• Tác giả: Eckhart Tolle
  • Dịch giả: Đỗ Tâm Tuy – Diện Mục Nguyễn Văn Hạnh
  • Nhà xuất bản: First News & Nhà xuất bản Trẻ
  • Năm xuất bản: 2003


Ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi, đó là cuốn sách A New Earth: Awakening to Your Life’s Purpose của tác giả Eckhart Tolle (bản dịch tiếng Việt: Thức Tỉnh Mục Đích Sống). Nhưng trước khi chia sẻ cuốn sách này, tôi xin mời bạn cùng tôi chơi một trò chơi nho nhỏ, chỉ mất khoảng hai phút thôi. Trò chơi mang tên là: Bắt chuột.

Trò chơi như sau: Hãy hẹn đồng hồ hai phút, sau đó nhắm mắt lại và quan sát hơi thở tự nhiên của mình, đồng thời hãy chú ý xem có một suy nghĩ nào khởi lên trong tâm trí bạn hay không. Khi có một suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí, bạn hãy tưởng tượng đó là một con chuột vừa chui ra khỏi hang, hãy tóm lấy nó và đếm “một”, sau đó quay về lại quan sát hơi thở. Nếu một ý nghĩ khác lại xuất hiện, hãy tóm lấy “con chuột” đó và đếm “hai”, rồi lại trở về với hơi thở. Cứ thế, hãy xem trong hai phút bạn bắt được bao nhiêu con chuột. Nào, bạn hãy bắt đầu làm thử đi.


 


Sao rồi, bạn “tóm” được bao nhiêu con chuột? Tôi đã từng thực hiện bài tập này với nhiều người, có người nói 7, có người nói 20, có người nói: “Nhiều quá mình quên mất cả việc đếm”. Nhưng đây mới là câu hỏi quan trọng đây: “Bạn là con chuột, hay bạn là người quan sát thấy những con chuột ấy?” Hãy dành một lúc để ngẫm nghĩ về điều ấy.

Hãy lấy điều này làm quy tắc: Bất kỳ điều gì mà bạn nhìn thấy, thì không phải là bạn. Nếu bạn nhìn ra bên ngoài thì điều này có vẻ rõ ràng. Ở nơi bạn đang ngồi và đọc bài viết này, bạn có thể đang nhìn thấy những vật thể như cái bàn, cái ghế và những con người; thế thì những vật thể và những người mà bạn nhìn thấy chắc chắn không phải là bạn rồi, phải không? Nếu bạn ra ngoài đường, và đứng ở bên trong lề đường, bạn nhìn thấy dòng xe cộ chạy qua chạy lại, thì dòng xe cộ chạy qua chạy lại nhất định không phải là bạn, phải vậy không? Trong nhà bạn, có thể thỉnh thoảng bạn lại nhìn thấy có những con chuột chạy qua chạy lại, thế thì những con chuột ấy cũng không thể là bạn, đúng không? Thế nhưng với những “con chuột” ý nghĩ bên trong tâm trí chúng ta, những “dòng xe cộ” ý nghĩ chạy qua chạy lại trong đầu chúng ta, thì chúng ta lại thường xuyên nhầm lẫn chúng là mình. Hay nói cách khác, chúng ta đồng hóa mình với những ý nghĩ ấy. Và sự tự đồng hóa mình với những ý nghĩ trong tâm trí mình tạo ra một thứ mà trong quyển sách A New Earth, tác giả Eckhart Tolle gọi là “ego”, hay “cái tôi” của chúng ta. Và “cái tôi” này chính là gốc rễ cho rất, rất nhiều những vấn đề trong cuộc sống của chúng ta.

Từ xưa đến nay, các người thầy dạy về đạo đức và các tôn giáo đều giảng dạy rằng con người phải không được tham lam, không được sợ hãi, không được giận dữ…Những lời giảng này nghe thì rất hay, nhưng lại chẳng mấy hiệu quả, vì như chúng ta đều thấy, con người vẫn tham lam, vẫn sợ hãi, vẫn giận dữ…Tại sao những lời giảng này không hiệu quả? Bởi vì chúng chỉ mới nói đến triệu chứng, chứ chưa chạm tới được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Câu hỏi được đặt ra ở đây phải là: “Cái gì bên trong mỗi cá nhân chúng ta đã dẫn đến lòng tham lam, sự sợ hãi, sự giận dữ?Và câu trả lời, chính là “cái tôi” bên trong chúng ta. Và “cái tôi” đó chính là điều mà cuốn sách A New Earth nói đến. Cuốn sách nói về sự hình thành, cấu trúc và cách hoạt động của của “cái tôi”, và quan trọng là cách để vượt qua nó.

Trong Kinh Thánh có câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng kể về Adam và Eva trong Vườn Địa Đàng. Truyện kể rằng Adam và Eva là hai con người đầu tiên sống trong Trái Đất, và ban đầu họ sống vô cùng hạnh phúc trong Vườn Địa Đàng. Nhưng rồi một hôm, có một con rắn dụ Adam và Eva ăn trái cấm trên cây tri thức. Sau khi ăn trái cấm, Adam và Eva đã bị trục xuất ra khỏi Vườn Địa Đàng, và phải chịu rất nhiều khổ đau.

Câu chuyện này là một câu chuyện có ý nghĩa, có liên quan mật thiết với điều đã và đang xảy ra với nhân loại. Trong một cuốn sách mang tên The Fall của tác giả Steve Taylor, tác giả đưa ra những bằng chứng lịch sử rằng, giai đoạn từ thời điểm 4000 năm trước công nguyên (TCN) trở về trước, loài người thực sự giống như Adam và Eva sống trong Vườn Địa Đàng. Họ sống rất hạnh phúc, rất hài hòa với nhau và với thiên nhiên. Không hề có những hiện tượng như bất công xã hội, phân chia giai cấp, đàn áp phụ nữ, hành hạ trẻ con, tàn phá môi trường hay bạo động chiến tranh, xung đột…Nhưng rồi đến thời điểm khoảng 4000 năm TCN, một sự biến đổi khắc nghiệt về môi trường diễn ra: đó là hiện tượng sa mạc hóa tại vùng sa mạc Sahara, tức vùng Trung Đông bây giờ. Hiện tượng này buộc con người, để tồn tại, phải phát triển lý trí và năng lực tư duy của mình. Mặt tích cực của sự phát triển về tư duy này là nó bắt đầu dẫn đến những tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật của xã hội loài người. Nhưng đồng thời, nó cũng bắt đầu sự hình thành nên “cái tôi” ở con người (hay nói như câu chuyện trong Kinh Thánh đó là Adam và Eva đã ăn trái cấm). Và chính từ “cái tôi” ấy, mà những hiện tượng như bất công xã hội, phân chia giai cấp, đàn áp phụ nữ, hành hạ trẻ con, tàn phá môi trường, bạo động, chiến tranh, xung đột…bắt đầu diễn ra. Tác giả Steve Taylor gọi đây là thời kỳ The Fall (tạm dịch: Thời kỳ băng hoại; thời kỳ trước đó ông gọi là thời kỳ pre-Fall – Thời kỳ trước băng hoại), hay ông có một cái tên khác cho nó - thời kỳ Ego Explosion (tạm dịch: Thời kỳ bùng nổ của cái tôi). Thời kỳ này thực sự là một cơn điên của xã hội loài người và đem lại vô số khổ đau cho con người. Chỉ trong vòng một thế kỷ 20, số lượng con người bị giết chết bởi chính đồng loại của mình là ít nhất 100 triệu người. Và cơn điên ấy vẫn tiếp tục diễn ra cho đến tận ngày nay và tạo ra vô số những hệ quả tiêu cực, như nóng lên toàn cầu, thiếu hụt nguồn nước, chủ nghĩa khủng bố và những trái bom hạt nhân sẵn sàng kích nổ bất kỳ lúc nào. Con người đang đứng trước bờ vực bị diệt vong, được tạo ra bởi chính mình.

Đứng trước hoàn cảnh ấy, sẽ có hai kịch bản: hoặc loài người sẽ bị diệt vong, hoặc loài người sẽ tìm kiếm con đường để vượt lên trên cái cơn điên đang dẫn đến sự diệt vong của mình. Vậy con đường ấy nằm ở đâu? Con đường ấy đã được Đức Phật Thích Ca giảng dạy qua phương pháp thiền hơn 2500 trước tại Ấn Độ; con đường ấy đã được Chúa Jesus truyền đạt trong những lời giảng của mình hơn 2000 năm trước tại châu Âu; con đường ấy đã được Lão Tử viết trong cuốn sách Đạo Đức Kinh hơn 2500 năm trước tại Trung Quốc; và ngày nay con đường ấy được giảng dạy ngay trong cuốn sách A New Earth – Thức Tỉnh Mục Đích Sống này của tác giả Eckhart Tolle. Tác giả đặt tựa đề cho cuốn sách là A New Earth, tức Một Thế Giới Mới, để chỉ đến một Thế giới mà ở đó, con người trở nên “thức tỉnh” và vượt qua được “cái tôi” của mình; hay như trong cuốn sách The Fall, tác giả Steve Taylor gọi nó là thời kỳ “trans-Fall” (tạm dịch: Thời kỳ vượt lên trên sự băng hoại). Và đó cũng là lúc mà Adam và Eva được quay trở lại Vườn Địa Đàng. Và hành trình chuyển hóa ấy của loài người đã và đang diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn. Và sự chuyển hóa ấy được bắt đầu từ sự chuyển hóa ngay bên trong chính mỗi cá nhân của chúng ta, ngay trong tôi, và ngay trong bạn. Vì vậy mà tôi rất khuyến khích bạn hãy đọc quyển sách này, để nhìn rõ “cái tôi” bên trong mình - điều có thể đang khiến bạn đang khổ đau, điều có thể đang gây ra rất nhiều những rắc rối trong cuộc sống của bạn, để có thể vượt qua nó, để có thể “thức tỉnh”, và cùng góp phần tạo nên Một Thế Giới Mới.

---------- HẾT ----------


CHÚ THÍCH:
[1] Tham khảo: https://www.oprah.com/omagazine/how-a-new-earth-changed-oprahs-life-what-i-know-for-sure

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Eckhart Tolle, A New Earth: Thức Tỉnh Mục Đích Sống, NXB Tổng hợp TP.HCM (2007).

- Steve Taylor, The Fall: The Insanity of the Ego in Human History and the Dawning of a New Era, Iff Books (2005).

Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Lê Nguyễn Trần Huỳnh
Nguyễn Hoàng Bảo Huy
Phạm Thị Quỳnh Mai
Huỳnh Diệp Mỹ Ngọc
Nguyễn Đình Quý
Trần Minh Dạ Thảo