• Tác giả: Edmondo De Amicis
  • Người dịch: Vũ Ngọc Thăng
  • Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Phụ Nữ

TÂM HỒN CAO THƯỢNG

“Sự vĩ đại không nằm trong tài sản, quyền lực, địa vị hay danh tiếng - mà được tỏa sáng từ lòng tốt, tính khiêm nhường, sự cống hiến và nhân cách” William Arthur Ward

Hơn 130 năm kể từ ngày ra đời, và gần 70 năm đến với người Việt,  tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis vẫn là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ người đọc khắp nơi trên thế giới. 

Henry Ford nói rằng “Bất cứ ai thuở nhỏ đã từng đọc Tâm hồn cao thượng sẽ không bao giờ trở thành người xấu!”

Hay Giáo Sư John Vu - Nguyên Phong viết “Tôi đã đọc Tâm hồn cao thượng từ khi còn nhỏ và nó là cuốn sách gối đầu giường của tôi trong suốt thời gian tiểu học.”

Hay trong quyển sách “Một đời như kẻ tìm đường - Thầy Phan Văn Trường cũng chia sẻ đây là quyển sách định mệnh cuộc đời thầy”

Cho dù bụi thời gian có thể làm mờ đi tác phẩm kinh điển này trong bao tác phẩm của thời hiện đại nhưng tinh thần và giá trị nhân văn của quyển sách càng trở nên giá trị hơn bao giờ hết. 

Năm 1886, Tâm hồn cao thượng (nguyên tác có tên là Cuore, theo tiếng Ý có nghĩa là Trái tim) tác phẩm của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis chính thức ra mắt. Ngay sau đó, sức hút từ những câu chuyện trong tác phẩm đã chinh phục trái tim của người đọc không chỉ ở Ý mà còn lan tỏa khắp thế giới. Sách được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Cho đến tận bây giờ, Tâm hồn cao thượng vẫn là một trong những tác phẩm có sức sống bền bỉ trong đời sống xuất bản của nhiều quốc gia.[1]

Những câu chuyện trong Tâm hồn cao thượng viết theo thể văn nhật ký thông qua lời của cậu bé 10 tuổi người Ý có tên là Enico Bottini. Erico viết về một cuộc sống của những em bé người Italia những năm cấp 1 vào thời  điểm lớp 1,2,3. Những cách ứng xử hồn nhiên mà rất đậm sự yêu thương, “tâm từ” với chúng bạn đồng trang lứa.Bên canh đó có những bạn có tính cách ngược lại rất lạnh lùng, không cảm xúc, và không tồn tại sự yêu thương. Những tính cách đối lập này đã đem đến những cách ứng xử, những bài học và những kinh nghiệm được các bạn hiểu ra và học được. Các bạn  trẻ có những tính cách khác nhau, mỗi người một tính tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về một nền văn hóa Italia.  Điều tuyệt vời hơn ở cái cách mà phụ huynh, những người làm cha làm mẹ đã dạy dỗ con cái của họ rất nhân văn, nhẹ nhàng, tự nhiên nhưng đầy tính triết lý, rất tình “người” để giúp một đứa trẻ có thể nâng cao nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn khi còn bé. Những bài học đó được truyền tải đầy tinh tế bằng những trải nghiệm của chính các bạn nhỏ trong đời sống, cũng như qua những câu chuyện tình cảm gia đình hằng ngày. Và cũng như những lá thư để lại của cha mẹ viết cho những đứa con của họ, đó là những lời tâm tình nhẹ nhàng mà sâu sắc, một sự yêu thương vô bờ bến, một sự dạy dỗ rất nghiêm túc và cũng rất tinh  tế.

“Nếu người khác tôn trọng con, con hãy tôn trọng họ 
Nếu người khác không tôn trọng con, con vẫn cứ tôn trọng họ 
Đừng để hành động của người khác làm  ảnh hưởng đến nhân cách tốt đẹp của con, bởi con chính là con chứ không phải là ai khác”
(Trích dẫn từ sách)                                                                                                                               

Tuy có những gia đình không hạnh phúc và ở các giai cấp thấp bé trong xã hội nhưng chính các bạn nhỏ đã tạo ra sự thay đổi, đem lại niềm vui, động lực và hứng khởi ngược lại cho cha mẹ của các bạn bằng  sự nỗ lực trong học tập cũng như trong những công việc trong gia đình với một tinh thần kham nhẫn, tinh thần chịu đựng của các bạn. 

Trong tác phẩm chúng ta còn học được sự hiếu tri của học trò và cũng như tinh thần trách nhiệm, sự ân cần của giáo viên, những người đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp dạy và học. Họ đóng vai trò to lớn trong sự phát triển và hình thành tâm hồn trong sáng của những đứa trẻ nhỏ, họ không quản khó khăn, thời gian để  cống hiến cho sự nghiệp giáo  dục cho đến khi trút những hơi thở cuối cùng của mình, và cũng chỉ mong mỏi để muốn thấy sự lớn lên, và trưởng thành của những cô cậu học trò. Tình thầy trò cao cả làm sao! Thầy cô là những người cao quý chỉ đứng sau ba mẹ. Sự cống hiến thầm lặng của họ đối với thế hệ trẻ là rất quan trọng để xây dựng một dân tộc siêu việt. 

Là một quyển sách xứng đáng có trong tủ sách tri thức của mọi gia đình. Bất kì ai cũng nên đọc nó, dù là những bậc phụ huynh, thầy cô giáo, người trẻ hay những bạn nhỏ cũng rất cần đọc tác phẩm tuyệt vời này. Cầm trên tay quyển sách “Tâm hồn cao thượng”  như một món quà quý giá để nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng không chỉ cho các em nhỏ mà còn cho cả người lớn.  Hằng ngày tâm hồn đó được nuôi dưỡng rồi trở nên thuần khiết hơn, trân trọng và yêu thương cuộc sống nhiều hơn. Đó là những cảm nhận về vẻ đẹp của người lao động, vẻ đẹp của học trò, vẻ đẹp thầy cô và cả vẻ đẹp của một tinh thần tự hào dân tộc, của một văn hóa ứng xử mang đậm tính nhân văn được kể trong từng câu chuyện bằng ngôn ngữ rất chân thành và hồn nhiên của Enrico. Những phẩm chất tốt đẹp ấy cần hơn bao giờ hết cho thời đại ngày nay và cho Việt Nam của chúng ta. 

TRÍCH DẪN CÂU NÓI TÂM ĐẮC CỦA SÁCH: 

“Ở chuyến bay cuối cùng, không một ai được mang theo hành lý - kể cả xách tay lẫn ký gửi - trừ lòng cao thượng” 

CHÚ THÍCH 
(1) Tiểu Vũ - “Tâm hồn cao thượng: 130 năm giá trị nhân văn vẫn còn nguyên” - https://hatgiongtamhon.vn/. https://hatgiongtamhon.vn/tam-hon-cao-thuong-130-nam-gia-tri-nhan-van-van-con-nguyen-93266.html

____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý

và sự hỗ trợ của Cộng tác viên Hoàng Thị Thu Hương