- Tác giả: Harper Lee
- Người dịch: Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương
- Năm xuất bản: 2016
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Văn học
- Giải thưởng: Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1961
“Giết con chim nhại là một tiểu thuyết viết về trẻ con nhưng không độc giả nào nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề nó đặt ra quá lớn ngoài khả năng giải quyết của cá nhân”. Tiểu thuyết khai thác chủ đề phân biệt chủng tộc, thành kiến, bất công xã hội trong sự tương phản cực độ với những giá trị đạo đức cao đẹp của sự chính trực và lòng vị tha để giúp chúng ta hiểu biết và hành xử đúng đắn trước những bất công trong cuộc đời.
Tiểu thuyết xoay quanh một vụ kiện, trong đó Atticus - một luật sư người da trắng bảo vệ cho Tom Robinson - một người da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Đó không phải là một câu chuyện thường tình tại một bang miền Nam nước Mỹ vào thập niên 1930, nếu như không muốn nói là một điều bất khả. Nhưng nó đã xảy ra. Lòng vị tha và đức can trường của một con người đơn độc chiến đấu với mọi thành kiến tăm tối và tàn bạo của một cộng đồng hầu bảo vệ một người khác, đơn giản vì đó là con người[1].
Không dừng lại ở đó, tác phẩm mở rộng và đề cập đến những thành kiến khác của con người, những thứ vốn là nền tẳng dẫn tới thói đạo đức giả, bất công xã hội và nhiều tệ nạn khác. Tất cả được mô tả qua cái nhìn của Jean Louise Finch, biệt danh Scout, một bé gái trong những năm đầu của bậc tiểu học. Khi Atticus, bố của Scout nhận biện hộ cho Tom Robinson, ông bị cả thị trấn dè bỉu, gọi là “kẻ yêu mọi đen” và khi Scout cho rằng có vẻ cả thị trấn đúng còn bố thì sai, ông đáp “Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ.” Quyền được có suy nghĩ và ý kiến riêng, khác hẳn và thậm chí trái ngược với người khác, cần phải được tôn trọng, cho dù ý kiến ấy phản dân chủ và bất lợi cho mình. Từ đầu đến cuối tác phẩm nhân vật Atticus vẫn nhất quán hành xử với sự chính trực như vậy, ông nhiều lần bảo con mình “ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”, ông tượng trưng cho tiếng nói của lương tri và dân quyền.
Quan hệ giữa ba cha con nhà Scout cho thấy tầm quan trọng của giáo dục. Qua từng chuyện lớn hay nhỏ, Atticus luôn cố gắng giáo dục con cái về lương tâm, công bằng, bác ái, chống thành kiến. Ông giải thích với con mình rằng lòng can đảm “là khi con biết con sẽ thất bại trước khi con bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra.”
Atticus, cũng như Harper Lee, là luật sư nên không xa lạ với ngôn từ chính trị. Ông nói rõ quan niệm “mọi người sinh ra đều bình đẳng” là chưa chính xác, nếu không muốn nói là mị dân. Ông khẳng định, “Chúng ta biết tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng theo cái nghĩa mà một số người thường muốn chúng ta tin – rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số người có cơ hội hơn bởi họ sinh ra đã có sẵn nó, một số đàn ông kiếm ra nhiều tiền hơn những người đàn ông khác, một số phụ nữ làm bánh ngon hơn những người phụ nữ khác – một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người.” Nhưng ông lại nêu rõ, với tư cách luật sư, “Nhưng có một cách thức trên đất nước này mà trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng – có một thể chế của con người khiến một người rất nghèo bình đẳng với một Rockfeller, một kẻ ngu ngốc bình đẳng với bất cứ vị hiệu trưởng trường đại học nào. Thể chế đó, thưa quý vị, chính là Tòa án”.
Atticus tin vào điều đó và ông lao vào vụ kiện bằng tất cả dũng khí và sự tâm huyết của mình – dù biết chắc sẽ thất bại. Tom Robinson bị kết tội và sau đó bị bắn chết khi đang chờ được kháng án trong tù, nhưng liệu Atticus có thất bại? Tom đã có được một quy trình pháp lý công bằng cho đến ngày anh ta chết, anh ta được xét xử công khai và bị kết án bởi mười hai người tốt hoàn toàn. Lần đầu tiên bồi thẩm đoàn đã họ không kết luận vội vã trong một vụ xét xử người da đen. “Một lời phán quyết không thể tránh khỏi, có lẽ thế, nhưng thường nó chỉ mất vài phút”, nhưng lần này, “có một người dám chịu đựng mệt mỏi đáng kể để hăng hái thuyết phục bồi thẩm đoàn tha bổng cho Tom”, người mà “Một phút trước còn cố tình giết anh ta rồi phút kế tiếp lại cố tính tìm cách phóng thích anh ta”… “điều này có thể là dấu hiệu của một khởi đầu mới”. Về mặt này, Tom đã thành công [2].
Hình ảnh con chim nhại, loài chim “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó” được tác giả xây dựng thành một biểu tượng cho sự ngây thơ trong sạch. Giết con chim nhại (hay cái chết của Tom) là cái xấu đã hủy hoại những con người thiện tâm theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng nếu mỗi người chúng ta đều dũng cảm đấu tranh hoặc ít nhất là sống với sự chính trực của mình thì xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
Tham khảo:
[1] Nhã Nam kinh điển, lời tựa in trên bìa sách “Giết con chim nhại”, tái bản năm 2016
[2] Phạm Viêm Phương, Một thế giới nhân bản hơn cho trẻ em, thay lời bạt cho bản dịch “Giết con chim nhại”, Nhà xuất bản văn học, 2016, Tr. 419.
_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7
Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú