• Tác giả: Krishnamurti
  • Năm xuất bản: 2018
  • Dịch giả: Huỳnh Hiếu Thuận
  • Đơn vị xuất bản: First news & NXB Hồng Đức

Cuốn sách gồm những mẩu hội thoại nhỏ, ngắn gọn nhưng hứa hẹn sẽ mang tới cho bạn những cái nhìn sâu sắc và khiến chúng ta phải chiêm nghiệm qua từng câu chữ. Mỗi phần sẽ có nhiều chương nhỏ để triết gia J. Krishnamurti dẫn dắt người đọc đến những vấn đề thực tiễn từ suy nghĩ, thấu thị, hiểu biết, đến hành động cụ thể. Ông chỉ ra rằng ngay với cả nỗi sợ hãi, sự buồn chán, hạnh phúc hay đau khổ, thành công hay thất bại đều có thể hòa giải trong ý nghĩ của một tâm hồn biết tĩnh lặng.

  1. Bản ngã và cuộc đời của bạn

Tâm trí bao gồm hai phần vô thức và phần ý thức, hay ta có thể gọi nó là phần nổi và phần chìm – một phần thuộc bề nổi mà ta nhận thức được, còn phần lớn là những lớp ẩn sâu của tâm trí mà ta không nhận thức được. Toàn bộ phần ý thức và phần vô thức là tổng thể tiến trình tư duy mà chúng ta gọi là tâm thức. Tâm thức đại diện cho thời gian, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của loài người suốt bao năm qua.

Nhìn chung, chúng ta luôn mong muốn bản thân mình được cải thiện một cách triệt để, nhưng lại thực hiện sai cách. Chúng ta luôn nhìn nhận lỗi sai thuộc về những thứ xung quanh ngoại trừ chính mình. Chúng ta thường muốn được chỉ ra lỗi sai và lắng nghe những ý kiến của những người khác để hiểu chính mình hơn là tự nhìn nhận những việc mình đã làm. Kỳ thực, sự thay đổi của thế giới bên ngoài đến từ chính sự thay đổi bên trong bạn, bạn là chủ thể chính và thế giới là cách bạn nhìn nhận về nó.

  1. Điều ta mong muốn

Hạnh phúc là thứ mà phần lớn chúng ta theo đuổi. Nhưng, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào? Nhiều người cho rằng hạnh phúc là đạt được cái mình muốn.

Nhưng, mong muốn là vô tận. Ví dụ như nếu bạn có một chiếc xe đạp, mong muốn của bạn sẽ có một chiếc xe máy để di chuyển nhanh nhẹn hơn, khi chúng ta sở hữu được một chiếc xe máy thì điều chúng ta mong muốn sẽ là chiếc xe hơi để che nắng che mưa. Có thể thấy, mong muốn luôn được dần tăng lên trong từng điều kiện khác nhau, nói cách khác chính là luôn xê dịch. Nếu hạnh phúc được định nghĩa bằng đạt được điều mình muốn thì bao giờ chúng ta mới có thể hạnh phúc?

Mong muốn những thứ tốt đẹp hơn không phải là điều sai trái, nhưng hạnh phúc lại không hẳn là nằm trong việc bạn ý thức được mình đang hạnh phúc.

Tư duy đúng đắn là chuyển dịch của sự hiểu biết chính mình từ khoảnh khắc này đến khoảng khắc khác, nảy sinh ra từ sự nhận biết các mối tương quan.

  1. Hiểu biết bản thân là chìa khóa của sự tự do

Chúng ta bị đè nặng bởi những nỗi lo sợ, không chỉ từ bên ngoài mà cả bên trong.

Sợ thất nghiệp, sợ nghèo đói, sợ mất đi địa vị, sợ bị sếp đối xử tệ bạc và muôn vàn nỗi sợ khác tồn tại bên trong chúng ta như là sợ rằng chúng ta không hiện hữu, sợ gặp thất bại, sợ cái chết hay sợ cô đơn.

Krishnamurti cho rằng suy nghĩ dung dưỡng nỗi sợ. Có nghĩa là nếu như chính mình nghĩ về sự thất nghiệp và lo sợ nó thì chính ý nghĩ đó tạo ra nỗi lo sợ của chính ta.

Người ta tự hỏi liệu mình có thể chấm dứt suy nghĩ để sống một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn hay không. Vậy bạn đã bao giờ để ý dành hết tâm sức để làm một việc gì đó chưa? Khi bạn đặt trọn tâm trí mình vào một việc thì khi đó không hề có chủ thể quan sát nào, do đó không có một người suy tưởng nào và cũng không tồn tại một trọng tâm quan sát nào cả. Khi bạn có một sự chú tâm toàn diện và cao độ thì không còn tồn tại chủ thể nào để nuôi dưỡng nỗi lo sợ nữa.

  1. Những mối tương quan

Liệu chúng ta có thể được sống trong một thế giới không có cái nhiều hơn – không liên tục so đo và bị so đo, đánh giá và bị đánh giá? Sự suy xét về toàn bộ câu hỏi này, là thiền định.

Để quên đi ham muốn tìm kiếm một sự an ổn trong tâm trí hoặc một trạng thái hài lòng thỏa mãn, đòi hỏi ta phải quan sát kỹ lưỡng và liên tục về quá trình hoạt động của tâm trí, đó là thiền.

Khi bạn hiểu rõ được chính mình, đi từng bước cẩn trọng với sự chú tâm tuyệt đối, từ đó tự khám phá con đường của chính mình thì đó chính là thiền định.

Khi cơ thể bạn có đủ năng lượng cần thiết, tại điều kiện sức khỏe tốt nhất, đầu óc minh mẫn nhất và nhận ra mọi thứ bạn thực hiện thật dễ dàng không có trở ngại gì thì đó cũng là thiền định.

Nói cách khác, khi bạn chú tâm làm một công việc gì đó, thì đó chính là sự khởi đầu cho việc thiền.

Thiền để sáng rõ, để thấu hiểu cuộc sống, để có thể tự nhận biết mình và lãng quên tâm trí của quá khứ. Chỉ khi tâm trí có khả năng yêu thương chân thành thì nó cũng là ta biết được cách để có được cuộc sống thanh bình.

Nguồn ảnh: Tiki

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh