Có nhiều cách đo giá trị một hệ thống trường học.

Bài này dựa đa phần trên báo cáo Innocenti 11 của UNICEF – Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc – nghiên cứu về “Sự thoải mái của trẻ ở những nước giàu” – Le Bien Etre des enfants dans les pays riches – đặc biệt là phần nói về sự thoải mái của trẻ trong môi trường học đường (1).

Cách đánh giá của UNICEF xoay quanh giá trị của hệ thống giáo dục cho sự học hiện tại và cho tương lai trẻ sau đó, trên vĩ mô.

Để nghiên cứu giá trị của trường học dưới lăng kính này và nhất là để có thể so sánh các hệ thống giáo dục giữa các nước, UNICEF dùng hai loại chỉ số:

A. Theo độ tiếp cận

·         Tỉ lệ trẻ được đi học mẫu giáo

·         Tỉ lệ trẻ ở độ tuổi 15-19 đang đi học

·         Tỉ lệ tuổi 15-19  không đi học cũng không đi làm

B. Theo chỉ số đo được bởi khảo sát PISA về các kỹ năng đọc hiểu, toán và khoa học, tức là một tiêu chỉ đặt trên giá trị của “sản phẩm” đầu ra, kết quả của hệ thống xuyên qua khả năng và kỹ năng đã tiếp thu bởi trò.

Tất cả những tiêu chỉ này đều… có thể giải thích và bảo vệ được:

  1. Đo tỉ lệ trẻ được đi trường mẫu giáo là ước định được tương lai học hành của trẻ. Giáo dục mẩm non quan trọng. Những năm này giúp trẻ được xã hội hóa, được cung cấp những điều kiện tốt nhất, ít nhất là một môi trường bảo đảm cho các cháu được phát triển điều hòa, tạo cơ sở cho cho những tiếp thu sau đó, lại có được dịp để khám phá các trở ngại có thể cho việc học sau này – nhẹ là việc chậm phát triển kỹ năng tiếng mẹ, nặng hơn là các bệnh sinh lý, tâm lý và xã hội – hầu can thiệp kịp thời tránh cho các cháu bị các khiếm khuyết này thành khuyết tật cho việc học như chứng khó đọc, chứng khó học toán, nói ngọng, …

2.  Tỉ lệ trẻ ở độ tuổi 15-19 còn đi học cho biết tiềm năng chuyên ngành chuyên nghề của xã hội. Thật vậy, nếu trung học cơ sở được xem như có vai trò trang bị cho người đi học vốn liếng tối thiểu đễ làm người. Trung học phổ thông và trung học nghề đào tạo những kỹ năng chuẩn bị cho giới trẻ tham gia vào việc sản xuất. Trẻ từ độ tuổi 15-19 còn ở trường là biểu hiệu của một xã hội có tương lai vững hơn.

3.  Trái lại, nếu tầng lớp này, trẻ ở độ tuổi 15-19, không còn đi học đi thực tập cũng không đi làm thì xã hội đó đang lâm vào một tình trạng thiếu thốn – thiếu thốn hạ tầng học đường để lo cho chuyên ngành chuyên nghề cho người trẻ hay thiếu thốn việc làm cho chúng – ở đây nhà xã hội học sẽ dùng khái niệm anomie (thiếu cấu trúc) của Durkheim.

Ba tiêu chỉ nói trên vẽ nên được thấy bức tranh toàn cảnh học đường trong xã hội cho hiện tại và, trong một chừng mực nào đó, cho viển ảnh tương lai.

4.  Cũng vĩ mô nhưng giới hạn trong bối cảnh học đường và liên quan đến giá trị đào tạo, một hệ thống trường học tốt là một hệ thống cho ra lò những sản phẫm tốt. Điểm mà các trò 15 tuổi đạt được qua khảo sát PISA – về khả năng đọc hiểu, toán và khoa học – là một cách chấm điểm khách quan giá trị của trường học.

Cũng có thể chấm điểm bằng cách khảo sát trên học trò, hỏi ý kiến của học trò về trường học của chúng – Khả năng này, nghiên cứu của UNICEF đã không dùng tới.

Cụ thể, cho chỉ tiêu đầu, tỉ lệ trẻ ở tuổi học mầm non được đến trường (2), ở bốn nước Pháp, Hà Lan, Tây ban Nha và Bỉ là 98% đến gần 100%. Chuyện phổ cập mầm non ở các nước này gần như đã đi vào… tập tính của dân tình. Ở Bỉ và Hà Lan, trẻ vào mẫu giáo từ 30 tháng hay 2 tuổi rưỡi. Ở Pháp, dự luật 41, 2011 đề nghị giáo dục cưỡng bách từ 3 tuổi.

Kế đến Đan Mạch, Ý, Na Uy, Anh, Đức, Irlande, tỉ lệ trẻ trong hạn tuổi nói trên, tiếp cận mầm non  khoảng 95%.

Trong nhóm trên dưới 90% trẻ ở tuổi mầm non được đi học có thể kể: Thụy Điển, Luxembourg, Hongrie, Slovenie,… nghĩa là cho gần phân nửa số các nước phát triển nằm trong nghiên cứu.

Tại Phần Lan, Hy lạp và Mỹ, tỉ lệ trẻ học mầm non chỉ khoảng 72% hay 74% trẻ ở độ 4-6 tuổi.

Trường hợp của Phần Lan (3)

Nước Phần Lan có tỉ lệ trẻ ở mẫu giáo thấp nhất theo phần trình bày ở trên. Nhưng lại có kết quả tốt nhất ở PISA. Điều này có thể làm cho ta nghĩ rằng giáo dục mầm non không cần thiết hay không quan trọng.

Thật sự cái nghịch lý Phần Lan không nghịch lý đến nổi đó.

Trong nghiên cứu này, tỉ lệ trẻ ở mẫu giáo được UNICEF tính trên lứa  4-6 tuổi còn ở Phần Lan trẻ học mẫu giáo từ 4-7 tuổi – sự khác biệt của độ tuổi  của các hệ thống giáo dục tạo nên một kết quả khó so sánh.

Nếu trong phương pháp, nghiên cứu này chọn tỉ lệ trẻ học mẫu giáo ở năm trước khi vào tiểu học thì ở Phần Lan, tỉ lệ này sẽ là 100% – tức là trẻ con Phần Lan thuộc vào hàng trẻ được chuẩn bị tốt nhất trước khi vào Tiểu học, tính trên số lượng như thế.

Mặt khác ta cũng cần ghi nhận hai điều: Trước nhất Phần Lan dành một ngân quỹ quan trọng cho giáo dục và, thứ nhì, Phần Lan rất  chú trọng đến việc tuyển chọn và đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Hai chi tiết “tiêu biểu” của vấn đề này mà các nhà nghiên cứu và giáo dục đối chiếu hay nêu lên là:

·         Ở Phần Lan, giáo viên cho bất cứ trình độ nào, từ mầm non tới trung học phổ thông, cần 5 năm đào tạo

·         Thi tuyển đầu vào trường sư phạm rất khắc khe,  thông thường chỉ 10% ứng viên trúng tuyển.

·         Cuối cùng, Phần Lan còn có chế độ bảo hiểm xã hội cho phép cha mẹ các bé nghỉ ở nhà để săn sóc con lâu hơn bất cứ nước nào khác, với những bù trừ về lương bổng rất hậu.

Còn ở Mỹ, trường mầm non thường là trường tư, với học phí khá cao – trên dưới 10.000 US$/ năm.

Theo tiêu  chỉ thứ nhì, tỉ lệ trẻ 15 tới 19 tuổi còn đi học  (4) – xin nhắc lại là hạn tuổi của giáo dục cưỡng bách khác nhau ở các nước và thông thường là 15 hay 16 tuổi, ở Bỉ là 18 – ,

Theo nghiên cứu Innocenti 11, hơn 90% trẻ từ 15-19 tuổi còn đi học ớ Bỉ, Ba Lan, Islande, Lituanie và Slovénie.

Con số này nằm giữa 80-90% ở Hà Lan và cũng tròm trèm khoảng đó ở Mỹ và Canada.

Trong khi ấy, dưới 80% trẻ ở hạng tuổi 15-19 còn đi học ở Áo, Roumanie, Luxembourg.

Nhưng nói cho cùng thì, trừ nước Anh đứng cuối bảng cho tiêu chỉ này với 73%, ở tất cả các nước phát triển, trên 75 % trẻ ở độ tuổi  15-19 còn đến trường. Có thể vì sự chuyên ngành chuyên nghề ở các nước này còn dựa trên sự đào tạo của học đường. Con số này cũng cho thấy khả năng của trẻ được đi học lâu hơn, tức là có thể có khả năng tìm được việc làm tốt hơn sau đó.

Tiêu chỉ thứ ba, tỉ lệ NEET (Not participating in either Education, Employment or Training) hay số trẻ từ 15-19 tuổi không có tên trong bất cứ chương trình đào tạo – trường học và tập sự nghề – hay công việc làm nào (5).

Con số NEET tùy thuộc những cơ hội việc làm và sự hữu hiệu của hộ thống giáo dục chuẩn bị cho bước vào nghề của giới trẻ. Một tỉ lệ NEET cao là biểu hiệu cho tình trạng bất ổn hiện thời và tương lai, cho cá nhân của các người trẻ ấy – chúng hết đi học nhưng chưa đi làm – và cho cả hệ thống quản lý về nhân sự.

Cụ thể tử lệ NEET dưới 3% ở các nước Na Uy, Slovénie, Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan.

Con số này trên 10% ở các nước Tây Ban Nha, Irlande, Italie.

Phần Lan, Pháp, Bỉ, Hongrie, Thụy Điển, Áo, Bồ Đào Nha,… ở giữa bảng với con số NEET  khoảng 5% – 7%.

Xin đừng so sánh các tỉ lệ của tiêu chỉ thứ nhì với tỉ lệ của tiêu chỉ thứ ba. Một số trẻ có thể hết ở trường (theo tiêu chỉ 2) nhưng còn đi học việc (training hay stage d’apprentissage).

Về phương pháp, những khác biệt giữa các nước chỉ là vài phần trăm, ở tiêu chỉ NEET, nhưng đó là vài phần trăm có ý nghĩa.

 Tiêu chỉ thứ tư: theo kết quả của PISA – ở đây là kết quả PISA 2009

Nói về định phẩm, lý tưởng mà nói thì phải làm sao tìm ra những yếu tố so sánh được trong các “thành phẩm” mà trường học mang lại cho trẻ, định nghĩa những yếu tố đó xong rồi  so sánh chúng giữa các hệ thống giáo dục của các nước.

Cũng lý tưởng mà nói, khái niệm “giá trị của giáo dục” thì phải dựa trên những hiểu biết mà trẻ tiếp cận và thông suốt về khoa học, khoa học chính xác cũng như khoa học xã hội, về đạo đức làm người và cuối cùng về khả năng mà trẻ đã tự tạo cho mình sau những năm “dùi mài kinh sử” ở trường để có thể phát triển các kỹ năng và tiềm năng của mình sau này.

Tất cả những đường hướng đó hiện khó thực hiện.

Trong khuôn khổ nghiên cứu Innocenti 11, UNICEF dùng các kết quả của PISA như chỉ tiêu đo giá trị định phẩm của một hệ thống giáo dục

Xin nhắc lại ngắn gọn, PISA – Programme International pour le Suivi des Acquis des élèves – được khởi xướng lần đầu năm 2000 bởi OCDE, Organisation de Coopération et de Développement Economique, để đo những kỹ năng về đọc hiểu, về toán và về khoa học, của các học sinh ở tuổi 15 – Khởi thủy, các tests này được áp dụng cho trẻ ở  34 xứ thành viên của OCDE. Lần mới nhất, 2012, 65 nước tham dự PISA trong đó có Việt Nam, và Việt Nam đứng thứ 17.    

Theo chỉ tiêu vừa chọn, kết quả PISA tổng hợp, ta thấy:

Ba nước đứng đầu bảng là Phần Lan, Canada và Hà Lan. Đặc biệt Phần Lan với 550 điểm, hơn Canada, hạng nhì,   20 điểm, một khoảng cách đáng kể.

Tiếp theo đó là Thụy Sỉ, Estonie, Đức, Bỉ, Balan, Irlande.

Năm nước cuối bảng là, từ dưới lên, Roumanie, Hy Lạp, Luxembourg, Tây ban Nha, Ý. Nhất là Roumanie, với 425 điểm, thua Phần Lan cả 125 điểm.

Nếu cần bình luận thì ta có thể nói rằng Phần Lan, Canada và Hà Lan có hệ thống trường học cho những kết quả tốt nhất.

Ba nước được xem là giàu nhất châu Âu Áo, Luxembourg và Thụy Điển chỉ đứng phần gần cuối bảng PISA. Đó cũng là trường hợp của Mỹ và Pháp.

Tổng kết cả bốn tiêu chỉ, trẻ thoải mái nhất ở trường tại Hà Lan, Bỉ, Đức, Slovénie. Ở cuối bảng là Tây ban Nha, Mỹ, Hi lạp và Roumanie.

Dưới đây là bảng xếp hạng tổng thể, dựa trên giá trị của hệ thống trường học, theo nghiên cứu Innocenti 11 của UNICEF (7):

  1. Hà Lan 10. Islande 19. Lituanie

  2. Bỉ 11. Thụy Điển 20. Lettonie

  3. Đức 12. Tchèque 21. Slovaquie

  4. Phần Lan 13. Estonie 22. Luxembourg

  5. Slovénie 14. Canada 23. Áo

  6. Na Uy 15. Pháp 24. Anh

  7. Đan Mạch 16. Thụy Sỉ 25. Ý

  8. Hongrie 17. Irlande 26. Tây Ban Nha

  9. Ba Lan 18. Bồ đảo Nha 27. Mỹ

Hai nước cuối cùng là 28. Hy lạp và 29. Roumanie

Nếu được xếp hạng ở đây thì Úc, Tân Tây Lan và Nhật bản sẽ vào nhóm các nước đầu bảng

Thay lời kết:

Vài dòng về hệ thống giáo dục Hà Lan, nước đứng đầu bảng (8).

Bất cứ nhà quan sát nào đến Hà Lan cũng ngạc nhiên thấy không khí cởi mở và dễ chịu ở trường học nơi xứ này.  Học sinh có vẻ thoải mái.

Bắt đầu bằng vài con số: giáo dục cưỡng bách ở Hà Lan bắt đầu từ 5 tuổi, nhưng đại đa số trường nhận trẻ sớm hơn. Đi học sớm là một bảo đảm cho thành công. Hơn nữa, chương trình học và phương pháp sư phạm ở Hà Lan được cấu trúc dựa trên nhu cầu của trò. Trẻ học trung học tới năm 16 tuổi.  Sau đó, giáo dục chỉ còn bó buộc nhiều nhất là bán thời gian. Thế có nghĩa là từ lúc đó các em có thể chọn học nghề, học mỹ thuật,… hay tiếp tục chương trình phổ thông để vào Đại học. Phần cưỡng bách này cũng chấm dứt khi trò tròn 18 tuổi. Nhưng khoảng 30% học trò xong trung học phổ thông tiếp tục lên Đại học.

Về triết lý, Hà Lan không có một hệ thống trường công duy nhất. Trẻ, và cha mẹ trẻ, có rất nhiều lựa chọn: theo chương trình, theo phương pháp sư phạm, chủ đích ngành nghề,… Các trường chỉ có một điểm chung: phần tối thiểu cần phải xong cho mọi trò. Có như thế thì trường sẽ được tài trợ. Và hầu như tất cả đều nhắm sự phát triển của trẻ về thể hình, về cảm xúc và trí tuệ, giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo đồng thời tiếp cận vốn liếng tri thức để sống trong xã hội.

Đặc biệt, các trường ở Hà Lan rất hiện đại về những phương tiện IT mới.

Link bài gốc: https://hocthenao.vn/2016/10/17/chi-tieu-nghien-cuu-mot-he-thong-truong-hoc-tot-cho-tre-nguyen-huynh-mai/

----- Hết -----

Tài liệu tham khảo/ Chú thích/ Chú giải:

1. (1) Le Bien Etre des enfants dans les pays riches – Sự thoải mái của trẻ ở những nước giàu. Tháng 4. 2013. Nghiên cứu này có thể tiếp cận được ở đây, báo cáo có nhiều đồ thị minh hoạ:

https://unicef.hosting.augure.com/Augure_UNICEF/r/ContenuEnLigne/Download?id=CCF925F6-23DE-45A8-B10F-7E63AD1A7B46&filename=Bilan11_Innocenti_Fr.pdf

 Hocthenao đã có bài về chủ đề này:

https://hocthenao.vn/2013/06/24/tre-o-dau-song-tot-nhat-nguyen-huynh-mai/

 (2) Tài liệu đã dẫn trên, bảng 3.1a, tr. 17

(3) Tài liệu đã dẫn trên, ghi chú bảng 2, tr. 20

 (4) Tài liệu đã dẫn trên, bảng 3.1b,  tr. 18

 (5) Tài liệu đã dẫn, bảng 3.1c,  tr. 19

 (6) Tài liệu đã dẫn, bảng 3.2, tr. 20

 (7) Tài liệu đã dẫn, tr. 16

 (8) http://eacea.ec.europa.eu/education/eurydice/documents/key_data_series/134fr_HI.pdf

 https://webgate.ec.europa.eu/fpfis/mwikis/eurydice/index.php/Netherlands:Overview
Bài giảng này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Đinh Hải Đăng
Nguyễn Trương Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến