Nói đến doanh nhân là nói đến tiền. Trong khi mọi người đang tập trung đếm tiền, thì có người lại cắc cớ hỏi: “Tiền là gì? Con số là gì?”… Những câu hỏi tưởng chừng như không dính líu gì với kinh doanh lại gắn liền với việc bổ sung chiến lược kinh doanh nhiều nhất. Người bàn về tiền là gì, con số là gì chính là bàn về triết học trong kinh doanh, để làm sao kiếm thêm được nhiều tiền hơn.
Hơn 40 doanh nhân trẻ đã có mặt trong buổi trò chuyện với nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn tối ngày 6/10, trong khuôn viên của ngôi biệt thự trắng Phú Mỹ Hưng. Trong không khí ấm cúng, nhà triết học đã biến những khái niệm tưởng chừng vô cùng khó hiểu thành những câu chuyện đời, câu chuyện kinh doanh giản dị, dễ hiểu, dễ cảm, khiến cho buổi trò chuyện thật hào hứng.
Thành tựu lớn nhất của thế kỷ 20
Bùi Văn Nam Sơn cho rằng, triết học chính là cách căn cơ, sâu thẳm nhất giúp cho người doanh nhân giải những bài toán của kinh doanh, của cuộc sống. Ông nói: “Ngày nay ai cũng hồ hởi với kỹ thuật internet, nhưng có ai tự hỏi từ đâu có internet? Chính là nhờ hàng ngàn năm trước có những triết gia đã đặt ra những câu hỏi về hệ thống. Chính năng lực suy tư thế nào là hệ thống đã ra đời phương tiện nối mạng.
Nhìn một cái cây, chúng ta có thể thấy ngay nó có ba phần, rễ, thân, lá, mang hình dáng tự nhiên, chúng ta sẽ mang hình dáng ấy vào tư duy. Nhưng mấy ông triết gia lại không nghĩ đơn thuần như thế, họ đặt ra câu hỏi liệu có cần theo trình tự đó không?
Một củ khoai trồng dưới đất ngay từ khi chưa nảy mầm đã mọc ra rất nhiều rễ bám vào lòng đất, và người ta không thể biết được bộ rễ ấy sẽ là bao nhiêu. Chính từ tư duy viển vông đó của mấy ông triết gia đã hình thành triết lý hệ thống đa dạng, phối hợp, tạo ra sức mạnh. Khái niệm nối mạng của các triết gia đã khiến cho các nhà toán học giải quyết bằng con số, để hình thành nên những sáng kiến kỹ thuật, phát minh công nghiệp.
Từ câu hỏi bao nhiêu tiền đến câu hỏi tiền là gì cách nhau một khoảng rất xa. Những nhà triết gia thường đặt câu hỏi vu vơ gây bực mình, cắc cớ. Lâu lâu mà con người không còn tạo ra những câu hỏi vu vơ, cắc cớ nữa thì sáng tạo sẽ dừng lại. Quan hệ nối mạng chính triết học cho doanh nhân.
Doanh nhân là người nắm mạch máu của nền kinh tế, là người tiếp sức cho khoa học, công nghệ. Ngược lại chính khoa học công nghệ hỗ trợ cho doanh nhân để kiếm tiền. Hình thành tư duy nối mạng của hệ thống là thành tựu lớn nhất của thế kỷ 20. Từ quan niệm đó dẫn đến cái nhìn khác hẳn về con người, về thế giới.”
Cuộc cách mạng về triết học kinh doanh
Đưa ra một khái niệm về triết học hoàn toàn mới trong kinh doanh, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã đề cập đến sự chuyển hướng cơ bản của những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới, chính là nhờ quan niệm triết học thay đổi, hướng đến con người, hướng đến môi trường sống.
50 năm trước, mọi triết lý kinh doanh đều dạy con người như một chiến binh, phải bằng mọi giá để giành hợp đồng, giành mọi lợi ích cho mình, đó là triết lý kinh doanh khai thác tối đa chỗ yếu con người, đào tạo đội ngũ doanh nhân như những con sói dữ.
Nhưng thời gian gần đây, ở những nước tiên tiến, triết lý kinh doanh đã thay đổi. Ở châu Âu có một trường phái khác. Họ không đào tạo con người thành “sói”, mà coi con người là đối tác, hỗ trợ nhau. Lần đầu tiên họ đưa ra hình ảnh doanh nhân chân thật, hiền lành, trung thực. Khái niệm “cùng thắng” khác hẳn với những chiến binh. Khái niệm Win - Win chính là triết học vì doanh nghiệp. Nó có được từ đâu? Chính là nhờ mấy ông triết gia bàn về tình người, bàn về văn hóa.
Nhưng ở nhiều nước đang phát triển vẫn còn mang tư duy doanh nhân phải là sói dữ. Gần đây ở Hà Nội, một trường dạy doanh nhân vẫn cứ theo triết lý đào tạo doanh nhân những năm 60, khiến một cô gái trong trường đã ra giữa chợ để hét lên rằng “Tôi là người thành đạt”. Đó là phương pháp của Nhật Bản từ những năm 60. Bài học đầu tiên với người châu Á theo họ là phải xóa bỏ sự rụt rè.
Nếu chỉ nhìn con người là đối tượng tiêu thụ hàng hóa thì không phải là kinh doanh. Phải nhìn con người dưới góc độ tâm hồn, suy nghĩ, sở thích... Những trường dạy kinh doanh cũng chính là để thực sự hiểu con người, không phải coi họ chỉ là khách hàng tiêu thụ thuần túy. Nếu không hiểu về con người sẽ triệt hạ kinh doanh. Từ đây hình thành môn xã hội học, nhân học, nhìn con người đúng với con người nhất.
Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những tư tưởng cũ, không nhìn con người dưới sự thay đổi, chỉ khai thác con người, mà không bảo vệ con người, điều này tác động trực tiếp đến kinh doanh. Hậu quả là chiến tranh, xung đột.
Trên quan niệm nối mạng, không có chuyện châu Âu hơn châu Á, hơn châu Phi. Khái niệm toàn cầu đặt các dân tộc ngang bằng nhau. Doanh nhân cũng là đối tác nhau, ngang bằng nhau.
Ba sứ mệnh nặng nề của doanh nhân Việt
“Tôi có khoảng thời gian 10 năm tư vấn về kinh tế. Tôi đã gặp một nhà tài phiệt tài chính làm chao đảo thế giới là G. Soros. Cách đây 5 năm có một người bạn dịch sách về Soros, trong đó có một chương bàn về triết học. Tôi giật mình, không hiểu nhờ đâu một nhà tài phiệt lại viết về triết học như một giáo sư. Ông làm kinh doanh xuất sắc như thế là nhờ đã am hiểu triết học sâu sắc, ông đã trích dẫn những luận thuyết của những tên tuổi triết học vào tác phẩm khiến người đọc kinh ngạc.
Người thứ hai là bạn thân tôi, ông Giezze, đại diện hãng chuyên bán bê tông tươi của Đức ở châu Á. Hồi đó trộn bê tông chưa có ở Việt Nam, hàng của Đức lại đắt quá nên khó bán. Khi nói chuyện tâm tình với ông, tôi không ngờ ông thật uyên bác. Ông hỏi tôi những câu hỏi triết học khiến mình rất lúng túng. Qua Việt Nam, ngoài sách chuyên môn, ông mang theo những cuốn sách triết học, văn chương rất hay. Ông yêu trí thức, chữ nghĩa lắm...
Nói vậy để các bạn thấy tất cả những tư duy mới đều được các doanh nhân am hiểu bởi họ là người đi khắp thế giới làm ăn, hiểu nhiều nền văn hóa, và nhất là được đào tạo nền tảng vững chắc. Họ làm kinh doanh trên nền tảng văn hóa sâu đậm. Nơi nào thành công bền vững là nơi đó có nền tảng văn hóa rất sâu, quan niệm bền vững của con người.
Quan niệm về con người với thiên nhiên cũng khác xưa. Thiên nhiên chính là thân thể vô cơ và hữu cơ của con người, từ đó kéo theo tất cả sự thay đổi về xu hướng kinh doanh. Một nền công nghiệp xanh, gắn với thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên, đó là nhờ cuộc cách mạng xanh trong tư tưởng, trong quan niệm về con người, trong quan niệm về con người với tự nhiên.
Cách đây 50 năm khi làm một dự án kinh doanh, bạn không cần phải giải trình về tác động môi trường. Không có những thay đổi về triết học sẽ không có cuộc cách mạng xanh trong kinh tế, làm thay đổi đáng kể về chính sách vĩ mô của các quốc gia…
Lâu nay không có những đóng góp của châu Á về kinh doanh bởi không có những tư duy mới về triết học cho thế giới. Các nước khác, người khác giỏi hơn mình, họ có đủ tiền nuôi mấy ông triết gia nói vu vơ, và họ chịu nghe những lời nghịch nhĩ. Bây giờ, 5 năm là thay đổi. Mỹ khác châu Âu rất thực dụng, phải vào đại học mới học triết, trong khi châu Âu học triết từ thời trung học. Giờ thì khác hẳn.
Các doanh nghiệp rất chuộng những người làm trong ngành khoa học xã hội và nhân văn để làm marketing, bán hàng, vì họ cho rằng những người học khoa học xã hội và nhân văn mềm dẻo, năng động, nhạy bén hơn. Quan niệm về triết học trong nông nghiệp, công nghiệp thay đổi sâu sắc trong 50 năm qua.
Trước đây, chúng ta thấy một người hỏi tiền là gì rất nực cười. Doanh nhân chúng là người đi sau, hơn ai hết phải gánh rất nhiều gánh nặng. Một là dựng nghiệp, khởi nghiệp trong bối cảnh đầy bất trắc.
Gánh nặng thứ hai phải tự mình thay đổi thói quen, tiếp thu những tư tưởng mới, về tư duy triết học, tác động trực tiếp đến những thay đổi về khoa học công nghệ. Nước đến chân rồi, nếu không hiểu điều đó, nếu cứ học lại những điều đã cũ, rất khó chen chân vào những chuỗi giá trị mới.
Gánh nặng thứ ba không phải chuyện của doanh nhân, nhưng là trách nhiệm của doanh nhân.
Doanh nhân Việt Nam cần có trách nhiệm soi sáng dân trí. Bao giờ dân trí không lên thì mãi mãi nền kinh tế thấp kém. Sứ mệnh thứ ba nặng nề hơn so với doanh nhân các nước bình thường khác.”
----- Hết -----
Nguồn bài viết và hình ảnh: https://bizlive.vn/song/triet-hoc-va-kinh-doanh-ba-su-mang-nang-ne-cua-doanh-nhan-viet-478823.html
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh