trong vô vàn những khó khăn. Esther là tuýp người gắn bó với mọi người và luôn là một người điềm tĩnh trong mắt đồng nghiệp. Quản lý của Esther cảm thấy may mắn khi có một cấp dưới dễ làm việc cùng và thường xuyên ngợi khen Esther về trí thông minh cảm xúc (hay còn gọi là EI) vượt trội của cô. Và dĩ nhiên, bản thân Esther cũng xem trí thông minh cảm xúc là một trong những thế mạnh của mình; cô cảm thấy biết ơn vì mình đã có ít nhất một điều mà bản thân không cần phải trau dồi thêm nữa trong quá trình phát triển kỹ năng lãnh đạo. Nhưng kỳ lạ thay, đối lập với vẻ ngoài tích cực, Esther lại bắt đầu cảm thấy bế tắc trong sự nghiệp. Cô không thể thể hiện được hiệu quả làm việc mà công ty đang tìm kiếm. Vậy là quá đủ cho trí thông minh cảm xúc rồi, cô bắt đầu suy nghĩ. 

Esther và quản lý của cô đã mắc phải một sai lầm thường gặp đó là đã định nghĩa trí thông minh cảm xúc một cách quá hạn hẹp, bởi họ chỉ tập trung vào sự hòa đồng, nhạy cảm và dễ mến của Esther mà vô tình bỏ qua các yếu tố quan trọng khác của trí thông minh cảm xúc, vốn đã có thể giúp Esther trở thành một người lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Một bài báo gần đây của HBR đã làm nổi bật các kỹ năng mà một người quản lý tử tế và tích cực như Esther đang thiếu chính là khả năng đưa ra các phản hồi tiêu cực đến nhân viên của mình, khả năng dám làm người khác cảm thấy khó chịu, dám thúc đẩy sự thay đổi và các suy nghĩ sáng tạo vượt ra khỏi các giới hạn. Tuy nhiên, những thiếu sót này không phải là kết quả của trí thông minh cảm xúc của Esther; chúng chỉ đơn thuần là những bằng chứng cho thấy rằng kĩ năng liên quan đến trí thông minh cảm xúc của cô đang bị lệch.

Trong mô hình về trí thông minh cảm xúc và mô hình lãnh đạo xuất sắc mà chúng tôi đã phát triển trong suốt 30 năm nghiên cứu về điểm mạnh của các nhà lãnh đạo xuất chúng, chúng tôi đã tìm ra rằng việc cân bằng các khả năng trí tuệ cảm xúc sẽ giúp nhà lãnh đạo chuẩn bị tâm thế để đương đầu với các thử thách khó khăn như thế này.

Hiện có rất nhiều những mô hình về trí thông minh cảm xúc, mỗi mô hình sẽ có những tập hợp các khả năng tương ứng; chúng thường được gom chung dưới cái tên “EQ”. Chúng tôi chuộng dùng cụm “EI” hơn và chia nó thành bốn mảng chính bao gồm: nhận thức bản thân, quản lý bản thân, nhận thức xã hội và quản lý các mối quan hệ. Ứng với từng mảng là 12 khả năng EI bao gồm các khả năng được học và có thể học để đạt được hiệu quả vượt trội trong công việc hoặc trong lãnh đạo (đề cập ở hình bên dưới). Ở đây bao gồm cả các kĩ năng vốn là thế mạnh của Esther như sự đồng cảm, quan điểm sống tích cực và sự tự kiểm soát. 

Tuy nhiên, nó cũng bao gồm cả các khả năng quan trọng khác như đạt được thành tích, có sức ảnh hưởng, quản lý các mâu thuẫn, làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo truyền cảm hứng. Các khả năng này cũng phải gắn kết với cảm xúc như những khả năng đề cập trong nhóm đầu tiên, và được xem như một phần trong các ưu tiên phát triển của các nhà lãnh đạo đầy khát vọng.

Bvbd K7 N303 C T01

Ví dụ, giả sử Esther có thế mạnh trong việc quản lý các mâu thuẫn, cô ấy sẽ có kỹ năng đưa ra các phản hồi có thể gây mất lòng người khác đến người khác.

Và giả sử nếu Esther thiên về tuýp người có khả năng tạo ra sức ảnh hưởng, cô ấy sẽ muốn đưa ra các phản hồi khó khăn đó như một cách để dẫn dắt cấp dưới của mình và giúp họ phát triển. Ví dụ, Esther có một người đồng nghiệp vốn rất hống hách và thô lỗ. Thay vì cố gắng làm dịu đi mọi vấn đề mỗi khi tương tác với họ, bằng khả năng EI của mình, cô ấy có thể đặt vấn đề với người đồng nghiệp đó một cách thẳng thắn, có thể sử dụng khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân để tránh bị tổn thương khi trình bày những vấn đề vốn không phù hợp với anh ta. Làm sáng tỏ những vấn đề còn âm ỉ chính là cách đi đến cốt lõi của việc quản lý mâu thuẫn. Esther cũng có thể dùng các chiến lược ảnh hưởng của mình để giải thích với đồng nghiệp rằng điều cô mong muốn là thấy anh thành công và nếu anh chịu quan sát xem phong cách làm việc của mình ảnh hưởng như thế nào đến đồng nghiệp xung quanh, anh sẽ hiểu rằng một thay đổi nhỏ cũng có thể giúp ích cho tất cả mọi người.

Tương tự như thế, nếu Esther phát triển kĩ năng lãnh đạo truyền cảm hứng, cô ấy sẽ có thể thành công trong việc thúc đẩy sự thay đổi. Người lãnh đạo có thế mạnh này có khả năng đưa ra một viễn cảnh hay một nhiệm vụ đồng điệu giữa họ và người mà họ dẫn dắt. Đây chính là chìa khóa trong việc dẫn dắt động lực thiết yếu khi đi theo một hướng mới. Thật vậy, một vài nghiên cứu đã tìm thấy mối liên quan chặt chẽ giữa EI, việc thúc đẩy sự thay đổi và việc lãnh đạo có tầm nhìn.

Để trở nên vượt trội hơn, người lãnh đạo cần đạt được sự cân bằng trong các khả năng EI của mình. Khi làm được điều đó, các thành quả xuất sắc trong công việc sẽ theo sau.

Làm sao để ta biết được khả năng EI nào cần được cải thiện – đặc biệt khi bạn cảm thấy rằng bản thân mạnh ở một vài khía cạnh? Chỉ cần xem xét lại 12 kĩ năng trong đầu cũng có thể cho bạn biết rằng bạn cần phải phát triển thêm ở mảng nào.

Hiện nay có rất nhiều mô hình EI khác nhau đi kèm với các công cụ đánh giá. Khi chọn lựa một công cụ để sử dụng, bạn cần cân nhắc liệu chúng có thể dự đoán đúng được kết quả về khả năng lãnh đạo của bạn hay không. Một vài công cụ có thể đánh giá cách bạn nhìn nhận bản thân, những loại công cụ này thường tương quan chặt chẽ với các bài kiểm tra tính cách vốn khai thác sâu vào nhận thức bản thân.

Những công cụ còn lại, như loại được phát triển bởi Hiệu trưởng trường Đại học Yale Peter Salovey và các đồng nghiệp, định nghĩa EI như là một khả năng. Bài kiểm tra của họ, MSCEIT (một sản phẩm đã lưu hành trên thị trường), tương quan chặt chẽ với IQ nhiều hơn các bài kiểm tra EI khác.

Chúng tôi khuyến cáo sử dụng đánh giá toàn diện 360 độ, bao gồm cả việc tự đánh giá bản thân và góc nhìn của những người am hiểu về bạn. 

Các phản hồi từ bên ngoài này đặc biệt hữu ích cho việc đánh giá mọi khía cạnh của EI, bao gồm cả việc nhận thức bản thân (làm sao để bạn biết rằng bạn vẫn chưa thể tự nhận thức?). Bạn có thể nhận được đánh giá sơ bộ về ưu điểm và khuyết điểm của bản thân bằng cách nhờ những người đồng nghiệp cho xin những phản hồi. Càng làm như thế với nhiều người, bạn sẽ càng nhận được một bức tranh về bản thân rõ nét hơn. Hình thức đánh giá 360 độ, kết hợp quan sát các hành vi của bạn một cách hệ thống và ẩn danh bởi những người làm việc chung, đã được chứng minh là không liên quan mật thiết đến IQ hay tính cách, nhưng đây lại là công cụ tốt nhất để dự đoán tính hiệu quả lãnh đạo, hiệu suất thực trong kinh doanh, sự gắn bó cũng như sự hài lòng về công việc (và cuộc sống).

Trong nhóm này cũng có mô hình của chúng tôi và Bảng năng lực cảm xúc và xã hội, hay còn gọi là ESCI 360 - một công cụ đánh giá có mặt trên thị trường được chúng tôi phát triển cùng Korn Ferry Hay Group nhằm đo lường 12 khả năng EI, vốn dựa trên cách mọi người đánh giá một nhà lãnh đạo thông qua việc quan sát và đánh giá các hành vi. Theo nghiên cứu, khoảng cách giữa việc tự đánh giá và việc mọi người nhìn nhận về bạn càng lớn sẽ càng chứng tỏ người lãnh đạo chưa thể hiện hết được các thế mạnh EI của mình, từ đó dẫn đến kết quả kém trong công việc.

Những đánh giá này dĩ nhiên quan trọng trong việc đánh giá được trí thông minh cảm xúc của bạn. Tuy nhiên, trước tiên bạn cần hiểu được rằng 12 khả năng nói trên đều là một phần trong trí thông minh cảm xúc của bạn. Việc này sẽ giúp bạn xác định được khả năng EI nào mới chính là điểm yếu của mình.

Huấn luyện là phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện các khả năng còn thiếu. Ngoài ra, việc có các chuyên gia hỗ trợ bạn vượt qua các thăng trầm trong quá trình luyện tập cũng là một điều không thể thiếu.

Nguồn bài viết gốc: https://hbr.org/2017/02/emotional-intelligence-has-12-elements-which-do-you-need-to-work-on?fbclid=IwAR3qGeUJrYNfBcv9vRWWFCYwRjI3Ly63Lra4G_vpf_HD-tagm_dMgugVRms

_______________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Phan Thị Lan Anh
Nguyễn Phú Đức
Nguyễn Hoàng Huy
Nguyễn Trọng Khương
Nguyễn Thị Diệu Linh
Phạm Thị Thanh Nguyên

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Dương Thị Vĩnh An