null

Hành trình xuyên lịch sử văn hóa của một thành phố cổ.

 

Là thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, Kyoto thường được xem là trái tim của Nhật Bản. Một cuộc dạo bước qua những con đường đẹp như tranh vẽ như đang ngược dòng thời gian, bao quanh bởi những công trình kiến ​​trúc truyền thống Nhật Bản, tán lá đan xen và những đền thờ linh thiêng.

 

Được thành lập với cái tên Heian-kyo năm 794, Kyoto là thủ đô và là nơi ở của hoàng gia trong hơn 1.000 năm. Sự hiện diện của hoàng đế và giới quý tộc, cũng như các chiến binh cấp cao, đa dạng các nhóm nghệ sĩ và các văn nhân làm việc trong cung điện đã định hình nên một khung cảnh đầy nghệ thuật. Là một thành phố tâm linh với lòng tôn kính sâu sắc với Thần đạo và Phật giáo; đây cũng là điều tối quan trọng đối với sự phát triển các di sản văn hóa phong phú của Kyoto.

 

 

”Một buổi niệm Phật (Nenbutsu) tại Ichiya, Kyoto,” trích từ “Tiểu sử Minh họa của nhà sư Ippen và đệ tử Ta’a của ông,” vẽ vào cuối thế kỷ 14. Trong cảnh này, người từ mọi tầng lớp đã tập hợp để nghe nhà sư trứ danh Ippen (1239 - 1289) niệm Phật hiệu A Di Đà Phật. (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

 

Chân dung Kyuzan Soei, thời Edo (1615 - 1868), vẽ vào thế kỷ 17. “Chinso” hay chân dung thiền sư, là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Thiền, được sư phụ tặng cho một đệ tử như một chứng nhận cho sự giác ngộ về sau. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Triển lãm của Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan có tên là “Kyoto: Thủ đô của sáng tạo nghệ thuật” là lễ kỷ niệm của một thành phố có bề dày lịch sử văn hóa. Triển lãm tập trung chủ yếu vào chủ đề nghệ thuật trang trí với hơn 80 kiệt tác sơn mài, gốm sứ, đồ kim loại và hàng dệt. Ngoài ra, một bộ sưu tập được lựa chọn kĩ lưỡng gồm hơn 50 bức tranh của các bậc thầy với các trường phái khác nhau cùng một số tác phẩm đương đại gần đây.

Áo choàng Uchikake họa tiết tre, thời Edo (1615 - 1868), vẽ vào nửa đầu thế kỷ 18. Tấm áo uchikake hiếm có này là tác phẩm của Gion Nankai, một nhà thơ và nghệ sĩ nổi tiếng của trào lưu Nanga thời kỳ đầu. (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

Hộp nhang (Kogo) họa tiết cây thông và chim choi choi, thời Nanbokucho (1336 - 1392), chế tác đầu thế kỷ 14. Giống như nhiều hộp hương trà đạo khác, tác phẩm này ban đầu có thể là một phần của bộ mỹ phẩm 12 mẩu (“Junitebako”), hộp đựng chất mạ đen răng. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Được sắp xếp theo thứ tự với chủ đề khác nhau cho từng khoảng thời gian, dạo quanh triển lãm tựa như một hành trình xuyên qua lịch sử của thành phố; du khách có thể bắt đầu với nghệ thuật của Thần đạo và Phật giáo cổ đại, trước khi du hành qua thời trung cổ và tiền hiện đại, và cuối cùng là thành phố Kyoto hiện đại.

Sự hiện diện của hoàng gia đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa các xu hướng nghệ thuật của Kyoto. Đó cũng là điều đảm bảo cho sự tồn tại và bảo tồn của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. Vì hầu hết các tác phẩm được tạo ra cho triều đình và hoàng tộc, chúng được làm từ những vật liệu có chất lượng cao nhất. Ngoài ra, hầu hết các tổ chức thuộc Thần đạo và Phật giáo thời gian này được thành lập với cùng một mục đích: bảo vệ thủ đô và hoàng gia. Kết quả là nhiều xu hướng tương đồng có thể được thấy trong các sản phẩm nghệ thuật của họ.

Ảnh hưởng của triều đình và Thần đạo có thể được nhìn thấy qua các tác phẩm như “Fujiwara no Kamatari as a Shinto Deity,” (Tạm dịch: Ngài Kamatari gia tộc Fujiwara với tư cách là một vị Thần của Thần Đạo). Kamatari là một chính khách, cận thần và là người sáng lập gia tộc Fujiwara hùng mạnh có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hoàng gia Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 12. Là một người ủng hộ mạnh mẽ Thần đạo, ông là một trong vài nhân vật lịch sử đã được phong Thần sau khi qua đời. Thiên tính của ông được tượng trưng bởi những chiếc gương vàng treo bên trên. Trong văn hóa Nhật Bản, gương là một trong những biểu tượng quyền lực mạnh mẽ nhất, và được tôn sùng như những vật linh thiêng đại diện cho Thần.

 

“Fujiwara no Kamatari as a Shinto Deity,” (Tạm dịch: Ngài Kamatari gia tộc Fujiwara với tư cách là một vị Thần của Thần Đạo), được vẽ sau năm 1350 thời kỳ Nanbokucho (1336 -1392). Fujiwara no Kamatari (614 - 699) là một trong một số nhân vật lịch sử được phong Thần trong truyền thống của Thần đạo. Là một chính khách quan trọng và cận thần, ông thành lập gia tộc Fujiwara hùng mạnh có ảnh hưởng lớn đến hoàng gia Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 12. (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

Khán giả sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống hà khắc của các samurai mãnh liệt thông qua bộ sưu tập áo giáp hiếm hoi hay còn gọi là “yoroi.” Bộ giáp của Ashikaga Takauji là một mẫu hình độc nhất của yoroi thời trung cổ. Được sử dụng từ khoảng thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 14, yoroi thường được các chiến binh mặc khi cưỡi ngựa. Giáp che ngực bọc da in hình ảnh của vị thần uy quyền của Phật giáo Fudo Myo-o với sắc mặt dữ tợn, tượng trưng cho sự điềm tĩnh và sức mạnh nội tâm mà các samurai rất đề cao.

Bộ Giáp (yoroi) của Ashikaga Takauji, cuối thời Kamakura (1185 - 1333) đến thời Nanbokucho (1336 -1392), làm từ đầu đến giữa thế kỷ 14. Đây là một ví dụ hiếm hoi về một “yoroi” trung cổ, một bộ giáp Nhật Bản thời đầu mặc bởi các chiến binh cưỡi ngựa. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Triển lãm còn có một chiếc áo khoác sang trọng và thanh lịch thời kỳ Momoyama, còn gọi là “ jinbaori.” Loại áo khoác này thường được mặc bên ngoài áo giáp để che mưa gió và khí lạnh. Một số đặc điểm bộc lộ ra cách may áo chịu ảnh hưởng của phương Tây như cổ áo đứng với nhiễu lụa trắng và đỏ dọc theo các ống tay áo. Sự kết hợp độc đáo của các loại vải nhập khẩu xa xỉ và quý hiếm cho thấy chiếc áo này là một món quà của một lãnh chúa tặng cho samurai trung thành của mình.

Mặt trước của một chiếc áo choàng (jinbaori), thời kỳ Momoyama (1573 - 1615), may từ cuối thế kỷ 16. Những chiến giáp được sản xuất từ Thời Nội Chiến (khoảng năm 1467 - 1603) cho đến cuối thời Edo (1615 - 1867). (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Mặt sau của một chiếc áo khoác ngoài (jinbaori). Chiếc jinbaori sang trọng và thanh lịch thời Momoyama này thuộc loại rất hiếm; chỉ có ba mẫu tương tự được biết đến. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Trà Đạo, được biết đến ở Kyoto thông qua Thiền tông, đã góp phần phát triển văn hóa tâm linh và truyền cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật. Ngắm một hộp trà thời Edo của Nonomura Ninsei chúng ta có thể hiểu về truyền thống thiêng liêng này. Chiếc bình nhỏ mỏng này được sử dụng trong các buổi lễ để giữ bột trà xanh hoặc matcha. Là một trong những thợ gốm Nhật Bản được kính trọng nhất mọi thời đại, Ninsei được biết đến là thợ gốm đầu tiên ký tên vào tác phẩm của mình. Phong cách của ông với họa tiết trang trí công phu và tinh tế, đã xác lập một tiêu chuẩn định hình cho diện mạo gốm sứ Kyoto từ thời ông sống.

Hộp trà (seitaka), thời Edo (1615 - 1868), đề năm 1650. Chiếc bình nhỏ này được sử dụng để đựng matcha trong các buổi trà đạo. Nó được tạo ra bởi Nonomura Ninsei, một trong những thợ gốm đầu tiên của Nhật Bản ký tên vào tác phẩm của mình. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Hầu hết các bức tranh ở Kyoto cổ đều có dạng cuộn treo, cuốn và gấp. Các chủ đề đa dạng từ phong cảnh thanh bình đến những trận chiến hào hùng, từ cảnh sinh hoạt đời thường đến những giai thoại thú vị về những anh hùng huyền thoại. Một bức tranh gấp đầy ý nghĩa mô tả trận chiến của cuộc nổi loạn Hogen được vẽ rất công phu trên bảng gỗ. Nó được vẽ vào thế kỷ 17 dù cuộc nổi loạn diễn ra vào thế kỷ 12. Mặc dù chỉ diễn ra vài giờ, cuộc nổi loạn Hogen đã có tác động sâu rộng đối với chính trị và xã hội bấy giờ, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ trung cổ.

”Những cuộc nổi dậy của Hogen và Heiji Eras,” thời Edo (1615 - 1868), vẽ vào thế kỷ 17. Từ phải sang trái, tấm màn minh họa một số cảnh chiến đấu huyền thoại như được tường thuật trong truyện “Chuyện cổ về cuộc nổi dậy của Hogen”. Cuộc nổi dậy xảy ra ở trung tâm Kyoto vào mùa hè năm 1156, liên quan đến tranh chấp về sự kế vị giữa Hoàng đế Go-Shirakawa và cựu Hoàng đế Sutoku. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Theo thời gian, dẫu thế giới có nhiều đổi thay như thủy triều lên xuống, thì truyền thống và phong cách nghệ thuật cổ xưa vẫn còn tồn tại khắp Kyoto trong thời hiện đại. Để minh chứng cho điều ấy, triển lãm cũng bao gồm một số tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại, chẳng hạn các tác phẩm gốm của Nakamura Takuo, Suzuki Osamu và Yagi Akira, các tác phẩm điêu khắc thủy tinh của Hiroshi Sugimoto và Kohei Nawa.

 

Phật giáo và Thần đạo vẫn là một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nhật Bản. Mặc dù mở cửa cho khách du lịch, hầu hết các ngôi đền vẫn hoạt động thường xuyên và được người dân địa phương lui tới cầu nguyện. Các ngôi đền mở cửa thăm viếng trong các lễ hội quan trọng, chẳng hạn như lễ hội Gion Matsuri nổi tiếng, kéo dài trong một tháng và diễn ra vào tháng Bảy.

Chân dung Hotei, thời Edo (1615 - 1868), đề năm 1616. Bức chân dung này của Kano Takanobu (1571 - 1618) vẽ Hotei, một nhân vật nổi tiếng trong đền thờ Zen, được mô tả là một nhà sư mũm mĩm, tốt bụng đang mang một bao tải lớn. Ông được cho là đã sống ở miền nam Trung Quốc vào cuối thế kỷ thứ 9 và cuối cùng được công nhận là biểu hiện của Miroku, vị Phật của tương lai. (Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan)

Dẫu đánh mất vị trí thủ đô vào Tokyo năm 1869, Kyoto vẫn mang một cái tên có nghĩa là “Thành phố Thủ đô,” và vẫn là nơi tốt nhất để khám phá nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Hiện tại, việc sở hữu khoảng 1.600 ngôi chùa Phật giáo và 400 đền thờ Thần đạo khiến Kyoto trở thành một trong những thành phố có ý nghĩa lịch sử và được bảo tồn tốt nhất ở Nhật Bản. Giám đốc Monika Bincsik cho biết, chức năng của Kyoto là một bảo tàng sống của văn hóa Nhật Bản. Tinh hoa văn hóa Nhật Bản được bảo tồn ở đây.

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Thị Tường Vi 
Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Phan Anh Tuấn
Huỳnh Ngọc Nhật Vy