Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19, nhiều người đang chuyển hướng sang lĩnh vực nghệ thuật. Có thể họ đang tìm cho mình một phương thức thể hiện cảm xúc mới hoặc tìm một hướng đi mang tính sáng tạo hơn; nhưng cũng có khả năng con người bị hấp dẫn bởi nghệ thuật, và điều đó có từ chính những mong ước bẩm sinh của bộ não mỗi người.
Với tư cách là một giáo sư và là một nhà giáo dục nghệ thuật trong hơn 20 năm, tôi nhận thấy được nhiều lợi ích về mặt tinh thần của một cuộc sống mang đầy tính nghệ thuật. Hơn nữa, nghiên cứu mới đây đã đưa ra minh chứng tiêu biểu rằng nghệ thuật mang lại nhiều tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của con người.
Các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần tác động đến gần một nửa dân số toàn cầu ở một vài thời điểm trước tuổi 40. Thêm vào đó là việc nảy sinh những thách thức mới để có thể duy trì được một tinh thần tốt, kiểm soát nỗi sợ và sự không chắc chắn liên quan đến đại dịch Covid-19. Có một điều rõ ràng là: đã đến lúc phải nghĩ khác đi về cách chúng ta kết nối với tâm trí của mình.
Nghệ thuật cung cấp một giải pháp có căn cứ cho việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần. Mặc dù các liệu pháp nghệ thuật không phải là liều thuốc có khả năng chữa bách bệnh cho các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhưng đã có đủ bằng chứng ủng hộ quan điểm việc ưu tiên đưa nghệ thuật vào cuộc sống hằng ngày cũng như áp dụng cho hệ thống giáo dục.
Để có một tinh thần khỏe mạnh
Lĩnh vực nghệ thuật trị liệu được hình thành dựa trên mối liên hệ giữa nghệ thuật và sức khỏe tinh thần, trong đó có áp dụng các loại hình nghệ thuật (như vẽ, nhảy múa, diễn kịch) dựa theo các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, như chứng lo âu hoặc trầm cảm. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nghệ thuật có thể được dùng trong các ứng dụng phi trị liệu để nâng cao tinh thần khỏe mạnh ở con người; chẳng hạn như việc sử dụng nghệ thuật biểu diễn để học các môn học chính trong trường hoặc vận dụng nghệ thuật thị giác với những người trưởng thành đang có một tinh thần tốt, và muốn duy trì trạng thái này.
Nói cách khác, nghệ thuật có thể được áp dụng cho việc xây dựng năng lực quản lý sức khỏe tinh thần và cảm xúc của con người.
Thần kinh học
Sự phát triển trong lĩnh vực khoa học thần kinh nhận thức đã bổ sung thêm những bằng chứng mới về mối liên hệ giữa nghệ thuật và não bộ. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phản hồi sinh học để tìm hiểu về tác động của nghệ thuật thị giác lên các mạch thần kinh và các chất chỉ điểm nội tiết, từ đó tìm ra bằng chứng sinh học cho thấy nghệ thuật thị giác giúp nâng cao sức khỏe tinh thần con người, đồng thời thúc đẩy những phản ứng của cơ thể để thích nghi với sự căng thẳng.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học thần kinh nhận thức phát hiện ra rằng quá trình sáng tạo nghệ thuật sẽ giúp làm giảm nồng độ cortisol (một loại hormone căng thẳng), do đó nghệ thuật có thể giúp con người tạo được một trạng thái tinh thần tích cực hơn. Những nghiên cứu này thuộc một phần trong trong lĩnh vực nghiên cứu mới mang tên neuroaesthetics (thần kinh học): nghiên cứu khoa học về cơ sở sinh lý học thần kinh (the neurobiological basis) của nghệ thuật.
Sinh lý học thần kinh sử dụng hình ảnh não bộ, công nghệ sóng não và phản hồi sinh học để thu thập các dẫn chứng khoa học về cách thức con người phản ứng với nghệ thuật. Thông qua đó, có được bằng chứng (về mặt lý học và khoa học) cho thấy nghệ thuật thu hút tâm trí chúng ta theo những cách mới lạ, chạm đến cảm xúc ta một cách lành mạnh và khiến ta cảm thấy thoải mái.
Sự thức tỉnh trong tâm trí
Nghệ thuật cũng là một công cụ hữu hiệu cho sự tỉnh thức trong tâm trí, đồng thời đang trở thành một phương pháp thịnh hành trong các trường học vì sự hiệu quả trong việc kiểm soát sức khỏe tinh thần.
Có một tâm trí thức tỉnh nghĩa là bạn có nhận thức và ý thức rõ về những suy nghĩ và trạng thái của bản thân mà không hề phán xét chúng. Thông qua các khía cạnh về nhận thức-phản ảnh, nghệ thuật giúp con người có khả năng chuyển đổi trọng tâm của nhận thức. Cụ thể, nghệ thuật thị giác được chứng minh là một phương pháp giúp kích hoạt các phần não bộ khác nhau hơn là những tư duy về tuyến tính và logic. Một nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng nghệ thuật thị giác có khả năng kích hoạt các vùng thị giác riêng biệt và chuyên biệt của não bộ.
Tóm lại, nghệ thuật tạo điều kiện cho sự thức tỉnh trong tâm trí con người, thông qua sự chuyển đổi các trạng thái tinh thần một cách có nhận thức bằng việc truy cập, tác động vào các phần não khác nhau. Đối với chúng ta, những ai thường xuyên có sự luyện tập nghệ thuật, sẽ có khả năng vượt qua các khó khăn và đạt được những lợi ích tích cực về tâm lý thông qua hệ thần kinh. Các nghiên cứu về khoa học thần kinh cho biết quá trình này vẫn có thể áp dụng cho những người không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, chứ không riêng bất kỳ ai.
Nghiên cứu cho thấy rằng nghệ thuật được vận dụng để tạo sự chuyển đổi từ một nhận thức độc lập sang một trạng thái toàn diện về tâm trí, gọi là dòng chảy. Trạng thái này được xác định lần đầu tiên từ chính các nghệ sĩ, đó là một sự thoải mái nhất định cả về mặt tinh thần lẫn về mặt hóa học thần kinh.
Có rất nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa nghệ thuật, dòng chảy và sức khỏe tinh thần liên quan đến sự tập trung, sự sáng tạo và thậm chí cải thiện trong nhận thức, thức tỉnh tâm trí đối với con người.
Lợi ích trong giáo dục
Tuy rằng ngày càng có nhiều bằng chứng về các lợi ích của nghệ thuật trong việc giáo dục (chẳng hạn như giúp nâng cao thành tích học tập hay phát triển và đổi mới trong tư duy con người) được công bố trên các tạp chí nổi tiếng hàng đầu, nhưng nghệ thuật vẫn chưa thực sự được xem trọng và áp dụng triệt để trong môi trường này.
Liệu rằng những nghiên cứu về khoa học thần kinh có thể cung cấp những bằng chứng được đòi hỏi bởi những người có thẩm quyền quyết định cho việc ưu tiên nghệ thuật trong giáo dục không?
Có một điều chắc chắn: vấn đề khủng hoảng tâm lý đang ảnh hưởng đến thế hệ trẻ hiện nay là dẫn chứng cho sự thất bại mang tính hệ thống trong việc cung cấp cho họ các công cụ hỗ trợ đúng đắn để đạt được thành công. Và điều đó rất khó có thể chấp nhận được.
Ba lời khuyên để có được một tâm trí tốt dựa trên nền tảng nghệ thuật
-
Phạm sai lầm: Hãy thử làm một điều gì đó mới và đừng ngại mắc lỗi để học hỏi. Nhiều nghệ sĩ phải làm việc và thực hành trong nhiều năm trước khi họ có thể thể hiện một cái gì đó thực tế, quan trọng là họ sẵn sàng mắc lỗi trong quá trình đó. Tuy nhiên, bạn chỉ nên khuyến khích trẻ làm điều đó khi có đủ thời gian để giám sát chúng. Không có gì tồi tệ hơn đối với trẻ khi chúng gặp rắc rối đối với điều mà bạn đã khuyến khích - nó có thể bóp chết tình yêu nghệ thuật và kìm hãm sự tìm tòi sáng tạo của chúng.
-
Tái sử dụng và lặp lại: Chơi thử nghiệm với các vật liệu có thể sử dụng nhiều lần, chẳng hạn như bút lông có thể xóa được, đất sét hay bột nặn có thể tái định hình. Điều này nhấn mạnh đến việc thực hành cũng như thiết kế sản phẩm, nó giúp giảm áp lực đối với vấn đề phải tạo ra được một cái gì đó hoàn hảo. Hay nếu bạn muốn giữ một bản sao của chúng, hãy chụp nhanh một bức ảnh rồi quên nó đi, và tiếp tục tạo những sản phẩm mới khác.
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn
và sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Dương Minh Ngọc