- Tác giả: Hoàng Đạo Thuý
- Năm xuất bản lần đầu: 1944
- Năm tái bản: 2020
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Hội nhà văn
- Giải thưởng: Giải sách hay lần thứ XI
Giáo dục là một trong những trăn trở trong mỗi chúng ta khi nghĩ đến việc muốn thay đổi một cái gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc sống. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, nhiều bậc phụ huynh có điều kiện thường tìm kiếm cho con em mình một môi trường giáo dục tốt và họ thường chọn cho con em ở trường học quốc tế hay ra nước ngoài. Còn những gia đình không có điều kiện sẽ thường chọn cho con em mình môi trường giáo dục hiện hữu ở đất nước mình. Ai cũng muốn con em mình có môi trường tốt nhất, ai cũng muốn quốc gia mình có nền giáo dục thật tốt để phát triển thế hệ kế thừa ngày càng bền vững và mạnh mẽ thì đất nước mới có thể đi lên được.
Trước những trăn trở rất gần gũi và thực tế này, thì một giải pháp có thể hữu dụng rất nhiều đó là phát triển cái tâm của người làm nghề giáo. Và quyển sách “Nghề thầy” của cụ Hoàng Đạo Thúy được viết từ 1944 đã nêu lên được quan điểm vô cùng khai sáng mang tính thời đại mà vẫn đúng tới hiện tại, cụ đã khẳng định mục đích của giáo dục, đó là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp lẽ trời đất”. Vì thế, nếu chỉ trọng có mỗi việc học, nếu cho rằng “đi nhà trường để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, để rồi đi làm, thì đủ thứ sung sướng” thì hiểu như vậy đã “làm sai lạc cả mục đích của việc giáo dục”.
Ngay từ những trang đầu của sách, đã thể hiện được rằng cụ Hoàng Đạo Thúy đã vô cùng trăn trở và muốn truyền ngọn lửa trong mình đến những người làm “nghề thầy” để thay đổi giáo dục của đất nước tốt hơn: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ, đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được”. Cái huy hiệu “làm thầy” thật thanh cao, nhưng các nhà giáo chỉ có thể đạt được khi biết về trách nhiệm của mình và luôn cố gắng cho xứng với “nghề thầy” ấy.
Theo nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, “nếu loại trừ đi cách dùng từ ngữ cổ kính mang dấu ấn của thời đại đã qua và tạm thay vào đó bằng một số từ ngữ đang được dùng phổ biến ở hiện tại, ta sẽ thấy hình như cuốn sách được viết cho chính chúng ta, cho những người đang làm “nghề thầy” trong thế kỷ XXI này”.
Nguồn tham khảo:
Báo Hà Nội mới. Nghề thầy. tramdoc.vn/. Truy xuất từ: https://tramdoc.vn/tin-tuc/nghe-thay-ndyE2W.html
Công Chương. Tác phẩm Nghề thầy đạt Giải Sách Hay lần thứ XI. giaoducthoidai.vn. Truy xuất từ: https://giaoducthoidai.vn/tac-pham-nghe-thay-dat-giai-sach-hay-lan-thu-xi-post608533.html
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Hồ Tấn Hùng
Nguyễn Thị Kim Thương
Võ Thị Yến Nhi
Hoàng Mạnh Cường
Lâm Trọng Kha
Đinh Thị Nho
Đinh Nguyễn Nhã Thanh