• Tác giả: Dương Ngọc Dũng
  • Năm xuất bản: 2022
  • Đơn vị xuất bản: NXB Khoa học Xã hội 

Đây là một cuốn sách khá dày, có rất nhiều nội dung về triết học, được chia làm 2 phần. Phần 1 là chuyên về cách tiếp cận triết học và có bao nhiêu loại triết từ Đông sang Tây, bao gồm triết học Phật giáo, triết học tôn giáo, triết lý về khoa học tự nhiên, Triết học Kitô Giáo…

Theo Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: “Lý luận triết học chính là di chuyển thận trọng thông qua tư duy lý tính (rational argument) giữa những khẳng định cực đoan tuyên bố đã bóc trần chân dung thực tại. Chính trong lúc di chuyển như thế triết gia nhận ra tính hữu hạn căn bản trong tri thức nhân loại: tri thức tuyệt đối là một giấc mộng xa vời và nguy hiểm, vì nó loại trừ khả năng hoài nghi và tra vấn, dễ dẫn đến thái độ độc đoán, cực quyền, nhưng chủ nghĩa tương đối (relativism), bất chấp những ưu điểm mang tính khoan dung của nó,  cũng có nguy cơ đẩy con người vào sự u mê, thụ động, chấp nhận tất cả những gì đang có sẵn, đang tồn tại, vì đã từ khước ngay từ đầu cuộc hành trình đi tìm chân lý, và như thế đánh mất cả tiềm năng chuyển hóa và làm mới thực tại”. Phần trích này cho ta thấy rằng triết học là một môn học cần thiết để ta học tư duy phản biện một cách có căn cứ và nguồn gốc, để có thể nhìn được sự việc như chính nó và không bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ số đông mà thường cho rằng là đúng.

Phần 2 là nội dung bao gồm một tập hợp những bài viết của TS. Dương Ngọc Dũng được sắp xếp thành các chuyên luận. Để tóm tắt các ý chính thông qua một đoạn văn mô tả thì quả thật là điều không thể. Nếu người đọc có hứng thú về triết học, lịch sử của triết thì hãy tìm đọc cuốn sách này vì đây có lẽ là cuốn sách duy nhất mà ta cần đọc để gợi mở, khai phóng về tư duy triết học của chúng ta tại Việt Nam, sở dĩ, phần lớn chúng ta không được tiếp cận đa dạng các môn triết trong chương trình học phổ thông tại Việt Nam và cũng rất ít người có chuyên môn để truyền đạt và giảng dạy chúng ta. Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng là một trong những chuyên gia về Triết học và có tầm vóc quốc tế để viết nên cuốn sách cho dân tộc Việt Nam chúng ta đọc. Với Ông, triết học không phải là tri thức, nó là phương tiện giúp chúng ta chất vấn đời sống, đặt lại mọi vấn đề từ nền tảng, không chấp nhận những ý kiến, phán đoán làm sẵn, những chân lý “đóng hộp”. Triết học giúp chúng ta sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn trong nhận thức…

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo