Bạn có thấy kiệt sức khi lướt mạng không?
Cách đây sáu tháng tôi bị ngộ độc thông tin. Mạng internet và tất cả những thứ đáng yêu trên đó – Wikipedia, Twitter, Podcast, báo New Yorker, Email, TED Talks, Facebook, Youtube, thỉnh thoảng Buzzfeed, và cả Harvard Business Review nữa – tất cả đều cung cấp một nguồn tin khổng lồ ở ngay tầm tay.
Nguồn vui thì tất nhiên là rất nhiều. Nhưng thực ra không phải lúc nào cũng vui – đôi lúc cũng cần chịu đựng. Tôi bị mất tập trung khi đang làm việc, khi đang ở cùng gia đình và bạn bè. Tôi thường xuyên bị mệt mỏi, cáu kỉnh, lúc nào cũng cố bơi ngược dòng thác của stress và sự ngứa ngáy muốn biết tin tức điện tử. Loại stress của tôi có cảm giác như điện giật, giống như từng bit và byte trên màn hình máy tính của tôi kết hợp lại mà ra vậy. Tôi thấy kiệt sức.
Đến một lúc tôi nhận ra một sự thật kinh hoàng (nhưng có lẽ không kinh ngạc lắm) rằng tôi mới chỉ đọc 4 cuốn sách trong cả năm 2014! Tức là một cuốn sách mỗi quý. Một phần ba cuốn mỗi tháng. Tôi rất thích đọc sách. Sách là đam mê và nguồn sống của tôi. Tôi làm việc trong giới xuất bản sách. Tôi là người sáng lập LibriVox, thư viện lớn nhất thế giới chuyên cung cấp miễn phí sách nói (audio book), tôi dành phần lớn thời gian điều hành Pressbooks, một công ty sản xuất phần mềm đọc sách trên mạng. Có thể tôi còn từng viết một quyển tiểu thuyết chưa xuất bản, giờ đang nhét đâu đó trong ngăn kéo nữa.
Tôi yêu sách và không đọc chúng. Không thể đọc thì đúng hơn. Tôi đã cố nhưng cứ đến câu ba hay bốn là tôi đã lại quay ra xem email hoặc lăn ra ngủ.
Tôi bắt đầu tự hỏi: liệu bây giờ lại rèn thói quen đọc sách có thể giúp đời tôi thoát khỏi stress thông tin điện tử không? Giải pháp cho việc thông tin đầy ngập có thể là thông tin chậm lại? Giống cái cách mà nọc rắn có thể dùng làm thuốc chữa bị rắn cắn, tôi tự hỏi, thông tin đến chậm rãi và từ tốn – dưới dạng sách – có thể là thuốc thần chữa bệnh quá tải thông tin mới. Sự mất tập trung thường xuyên ở chỗ làm, ở nhà, và ở lúc đọc sách – có thể đều chữa được bằng cách quay về tập trung đọc sách một lần nữa chứ?
Não chúng ta hoạt động như thế nào phần 1: Dopamine, hưng phấn, và thói quen xấu
Các nghiên cứu khoa học thần kinh đang giúp chúng ta hiểu hơn, tại sao chúng ta lại cư xử như thế này mà không phải như thế kia, trong bối cảnh thông tin ngày càng hiện đại. Bộ não người được thiết kế để ưu tiên thông tin mới hơn tất cả mọi thứ khác (bao gồm thức ăn và tình dục, như một vài nghiên cứu chỉ ra). Bấm vào nút làm mới hộp email, tiếng báo hiệu một tin nhắn Twitter,... đều là dấu hiệu một thông tin mới, một dữ liệu mới và chúng kích thích tiết ra dopamine, chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ chúng ta. Dopamine làm chúng ta nhạy cảm hơn với các nguồn vui, và vì lý do đó mà não bộ chúng ta luôn tìm kiếm nguyên liệu để sản xuất dopamine.
Mấu chốt của quá trình này là: dữ liệu mới + dopamine = niềm vui, khoái hoạt. Dần dần não bộ chúng ta được rèn luyện để biết, à, thì ra luôn có một phần thưởng khi nhấn nút làm mới hộp email (Thậm chí phần thưởng đó có khi chỉ là một tin nhắn từ Dave phòng kế toán).
Công thức này được thực hiện mỗi lần bạn xem một video có em mèo dễ thương nào đó trên Facebook, video thứ hai, thứ ba hoặc thứ năm. Và gần như không bẻ gãy được. Gần như – gần như – ngành kỹ thuật và thiết kế sản phẩm đã đổ hàng trăm tỉ đô la để kiến tạo công thức hoàn hảo nhằm làm chúng ta mất tập trung. Hệ thống hoàn hảo để kích thích não bộ chúng ta làm việc theo cách họ muốn.
Não chúng ta hoạt động như thế nào phần 2: Mất sức để đuổi kịp thông tin
Bị nghiện dữ liệu mới vì chúng quá quyến rũ, đó là một mặt của vấn đề. Mặt khác là cái giá phải trả khi ta liên tục nhảy từ cái nọ sang cái kia rồi lại về điểm ban đầu.
Thường thì bộ não con người chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể, nhưng một mình bộ não tiêu tốn đến 20% năng lượng, theo như nhà thần kinh học Daniel Levitin. Việc mà bộ não làm phản ánh mức năng lượng nó tiêu thụ: khi bạn nghỉ ngơi hoặc ngồi nhìn mây bay qua cửa sổ, não bạn đang “thư giãn”, dùng khoảng 11 calo một giờ. Tập trung đọc sách một giờ dùng hết khoảng 42 calo. Nhưng tiêu thụ một lượng lớn thông tin cần đến 65 calo. Và nhảy từ chủ đề nọ sang chủ đề kia thì còn nhiều hơn nữa.
Mỗi lần bạn nhảy ra khỏi công việc đang làm để đọc một email mới, bạn đang không chỉ tốn thời gian mà cả năng lượng nữa. Levitin nói: “Những người biết cách tổ chức thời gian để có thể tập trung, họ không chỉ làm được nhiều hơn, họ còn ít mệt mỏi và ít cạn kiệt chất xám hơn.”
Vậy chúng ta làm gì bây giờ?
Một ngày làm việc của tôi dính liền với thông tin nhanh trên mạng: một bàn phím, một màn hình lớn sáng rực, kết nối Internet, dữ liệu vào và ra, các thảm họa cần giải quyết và các đám cháy cần dập tắt. Dù tôi có thể thay đổi ngày làm việc, tôi và chúng ta gần như không thể thoát khỏi luồng thông tin ào ào như vũ bão trong giờ hành chính. Đối với tôi thì cách tốt hơn là dần dần tránh khỏi các nguồn tin như vậy ngoài giờ làm.
Tôi đã sử dụng cách “lại đọc sách” làm trọng tâm – để nhấn nút biến khỏi dòng thông tin tấp nập, và một lần nữa cắm dây nối với dòng thông tin chậm hơn, dòng thông tin đã từng cho tôi biết bao sung sướng.
Tôi đã đặt ra ba quy luật thép để đạt được hai mục tiêu: chúng bắt tôi đọc sách, và chúng giúp não tôi chạy trốn cơn cuồng phong điện tử. Ba quy luật đó là:
1. Về nhà, tôi cất ngay laptop (và iPhone). Đây có lẽ là thay đổi đáng kinh hãi nhất – lúc nào chúng ta cũng cần sẵn sàng cho công việc. Nhưng cá nhân tôi có rất ít email đến lúc 10h15 hoặc 8h15 cần trả lời ngay lập tức. Có những lúc lẻ tẻ để tôi làm việc buổi tối, nhưng nhìn chung, tâm trí thoải mái và trong trẻo lúc bắt đầu làm việc buổi sáng thì tốt hơn. Tốt hơn, quý giá hơn là một cái đầu nặng trĩu do đã đọc quá nhiều email tối hôm trước.
2. Sau bữa tối trong tuần, tôi không xem phim Online, TV hoặc ngồi đồng trên Internet. Đây có lẽ là thay đổi có sức công phá lớn nhất. Một hoặc hai giờ lúc ngồi cho tiêu cơm, đối với tôi, là lúc duy nhất thực sự rảnh rỗi trong cả ngày. Nên ngay khi chiến đấu xong với lũ trẻ và đống chén bát, tôi không hỏi gì nữa, lập tức lấy sách ra và đọc. Thường là đọc trên giường, thỉnh thoảng vào lúc siêu siêu sớm. Tôi đã tưởng quy luật này khó thực hiện nhất nhưng hóa ra lại rất dễ. Có thời gian đọc sách một lần nữa thực sự là trải nghiệm tuyệt vời (và tôi trân trọng những chương trình TV hơn bao giờ hết...)
3. Trong phòng ngủ không bật đèn (đèn màn hình Kindle thì được). Đây là bước đầu tiên của tôi trong hành trình tránh lũ, và nếu thỉnh thoảng phá hai quy luật kia thì đây là quy luật duy nhất tôi không bao giờ vi phạm. Không đặt bên giường một cái iPhone or iPad nghĩa là tôi sẽ không nổi hứng xem email lúc 3:30 sáng, hoặc vào Twitter lúc 5h sáng nhỡ mà dậy quá sớm. Thay vào đó, những lúc mất ngủ hoặc dậy sớm, tôi cầm sách (và thường lăn ra ngủ ngay lập tức).
Ba quy luật này đã ảnh hưởng tích cực to lớn với đời tôi. Tôi có nhiều thời gian hơn – vì không còn phải chạy theo byte tiếp theo của tin tiếp theo. Đọc sách giúp tôi có nhiều thời gian để kiểm nghiệm, để nghĩ, tăng cường độ tập trung và khoảng trống dành cho sáng tạo của tôi. Stress đã hạ rất nhiều và năng lượng dồi dào lên.
Điều khiển được luồng thông tin điện tử ở chỗ làm và trong đời sống là một thử thách của hàng năm hàng thập kỉ. Thông tin điện tử sẽ ngày càng nhiều và càng to. Mạng internet mới chỉ vài chục tuổi, và chúng ta mới chỉ sở hữu điện thoại thông minh ít hơn chục năm.
Chúng ta vẫn đang học cách sống trong hệ sinh thái dữ liệu này, làm cách nào để xây dựng hệ sinh thái tốt cho con người thay vì cho dữ liệu. Chúng ta sẽ làm tốt hơn – như là những con người, và như những kẻ xây dựng công nghệ. Trong thời điểm này thì đọc sách giúp ích rất nhiều đấy.
Link bài gốc: https://hbr.org/2015/09/how-making-time-for-books-made-me-feel-less-busy
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh