• Tác giả: Nguyễn Thế Vinh
  • Năm xuất bản: 2017
  • Chấp bút: Nguyễn Thị Việt Hà
  • Đơn vị xuất bản: Saigonbooks & NXB Thế giới
  • Giải thưởng: Sách truyền cảm hứng nhất do độc giả bình chọn - Chạm 2018

“Ông giáo làng trên tầng gác mái” là quyển sách được độc giả bình chọn nhiều nhất và là cuốn sách truyền cảm hứng hay nhất thế hệ từ chương trình Chạm 2018 - một chương trình vinh danh những quyển sách chạm đến trái tim người đọc.

Khác với những quyển sách self help khác, “Ông giáo làng trên tầng gác mái” là quyển tự truyện xen lẫn với cảm hứng và cảm xúc của chính tác giả, một quyển tự truyện gần gũi, giản dị, rất đời mà qua đây tác giả muốn truyền cảm hứng đến cho mọi người về nghị sức sống, nghị lực vượt qua khó khăn, mang lại giá trị cho mọi người xung quanh.

Một chút thông tin về tác giả:

Nguyễn Thế Vinh (sinh 1970) tại làng quê nghèo xứ cát Bắc Bình, Bình Thuận. Khi lên 8 tuổi, Nguyễn Thế Vinh bị ngã gãy tay và phải cưa cụt tay phải. Với một tay còn lại, anh có thể hòa tấu guitar và thổi Harmonica một cách nhuần nhuyễn. Để có thể điều chỉnh từng nốt nhạc trên cung đàn, anh đã mất hơn ba năm để tìm ra một cách riêng khi mình chỉ có một cánh tay.

Đầu năm 2004, Thế Vinh tình cờ gia nhập hội quán Hội ngộ, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với Vinh thì "Nghệ thuật không có sự thông cảm, dù khi bị khuyết tật". Nhà báo, Nhạc sĩ Hữu Trịnh nhận xét: "Tôi từng nghe Vinh đàn cách đây cũng lâu, đó là một tay đàn đặc biệt. Vinh đặc biệt vì một tay chơi guitar – phải có trình độ kỹ thuật cao mới có thể dùng kỹ thuật Coule (vừa bấm vừa móc bằng một tay), lại là tay trái. Hơn thế, vừa chơi guitar, vừa chơi Harmonica mà không cần người đệm là một sự khó khăn; chơi hai tuyến giai điệu độc lập sẽ rất khó vì đòi hỏi khả năng tập trung rất cao. Phải có có năng khiếu thực thụ mới có khả năng tập luyện những "ngón đàn" đó, nếu không, có tập luyện mấy chục năm cũng sẽ thất bại mà thôi".

Qua một vài thông tin về tác giả ta đủ thấy anh phải nghị lực và cố gắng như thế nào, và không chỉ như vậy, tình yêu thương trong anh đã được nuôi nấng dưới sự thương cảm, chỉ trích của bạn bè, sự tận tâm của cô giáo đã làm cho anh có một động lực lớn lao dạy học và tiếp sức cho những trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật. Anh thấy rằng mình cần phải nuôi dạy những đứa trẻ này, cần nâng đỡ chúng thành một người tốt hơn. Đó là những việc anh muốn làm để trả ơn cuộc đời. Anh không quan tâm đến những lời khen như thế nào, anh chỉ muốn mang lại niềm vui, giúp ích cho một ai đó, làm họ thấy hạnh phúc.

Nghệ thuật cho anh một đời sống chân ái, chấp nhận con người anh, những khiếm khuyết của anh. Những điều mà anh có được ngày hôm nay không phải do may mắn, mà đó là những nỗ lực vô cùng lớn và cả những nỗi đau thể xác với những cơn đau khớp hành hạ mà không biết làm gì để giảm bớt. Ấy vậy mà anh vẫn sống hết mình với tình yêu nghệ thuật của mình, sống hết mình cho đi và giúp đời, anh cho bọn trẻ một mái ấm, cho bọn trẻ đi học, cho bọn trẻ tất cả yêu thương mà anh được nhận. Cuộc đời anh bị vùi dập quá nhiều, nhưng không vì thế mà anh tự ti, lấy khó khăn làm động lực, lấy đau đớn mồ hôi làm thử thách để rồi cuối cùng anh có được ngày hôm nay.

Anh Nguyễn Thế Vinh đã nói: “Mọi người đều làm được như tôi, hãy cứ làm đi, đừng suy nghĩ nhiều, có làm bạn mới biết mình sai ở đâu, không làm bạn chẳng bao giờ biết bản thân bạn cần gì.”

Nguồn tham khảo:
1/ Nguyễn Thế Vinh.  Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Th%E1%BA%BF_Vinh
2/ Phong Nhã Nguyễn. Cảm nhận Ông giáo làng trên tầng gác mái. sachdenroi.com/. Truy xuất từ: https://sachdenroi.com/ong-giao-lang-tren-tang-gac-mai.html
3/ Nguồn ảnh: sachdenroi

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh