- Tác giả: Frédéric Lenoir
- Năm xuất bản: 2021
- Dịch giả: Võ Thị Xuân Sương dịch – Nguyễn Văn Khoa hiệu đính
- Đơn vị xuất bản: IRED Books & Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh
Cuộc khủng hoảng không thuần túy là kinh tế, tài chính mà cả khủng hoảng giá trị, đạo đức, triết lý và tâm linh trong thời kỳ hiện tại buộc con người phải suy ngẫm nhiều hơn về ý nghĩa của cuộc đời. Nó đưa ta về những câu hỏi phổ quát: cái gì khiến con người hạnh phúc? Cái gì có thể coi như sự tiến bộ thực sự? Đâu là những điều kiện cho một xã hội hài hòa? Chỉ có sự tìm kiếm hiện hữu và trách nhiệm cả ở cá nhân và tập thể mới có thể cứu chúng ta khỏi chính chúng ta[1]. Hay nói ngắn gọn hơn là nên lựa chọn hiện hữu hay vật chất (phụ thuộc vào vật chất).
Trái với cách nhìn con người và thế giới thuần vật chất, Sokrates, Chúa Giêsu, và Đức Phật là ba bậc thầy của cuộc sống. Một cuộc sống mà họ không bao giờ đóng khung trong một quan niệm kín kẽ và giáo điều. Trải qua nhiều thế kỷ, lời dạy của các vị vẫn không một nếp nhăn, và vượt lên các dị biệt, chúng đồng quy trên điều chính yếu: hiện hữu của con người là quý báu và, dù đến từ đâu, mỗi người được mời gọi cầu tìm chân lý, tự hiểu biết chính mình từ thâm sâu, sống tự do, an hòa với chính ta và kẻ khác. Một thông điệp nhân bản và tâm linh, nó trả lời thẳng thắn cho câu hỏi cốt yếu: Vì sao tôi sống, tôi sống vì cái gì?[2]
“Họ dạy ta và giúp ta sống. Họ không đề nghị chúng ta một thứ hạnh phúc “chìa khoá trong tay”, mà thứ hạnh phúc là thành quả của một trải nghiệm đích thực trên chính mình. Họ nói về niềm vui hơn là về khoái lạc. Họ là những hướng dẫn viên đòi hỏi, những người “đỡ đẻ” tử tế, những người tỉnh thức muôn đời.”[3]
Dù khoảng cách địa lý, thời đại và văn hóa ngăn cách thì cuộc đời và giáo huấn của Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật vẫn ăn khớp với nhau trên những điểm chính. Những điểm đồng quy này là triết lý mang tính phổ quát được công nhận và thừa nhận như những yếu tố quyết định nên cuộc đời có ý nghĩa vĩ đại của ba vị quân sư, do đó chúng ta cũng cần suy ngẫm để áp dụng cho cuộc đời của mình. Các yếu tố này bao gồm:
- Cuộc đời nay đây mai đó thoát ly khỏi chủ nghĩa sở hữu để tập trung vào sự hiện hữu. Thoát ly khỏi các ràng buộc về vật chất và dục vọng để đạt đến đỉnh cao của đời sống tinh thần.
- Nghệ thuật chết, quan điểm về sự bất tử. Cả ba vị tôn sư đều cho rằng mọi hành động hiện tại của chúng ta đều có hậu quả cho đời sau.
- Mưu cầu chân lý, khát vọng giải phóng cá nhân để trở nên tự do và hiểu biết và tự chủ. Trong đó “tự do thực sự là tự do nội tại, cái mà người ta thủ đắc từ từ bằng cách rèn luyện bản thân, tiến tới trong hiểu biết, và lắng nghe tiếng nói của tinh thần”[4]
- Công chính, bình đẳng như là những đức tính cao nhất của con người, trong đó (i) công lý, tất yếu phải bao hàm sự bình đẳng của mọi người trước pháp luật, dù đó là luật pháp của người đời, của thần thánh hay luật nghiệp quả và (ii) mọi người đều bình đẳng khi Đức Phật hủy bỏ hệ thống đẳng cấp trong cộng đồng tăng già, Sokrates nhận định “tôi không thuộc loại người chỉ phát biểu để lấy tiền và giữ im lặng khi không ai trả thù lao; không phân biệt giàu nghèo, tôi luôn luôn để mọi người chất vấn…” (Apologia Sokratous,30b) còn Chúa Jesus cho rằng “đã là con của cùng một Thiên Chúa thì đều là anh em”.
- Tình yêu thương. Đối với Đức Phật, Chúa Giê Su, có một đức tính kép còn quan trọng hơn cả công lý, đó là tình yêu vô vị lợi và long từ bi.
Thông điệp của ba vị tôn sư về sự hiền minh tổng hòa lại là sự trùng khớp giữa “cái thiện” và “cái thực”, “thiện” là đạo đức, còn thực là “thực hành”. Nói cho cùng, là một thông điệp đạo đức và đời sống thực hành, minh chứng bằng hành động về tính xác đáng của thông điệp họ ban phát – “Sống thành công là một cuộc sống đưa chân lý ra thi hành”[5]
Tham khảo:
[1] [2] https://liberobooks.com/sokrates-chua-giesu-duc-phat
[3] Frédéric Lenoir, Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật - ba bậc thầy của cuộc sống, NXB tổng hợp TP HCM, Tr.296
[4] Frédéric Lenoir, Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật - ba bậc thầy của cuộc sống, NXB tổng hợp TP HCM, Tr.249
[5] Frédéric Lenoir, Sokrates, Chúa Giêsu, Đức Phật - ba bậc thầy của cuộc sống, NXB tổng hợp TP HCM, Tr.259
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú