• Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
  • Đơn vị xuất bản: Nhà xuất bản trẻ
 

LÃO TỬ - ĐẠO ĐỨC KINH

Ngôi Bắc đẩu trong bầu trời minh triết Phương Đông

***

Hơn 2.500 năm trước, vào thế kỷ thứ 6 tkinh công nguyên, lịch sử loài người chứng kiến sự ra đời của những tư tưởng triết học cao thâm cùng lúc xảy ra ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Ở phương Tây các nhà triết học Hy Lạp cổ đại mà điển hình là Heraclitus, Thales, Anaximander. Ở Ấn Độ có Ấn Độ giáo với kinh Vệ-đà và Tất-đạt-Đa Cồ-đàm người sáng lập ra Phật giáo. Ở Trung Quốc có Lão Tử và Khổng Tử. 

Mỗi vị thông qua những cách tu tập, thiền định, quán tưởng, trực cảm khác nhau, cuối cùng đều phát hiện ra cách giải thích của mình về vũ trụ, về quy luật của cuộc sống. Điều đáng ngạc nhiên là những tư tưởng này lại hết sức tương đồng nhau khi hướng về sự hoàn thiện, đó chính là "Brahman" của Ấn Độ giáo, "Pháp luân" của Phật giáo và "Đạo" của Lão giáo. Chưa dừng lại ở đó mà điều làm chúng ta hết sức bất ngờ là những tư tưởng phương Đông vừa nêu lại hoàn toàn tương đồng với những phát hiện mới của vật lý hiện đại nhất là "hạt nguyên tử" mà Fritjof Capra đã chỉ ra trong tác phẩm Đạo của vật lý.

Trong các trường phái triết học phương Đông, có thể nói rằng tác phẩm Đạo đức kinh của Lão tử là một trong những tác phẩm ngắn gọn nhất, thâm sâu nhất. Thật vậy, chỉ với 81 đoạn thơ, Đạo đức kinh đã nêu lên toàn bộ các quy luật vận hành của vũ trụ, của xã hội và của đời sống con người. Đạo đức kinh gồm có 81 đoạn thơ được cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần giới thiệu tương ứng 81 chương với khoảng 5000 chữ gồm 2 phần: Thượng Kinh và Hạ Kinh. Thượng Kinh gồm 37 chương đầu bắt đầu bằng câu: "Đạo khả đạo, phi thường Đạo". Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh. Hạ Kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu Đức". Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh. 

Cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần là học giả nổi tiếng của Miền Nam Việt Nam vào những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỷ trước, tư tưởng của cụ gây ảnh hưởng sâu rộng đến văn hóa lập thân của nhiều thế hệ người Việt qua nhiều thập niên. Cụ chỉ tốt nghiệp bằng thành chung (học hết lớp 9, tương đương tốt nghiệp cấp 2 bây giờ) nhưng nhờ được Cha dạy dỗ cùng với công phu tự học mà Cụ trở thành Giáo sư của những trường đại học danh tiếng thời bấy giờ như Trường Đại học Vạn Hạnh, Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thành viên Ủy ban Điển chế văn tự, chủ bút Báo Tự Do.

 

Dao-duc-kinh


"Đạo" nghĩa đen là đường đi còn theo nghĩa bóng thì "Đạo" là đường lối, lễ nghĩa, phép tắc đối nhân xử thế của con người. Chữ "Đạo" ở đây được hiểu theo Đạo làm người hay nhân đạo trong hình nhi hạ của Nho giáo.

Đến thời Bách gia chư tử, một Đạo gia đầu tiên của Trung Hoa là Lão Tử đã đưa ra thuyết căn bản của Vũ trụ và đề xướng Đạo luận qua tác phẩm Đạo đức kinh với 5000 chữ. Từ đó, "Đạo" được hiểu theo nghĩa hình nhi thượng tức là Thiên Đạo (Đạo của Trời).

 

Theo Đạo đức kinh, Lão Tử cho rằng "Đạo" là căn bản của Càn Khôn, là nguyên lý mà từ đó vạn vật được sinh ra, muôn loài noi theo. Đạo là quy luật chi phối sự sinh thành, biến hóa của Trời đất và muôn vật.

 

lao-tu-tinh-hoa-lao-tu-dao-duc-kinh

Nguồn: https://khangvietbook.com.vn/lao-tu-tinh-hoa-lao-tu-dao-duc-kinh-p-6994.html

Với hai luân lý chủ đạo là "Vô vi": Lão Tử khuyên con người hãy làm mà như không làm. Ông viết rằng nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất cứ nơi nào và với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước. "Vô vi nhi, vô bất vi" (chương 48): Vô vi là hành động theo tự nhiên, “Không làm” nhưng không có gì là không làm được, làm mà không có tâm riêng, cũng như đói thì phải ăn, khát thì phải uống.

"Nhân ái": Lão Tử khuyên "Tri nhân giả trí, tự tri giả minh" nghĩa là biết người khác chỉ mới là trí, nhưng tự biết mình thì mới là sáng. Như vậy Lão Tử chú trọng đến việc tự chinh phục bản thân hơn là chinh phục kẻ khác. Nên bằng lòng với cái mình có "Tri túc chi túc hà thời túc, tri nhàn chi nhàn hà thời nhàn" nghĩa là biết đủ thì đủ và lúc nào cũng đầy đủ cả, biết nhàn thì nhàn và lúc nào cũng nhàn cả. 

 

Như vậy, "Đạo" rất có ích và cần thiết cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Người có "Đạo" sẽ biết sợ luật Trời, kiêng phép nước, biết trọng luân thường đạo lý, biết yêu thương không chỉ chúng sinh đồng loại mà còn bao trùm lên cả những sinh vật khác. Một nước có "Đạo", xã hội sẽ trật tự và an ninh, dân chúng sẽ được hưởng thái bình và hạnh phúc. Tuy đơn giản là thế nhưng mấy ngàn năm nay, học giả uyên bác khắp đông tây kim cổ vẫn tranh cãi nhau chưa có hồi kết. Tất cả vẫn chưa ai có thể hiểu được trọn vẹn ý của Lão Tử qua 5000 chữ của Đạo đức kinh là gì.

 
  1. 2-3 câu trích dẫn trong sách mà mình tâm đắc (lời thoại của nhân vật, lời người dẫn truyện...): 

  • “Nay ta thấy Lão Tử như con Rồng!” Khổng Tử (Sử Ký - Tư Mã Thiên)
  •  
“Đạo khả đạo, phi thường Đạo;
Danh khả danh, phi thường Danh.”
Lão Tử (Đạo Đức Kinh - Chương 1)
  •  
“Tín ngôn bất mỹ,
Mỹ ngôn bất tín.
Thiện giả bất biện.
Biện giả bất thiện.
Tri giả bất bác,
Bác giả bất tri.”
Lão Tử (Đạo Đức Kinh - Chương 81)
 
Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng 
Trương Nguyễn Nhật Hoàng 
Trần Thị Thảo Phương 
Lê Chiêu Trung 
Đặng Phương Uyên 
Trần Thị Hồng Xuyến