Abraham Lincoln (12 tháng 2 năm 1809 – 15 tháng 4 năm 1865), phiên âm tiếng Việt là Lincôn (còn được biết đến với tên Abe Lincoln, tên hiệu Honest Abe, Rail Splitter, Người giải phóng vĩ đại) là vị Tổng thống thứ 16 trong lịch sử Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1861 đến 1865. Ông là một trong những người đã thiết lập Đảng Cộng hoà năm 1854.

Lincoln thuộc mẫu người tự lập. Tự học, ông trở thành một luật sư hàng đầu tại Illinois. Ông là lãnh đạo Đảng Whig (và đã đại diện cho Đảng tại Hạ viện trong một nhiệm kỳ). Khi vấn đề về chế độ nô lệ xảy ra năm 1854, ông góp phần tạo dựng Đảng Cộng hòa mới và trở thành lãnh đạo tại Illinois. Lincoln phản đối lao động nô lệ và kiên quyết khước từ mở rộng chế độ nô lệ ra thêm trong liên bang. Những cuộc tranh luận của ông với lãnh đạo Đảng Dân chủ Stephen Douglas năm 1858 khiến ông được cả nước biết tới, và với tư cách ứng cử viên ôn hòa miền tây ông đã chiến thắng trong cuộc chạy đua vào chân ứng cử viên tổng thống năm 1860. Chiến thắng của ông trong cuộc Bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, 1860 là giọt nước làm tràn ly đối với phương Nam, nơi bảy bang quyết định ly khai, thành lập lên Liên hiệp các bang miền Nam, và chiếm quyền kiểm soát các pháo đài cũng như tài sản khác của Hoa Kỳ bên trong biên giới của họ, tạo bước khởi đầu dẫn tới cuộc Nội chiến Mỹ.

Trong cuộc chiến này, Lincoln thường được ca tụng vì tài năng lãnh đạo của ông cũng như sự nhạy bén lựa chọn và thay thế trong việc tướng giỏi để lãnh đạo quân đội liên bang; và những lời phát biểu với dân chúng, nổi tiếng nhất là Diễn văn Gettysburg mà chúng ta sẽ đọc dưới đây.

Trước khi trở thành tổng thống, Lincoln từng là một luật sư, một thành viên của Viện Dân biểu Hoa Kỳ, và một ứng cử viên không thành công vào Thượng viện Hoa Kỳ. Là một người phản đối kịch liệt sự mở rộng của chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ và chủ trương xoá bỏ chế độ này, Lincoln đã giành được vị trí ứng viên tổng thống Đảng Cộng Hòa năm 1860 và sau đó được bầu làm tổng thống vào năm đó. Ông đã tiến hành cuộc Chiến tranh Bắc Nam, tức Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865) chống lại giai cấp chủ nô ở miền Nam, kết quả là chiến thắng của quân miền Bắc và nô lệ được giải phóng. Lincoln cũng ban hành chính sách ruộng đất, thực hiện nhiều cải cách có tính dân chủ.

Các sử gia đã kết luận rằng Lincoln đã rất khéo léo giải quyết các chia rẽ trong Đảng Cộng Hòa, đưa lãnh đạo của từng phe phái vào nội các và bắt họ phải hợp tác. Lincoln cũng đã giúp Hoa Kỳ tránh khỏi cuộc chiến với Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland vào năm 1861.

Kết thúc cuộc chiến, Lincoln đã có quan điểm rất ôn hòa về tái thiết, tìm kiếm sự tái đoàn kết quốc gia thông qua một chính sách tái hòa hợp độ lượng. Vụ ám sát ông năm 1865 là vụ ám sát tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên, làm ông trở thành một liệt sĩ vì lý tưởng thống nhất quốc gia.

Trận chiến Gettysburge và diễn văn Gettysburg

Trận Gettysburg là trận chiến đẫm máu nhất trong Nội chiến Hoa Kỳ, và thường được xem là một trong những bước ngoặt của cuộc chiến. Quân Liên minh miền Nam và quân Liên bang miền Bắc đánh nhau suốt 3 ngày từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 3 tháng 7 năm 1863 ở trong và lân cận thị trấn Gettysburg, Pennsylvania. Trận này được xem là bước ngoặc của cuộc phân tranh Nam-Bắc, quân miền Bắc từ sau trận này giành được thế thượng phong. Tại đây Binh đoàn Potomac của miền Bắc của thiếu tướng George Gordon Meade đã đánh bại Binh đoàn Bắc Virginia do tướng miền Nam Robert E. Lee chỉ huy, chấm dứt chiến dịch tấn công lên phía bắc của tướng Lee.

Tháng 11 năm 1863, Abraham Lincoln đã đọc bài diễn văn Gettysburg lịch sử trong buổi lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia Gettysburg để khẳng định lại mục đích của chiến tranh và tưởng niệm những chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh kinh hoàng nhất của cuộc Nội chiến. Diễn văn Gettysburg là diễn từ nổi tiếng nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln, và là một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Bài diễn văn ban đầu chỉ được xem là phần phụ trong buổi lễ, nhưng cuối cùng đã được nhìn nhận là một trong những bài diễn văn vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong bài diễn văn chưa tới 300 từ và dài từ hai đến ba phút này, Lincoln đã viện dẫn những nguyên tắc về bình đẳng được tuyên cáo bởi bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, và khẳng định rằng cuộc Nội chiến là một sự đấu tranh không chỉ cho Liên bang mà để “sản sinh một nền tự do mới”, sẽ mang đến cho mọi công dân một sự bình đẳng thật sự.

Bài diễn văn Gettysburg

Gettysburg, Pennsylvania

Ngày 19 tháng 11 năm 1863

Tám mươi bảy năm về trước, cha ông chúng ta đã đem đến lục địa này một quốc gia mới, thai nghén từ Tự Do, và dâng hiến cho định đề rằng mọi người sinh ra bình đẳng.

Giờ đây chúng ta tham gia vào một cuộc nội chiến lớn, thử nghiệm xem quốc gia đó, hay bất kỳ quốc gia nào đươc thai nghén và dâng hiến như vậy, có thể trường tồn hay không. Chúng ta đang gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến tranh đó. Chúng ta đến và dâng một phần của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người hy sinh đời mình ở đây để quốc gia đó có thể sống. Thật sự thích hợp và xứng đáng để chúng ta làm thế.

Nhưng, trong một ý nghĩa lớn lao hơn, chúng ta chẳng thể để dâng hiến – chúng ta chẳng thể thánh hóa – chúng ta chẳng thể linh thiêng hóa – mảnh đất này. [Mà chính] những con người anh dũng, đang sống cũng như đã chết, những người đã chiến đấu nơi đây, đã thánh hóa mảnh đất này, một điều cao xa hơn những gì mà năng lực yếu ớt của chúng ta có thể thêm hay bớt. Thế giới sẽ không để ý cũng như chẳng nhớ được lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng thế giới không bao giờ quên được điều những con người anh dũng ấy đã làm nơi đây. Chúng ta, những người đang sống, nên cống hiến tại đây cho công việc lớn lao còn dang dở trước mắt mình mà những người đã chiến đấu nơi đây đã oanh liệt tiến được đến đây. Chúng ta hãy cống hiến cho phần còn lại dành cho chúng ta của nhiệm vụ to lớn này–tiếp bước các anh hùng liệt sĩ, chúng ta hãy cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến bằng một phương cách triệt để nhất –chúng ta hãy kiên quyết để những liệt sĩ ấy không hi sinh vô ích  – quốc gia này, trong Chúa, sẽ có một nền tự do mới – chính phủ của dân, do dân và vì dân sẽ không lụi tàn khỏi trái đất này.

(Quỳnh Linh dịch)

The Gettysburg Address

Gettysburg, Pennsylvania

November 19, 1863

Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent, a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.

Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battle-field of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.

But, in a larger sense, we can not dedicate — we can not consecrate — we can not hallow — this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us — that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion — that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain — that this nation, under God, shall have a new birth of freedom — and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth.

 

Tài liệu tham khảo/ Chú thích/ Chú giải:

1. Wikipedia, Abraham Lincoln, http://vi.wikipedia.org/wiki/Abraham_Lincoln

2. Wikipedia, Trận Gettysburg, http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Gettysburg

3. Wikipedia, Diễn văn Gettysburg, 

http://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%85n_v%C4%83n_Gettysburg

4. Wikipedia, Nội chiến Hoa Kỳ, 

https://vi.wikipedia.org/wiki/N%E1%BB%99i_chi%E1%BA%BFn_Hoa_K%E1%BB%B3

 
 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến