Vừa qua, Ban biên tập Tia Sáng hỏi ý kiến tôi về sự ảnh hưởng của cái gọi là các siêu tạp chí (megajournal) đến thực trạng xuất bản khoa học. Phải thú thực tôi không phải là người quá am hiểu về các siêu tạp chí, các lĩnh vực khoa học mà tôi quen thuộc xưa nay cũng không cần đến loại hình xuất bản mới này, tuy nhiên tôi vẫn sẵn lòng chia sẻ suy nghĩ của mình bởi đây dù sao cũng là một vấn đề quan trọng cần được giới khoa học quan tâm thảo luận.

 

Tò mò tìm hiểu để biết ai đang sử dụng các siêu tạp chí, tôi xem qua danh sách các công bố xuất xứ từ Việt Nam xuất hiện trên PLOS ONE, một trong những tạp chí lớn và nổi tiếng nhất trong các siêu tạp chí. Tôi tìm thấy 147 bài báo, trong đó 146 thuộc lĩnh vực y tế và sức khỏe, một bài báo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội. Với các lĩnh vực mà tôi quen thuộc nhất, vật lý thiên văn, vật lý hạt nhân, và vật lý lượng tử, tôi không tìm thấy bài nào. Tôi và các cộng sự của mình chưa bao giờ công bố trên các siêu tạp chí, và cũng chưa từng trích dẫn bài báo nào từ các tạp chí này. Tôi chỉ tiếp xúc với các siêu tạp chí qua việc họ thường xuyên gửi email mời tham gia vào các ban biên tập của họ, và ngay lập tức tôi chuyển chúng vào hòm thư rác.

Trước khi đến làm việc ở Việt Nam, tôi hoạt động trong ngành vật lý hạt nhân, vật lý lượng tử, và vật lý vật chất ngưng tụ, nhu cầu học thuật của tôi và các cộng sự được đáp ứng chỉ với một nhóm nhỏ các tạp chí quen thuộc (ngoài ra còn có các tập Kỷ yếu và Đánh giá, ví dụ như Annual Reviews). Ngày nay, trong ngành vật lý thiên văn, tôi cũng chỉ sử dụng một nhóm nhỏ các tạp chí tương tự, bên cạnh một Bản tin (Newsletter) hằng tháng tập hợp các bài báo xuất bản trong lĩnh vực nghiên cứu sao già. Quan trọng nhất, giới vật lý thiên văn sử dụng nhiều đến arXiv, kênh thông tin vô cùng thiết yếu trong các lĩnh vực mà tôi quen thuộc.

Đây là kho tư liệu truy cập mở tập hợp các bản điện tử của các bài báo trước khi công bố, nơi đa số các nhà toán học và vật lý tự lưu trữ bài nghiên cứu của mình song song với việc xuất bản trên các tạp chí bình duyệt. Kho tư liệu này không có sự bình duyệt, nhưng các nhà vận hành vẫn rà soát khá hiệu quả các lỗi ngụy tạo hoặc đạo văn. Nó hoàn toàn miễn phí cho người sử dụng, với nguồn kinh phí hằng năm khoảng 800 nghìn USD, được chi trả hai phần ba bởi đóng góp tình nguyện từ các tổ chức thành viên (chủ yếu là các đại học và viện nghiên cứu), còn lại một phần ba được tài trợ bởi đại học chủ quản (Cornell) cùng Quỹ Simons.

Nhưng cho phép tôi dừng chia sẻ dưới góc nhìn của cá nhân hay của các đồng nghiệp, mà thử tiếp cận vấn đề xuất bản khoa học với cái nhìn rộng hơn.

​Hai thập kỷ vừa qua chứng kiến sự gia tăng thúc đẩy các chính sách khuyến khích truy cập mở trên khắp thế giới. Về nguyên tắc, đây là điều tốt, như đánh giá từ Hội nghị Khoa học Thế giới năm 1999, “quyền bình đẳng trong truy cập khoa học không chỉ là một điều kiện xã hội và đạo đức về phát triển con người, mà còn thiết yếu để phát huy đầy đủ tiềm năng cộng đồng khoa học trên toàn thế giới và định hướng tiến bộ khoa học đáp ứng các nhu cầu nhân loại”. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực xuất bản khoa học, truy cập mở được thúc đẩy chủ yếu bởi sự thuận tiện trong ứng dụng Internet.

Cuối thế kỷ trước, với sự xuất hiện máy tính cá nhân, hoạt động xuất bản khoa học được chứng kiến một cuộc cách mạng: các nhà khoa học tự mình đánh máy và chỉnh sửa các công trình nghiên cứu mà không cần đến đội ngũ hỗ trợ như trước đây. Việc chuyển đổi từ ấn phẩm giấy sang bản điện tử được tiến hành nhanh chóng, dẫn tới vai trò các thư viện và tạp chí khoa học bỗng cần phải xem xét lại. Theo đó là sự ra đời của xuất bản truy cập mở, cho phép truy cập không giới hạn qua Internet tới các nghiên cứu khoa học đã qua bình duyệt, với hai hình thức khác nhau, được gọi là các phiên bản “vàng” và “xanh”.  Truy cập mở xanh, ví dụ như arXiv, cho phép nhà khoa học tự lưu trữ mọi bài báo khoa học, bao gồm cả những bài tạp chí đóng. Truy cập mở vàng là các tạp chí cho phép truy cập mở tức thời mọi bài báo trên trang web của nhà xuất bản, nhưng yêu cầu tác giả phải trả phí, hình thức này có lúc bị phê phán vì tạo khe hở cho những phương thức tiêu cực từ cả phía nhà xuất bản lẫn các tác giả, chính từ hình thức truy cập mở vàng đã sinh ra cái ngày nay chúng ta gọi là các siêu tạp chí.

dieu-kien-phat-trien-a1.jpgNguồn ảnh: Getty Images

 

Chất lượng xuất bản khoa học đang đi xuống?

Trên nguyên tắc, nhìn nhận một cách lý tưởng thì lẽ ra tiến bộ công nghệ của Internet và máy tính cá nhân nên dẫn tới sự biến mất các tạp chí khoa học: một hệ thống kho lưu trữ các bản điện tử, như arXiv, vốn đòi hỏi kinh phí hoạt động hết sức tối thiểu vẫn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Không may là thực tế khác xa kỳ vọng này. Giống như trong nhiều lĩnh vực khác, sự xuất hiện đột ngột các kênh thông tin tức thời và phổ biến rộng rãi mang lại cả điều tốt lẫn điều xấu. Cuộc cách mạng xuất bản khoa học đã sinh ra các nhà xuất bản săn mồi (predatory) vừa kiếm chác từ công trình của nhà khoa học vừa tạo điều kiện cho những tác giả vô liêm sỉ bỏ qua những quy tắc đạo đức khoa học cơ bản nhất, và cho phép các nhà quản lý khoa học kém cỏi đánh giá kết quả khoa học dựa trên những căn cứ vô nghĩa.

Giá trị tích cực từ cuộc cách mạng này liệu có nhiều hơn giá trị tiêu cực là điều còn phải tranh cãi. Tuy nhiên, với góc nhìn cá nhân của một người lớn tuổi, tôi thú thực là mình cảm thấy nền xuất bản khoa học của nửa thế kỷ trước có lẽ lành mạnh hơn so với ngày nay. Quan điểm này dựa trên ba vấn đề: bình duyệt, đánh giá, và gian lận.

Bình duyệt chính là yếu tố khiến các tạp chí truy cập mở vàng và các siêu tạp chí hấp dẫn các nhà quản lý khoa học và gián tiếp tác động tới các tác giả. Nếu các bài báo của một tạp chí được coi là đã qua bình duyệt bởi các học giả, nhà quản lý khoa học sẽ coi đó là một tạp chí có chất lượng; và các tác giả thường sẽ muốn công bố ở tạp chí nào được nhà quản lý khoa học coi trọng. Bình duyệt là căn cứ quan trọng để đánh giá chất lượng một nhà khoa học khi phải đưa ra quyết định dẫn tới sự thăng tiến của người đó, hay đánh giá chất lượng của một nhóm hay một tổ chức nghiên cứu khi phải đưa ra quyết định về kinh phí tài trợ. Điều đó có nghĩa là năng lực và đạo đức của một đối tượng phải được đánh giá dựa trên ý kiến của những nhà khoa học độc lập với đối tượng ấy, ví dụ như một hội đồng đánh giá gồm các nhà khoa học quốc tế uy tín. Nhưng một tạp chí chưa chắc đã đánh giá đúng chất lượng của bài báo được công bố, thậm chí không đánh giá được tính đúng, sai của một lý thuyết, ngay cả với những tạp chí uy tín nhất. Những lý thuyết về nhiệt hạch lạnh, ký ức của nước, hay khả năng học tập của giun planaria đều từng được công bố trên những tạp chí uy tín trước khi bị chứng minh là sai, và điều đó là bình thường: tính đúng, sai không phải là quyết định của một nhóm biên tập mà là quyết định của cả cộng đồng độc giả khoa học. Tôi không cần các biên tập viên hay các nhà phản biện quyết định thay cho mình về chất lượng mọi nội dung khoa học; chính tôi phải làm được điều ấy; vì sao họ làm tốt hơn tôi cơ chứ? Vai trò của nhóm biên tập chỉ nên giới hạn ở việc rà soát nội dung tạp chí để tránh đạo văn và các loại gian lận, tránh những sai sót trong quy cách, và để tránh những nội dung tầm thường rõ rệt. Đây cũng chính là cách các nhà vận hành arXiv đang làm một cách hiệu quả.

Các tạp chí thích khai thác các nhà khoa học trong vai phản biện để quyết định chất lượng khoa học của một kết quả công bố, đơn giản vì điều ấy có lợi cho uy tín của bản thân tạp chí, cái sẽ mang lại tiền bạc cho các nhà xuất bản; nhưng chúng ta đâu cần quan tâm tới tiền bạc và uy tín của họ? Chỉ có các nhà quản lý khoa học quan tâm tới uy tín của tạp chí, vì nó có thể được đo bởi những chỉ tiêu kiểu như chỉ số ảnh hưởng (impact factor), mang lại cho họ ảo tưởng rằng chất lượng khoa học là điều có thể đo lường được theo cách đó: khi thiếu năng lực đánh giá, người ta buộc phải dựa vào thủ thuật như vậy.

Thật không may, điều này đã trở thành thông lệ phổ biến trên thế giới; nửa thế kỷ trước, danh sách tác giả các bài báo mà tôi làm đồng tác giả thường được liệt kê theo thứ tự bảng chữ cái; ngày nay để được các nhà quản lý khoa học tôn trọng bạn phải là tác giả thứ nhất. Do vậy, các hội đồng khoa học phải có trách nhiệm đưa ra đánh giá về chất lượng một công bố khoa học một cách độc lập với các chỉ số ảnh hưởng của tạp chí cho xuất bản công bố ấy, và độc lập với danh sách tên tác giả: những thành viên của mỗi hội đồng khoa học phải làm đúng chức trách của mình, đưa ra ý kiến với tư cách một nhà khoa học đúng nghĩa thay vì đo đếm các chỉ tiêu như một robot.

Nhiều tác giả lựa chọn công bố trên các siêu tạp chí và nhiều tạp chí truy cập mở vàng (tất nhiên bình duyệt ít nghiêm ngặt hơn so với các tạp chí danh tiếng) vì bài của họ đã bị từ chối, hoặc họ nghĩ rằng sẽ bị từ chối bởi các tạp chí danh tiếng, không chỉ do chất lượng công bố mà có thể còn do bản thân những người làm biên tập và phản biện cho các tạp chí danh tiếng quá thường xuyên lợi dụng sự phản biện ẩn danh để hành xử theo lối kẻ cả, kiêu ngạo, hay tệ hơn nữa là thiên lệch chống lại đối thủ hoặc thiên vị ưu đãi cho đối tác, người quen. Những hành xử này gần đây bị phê phán công khai trong giới vật lý thiên văn và một cuộc tranh luận đang diễn ra dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế.

Chất lượng bình duyệt ngày nay cũng không còn nghiêm ngặt như trước đây. Từ tháng 1 tới tháng 8 năm 2013, John Bohannon nộp một bài báo giả khoa học tới 304 tạp chí sở hữu bởi các tạp chí truy cập mở thu phí. Bài báo được cố tình viết với những lỗi khoa học nghiêm trọng và lộ liễu lẽ ra phải bị từ chối nhanh chóng bởi các biên tập viên và người làm bình duyệt, nhưng đã có tới 60% các tạp chí đồng ý cho đăng.

Quá thường xuyên có tình trạng người làm phản biện cho các tạp chí danh tiếng chậm trễ quá hạn thời gian phải đưa ra trả lời. Đây là một lý do khác để bảo vệ cho quyết định công bố trên các tạp chí truy cập mở. Nhưng khoa học liệu có thực sự luôn cần công bố nhanh hay không? Ngành vật lý lượng tử từng đạt được tiến bộ trong thập kỷ 60 và 70 nhanh vượt trội so với trong bốn thập kỷ gần đây; bất chấp thực tế là xuất bản khoa học thời ấy được tiến hành theo cách cổ điển cũ kỹ và tốc độ chậm hơn nhiều so với ngày nay: khi muốn xin bản thảo trước khi đăng của một công trình, chúng tôi phải liên hệ tác giả bằng thư tay qua bưu điện, bởi nào có email; chúng tôi phải đến thư viện của viện nghiên cứu để tìm hiểu các kết quả công bố mới nhất; chúng tôi phải nhờ các bộ phận đánh máy và kẻ vẽ mỗi khi muốn chỉnh sửa bài báo. Ngày nay, mỗi khi đọc một số thảo luận trên các mạng xã hội, tôi chỉ ước sao tốc độ truyền thông của chúng ta chậm lại; như vậy sẽ khiến người ta suy nghĩ kỹ càng, thấu đáo trước khi bày tỏ quan điểm bản thân. Khi tôi còn là đứa trẻ, mẹ tôi vẫn thường bảo hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói điều gì đó…

Đạo đức và lòng tin

Hình thức gian lận trong khoa học thường gặp hiện nay vẫn là đạo văn và công bố vài phiên bản của cùng một nội dung trên các tạp chí khác nhau. Các nhà khoa học cũng có thể gian lận trong quá trình nghiên cứu, như bỏ qua dữ liệu không có lợi cho kết luận của họ, chỉ giữ lại những dữ liệu có lợi; đây hẳn là điều đáng lên án, nhưng quyết định cuối cùng không phải ở tạp chí mà ở cộng đồng độc giả khoa học. Tất nhiên, nếu gian lận bị phát hiện rõ ràng thì các biên tập viên tạp chí phải từ chối đăng bài ngay lập tức. Tuy nhiên, trách nhiệm chính của biên tập các tạp chí là phát hiện những lỗi mang tính chuyên môn hơn. Đối với đạo văn, họ có thể dùng công cụ phần mềm, hiện hoạt động khá hiệu quả nhưng vẫn có thể bỏ qua những gian lận không rõ ràng. Tôi còn nhớ một bài báo của hai giáo sư người Việt Nam, có nội dung khá vô lý, được sao chép và chỉnh sửa đôi chút từ các bài báo khác. Bài báo đó được nộp tới vài tạp chí, trong đó một tạp chí uy tín của Nhật Bản là Progress in Theoretical Physics đã không phát hiện ra sự gian lận, điều này có thể thông cảm được, nhưng điều khó có thể biện minh là họ cũng không nhận thấy sự phi lý trong nội dung bài báo. Khi phát hiện được điều này thì đã quá muộn, bài báo đã xuất bản và họ buộc phải tiến hành gỡ bài.

Không may là đạo đức khoa học ở Việt Nam không như chúng ta mong muốn. Liêm chính học thuật và đạo đức là những phẩm chất cơ bản của khoa học và nhân văn, các trường đại học phải là những ngôi đền liêm chính. Nhưng thực tế không được như vậy, khi có những người không tôn trọng các giá trị đạo đức khoa học mà chẳng hề bị trừng phạt và vẫn vui vẻ theo đuổi sự nghiệp học thuật. Văn hóa tham nhũng vốn là nguy cơ lớn của đất nước lẽ ra phải bị ngăn chặn ngoài bức tường các trường đại học, nhưng trên thực tế điều ấy cũng không làm được. Một số trường đại học trả tiền cho các nhà nghiên cứu ở nước ngoài để được gắn tên trường với công bố khoa học của những người đó, một cách để giúp trường tăng thành tích và xếp hạng quốc tế, dù trên thực tế những người kia chẳng hề có đóng góp gì cho nội lực chuyên môn của trường. Căn bệnh chạy theo thành tích ảo như vậy vẫn tồn tại, lẽ ra phải là chủ đề thảo luận trong các tổ chức, hiệp hội học thuật, nơi có trách nhiệm đưa ra những hành động ngăn chặn những sai phạm học thuật cơ bản, nhưng trên thực tế họ không làm được như vậy. Toàn thể cộng đồng khoa học lẽ ra phải thấy lo ngại và hành động gay gắt để chống lại những vấn nạn đó, nhưng họ cũng không làm vậy. Trong khuôn khổ bài báo này, tôi xin không nói thêm về sự lỏng lẻo trong đạo đức học thuật ở các trường đại học Việt Nam, độc giả quan tâm có thể tìm thấy nhiều nghiên cứu riêng về chủ đề này.

Ba năm trước, tạp chí Nature công bố một bài báo lên án hành vi của các tạp chí săn mồi: “có hàng nghìn tạp chí khoa học không quan tâm gì về chất lượng. Chúng tồn tại chủ yếu để thu tiền từ các tác giả. Những tạp chí ‘săn mồi’ này thể hiện kế hoạch kinh doanh đáng ngờ, bình duyệt sơ sài hoặc không có bình duyệt, không liêm chính học thuật và không minh bạch. Xu hướng truy cập mở mặc dù có mục đích tốt đẹp, nhưng vô tình đã dung chứa những nhà xuất bản ký sinh như vậy. Những tạp chí rởm có thể giả mạo những tạp chí thu phí nghiêm túc. […] Nhiều tạp chí săn mồi với mục đích làm tiền thường tích cực đeo bám mời chào, tuyển dụng các nhà khoa học để dựng lên các ban biên tập có vẻ như nghiêm túc. […] Một số nhà khoa học muốn chơi khăm từng thành công cài cắm những tên tuổi hư cấu vào các ban biên tập như vậy, tuy nhiên chưa ai rà soát thực trạng này một cách có hệ thống. Nhưng chúng tôi đã làm được. Chúng tôi gài bẫy bằng cách nộp một hồ sơ hư cấu cho vị trí biên tập viên của 360 tạp chí, bao gồm cả những tạp chí nghiêm túc và những tạp chí nghi ngờ là săn mồi. Cuối cùng 48 tạp chí chấp thuận. Nhiều tạp chí cho thấy tính chất con buôn còn nhiều hơn chúng tôi hình dung ban đầu”.

Trong một bối cảnh hỗn loạn như vậy, việc xuất bản kèm đóng phí không phải là điều nên khuyến khích với các đại học, viện nghiên cứu và cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu. Phí xuất bản thường trên 1000 USD với mỗi bài báo và có thể lên tới trên 5000 USD, trong khi lương tháng các đồng nghiệp trẻ của tôi thấp hơn 200 USD. Lý trí thường tình hẳn cho thấy, tốt hơn là dành tiền cho nhà khoa học, thay vì đút vào túi các nhà xuất bản. Khi xuất bản với vai đồng tác giả cùng các nhà khoa học từ các nước phát triển, chúng ta có trách nhiệm giúp họ hiểu về tình cảnh nhà khoa học ở Việt Nam và đề nghị họ trả giúp phần chi phí xuất bản. Đất nước cần đầu tư nhiều hơn cho chất xám của thế hệ trẻ, hơn là lãng phí vào những trang thiết bị đắp chiếu hoặc trả tiền cho các nhà xuất bản. Thế hệ trẻ mới thực sự là tài sản của quốc gia.

Trước khi kết thúc, tôi muốn đề cập về các tạp chí khoa học trong nước. Tôi được biết các nhà toán học Việt Nam xuất bản hai tạp chí đẳng cấp quốc tế. Các ngành khoa học vật liệu cũng có tờ Journal of Science: Advanced Materials and Devices. Tuy nhiên, ngành vật lý cơ bản chưa có tạp chí ở đẳng cấp như vậy. Tôi quen thuộc với hai tạp chí liên quan đến ngành vật lý là Communications in Physics (Com. Phys.) và Vietnamese Journal of Science, Technology and Engineering (VJSTE). Những tạp chí này nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc công bố của các nhà vật lý trong nước, qua đó tạo động lực để họ lựa chọn công bố ở đây, và ngược lại các nhà vật lý trong nước cũng nên giúp các tạp chí nâng cao chất lượng các công bố. Nhưng thực tế không được như vậy. Lẽ ra, các tạp chí phải hiểu và quen thuộc với cộng đồng các nhà vật lý, đặt lòng tin ở nhân cách và năng lực ở những người xứng đáng; ban biên tập của họ phải có những nhà khoa học giỏi đủ khả năng nhanh chóng đánh giá chất lượng các bài báo; nhưng thay vào đó trên thực tế họ luôn cần đến hai phản biện để đánh giá các bài báo, trong khi ở những tạp chí uy tín mà chúng tôi thường lựa chọn công bố chỉ cần một phản biện. Cũng thật khó tin là với tạp chí Com. Phys. khi gần đây chúng tôi nộp bài, người ta đã lựa chọn một trong hai phản biện là một người còn đang làm nghiên cứu sinh! Điều này phản ánh rõ bầu không khí đầy ngờ vực trong môi trường làm khoa học trong nước; người ta cần đến hai phản biện bởi không tin vào sự đánh giá và trung thực của riêng bất kỳ ai. Các cơ quan cấp kinh phí nên khuyến khích các công bố chất lượng cao xuất bản ở các tạp chí trong nước. Quỹ Nafosted cũng có chính sách này, nhưng nhìn chung người ta không tạo đủ động lực, cho rằng các tạp chí trong nước có chỉ số ảnh hưởng và trích dẫn thấp. Đây không phải là cách làm đúng để phát triển khoa học về lâu dài.

Để kết thúc, tôi cho rằng trong một môi trường khoa học lý tưởng, các nhà khoa học sẽ không còn cần đến các tạp chí nữa. Những tiến bộ về kỹ thuật máy tính và mạng lưới thông tin khiến vai trò các tạp chí trở nên dư thừa. Một kho tư liệu các bản điện tử như arXiv lẽ ra có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng ta. Cũng giống như cách các cơ quan quản lý và hiệp hội thường dành kinh phí để tổ chức các hội thảo và xuất bản kỷ yếu, họ cũng có thể tài trợ cho các kho tư liệu điện tử kể trên, và đôi khi tài trợ cho các công bố có qua bình duyệt. Khoa học không nên trở thành công cụ kiếm tiền cho các nhà xuất bản. Giới khoa học nên đủ tự trọng để tôn trọng những quy tắc đạo đức căn bản và nghiêm khắc trừng phạt những gian lận. Các cơ quan đánh giá kết quả khoa học cũng phải đủ năng lực để không còn phải dựa vào các chỉ số ảnh hưởng và trích dẫn.

Nhưng thế giới thực chúng ta đang sống còn xa mới đạt tới lý tưởng ấy. Nó thiếu vắng cả năng lực lẫn sự liêm chính. Bài học tôi rút ra là chúng ta cần cố gắng tối đa để tiếp cận những chuẩn mực về năng lực và liêm chính, nếu không nền khoa học sẽ chẳng thể tiến bộ.

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Thúy Duy
Nguyễn Thúy Hằng
Hoàng Tuấn Nam
Thái Phước Nguyền
Phạm Xuân Thành