Tại sao các nhà lãnh đạo thành công lại gặp khó khăn trong câu chuyện thay đổi?

Bất kỳ người nào, trên thực tế, bất kỳ loài động vật nào cũng sẽ có xu hướng lặp lại hành vi được xác lập bởi sự củng cố tích cực. Chúng ta càng trở nên thành công hơn, chúng ta càng có được nhiều sự củng cố tích cực - và từ đó, chúng ta càng có nhiều khả năng trải nghiệm ảo tưởng thành công.

Ta cư xử theo cách này. Ta thành công. Vì vậy, ta phải thành công bởi ta cư xử theo cách này.

Sai rồi!

Chúng ta càng bước lên cao trong nấc thang tổ chức, càng có nhiều nhân viên cho biết chúng ta giỏi đến thế nào! Hành vi của chúng ta thường được tạo nên bởi sự củng cố tích cực, ngay cả khi hành vi ấy hoàn toàn chẳng có ý nghĩa. Một đêm sau bữa ăn tối, tôi lắng nghe một vị lãnh đạo quân đội lão luyện chia sẻ những bài học của ông ta từ nhiều năm kinh nghiệm với một Vị tướng mới được bổ nhiệm, và còn đang đầy sức trẻ, "Gần đây, anh có bắt đầu nhận thấy rằng khi anh kể một chuyện cười, mọi người đều cười thành tiếng - khi anh nói điều gì đó 'khôn ngoan' mọi người bắt đầu gật gù trong sự tán đồng?” Vị tướng mới trả lời, "Vâng, Tôi có thấy thế." Vị tướng già cười và tiếp tục, "Hãy để tôi giúp anh. Anh không hài hước lắm đâu, và anh cũng chẳng thông minh mấy! Đó chỉ vì ngôi sao trên vai anh. Đừng bao giờ để chúng chiếm lĩnh suy nghĩ của anh.”

Tất cả chúng ta đều muốn nghe những gì chúng ta muốn nghe. Chúng ta muốn tin những điều tuyệt vời mà thế giới đang kể về bản thân mình. Niềm tin vào bản thân giúp chúng ta thành công. Nhưng điều đó cũng có thể khiến ta gặp khó khăn trong câu chuyện thay đổi. Như vị Tướng già khôn ngoan kia đã chia sẻ - chúng ta không thực sự hài hước, và cũng chẳng mấy thông minh. Tất cả chúng ta đều có thể trở nên tốt hơn - nếu sẵn sàng nhìn vào chính mình. Bằng cách hiểu lí do tại sao việc thay đổi hành vi có thể khó khăn cho các nhà lãnh đạo thành công - chúng ta có thể tăng khả năng tạo lập các thay đổi cần thiết – để có thể tiến bước thành công hơn.

Tại sao chúng ta tránh né sự thay đổi?

UNUM, một công ty bảo hiểm, đã chạy quảng cáo cách đây vài năm với nội dung về một con gấu xám to lớn ở giữa một dòng suối cuồn cuộn, cổ của nó vươn hết mức, hàm rộng mở và những chiếc răng nhe ra. Con gấu sắp sửa táp trúng một con cá hồi đang nhảy giữa dòng suối. Và tiêu đề theo đó là: bạn có thể cảm thấy mình như con gấu ấy, nhưng chúng tôi cho rằng bạn giống con cá hồi hơn.

Quảng cáo đó được thiết kế để bán bảo hiểm cho người khuyết tật, nhưng nó gây ấn tượng với tôi vì đó như một tuyên bố mạnh mẽ về cách tất cả chúng ta đang ảo tưởng bản thân đối với những thành công, địa vị và đóng góp của mình. Chúng ta thường:

  • Đánh giá quá cao sự đóng góp của mình đối với một dự án;
  • Có một suy nghĩ vượt trội về kỹ năng chuyên môn và nổi bật hơn những người đồng nghiệp;
  • Phóng đại tác động của bản thân đối với dự án trên khía cạnh lợi nhuận bằng cách giảm chi phí thực và ẩn.

Rất nhiều ảo tưởng của chúng ta có thể đến từ sự thành công hơn là thất bại. Vì chúng ta nhận được sự củng cố tích cực từ những thành công trong quá khứ, chúng ta nghĩ rằng điều đó là sự dự đoán cho những điều tuyệt vời sẽ đến trong tương lai.

Chuyện những người thành công với khuynh hướng ảo tưởng không hẳn đều xấu. Niềm tin của chúng ta về sự tuyệt vời của bản thân mang lại sự tự tin. Mặc dù chúng ta không hoàn hảo như cách chúng ta nghĩ, nhưng sự tự tin này thực sự giúp ta tốt hơn so với việc không tin vào chính mình. Những người thực tế nhất trên thế giới không ảo tưởng - họ bị trầm cảm!

Mặc dù những ảo tưởng tự tin có thể giúp chúng ta thành công, chúng cũng có thể khiến ta gặp khó khăn khi thay đổi. Trong thực tế, khi những người khác đề nghị rằng ta có thể cần phải thay đổi, và ta xem đó như một điều cản trở đơn thuần.

Đó là một câu trả lời ba phần thú vị. Đầu tiên chúng ta tin rằng bên kia đang có sự nhầm lẫn. Họ hiểu sai, và họ không biết họ đang nói về điều gì. Họ chắc là đã nhầm ta với ai đó thực sự cần phải thay đổi. Thứ hai, trường hợp bên kia không nhầm - có thể thông tin của họ về những thiếu sót chủ quan của chúng ta là chính xác - chúng ta bật ngay chế độ chối bỏ. Những lời đó có thể đúng, nhưng không quan trọng – vì nếu chúng đúng thì ta đáng lẽ đã không thành công như vậy. Cuối cùng, khi họ thất bại, chúng ta có thể đáp trả. Chúng ta từ chối thông điệp ấy. "Tại sao một người chiến thắng như tôi," chúng ta kết luận, "cần phải nghe một kẻ thua cuộc như bạn?"

Đây chỉ là một vài hồi đáp đầu tiên về những gì chúng ta không muốn nghe - cơ chế từ chối. Kết hợp điều này với sự giải thích tích cực mà người thành công gán cho (a) hiệu suất trong quá khứ, (b) khả năng ảnh hưởng đến thành công (trái ngược với việc chỉ do may mắn), (c) niềm tin lạc quan rằng họ sẽ tiếp tục gặt hái được thành công trong tương lai, và (d) ý thức tự chủ của họ về số phận của chính họ (trái ngược với việc bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài), và bạn có một loại cocktail chống chế sự thay đổi.

Niềm tin tích cực của chúng ta về bản thân giúp ta trở nên thành công. Những niềm tin tương tự như vậy có thể khiến chúng ta khó thay đổi. Chúng đã giúp chúng ta đến được đây - mức độ thành công hiện tại của bản thân, có thể ngăn cản ta thực hiện các thay đổi cần thiết để đạt được một điều khác - cấp độ tiếp theo mà chúng ta có khả năng tiếp cận.

Niềm tin 1: Tôi đã và đang thành công

Những người thành công có một ý tưởng nhất quán, chảy qua tĩnh mạch và bộ não của họ - “Ta đã thành công. Ta đã thành công. Ta đã thành công.” Sự tin tưởng mạnh mẽ về thành công quá khứ đã cho chúng ta niềm tin để sẵn sàng mạo hiểm vì những thành tựu khác trong tương lai.

Bạn có thể không nghĩ rằng điều này đúng với mình. Bạn có thể nghĩ rằng đây là cái tôi thái quá của người khác. Nhưng hãy nhìn vào bản thân. Làm thế nào để bạn tự tin thức dậy vào buổi sáng và lao vào công việc, tràn ngập sự lạc quan và háo hức để dấn thân? Không phải vì bạn đang nhắc nhở mình về những vấn đề mà bạn đã tạo ra hay những thất bại mà bạn đã phải chịu đựng. Ngược lại, đó là vì bạn thay đổi các lỗi lầm và chọn lựa đoạn phim hay về những thành công. Nếu bạn giống như những người thành công mà tôi biết, bạn sẽ tập trung vào những mặt tích cực, gợi lên hình ảnh tinh thần khi bạn là một ngôi sao, bước lên đầu tiên và làm cho mọi người lóa mắt. Nó có thể là năm phút trong cuộc họp điều hành khi bạn đã có sự chuẩn bị và chắc chắn các lập luận mà bạn muốn đưa ra. (Ai mà không chọn những đoạn thành công nổi bật như trong chương trình Tổng hợp thể thao cơ chứ?) Đó có thể là bản ghi nhớ khéo léo của bạn mà CEO đã ca ngợi và gửi cho mọi người trong công ty. (Ai lại không muốn đọc lại bản ghi nhớ đó trong lúc rảnh rỗi?) Khi hành động dẫn đến một kết thúc có hậu và làm ta trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta thích làm lại nó vì chính mình.

Khi nói đến những suy nghĩ mà những người thành công đưa vào đầu mình, chúng ta không tự ti, mà chúng ta tự quảng cáo - và đó là một điều tốt! Không có nó, chúng ta sẽ không hào hứng khi thức dậy vào buổi sáng.

Tôi đã từng tham gia một cuộc trò chuyện về điều này với một cầu thủ bóng chày ở một giải đấu lớn. Mỗi người đánh bóng có một số đồng đội chuyền bóng mà anh ta sẽ đánh tốt hơn so với những người khác. Anh ấy nói với tôi, "Khi tôi đối mặt với một người ném bóng mà tôi đã đánh tốt trước đây, tôi luôn nghĩ rằng tôi "bắt thóp" anh chàng này. Điều đó mang lại cho tôi sự tự tin.”

Điều đó không đáng ngạc nhiên. Đối với những người thành công, quá khứ được tạo thành từ phần mở đầu có màu hồng. Nhưng họ lại nghĩ thêm một bước xa hơn.

“Thế còn những người ném bóng mà anh không đánh tốt sao?” Tôi hỏi. "Làm thế nào để anh đối phó với một người ném bóng "bắt thóp" anh?"

“Cũng vậy,” anh nói. “Tôi đi vào vị trí và nghĩ tôi có thể đánh bại anh chàng này. Tôi đã làm được trước đây với người ném bóng giỏi hơn anh ta rất nhiều.”

Nói cách khác, anh ấy không chỉ dựa vào thành công trong quá khứ để duy trì thái độ tích cực của mình - anh ấy dựa vào nó ngay cả khi màn trình diễn trước đây của anh ấy không phải là màu hồng - tức là khi bằng chứng thực sự mâu thuẫn với sự tự tin của anh ta. Những người thành công không uống ly nước đã vơi một nửa, họ uống ly nước đầy một nửa!

Khi thành tích là kết quả của một nỗ lực tập thể - không chỉ là của cá nhân - chúng ta có xu hướng ước tính quá mức đóng góp của mình cho chiến thắng cuối cùng. Tôi đã từng yêu cầu ba đối tác kinh doanh ước tính đóng góp cá nhân của họ vào lợi nhuận của công ty hợp danh. Không ngạc nhiên mấy, tổng số câu trả lời của họ lên đến hơn 150% lợi nhuận thực tế. Mỗi đối tác nghĩ rằng mình đã đóng góp hơn một nửa!

Sự ước tính quá mức về thành công trong quá khứ của chúng ta là đúng trong hầu hết mọi nơi làm việc. Nếu bạn hỏi đồng nghiệp của mình (trong một cuộc khảo sát kín) để ước tính tỷ lệ phần trăm đóng góp vào doanh nghiệp của bạn, tổng số sẽ luôn vượt quá 100%. Không có gì sai với điều này. (Nếu tổng cộng ít hơn 100%, bạn có thể cần đồng nghiệp mới!)

Niềm tin rằng "Ta đã thành công", mang ý nghĩa tích cực trong nhiều trường hợp, có thể trở thành một trở ngại lớn khi cần thiết phải thay đổi hành vi.

Những người thành công liên tục vượt trội so với các đồng nghiệp của họ. Tôi đã yêu cầu hơn 50.000 người tham gia chương trình đào tạo để đánh giá về hiệu suất của họ so với các đồng nghiệp của mình - 80-85% xếp hạng trong top 20% - và khoảng 70% xếp hạng trong top 10 %. Các con số càng trở nên vô lý hơn đối với các chuyên gia có địa vị xã hội được công nhận, chẳng hạn như bác sĩ, phi công và nhà đầu tư ngân hàng.

Bác sĩ có thể là những người ảo tưởng nhất. Tôi đã từng nói với một nhóm các Bác sĩ rằng công trình nghiên cứu mở rộng của tôi đã chứng minh một cách dứt khoát rằng một nửa Bác sĩ là sinh viên ở mức trung bình trong lớp học y khoa của họ. Có hai bác sĩ khẳng định rằng điều này là không thể!

Tất cả chúng ta đều có xu hướng chấp nhận phản hồi từ những người có cách nhìn phù hợp với suy nghĩ của chúng ta về chính mình. Tất cả chúng ta có xu hướng từ chối hoặc phủ nhận những hồi đáp từ bất kì ai không đồng điệu. Những người thành công cảm thấy vui về thành công trước đây của họ! 'Tin vui' là những ký ức tích cực này tạo nên sự tự tin và truyền cảm hứng cho chúng ta để cố gắng thành công hơn nữa. 'Tin xấu' là hình ảnh ảo tưởng ấy có thể gây khó khăn khi ta nghe các phản hồi tiêu cực, và thừa nhận rằng chúng ta cần phải thay đổi.

Niềm tin thứ 2: Tôi có thể thành công

Những người thành công tin rằng họ có khả năng ảnh hưởng tích cực đến thế giới - và khiến những điều đáng ao ước đó thành hiện thực. Điều đó không hoàn toàn giống như một hành động ma thuật tại các lễ hội, nơi các nhà tâm linh di chuyển các vật thể trên bàn với tâm trí của họ. Nhưng rất tương đồng. Những người thành công theo nghĩa đen tin rằng thông qua lực hút tuyệt đối của tính cách, tài năng và trí tuệ ở bản thân, họ có thể điều khiển tình huống theo cách của riêng họ.

Đó là lý do tại sao một số người giơ tay lên và nói, “Đưa tôi vào khóa huấn luyện” khi ông chủ yêu cầu các những cánh tay tình nguyện – và có những người khác co ro trong góc, cầu nguyện rằng họ sẽ không bị chú ý.

Đây là định nghĩa kinh điển về tính tự hiệu quả, và nó có thể là niềm tin cốt lõi nhất thúc đẩy thành công cá nhân. Những người tin rằng họ có thể thành công, họ nhìn thấy cơ hội, nơi những người khác cho là mối đe dọa. Họ không sợ sự không chắc chắn hay mơ hồ, họ ôm lấy nó. Họ có nhiều rủi ro hơn và đạt được lợi nhuận cao hơn. Khi được lựa chọn, họ đặt cược vào chính mình.

Những người thành công có “năng lực tập trung nội tâm” rất tốt. Nói cách khác, họ không cảm thấy bản thân như nạn nhân của số phận. Họ thấy thành công của họ là kết quả của động lực và năng lực – không phải do may mắn, cơ hội ngẫu nhiên hay số phận. Họ mang niềm tin này ngay cả khi may mắn đóng một vai trò quan trọng trong thành công.

Vài năm trước, sáu đối tác của tôi muốn tham gia vào một thỏa thuận rất lớn. Vì tôi là đối tác cấp cao, họ cần sự chấp thuận của tôi. Tôi đã rất mệt mỏi khi không đồng tình với thỏa thuận này và nói với họ rằng nó là ngu ngốc. Nhưng cuối cùng tôi đã đồng ý, với đầy bực dọc và khó chịu. Bảy năm sau, lợi nhuận cá nhân từ khoản đầu tư 'ngu ngốc' của chúng tôi đã vượt quá 7 con số. Không có cách nào để giải thích cho kết quả như “diều gặp gió” ngoài sự may mắn thuần túy. Khi tôi kể câu chuyện này cho một số người bạn khá thành công, họ đã từ chối nhìn nó theo hướng đó. Họ khăng khăng rằng tài sản của tôi thực sự là một phần thưởng xứng đáng trong nhiều năm làm việc chăm chỉ và cống hiến. Đây là câu trả lời của một người thành công kinh điển. Những người thành công có xu hướng tin rằng tài sản 'kiếm được' thông qua nỗ lực và khả năng của một cá nhân, ngay cả đôi khi nó không phải thế.

Tất nhiên, niềm tin này có phần nào giống việc kế thừa gia sản và tin rằng bạn là một người giàu tự thân. Những người thành công tin rằng có một mối quan hệ nhân quả giữa những gì họ đã làm và kết quả theo sau - ngay cả khi không có liên kết nào tồn tại. Niềm tin này là ảo tưởng, nhưng nó cũng là sự khích lệ.

Niềm tin này chắc chắn là tốt hơn so với niềm tin ngược lại là tin hoàn toàn vào may mắn. Lấy ví dụ về những người mua vé số. Họ có xu hướng ít thành công hơn. Đây là lý do tại sao xổ số nhà nước thực sự là một 'khoản thuế' đối với người nghèo. Nếu bạn tin rằng thành công là kết quả của may mắn, bạn cũng có thể mua vé số. (Đây là lý do tại sao bạn hiếm khi thấy triệu phú phe phẩy những tấm vé số.) Tệ hơn, những người chơi vé số thường sẽ đốt sạch số tiền nếu họ thực sự thắng giải xổ số. Tại sao? Một niềm tin sai lầm tương tự rằng việc nên tiếp tục mua vé số sẽ được củng cố khi người ta thắng giải.

Những người thành công thay thế 'tâm lý xổ số' này bằng một niềm tin không thể lay chuyển trong bản thân họ. Điều này cho thấy một trở ngại khác trong việc giúp họ thay đổi hành vi. Khi chúng ta tin rằng thành công của chúng ta trực tiếp và có mối liên hệ nhân quả với hành vi của chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng đưa ra giả định sai lầm. “Ta thành công. Ta cư xử theo cách này. Do đó, ta cư xử theo cách này thì ta phải thành công.” Có thể đặc biệt khó khăn để giúp các nhà lãnh đạo thành công nhận ra rằng thành công họ đang có được vẫn bị các hành vi đó của họ cản trở.

Niềm tin thứ 3: Tôi sẽ thành công

Những người thành công là những người lạc quan. Bất cứ ai đã từng bán hàng đều biết - nếu bạn tin rằng bạn sẽ thành công, thì cũng có thể bạn không thành công - nhưng nếu bạn không tin rằng bạn sẽ thành công, bạn chắc chắn sẽ không thành công! Những người lạc quan có xu hướng cam kết quá mức. Tại sao? Chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn năng lực thực sự của mình.

Có thể cực kỳ khó khăn cho một người đầy tham vọng, với thái độ ‘Tôi sẽ thành công’ để nói “không” với những cơ hội đáng khao khát. Phần lớn các nhà lãnh đạo mà tôi làm việc cùng ngày nay đều cảm thấy bận rộn - hay bận rộn hơn - so với họ từng cảm thấy trong cuộc sống của họ. Họ không quá bận rộn vì họ là kẻ thua cuộc. Họ bận vì họ là người chiến thắng. Họ đang 'chìm đắm trong một biển cơ hội'.

Có lẽ điều này đã xảy ra với bạn. Bạn làm điều gì đó tuyệt vời trong công việc. Đột nhiên, rất nhiều người muốn kết nối với thành công của bạn. Họ nghĩ, khá logic, rằng vì bạn có một lần phép màu rồi, bạn có thể làm điều đó một lần nữa - lần này là cho họ. Cơ hội sớm được trao cho bạn với tốc độ bạn chưa bao giờ thấy trước đây. Vì bạn tin rằng, "Ta sẽ thành công", thật khó để nói "không". Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị choáng ngợp - và mang đến những nốt thăng sẽ mang lại nốt trầm cho bạn.

Trong công việc tình nguyện của tôi, khách hàng của tôi là giám đốc điều hành của một trong những tổ chức dịch vụ nhân sự quan trọng nhất trên thế giới. Nhiệm vụ của ông là giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất. Thật không may, việc kinh doanh của ông đang phát đạt. Khi mọi người đến gặp ông để được giúp đỡ, ông không có khuynh hướng nói không. Tất cả mọi thứ đã được thúc đẩy bởi niềm tin của ông rằng "chúng ta sẽ thành công." Kết quả là, ông hứa hẹn nhiều hơn cả những nhân viên tận tâm nhất có thể làm. Thách thức lớn nhất của ông với vai trò một nhà lãnh đạo là không để cho sự lạc quan cá nhân của mình gây nên sự kiệt sức của nhân viên, thôi việc và bỏ lỡ các cam kết.

Niềm tin ‘Ta sẽ thành công’ này có thể phá hoại cơ hội thành công của chúng ta khi đến lúc cần thay đổi hành vi. Tôi không nói xin lỗi vì thực tế, tôi bị ám ảnh về việc theo dõi khách hàng của mình để xem họ có thực sự áp dụng những gì tôi dạy và họ có đạt được sự thay đổi tích cực trong hành vi hay không. Hầu hết mọi người tham gia tham dự chương trình đào tạo lãnh đạo của tôi đều dự định áp dụng những gì đã được học vào nơi làm việc. Hầu hết họ đã làm, và trở nên tốt hơn! Nhiều người hoàn toàn không làm gì cả và có thể chỉ dành thời gian của họ xem những bộ phim hài.

Khi tôi hỏi 'những người không làm gì', "Tại sao bạn không thực hiện những thay đổi về hành vi mà bạn đã nói bạn sẽ làm?", câu trả lời phổ biến nhất là, "Tôi định làm, nhưng chỉ là không có thời gian để làm.” Nói cách khác, họ đã cam kết quá mức. Họ thực sự tin rằng họ sẽ 'làm sau', nhưng chữ ‘sau’ không bao giờ đến. Sự lạc quan quá mức và sự cam kết quá mức của chúng ta có thể là một trở ngại nghiêm trọng để thay đổi, cũng như việc từ chối phản hồi tiêu cực hoặc niềm tin của chúng ta rằng các thiếu sót của mình lại thực ra là nguyên nhân dẫn đến thành công.

Niềm tin thứ 4: Tôi chọn thành công

Những người thành công tin rằng họ đang làm những gì họ chọn để làm, bởi vì họ chọn để làm điều đó. Họ có nhu cầu cao về sự tự quyết định. Khi chúng ta làm những điều chúng ta chọn để làm, chúng ta cam kết. Khi chúng ta làm những gì chúng ta phải làm, chúng ta tuân thủ. 

Một đứa trẻ có thể thấy sự khác biệt giữa cam kết và tuân thủ. Ngay cả một thiếu niên thông thái hay hoài nghi như tôi cũng có thể thấy rằng một số giáo viên đã chọn nghề (vì yêu thích dạy) và những người khác chỉ làm để kiếm sống - và những giáo viên giỏi nhất rõ ràng là những người đã chọn nghề. Họ đã chọn cam kết với học sinh của mình hơn là bị kiểm soát bởi các động lực bên ngoài (tiền lương). Những người thành công thường có cảm giác không thích bị kiểm soát hoặc bị thao túng. Tôi thấy điều này hàng ngày trong công việc của mình. Ngay cả khi tôi đã có sự tiến bộ lớn nhất như một người có thể giúp mọi người thay đổi tốt hơn, tôi vẫn gặp phải sự kháng cự. Bây giờ tôi đã chấp nhận thực tế là tôi không thể làm cho mọi người thay đổi. Tôi chỉ có thể giúp họ cải thiện những gì họ chọn để thay đổi.

Huấn luyện viên bóng rổ Rick Pitino đã viết một cuốn sách có tên “Thành công là một sự lựa chọn”. Tôi đồng ý. "Tôi chọn để thành công" tương quan chặt chẽ với thành tựu trong hầu hết bất kỳ lĩnh vực nào. Mọi người không vô tình thành công; họ chọn nó.

Thật không may, muốn những người thành công nói câu "và tôi chọn thay đổi" không phải là một quá trình chuyển đổi dễ dàng. Nó có nghĩa là thay đổi cái định kiến trong đầu chúng ta. Nói thì dễ, làm mới khó. Chúng ta càng tin rằng hành vi của chúng ta là kết quả của sự lựa chọn và cam kết, chúng ta càng ít có khả năng muốn thay đổi hành vi tương tự đó.

Có một lý do cho điều này, và đó là một trong những nguyên tắc được nghiên cứu nền tảng trong tâm lý học. Nó được gọi là sự bất hòa nhận thức. Nó đề cập đến việc ngắt kết nối giữa những gì chúng ta muốn tin và những gì chúng ta thực sự trải nghiệm trên thế giới. Lý thuyết cơ bản là đơn giản. Chúng ta càng tin rằng điều gì đó là đúng, chúng ta càng ít tin rằng điều ngược lại của nó là đúng, ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng ta sai.

Sự bất hòa nhận thức thường giúp ích cho những người thành công khi họ áp dụng nó để đạt được sứ mệnh của họ. Chúng ta càng tin tưởng rằng chúng ta đang đi đúng hướng, chúng ta càng ít tin rằng chiến lược của chúng ta là thiếu sót, ngay cả khi đối mặt bằng chứng ban đầu cho thấy chúng ta có thể sai. Đó là lý do những người thành công không chao đảo hay dao động trong những thời khắc khó khăn. Cam kết của họ đối với mục tiêu và niềm tin của họ cho phép họ xem thực tế qua lăng kính màu hồng - và đó là một điều tốt trong nhiều tình huống. Cam kết của họ khuyến khích mọi người "hướng tới mục tiêu" và không "từ bỏ" khi “gặp khó khăn".

Tất nhiên, nguyên tắc tương tự này có thể chống lại những người thành công khi họ cần "thay đổi định hướng." Câu nói kinh điển "người chiến thắng không bao giờ từ bỏ" thường đúng. Đôi khi điều quan trọng ngay cả đối với những người thành công nhất chính là từ bỏ những việc không hiệu quả. Thật khó để người chiến thắng bỏ cuộc!

Sự ảo tưởng thành công làm cho chúng ta mê muội như thế nào

Bốn niềm tin thành công này đều ngấm qua chúng ta và tạo ra một điều gì đó mà chúng ta không muốn tin về chính mình. Ảo tưởng thành công thực sự là một dạng mê tín.

“Ai, tôi?” Bạn nói. “Tôi là một người có học thức và logic. Tôi không mê tín!”

Điều đó có thể đúng đối với những người mê tín dị đoan “trẻ con” chẳng hạn như bị xui xẻo khi đi dưới một cái thang, hoặc làm vỡ gương, hoặc để cho một con mèo đen băng qua đường ta đang đi. Hầu hết chúng ta chế nhạo mê tín dị đoan như những niềm tin ngớ ngẩn của những kẻ cổ hữu và không học thức. Sâu bên trong, chúng ta đảm bảo với chính mình rằng chúng ta đang vượt lên những quan niệm ngớ ngẩn này.

Không hẳn thế. Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều mê tín. Trong nhiều trường hợp, chúng ta càng leo lên vị trí cao trong tổ chức, chúng ta càng trở nên mê tín hơn.

Về mặt tâm lý, hành vi mê tín xuất phát từ niềm tin rằng một hoạt động cụ thể được được xác lập bởi sự củng cố tích cực thực sự là nguyên nhân của sự củng cố tích cực đó. Hoạt động này có thể có hoặc không có vai trò - có nghĩa là nó có thể có ảnh hưởng đến ai đó hay cái gì đó, hoặc nó có thể đơn thuần là vô nghĩa - nhưng nếu điều gì đó tốt xảy ra sau khi chúng ta thực hiện, thì chúng ta tự tạo ra một kết nối. Nền tảng đại học của tôi là toán học. Về mặt toán học, mê tín chỉ là sự nhầm lẫn của hai khái niệm - “tương quan” và “quan hệ nhân quả”.

Thí nghiệm của B. F. Skinner cho thấy những con chim bồ câu đói khi giật cần gạt, ngẫu nhiên được theo sau bởi những viên thức ăn nhỏ, tạo thành một mô thức. Từ đó chúng sẽ liên tục giật cần gạt đó dù có thức ăn hay không. Theo cùng một cách, các nhà lãnh đạo thành công có thể lặp lại các hành vi khi hành vi này được theo sau bởi các khoản tiền lớn - ngay cả khi hành vi này không có kết nối với nguyên nhân đem đến kết quả là tiền.

Một trong những thách thức lớn nhất của tôi là giúp các nhà lãnh đạo thấy sự nhầm lẫn của họ về hành vi 'vì' (là nguyên nhân thật sự) và 'mặc dù' (không có tác dụng hoặc thậm chí cản trở kết quả) có thể dẫn đến “bẫy mê tín”.

Thực hiện các thay đổi mà chúng ta cần thực hiện

Bây giờ, hãy tập trung đến chính bạn, bởi vì rất ít người trong chúng ta được miễn dịch với ảo giác thành công. Chọn một trong những hành vi kỳ quặc hoặc không hấp dẫn của bạn; điều mà bạn biết là gây phiền cho bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Bây giờ hãy tự hỏi: Tôi có nên tiếp tục làm điều này bởi vì tôi nghĩ nó có liên kết với những điều tốt đẹp đã xảy ra với tôi? Hãy soi xét kỹ hơn. Hành vi này có giúp bạn đạt được kết quả hay nó là một trong những niềm tin mê tín không hợp lý đã kiểm soát cuộc sống của bạn trong nhiều năm vừa qua?

Vượt qua ảo tưởng thành công đòi hỏi sự cảnh giác và liên tục tự hỏi: "Hành vi này có phải là nguyên do thực sự cho sự thành công của mình không, hay tôi chỉ lừa phỉnh chính mình?"

Bước đầu tiên trong việc đạt được sự thay đổi tích cực trong hành vi là nhận ra rằng thật khó để các nhà lãnh đạo thành công thay đổi - vì tất cả những lý do mà chúng ta đã thảo luận. Nhận ra rằng những niềm tin tương tự đã giúp bạn đạt được vị trí của mình, có thể kìm hãm bạn đến nơi bạn muốn.

Tất cả các khách hàng huấn luyện cá nhân của tôi đều là CEO hoặc những người có tiềm năng trở thành CEO trong các tập đoàn lớn. Tôi không được trả tiền nếu họ không đạt được sự thay đổi tích cực, có thể đo lường được - không được đánh giá bởi chính họ, nhưng được đánh giá bởi các bên liên quan. Những giám đốc điều hành hàng đầu là những người giỏi giang, những người đã đạt được thành công lớn và những người muốn trở nên tuyệt vời hơn. Ngay cả với tất cả những động lực và khả năng này, tất cả mọi người trong số các khách hàng của tôi sẽ chứng minh rằng thay đổi hành vi có thể đơn giản - nhưng nó không hề dễ.

Làm thế nào bạn có thể đạt được sự thay đổi tích cực? Hãy có thói quen hỏi những người quan trọng trong cuộc sống của bạn rằng bạn có thể cải thiện như thế nào. Hãy tuyển chọn họ trong việc giúp bạn thay đổi từ vị trí bạn đang đứng (có thể là một nơi khá tuyệt vời) đến vị trí bạn muốn trở thành (có thể tốt hơn). Và nhận ra rằng khuynh hướng đầu tiên của bạn khi mọi người chỉ ra ‘khả năng cải thiện’ trong bạn có thể là niềm tin rằng chúng 'sai' hoặc ‘gây nhầm lẫn’. Hãy chấp nhận thực tế rằng niềm tin của bạn vào thành công trước đây - và đóng góp của bạn cho sự thành công của nhóm bạn - có thể được ghi nhận quá mức. Hãy cho mình 'lợi ích của sự nghi ngờ'. Hãy cởi mở với thực tế là chúng có thể đúng và bạn cũng có thể là người 'nhầm lẫn'.

Đối mặt với thực tế rằng bạn sẽ chỉ thay đổi những gì bạn chọn thay đổi - và rằng động cơ và cam kết thay đổi phải đến từ bên trong bạn. Ta thường nghe Ed Zander, giám đốc điều hành của Motorola, dạy cho các nhà lãnh đạo tiềm năng của mình về giá trị của sự khuyến khích tham gia, đồng thời rõ ràng rằng mọi quyết định không nên được thực hiện bằng cách bỏ phiếu hoặc thông qua sự đồng thuận. Các nhà lãnh đạo phải đưa ra quyết định. Sau khi nghe ý kiến đóng góp từ những người mà bạn tôn trọng, chỉ được làm việc dựa trên những thay đổi mà bạn tin là phù hợp với bạn và tổ chức của bạn. Mong muốn thay đổi phải đến từ bên trong bạn.

Cuối cùng, hãy cẩn thận hơn. Giữ cho quá trình thay đổi tích cực, đơn giản, tập trung và nhanh chóng. Hãy nhận ra khuynh hướng tự nhiên của bạn, khuynh hướng sẽ nghĩ rằng bạn có thể làm nhiều hơn bạn thực sự sẽ làm. Trước đây, tôi đề nghị các nhà lãnh đạo chọn 1-3 lĩnh vực để thay đổi hành vi. Đó là khi tôi còn trẻ và đầy lý tưởng. Bây giờ tôi đề nghị các nhà lãnh đạo hãy chỉ chọn một hành vi quan trọng và cải thiện nó tốt hơn.

Hãy tiếp tục theo dõi những người mà bạn tôn trọng và bạn có thể liên tục phát triển tốt hơn. Một trong những khách hàng của tôi, George Borst, Giám đốc điều hành của Toyota Financial Services, đã rất thành công trong việc thay đổi hành vi mà ông đã chọn để cải thiện - trở thành một người huấn luyện hiệu quả hơn. Khi chúng ta xem xét những kết quả tích cực từ các đồng nghiệp của ông, ông ấy đã có một nhận thức tuyệt vời. "Nếu tôi muốn liên tục cải thiện như một nhà lãnh đạo, tôi sẽ phải làm công việc cải thiện mình trong suốt cuộc đời mình - đúng không!"

Như vị tướng khôn ngoan đã chia sẻ, khi bạn thăng tiến lên cấp bậc cao hơn và chạm lấy ngôi sao đó - đừng để nó chiếm lấy tâm trí bạn. Hãy nhận ra rằng mọi sự thăng tiến có thể làm cho việc thay đổi trở nên khó khăn hơn. Hãy luôn cân bằng niềm tin đã đưa bạn đến đây – nơi bạn đang đứng - với sự khiêm tốn cần thiết để đưa bạn đến đó - nơi bạn có tiềm năng và khả năng đi tới.

 
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh

Với sự hỗ trợ từ (các) Cộng tác viên:
Võ Tuấn Kiệt
Võ Nam Du
Phạm Kim Hoàng