- Tác giả: Hermann Hesse
- Dịch giả: Lê Chu Cầu
- Đơn vị xuất bản: Nhã Nam & NXB Văn Học
- Giải thưởng: Năm 1946, tác giả được trao Giải Goethe và Giải Nobel Văn học
Trước khi chia sẻ đôi điều về tác phẩm văn chương nổi tiếng này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tác giả của nó đó là Hermann Hesse (1877-1962) là văn hào, thi hào lỗi lạc, họa sĩ lỗi lạc người Đức. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống về truyền giáo, tri thức, tôn giáo nên từ nhỏ ông đã sớm hấp thụ được nhiều tư tưởng tôn giáo khác nhau từ gia đình, từ công việc tại tiệm sách (nơi ông có cơ hội đọc nhiều về văn học, thần học, thần thoại hy lạp, triết học), đặc biệt là sự quan tâm về nền văn hóa Ấn Độ. Năm 1946, ông được tặng Giải Goethe và Giải Nobel Văn học. Để tưởng niệm Hesse hai giải thưởng văn chương được đặt theo tên ông: “Giải thưởng Hermann Hesse và Giải thưởng văn học Hermann Hesse”
Năm 1922 quyển tiểu thuyết về Ấn Độ của ông là Siddhartha được xuất bản. Sách được xuất bản ở Mỹ năm 1951 và trở nên có ảnh hưởng lớn vào thập niên 1960. Tình yêu nền văn hóa Ấn Độ và các học thuyết Á châu, những cái mà ông đã biết đến ngay từ khi còn ở với cha mẹ, đã được biểu lộ trong quyển tiểu thuyết này, có lẽ đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
Tên tác phẩm “Siddhartha” làm nhiều người nhầm lẫn rằng đây là câu chuyện về cuộc đời Đức Phật [1] nhưng trong tiểu thuyết này lấy bối cảnh cùng thời gian khi Đức Phật (Đức Cổ Đàm) còn tại thế. Tiểu thuyết Siddhartha kể về câu chuyện của chàng trai Siddhartha cùng người bạn của mình Govinda trên con đường đi tìm giác ngộ, vì xuất thân từ một gia đình Bà La Môn, cha của anh là một Bà La Môn cao quý, được nghe cha giảng dạy, nghe thánh kinh, làm các nghi lễ, cúng tế theo nghi thức Bà La Môn từ nhỏ, anh là một niềm tự hào của cha mẹ. Với sự thông minh, ham hiểu biết ông được xem như một đại thức giả, một tăng sĩ, một ông hoàng trong Bà La Môn trong tương lai. Nhưng sâu thẳm trong lòng Siddhartha không cảm thấy thanh thản, trong tâm không bình an, nhiều câu hỏi trong suy tư của anh không ai trả lời được, ngay cả những bậc trí giả thông thái nhất, có đoạn miêu tả như sau:
“Anh dần dần nghiệm ra rằng tuy người cha đáng kính của anh và những người thầy khác, toàn những vị Bà La Môn thông thái, đã truyền hầu hết những tinh hoa của họ cho anh, đã trút hết kiến thức của họ sang túi khôn của anh, nhưng túi ấy vẫn chưa đầy, trí tuệ anh vẫn chưa đầy, tâm hồn anh vẫn chưa an tịnh, lòng anh vẫn chưa mãn nguyện. Nước dùng cho lễ thành tẩy dù có ý nghĩa, song vẫn chỉ là nước, không rửa sạch được tội lỗi, không thỏa được nỗi khao khát của tâm hồn, không giải trừ được nỗi bất an trong lòng. Tế lễ và khấn nguyện thánh thần tốt thật đấy - nhưng phải chăng đó là tất cả? Tế lễ đem lại may mắn ư? Còn thần thánh thì sao? Có thật Phạm Thiên đã tạo ra thế giới? Không phải đó là ngã, là linh hồn, đấng duy nhất, đáng tuyệt đối sao? Không phải thần thánh cũng là những hình tượng được dựng như tôi và anh, nghĩa là lệ thuộc thời gian, là vô thường? Như thế phải chăng việc cúng tế thần thánh là đúng, là phải, là đầy ý nghĩa và cao đẹp nhất?.... Tìm linh hồn ở đâu, nó ở chỗ nào...Có còn đường nào khác đáng theo để tới được đó, tới được cái ngã, tới được ta, tới được linh hồn?”
Và đó cũng là lúc anh quyết định rời bỏ gia đình mình để tìm con đường giác ngộ. Hành trình dài nhiều năm tháng ròng rã như đi một đường vòng, từ lúc trở thành người tu khổ hạnh rồi từ bỏ, đến lúc nghe tin đồn Đức Phật đã vượt được nỗi khổ của thế gian. Anh cùng Govinda cũng đã tìm đến nghe pháp của Đức Phật. Govinda ở lại gia nhập tăng đoàn, còn Siddhartha mặc dù rất tôn kính Đức Phật nhưng anh lại quyết định chọn con đường của riêng mình. Con đường mà anh tin vào trái tim của mình cùng với sự ngạo mạn của tuổi trẻ và con đường đó đầy khổ ải, dục vọng và cuối cùng anh đã dày vò bản thân, đau khổ, muốn từ bỏ thân xác này, tự kết liễu đời mình. Chính ngay lúc đó âm thanh “Om” đã đưa anh trở lại, gặp được người lái đò năm xưa, sau đó trở thành người lái đò và cuối cùng anh cũng đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông.
Với tác phẩm Siddhartha người đọc như đang đọc muốn cuốn kinh những lời dạy của Đức Phật nhưng không hẳn như vậy, cuốn sách nhỏ chỉ đọc trong một buổi tối nhưng những giá trị nó mang lại thật tuyệt diệu, bằng sự êm dịu, nhẹ nhàng, sâu lắng của một nhà thơ, tài bút miêu tả tinh tế của một nhà văn, Hermann Hesse đã đưa người đọc trải qua những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của đời người, rất “đời”, rất chân thật. Chúng ta cảm thấy run người, cảm xúc dâng lên mạnh mẽ, thậm chí cảm giác khoái lạc, dục vọng của mình nổi lên hòa mình vào nhân vật khi đọc đến đoạn Siddhartha thực hiện nghệ thuật ân ái cùng với Kalama. Đó là sự chân thật đến thô thiển nhưng đó là sự thật, cảm giác rất thật. Sự thật ấy được Hesse miêu tả rõ ràng đến nổi chúng ta cảm được, thấu được, cảm thấy ghê sợ cái dục vọng đó. Bài học ở đây là đó không chỉ là Siddhartha mà đó còn chính là sự khao khát dục vọng nằm trong mỗi con người, mỗi chúng ta.
Còn Kamaswami một thương gia giàu có, người đã dạy cho Siddhartha cách làm ăn tượng trưng cho sự tham lam, ích kỷ, sự bám víu vào tiền tài, vật chất, ham muốn quyền lực. Những thứ đã xiềng xích, trói buộc, chế ngự con người từ cổ chí kim, từ những người bình thường đến tướng quân lừng lẫy, các vị vua từng thống lĩnh bờ cõi, các đế chế hùng mạnh đã từng và rồi suy sụp bởi Tham lam, Tiền tài, quyền lực, dục vọng. Suy cho cùng đó là sự bám víu, chế ngự, không buông bỏ được quyền lực, không kiềm chế được dục vọng.
Bên cạnh đó, cùng với cảm giác thô thiển của dục vọng, khoái lạc thì chúng ta sẽ cảm nhận cái Chân-thiện-mỹ qua đoạn miêu tả về vẻ đẹp thánh thiện của Đức Phật:
“Vẻ mặt ngài, bước chân ngài, đôi mắt nhìn xuống thầm lặng, bàn tay buông thõng trầm lặng đều toát lên vẻ yên bình, vẻ toàn vẹn, không tìm kiếm, không đua đòi, hô hấp nhẹ nhàng trong sự tĩnh lặng toàn bích, trong ánh sáng toàn bích, quả là một sự an lạc không vẩn gợn”.
Hiếm có tác phẩm nào mà có thể miêu tả cái tham lam, sân si, si mê, dục vọng tình ái, ngã mạn, tà kiến của con người chân thật đến vậy. Chẳng phải Đức Phật cũng giảng dạy về tam độc gây ra khổ đau của con người đấy sao “Tham, sân,si”.
Đọc tác phẩm này chúng ta như hòa mình vào dòng suối minh triết tươi mát, tìm thấy được ý nghĩa, chân lý của cuộc sống và dòng suối ấy cũng soi rọi vào tâm hồn vẩn đục của mỗi chúng ta, nhìn vào nó, nhận thấy nó, lắng nghe nó như cách mà Siddhartha đã lắng nghe dòng sông. Hi vọng quyển sách nhỏ này có thể giúp bạn tìm thấy được chính mình, sửa mình, nâng cao nhân cách và mài giũa tâm hồn của mình để có một cuộc sống an lạc, hòa hợp, hạnh phúc.
“Giờ phút này Siddhartha thôi chiến đấu với định mệnh, thôi khổ đau. Gương mặt anh bừng nét tươi vui của hiểu biết, hết sạch mọi ham muốn, thấu hiểu sự toàn thiện, đồng tình với dòng sự kiện, với dòng đời, đầy lòng trắc ẩn, đầy niềm hân hoan chung với mọi người, hiến mình cho những dòng sông ấy thuộc vào cái nhất thể ấy.”
Trích Siddhartha.
Chú thích:
[1] Vì trong phim “cuộc đời đức phật” thì thái tử Siddhartha sau khi được giác ngộ đã trở thành “Buddha” tức là Đức Phật (bậc giác ngộ).
Đã có ít nhất hai bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này:
+ Câu chuyện dòng sông, bản dịch nổi tiếng của Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Anh, do Nhà xuất bản Lá Bối tại Sài Gòn phát hành lần đầu tiên năm 1965 (với tên đầu tiên là "Câu chuyện của dòng sông") và tái bản năm 1966; Nhà xuất bản An Tiêm tái bản năm 1967 (từ đây đổi thành tên "Câu chuyện dòng sông") và 1970. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản năm 1988-1996-1998-2001 (đôi khi ghi nhầm là bản dịch của Bùi Giáng). Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn tái bản năm 2009.
+ Siddhartha, bản dịch của Lê Chu Cầu, dịch từ bản tiếng Đức, Nhà xuất bản Nhã Nam ấn hành năm 2009
____________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý