• Tác giả: Viktor Frankl
  • Năm xuất bản: 1946
  • Dịch giả (nếu có): Thanh Thảo - Giang Thủy - Ngọc Hân
  • Đơn vị xuất bản: First news & NXB Tổng hợp TP.HCM

“Đi tìm lẽ sống” của là cuốn sách bán chạy nhất của nhà thần kinh học, bác sĩ tâm thần Victor Frankl ghi lại trải nghiệm của ông khi là tù nhân ở trại tập trung, đã khiến ông khám phá ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý nghĩa trong tất cả các dạng sự sống, thậm chí cả những dạng tàn bạo nhất, và do đó, là một lý do để tiếp tục sống.

Phần một là những đúc kết của ông về tâm lý của người tù khi bị nhốt tại trại tập trung Auschwitz. Không giống như một cuốn truyện kể đầy đủ về những gì đã phải trải qua những sự tàn bạo mà Đức quốc xã đã mang đến cho mọi người trong trại tập trung mà ông chỉ cố gắng tập trung vào những thay đổi diễn ra trong suốt những ngày tháng chịu khổ cực. Từ sự sốc khi mới vào trại, đến sự thờ ơ, lãnh đạm khi đã quen với cuộc sống trong trại, và sau cùng với sự khó khăn khi tìm lại cảm xúc sau khi được thả tự do. Khi đọc kỹ mới thấy rằng sự biến đổi trong tâm lý, tính cách của một người tù là vô cùng phức tạp nhưng cũng vô cùng hợp lý với hoàn cảnh ví dụ như niềm vui nho nhỏ khi được múc bát súp sâu hơn, mong muốn chìm đắm trong giấc mơ, sự mất hứng thú tình dục,… Mỗi một hoàn cảnh như thế, tác giả lại đúc rút ra được những triết lý vô cùng quan trọng: khi nhận ra rằng không ai có thể thay thế được vị trí của mình, con người buộc phải có trách nhiệm cho sự tồn tại và tiếp tục cuộc sống của mình; khi một người nhận ra số phận của mình là phải đau khổ, anh ta sẽ chấp nhận sự đau khổ như một nhiệm vụ của mình - một nhiệm vụ duy nhất và riêng biệt;…

Phần hai là sơ lược về liệu pháp ý nghĩa của tác giả - một liệu pháp tác giả sử dụng để giúp đỡ cho những người cần tư vấn về tâm lý sau này. Frankl đã nhìn thấy ba nguồn ý nghĩa cơ bản của đời người: thành tựu trong công việc, sự quan tâm chăm sóc đối với những người thân yêu và lòng can đảm khi đối mặt với những thời khắc gay go của cuộc sống. Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa. Liệu pháp ý nghĩa có nhiệm vụ trợ giúp bệnh nhân tìm thấy “ý nghĩa” trong cuộc sống của họ. Bởi vì liệu pháp ý nghĩa khiến người bệnh nhận ra được ý nghĩa bị che khuất trong sự tồn tại của mình.

Xuyên suốt cuốn sách tác giả nhắc lại nhiều lần câu nói của Nietzsche: “Người nào có lí do để sống có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Sự tồn tại luôn phải đi cùng với ý nghĩa của nó. Chính việc tìm ra được ý nghĩa cuộc sống đã giúp cho tác giả cũng như nhiều người cần đến sự tư vấn của giả sau này đã giúp họ tiếp tục tồn tại. Mỗi tình huống trong đời tương đương với một thử thách mà bản thân người đó phải đối mặt và đưa ra lời giải cho chính mình. Cuộc sống luôn đặt câu hỏi cho con người và bắt họ đi tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Chính bởi vậy, “Liệu pháp ý nghĩa” coi trách nhiệm là điều cần thiết cho sự tồn tại của con người.

Nguồn ảnh: Tiki

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh