• Tác giả: Osho
  • Dịch giả: Nguyễn Đình Hách
  • Đơn vị xuất bản: NXB Phương Đông. 
  • Năm xuất bản: 2017

Osho (1931 – 1990), tên thật là Rajneesh Chandra Mohan Jain, là một trong những đạo sĩ gây nhiều tranh cãi nhưng cũng có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới suốt thế kỷ XX. Gần 30 năm sau khi ông qua đời, tuy không còn được nghe ông thuyết giảng đầy sức hút nhưng kho sách đồ sộ của ông vẫn liên tục được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và tái xuất bản liên tục. Trong đó, có quyển “Tâm lý bí truyền” (1973) – tuy chưa phải là quyển bán chạy nhất của Osho do nội dung sách truyền tải tương đối nặng, khó đọc, nhưng đây được đánh giá là một trong những quyển sách tổng hợp những bài nói cốt lõi nhất của Osho. Sách được dịch sang 20 thứ tiếng và được xuất bản rộng rãi nhiều quốc gia. Do nội dung sách khá “nặng ký” và đi qua nhiều chủ đều khác nhau, nên cổng tri thức OpenEdu xin được giới thiệu một cách sơ lược và tổng quan nhất về quyển sách với những câu hỏi đặt vấn đề chính trên hành trình “làm người” trước mắt. 

 

Con người tiếp tục tiến hóa như thế nào? 

 

Có lẽ đây là một câu hỏi triết học vì khi tìm hiểu con người là ai thì tương lai của con người cũng là một thắc mắc lớn. Liệu con người sẽ tiến hóa nữa không? Theo quan điểm và niềm tin của Osho, vì con người đã tiến hóa từ động vật vô thức lên ý thức, nên tiến hóa của con người bây giờ là tiến hóa có ý thức, tức sự tiến hóa nằm trong việc họ lựa chọn có tiến hóa nữa hay không. Ông khẳng định: “Với con người thì quá trình tiến hóa tự nhiên, tự động là kết thúc rồi. Con người là sản phẩm cuối cùng của sự tiến hóa vô thức. Với con người thì sự tiến hóa có ý thức bắt đầu.” Nhưng xuyên suốt cuốn sách Osho có đề cập khá nhiều đến khái niệm ý thức và vô thức, chỉ ra rằng không phải con người nào cũng hoàn toàn có thể ý thức để lựa chọn, hành thiền đưa con người tới gần hơn với ý thức, còn không thì vẫn mãi u mê trong vô thức và bị bản ngã chi phối. Việc “ngươi” và “ta” là một, cả vũ trụ hòa làm một và mỗi một cá thể đều là vũ trụ là một niềm tin lớn của Osho được thể hiện rõ ràng qua quyển sách này. Ông tin vào sự ưu tú của tất cả mọi người và chúng ta cần có thể trở về với “sự một mình” (tính nhất thể). Quyển sách mở đầu bằng một bài nói của Osho để ta có thêm một góc nhìn về việc chúng ta tiến hóa hay chưa, và sẽ tiến hóa nữa hay không. 

 

Hành trình giác ngộ linh thiêng qua góc nhìn Osho như thế nào? 

 

Quyển sách dành phần lớn các chương sau để đưa ra các góc nhìn của Osho về những điều huyền bí xung quanh giác ngộ như thiền, ba bước tới điều linh thiêng (tình dục, tình yêu, cầu nguyện), về cội nguồn, về bảy thể, về cái hiện tại, về cách lập luận, tư duy,… Tự nhận mình giác ngô từ năm 21 tuổi, Osho khiến nhiều người bán tin bán nghi vì ngoài cuộc sống thoát tục, năng lực hùng biện tuyệt vời và những góc nhìn thách thức mọi quan điểm của xã hội thì ông có những môn đệ không được lương thiện cho lắm, nhưng có vẻ ông cũng không lấy làm bận tâm. 

 

Là một giáo sư môn Triết học tại một đại học ở Ấn Độ, vì thế nền tảng lập luận triết học của Osho rất vững chắc và toàn diện (từ Đông sang Tây), và khi ông phản đề một quan điểm hoặc góc nhìn nào đó cũng rất chắc chắn. Điều đó khiến những điều Osho nói làm người ta hoài nghi nhưng không thể phản đối ngay được, và cũng khiến quan điểm của Osho khá chắc chắn như kết luận nhiều hơn những câu hỏi triết học. Điển hình trong sách có đề cập đến “cội nguồn”, trung tâm thật sự của con người được Osho dẫn ra bằng lịch sử và khoa học đó chính là “rốn” của mỗi người, chứ không phải “trái tim” hay “cái đầu”. Và với quan điểm này ông đã lên tiếng phản đối một vị đạo sư cũng nổi tiếng bật nhất Ấn Độ J. Krishnamurti với những triết lý duy lý, đề cao kiến thức (tức “cái đầu”) hơn so với những phương pháp quay về với “cội nguồn” thông qua thiền. Dù trong thực tế, người ta chưa thể chứng minh được tác dụng và phương pháp cụ thể của các trường phái thiền cấp cao, nhưng với những người đã từng tìm được về với cội nguồn thì họ chia sẻ những trải nghiệm rất cá nhân, và cho tới khi nào chưa thể chứng minh đúng với số đông, đó mãi vẫn là tâm linh chứ không là khoa học. Nhưng chúng ta thật sự cần cảm nhận chúng hay hiểu chúng? Liệu chúng ta có thể tự hòa hợp với chính mình và vũ trụ với ý thức đủ đầy cả cái biết và cái không biết không? 

 

“Tâm lý bí truyền” vẫn là một trong những cuốn sách (thật ra là những bài giảng) khó nuốt nhất của Osho khiến nó có thể trở thành sách gối đầu giường của nhiều người, kể cả người phương Tây, trên hành trình tìm lại chính mình. Tuy nhiên, triết học sẽ chết nếu không có sự phản biện. Hãy đọc Osho trong sự tỉnh thức và đưa ra lựa chọn cuối cùng của riêng mình. Vì ngay cả chính Osho cũng cho rằng mỗi con người là một vũ trụ, là độc lập, là một mình. Khi đọc Osho, hãy giữ cho mình một cái đầu sạch, một cái tâm sáng, vì tư tưởng Osho là tư tưởng hướng tới sự thật, mà sự thật thì vĩnh hằng. Chỉ có điều nếu chúng ta chưa trải nghiệm được sự thật đó, thì hãy khoan bác bỏ hoặc nghe theo, cứ hoài nghi và giữ ở đó như một góc nhìn. 

 

Nguồn ảnh: www.khaitam.com

 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm