- Tác giả: Paul Kalanithi
- Người dịch: Trần Thanh Hương
- Đơn vị xuất bản: Omega Plus & NXB Lao Động
- Năm xuất bản: 2016
- Giải thưởng: Chung khảo giải "Pulitzer", hạng mục Tự truyện và Tiểu sử, năm 2017. Giải lựa chọn của trang Goodreads năm 2016
Khi hơi thở hóa thinh không là quyển tự truyện của một thạc sĩ về Văn học Anh, đồng thời cũng là người tốt nghiệp xuất sắc trường Y thuộc đại học Yale, một tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mỹ gốc Ấn, người đã can đảm, kiên cường vượt qua mọi đớn đau, dày vò để viết về những gì anh đã và đang đấu tranh với căn bệnh ung thư phổi quái ác. Tác giả Paul Kalanithi đã để lại những chia sẻ đầy trăn trở của một bác sĩ đồng thời cũng là một bệnh nhân sắp lìa đời về nghề y, sự sống và cái chết.
Dường như khi ở những giây phút cuối đời, khi chiếc thẻ tử thần định ngày đã trao tay, người ta có khuynh hướng hồi tưởng về quá khứ, về tuổi thơ và những bài học họ chiêm nghiệm trong quãng đời của mình. Và như lẽ dĩ nhiên, những lời họ chia sẻ vô cùng chân thành và tự nhiên.
Quyển sách bắt đầu với phần “Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo”, tác giả Paul Kalanithi quay về kí ức năm anh lên mười với tuổi thơ tươi đẹp trên vùng sa mạc hoang dã, rồi đến tuổi đôi mươi yêu đương ngọt ngào với một cô sinh viên khoa tâm lý, bước ngoặt khiến chàng sinh viên khoa Văn của trường Stanford này bắt đầu bén duyên với các lớp sinh học và khoa học thần kinh, một lĩnh vực khác xa 1800.
Paul biết đến y học “chỉ bằng sự thiếu vắng nó”. Sau khi hoàn thành tấm bằng Văn học Anh và Sinh vật người, động cơ thôi thúc anh đến với y học thần kinh nhiều hơn không phải là thành tựu mà là muốn tìm hiểu: “Điều gì khiến cuộc đời có ý nghĩa?” Paul đã học văn học và triết học để hiểu được điều gì khiến cuộc sống có ý nghĩa, học khoa học thần kinh để hiểu làm thế nào mà não bộ có thể tạo ra một cơ thể sống có khả năng tìm kiếm ý nghĩa trên thế giới này. Những buổi trong lớp Thạc sĩ Triết học tại trường Cambridge tạo điều kiện cho anh tranh luận không ngừng về cuộc đời và cái chết để đưa ra những ý kiến có đạo đức về giá trị của chúng. Trong đời sinh viên, anh đã trải nghiệm cảm giác lần đầu tiên rạch dao mổ xé tan cơ thể của một cái xác thật, trải qua những lần vật lộn với thần chết để cứu lấy bệnh nhân của mình để rồi cuối cùng thần chết vẫn chiến thắng và lòng anh cũng chết theo vì mặc cảm tội lỗi và trách nhiệm. Anh cũng học được và nghiệm ra công việc thật sự của một bác sĩ bao gồm cả việc “nói chuyện theo kiểu trấn an đến khi ngôn từ của bạn kết nối và bệnh nhân thức tỉnh”, cũng là việc truyền dẫn niềm tin vào bệnh nhân của mình.
Trong những lần giao chiến với cái chết, anh đã nhiều lần trực diện với ý nghĩa của cuộc đời để rồi trong quãng đời ngắn ngủi làm nghề y của mình, trước khi gặp mặt kẻ địch thường ngày của mình – thần chết – anh vẫn chiêm nghiệm đầy lạc quan rằng: “Bạn không bao giờ có được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.” Đây không chỉ là một lời chiêm nghiệm của riêng bác sĩ Paul mà còn là một lời nhắn gửi đầy ý nghĩa, hữu ích của một chiến binh thường trực với thần chết, của một bác sĩ sắp lìa đời vì căn bệnh ung thư không chữa khỏi đến với các đồng nghiệp, những người làm nghề y nói riêng và cho mỗi cá nhân chúng ta nói riêng.
Phần còn lại của quyển sách, Paul viết về “Không dừng cho tới chết”, giai đoạn thần chết viếng thăm riêng anh ở tuổi 36, trong số hơn 83.000 người. Một bác sĩ như anh và gia đình đã đối diện và chống chọi nó như thế nào trong suốt 2 năm bệnh tật gặm nhấm cơ thể. Với bệnh tật, cuối cùng anh đã can đảm đối diện, và “trong khi lạc lối trong mảnh đất hoang vô dạng về sự hữu hạn của đời mình... Paul đã không ngừng tìm kiếm một vốn từ khiến cuộc sống có ý nghĩa, để tìm ra cách định nghĩa lại bản thân mình và tiếp tục nhích dần về phía trước.” Trước sự hoành hành của bệnh tật, sự thôi thúc cầm lại dao mổ, sức nặng của nghĩa vụ đạo đức và gánh vác trách nhiệm đã kéo Paul trở lại với công việc “chiến đấu” quen thuộc của một chiến binh gắng gỏi, nhưng rồi cũng không thể duy trì được lâu, cũng vì trách nhiệm với sinh mạng bệnh nhân, vì căn bệnh quái ác liên tục tấn công, anh đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ đam mê và đặt trọng trách của mình xuống. Sẽ khó tránh khỏi cảm giác bất lực nặng trĩu trong lòng. Sau đó, Paul phải trải qua những vòng điều trị với thuốc và hóa trị. Nhưng Paul vẫn biết số ngày còn lại của anh sẽ không như mong đợi, anh buộc phải đối diện với sự thật rằng anh sắp vĩnh viễn rời xa những người thân yêu, đặc biệt với cô con gái vừa mới chào đời của mình, khi nó chưa thể lưu lại bất cứ kí ức rõ ràng nào về bố nó.
Và rồi Paul đã bỏ lại tất cả những người thân yêu ở độ tuổi 38 và để lại tác phẩm được hoàn thành theo cách của riêng nó. “Khi hơi thở hóa thinh không” không những cho thấy sự dấn thân của một bác sĩ trong ngành y, trên con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống từ tuổi đôi mươi mà còn chứa đựng những kiến giải sâu sắc về cuộc đời, cái chết, công việc, niềm tin,... Bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn những điều này qua mạch văn trôi chảy của một nhà văn, một bác sĩ, người đã biến ngôn ngữ những của nhà khoa học thành thứ ngôn ngữ dung dị, gần gũi, rót vào lòng người đọc thứ cảm giác chân thành, thuần khiết nhất của một người sắp bước sang một thế giới khác. Tôi mong rằng quyển sách này có thể truyền cảm hứng không chỉ với các bạn sinh viên, những người đang làm trong ngành y dược mà còn sâu rộng đến tay những độc giả khác như một món quà yêu thương mà Paul gửi tặng cho tất cả mọi người.
2-3 câu trích dẫn trong sách mà mình tâm đắc (lời thoại của nhân vật, lời người dẫn truyện,...):
- Quote 1: “Bất kỳ một đau ốm nặng nào cũng làm thay đổi cuộc sống bệnh nhân, thậm chí của cả gia đình họ.”
- Quote 2: “Như Jeff và tôi đã được đào tạo nhiều năm để có thể chủ động giao chiến với cái chết, để vật lộn với nó như Jacob vật lộn với thiên sứ, và trong khi làm việc đó, trực diện với ý nghĩa cuộc đời. Chúng tôi mang trên mình một cái ách nặng về trách nhiệm trọng đại. Cuộc sống bệnh nhân và nhân diện của họ có thể nằm trong tay chúng tôi, song cái chết sẽ luôn chiến thắng. Cho dù bạn có hoàn hảo nhưng nhân gian thì không.”
- Quote 3: “Bạn không bao giờ có được sự hoàn hảo, nhưng bạn có thể tin vào đường tiệm cận của những gì mình không ngừng hướng tới.”
- Quote 4: “Nghĩa vụ của bác sĩ không phải là ngăn chặn cái chết hay đưa bệnh nhân trở lại cuộc sống cũ của họ, mà là ôm lấy bệnh nhân cũng như gia đình họ trong vòng tay, những người mà cuộc sống họ đang dần tan vỡ và làm việc cho tới khi họ có thể đứng dậy, đối mặt hiểu được sự tồn tại của chính bản thân mình.”
- Quote 5: “Kiến thức của con người không bao giờ chứa đựng chỉ trong một người. Nó nảy sinh từ trong mối quan hệ mà chúng ta tạo ra giữa mỗi con người với nhau và thế giới, và vẫn không bao giờ hoàn chỉnh.”
- Quote 6: “Nếu một cuộc đời không – được – xem – xét là không đáng sống thì cuộc đời không – sống có đáng xem xét không?
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến