Chân dung tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Tranh: Hoàng Tường
Những người từng biết đến tiến sĩ Đặng Hoàng Giang với vẻ ngoài nghiêm túc, lạnh lùng trong các sự kiện có thể sẽ bất ngờ khi bắt gặp một người kể chuyện giàu cảm xúc trong tác phẩm Điểm đến của cuộc đời. Cách mà anh đồng hành cùng những người cận tử trong những tháng ngày cuối đời của họ đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả. Sau 20 năm sống và làm việc ở châu Âu, Đặng Hoàng Giang trở về Việt Nam và làm quản lý tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) – một tổ chức phi chính phủ đi đầu ở Việt Nam trong việc thúc đẩy xã hội dân sự, minh bạch và nâng cao tiếng nói của người dân.
Không ít người Việt mơ ước được định cư ở “thiên đường” châu Âu. Anh lại rời bỏ nơi đó để về sống ở một đất nước còn nhiều vất vả, lộn xộn…?
Người ta có những giấc mơ khác nhau. Vào thời điểm 14 năm trước, khi tôi quyết định quay về Việt Nam, tôi mong muốn có những thay đổi lớn trong cuộc sống, tìm đến một văn hóa mới, một môi trường sống mới, những công việc mới.
Cuộc sống ở Việt Nam tuy vất vả hơn nhưng có nhiều nét văn hóa thú vị, tính cộng đồng cao, con người thân thiện, gắn bó, dễ gần. Mặc dù xu hướng cá nhân hóa đang tăng lên nhưng so với xã hội phương Tây thì tôi thấy người Việt chúng ta vẫn dễ bắt chuyện, và gắn kết với nhau trong các mối quan hệ gia đình, thầy trò…
Bên cạnh những nét văn hóa thú vị thì cũng không thiếu những vấn đề về cuộc sống. Chẳng hạn như chuyện về sự tử tế trong xã hội hiện đại, như những trăn trở của anh trong cuốn sách Thiện, ác và smartphone…
Tôi viết cuốn sách này với những băn khoăn, trăn trở trước nhiều hiện tượng xã hội như trộm chó bị đánh chết, sự cuồng nộ của đám đông, hiện tượng lăng nhục trên mạng, công lý được dẫn dắt bởi cảm xúc thay vì lý trí. Qua đó, tôi tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi: Vì sao người ta lại độc ác với nhau một cách dễ dàng như vậy, hậu quả khủng khiếp của lăng nhục tập thể là gì, trừng phạt có là cách duy nhất để thực thi công lý hay không, vai trò của thấu cảm và lòng trắc ẩn trong xã hội, làm sao để có sự tử tế trong thời đại mạng xã hội và công nghệ.
Vì sao câu chuyện về sự tử tế cần được nói nhiều hơn trong thời đại mạng và công nghệ?
Công nghệ và mạng xã hội có xu hướng khuếch đại cái xấu xí bên trong chúng ta. Monika Lewinsky, nạn nhân đầu tiên của làm nhục công cộng thời internet trên quy mô toàn cầu, đã gọi câu chuyện của mình là “cú nhấp chuột làm rung chuyển thế giới”. Cô từng nói: “Độc ác với người khác không có gì mới. Nhưng trên mạng, với công nghệ hỗ trợ, sự lăng nhục được phóng đại lên, không bị kiềm chế và ở đó mãi mãi”. Trong 17 năm sau, cô phải vật lộn với cuộc sống, bị trầm cảm, muốn tìm đến cái chết, trong khi những người lăng nhục cô đã quên sự độc ác của họ từ lâu.
Tương tự, ở Việt Nam, có cộng đồng lên tới 40.000 thành viên được thành lập để tạo ra những cơn bão căm ghét và tấn công bằng bạo lực ngôn từ ở mức độ cao nhất một ca sĩ, người mẫu, vì hành vi được coi là “cướp chồng” của cô.
Vào thuở sơ khai của internet, chúng ta, cũng giống như Rheingold Howard, nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ, cảm thấy hân hoan về viễn cảnh một môi trường không định kiến, vì ta không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau. Ngày nay, sự lạc quan đó đã nhường chỗ cho một sự thật cay đắng, chính sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc ác với nhau.
Thêm nữa, nếu như ở ngoài đời, mọi vết thương đều được hàn gắn bởi thời gian, người phạm tội cũng được xóa án tích trong ngành tư pháp chính thống để trở thành người không có tiền án tiền sự, thì những “vết nhơ online” không biến mất, việc xóa án tích không xảy ra với Google. Google không bao giờ quên. Nếu như trong trí nhớ của con người, quá khứ sẽ dần bị lãng quên thì với Google, tất cả đều lộ trên bề mặt. Mọi lỗi lầm trong quá khứ đều hiện diện trên danh sách tìm kiếm như mới xảy ra, như lời mời cho kỳ thị và định kiến…
Báo chí và internet có xu hướng khai thác nhiều ngỏ ngách liên quan đến một nhân vật, sự kiện được quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của người đọc, anh nghĩ sao về điều này?
Có lẽ chúng ta cần phân biệt giữa nhu cầu thông tin chính đáng của dư luận và sự tò mò, tọc mạch của đám đông. Xã hội không cần những thông tin tọc mạch, vi phạm vào quyền riêng tư của cá nhân để trở nên tốt đẹp hơn. Những hình ảnh quay lén bữa tối của một hoa hậu không phục vụ cho lợi ích chính đáng của cộng đồng mà ngược lại, nó là một sự tấn công vào nhân phẩm của cô. Một cộng đồng nhân văn là cộng đồng tôn trọng sự riêng tư này của cô gái, không tìm cách xâm phạm nó, dù cô là nguyên thủ quốc gia hay là người bình dân.
Thời đại mà những “vết nhơ online” không thể phai nhạt theo thời gian và văn hóa lăng nhục tập thể phổ biến trên mạng thì con người chúng ta rất cần đến lòng trắc ẩn và sự thấu cảm, phải không anh?
Đúng vậy. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Sự thấu cảm giúp chúng ta biết lắng nghe, hiểu được hoàn cảnh và đường đời của những cá nhân phạm lỗi và sa ngã, và nhìn ra được tính người ở trong họ, mà không hắt hủi họ.
Còn lòng trắc ẩn là nỗi buồn của chúng ta trước nỗi đau của người khác, sự quan tâm, cảm thông sâu sắc đối với thân phận của họ và mong muốn giúp đỡ họ. Người ta dễ động lòng trắc ẩn đối với người bất hạnh, chẳng hạn như trẻ mồ côi, người già bệnh tật, người bị thiên tai… Khó thực hiện hơn, nhưng lại có ý nghĩa hơn, là lòng trắc ẩn dành cho những kẻ bên lề, những kẻ sa ngã: người nghiện, cô gái điếm, tội phạm, dù có thể họ ném trả lòng trắc ẩn của chúng ta. Chỉ hệ thống nhà tù và trại giam sẽ không đủ để xây dựng một xã hội nhân văn. Lòng trắc ẩn sẽ giúp chữa lành các vết thương trong xã hội.
Phải chăng vì những ý nghĩa tốt đẹp như vậy nên khái niệm về thấu cảm và lòng trắc ẩn của anh đã được đưa vào đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi THPT quốc gia 2017?
Điều này thật tốt. Tôi hy vọng rằng đây là một tín hiệu cho thấy chúng ta, trong giáo dục, không chỉ quan tâm tới việc đào tạo ra những con người giỏi toán, lý, hóa và tin học, mà còn hướng đến sự tử tế và ấm áp trong quan hệ người với người.
Như thế nào là người tử tế, theo quan điểm của anh?
Theo tôi, đó là người hành xử có trách nhiệm công dân. Người tôn trọng nhân phẩm của người khác, dù đó là kẻ ăn mày hay đại gia, người già hay cô ca sĩ trẻ đẹp, người mạnh hay kẻ yếu… Người tử tế tôn trọng sự khác biệt về màu da, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tính dục. Chúng ta có thể không đồng ý với người khác nhưng không chà đạp, chê bai, hắt hủi mà luôn thể hiện sự tôn trọng, đồng thời trình bày ý kiến của mình một cách xây dựng, văn minh.
Người tử tế cũng tôn trọng những gì thuộc về của công, như tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản, không biến tài sản công, tài nguyên chung thành nguồn sinh lợi cho nhóm cá nhân nào đó. Tất nhiên, tử tế cũng bao gồm những điều cơ bản như phép lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ người khác, kể cả người thân quen hay người xa lạ. Đó là nghĩa hẹp của sự tử tế mà chúng ta hay nói đến.
Nhưng đôi khi, làm việc tốt lại bị hoài nghi, thậm chí bị cho là “dở hơi”?
Theo tôi, đây chỉ là một cách thanh minh của những người không muốn làm việc tốt. Thực tế, ai trong chúng ta cũng cảm kích khi nhận được một điều tốt từ người khác. Ngược lại, báo chí và mạng xã hội đang vẽ ra bức tranh xám xịt về sự lừa lọc, chụp giật trong xã hội, nhưng tôi cho rằng, tận sâu bên trong, mỗi con người đều mong muốn được tôn trọng và sống một cuộc sống có ích cho người khác.
Sau khi cuốn sách Thiện, ác và smartphone ra đời, tôi đã nhận được nhiều sự phản hồi tích cực từ độc giả về “Dự án trắc ẩn” – dự án luyện tập sống tử tế hằng ngày và kéo dài cả đời. Tôi thường xuyên gặp rất nhiều người tử tế, từ anh lái xe ôm đến cô hàng rau hay người hàng xóm. Điều đó cho thấy xã hội đang khao khát sự tử tế, với cả hai chiều cho và nhận. Nếu thiếu sự tử tế và lòng tin giữa người với người thì chúng ta sẽ sống trong sự đọa đày, dù có dư thừa vật chất đến đâu đi nữa. Một xã hội mà mọi người đều phải luôn đề phòng, cảnh giác với người khác thì sẽ rất đau khổ, thậm chí là không đáng sống nữa.
Anh nói rằng con người sinh ra đã có sẵn trong mình một khả năng thấu cảm, khi trưởng thành, khả năng này có thể trở nên tinh tế hơn hoặc phai nhạt đi. Vậy làm thế nào để thế hệ trẻ vẫn giữ được sự thấu cảm?
Để giữ sự thấu cảm trong thế hệ trẻ, chúng ta cần thường xuyên giáo dục con cái biết tôn trọng sự khác biệt, không phán xét người khác mà cảm thông và kết nối với họ. Chúng ta cũng không để trẻ con trở thành nạn nhân của định kiến và các diễn ngôn kỳ thị trong xã hội, như “làm điếm thì chết đi còn hơn”, hay “trộm chó thì cũng đáng chết như chó thôi”… Đó là những định kiến mà con trẻ cần tránh xa. Đồng thời, chúng ta tạo điều kiện cho con cái chúng ta nuôi dưỡng sự khoan dung, vị tha và lòng trắc ẩn mỗi ngày. Lòng trắc ẩn thật sự đem lại sức mạnh, sự quyết tâm, bình tĩnh và không suy sụp trước nỗi đau.
Như cách mà anh bình tĩnh, cân bằng trước ba con người sống ở cửa tử, được ghi lại trong cuốn sách Điểm đến của cuộc đời, phải không?
Có lẽ vậy. Hành trình cùng người cận tử và gia đình họ đã khiến tôi thực sự bị chấn động trước những số phận dữ dội và khốc liệt. Khó có thể hình dung được quanh chúng ta lại tồn tại sự khốn cùng, nghiệt ngã và những thử thách đến như vậy. Trước những số phận đó, tôi cảm thấy mọi vấn đề, khó khăn của mình thật nhỏ bé và vô nghĩa.
Khi quan sát những người cận tử, hẳn anh có những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống. Anh có thể chia sẻ đôi điều về suy nghĩ này?
Quan sát những người cận tử, chúng ta sẽ thấy họ biết trân trọng vẻ đẹp đơn giản của cuộc sống và khao khát những điều bình dị, chẳng hạn như ăn một chén cơm thật ngon, nghe tiếng con cười, đi trên đôi chân của mình, gặp gỡ bạn bè, trò chuyện với người mình yêu… Những điều quá đỗi bình thường này lại là những khát khao của người sắp chết. Trong khi đó, hằng ngày, chúng ta đánh mất mình để chạy theo những thứ phù phiếm, không còn chánh niệm để thụ hưởng những giá trị giản đơn này. Thật là đáng tiếc, vì đây là những điều vô cùng quan trọng cấu thành nên cuộc sống hạnh phúc.
Mặt khác, những người gần cái chết đều mong muốn được mọi người nhìn nhận mình là người có ích. Vân là một cô gái 28 tuổi bị ung thư, sống trong một gia đình rất nghèo. Xung quanh làng xóm cũng còn những quan niệm cổ hủ, lạc hậu nên có rất nhiều dị nghị về quyết định hiến tạng của Vân. Nhưng Vân đã vượt qua những khó khăn đó, trong nhiều tháng liền cô đã cố gắng thuyết phục bố mẹ cho phép mình hiến giác mạc.
Với Vân, việc hiến giác mạc chính là sự đánh dấu đầy ý nghĩa cho việc kết thúc cuộc đời của mình. Qua câu chuyện của Vân, chúng ta có thể thấy rằng khao khát là người có ích của con người ta mạnh mẽ tới nhường nào. Mong muốn có cuộc sống đầy đủ cho bản thân và gia đình là chính đáng, nhưng tôi cho rằng nếu người ta coi cuộc đua vật chất và danh vọng là ý nghĩa của cuộc đời thì đây là một nhầm lẫn lớn, và sẽ dẫn tới bất hạnh, đặc biệt khi cái chết cận kề.
Còn bản thân anh thì sao, đến lúc này anh đã có một cuộc sống đủ đầy, ý nghĩa và hạnh phúc chưa?
Tôi không phải là người hoàn hảo, tôi vẫn luôn suy nghĩ về những câu hỏi: Cái gì là đúng, cái gì là sai? Mình nên sống như thế nào? Mình dùng quãng thời gian còn lại vào việc gì? Vào thời điểm này, điều gì tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống là gì? Chúng ta có thể đọc nhiều sách thánh hiền, có thể tìm thầy học bạn, nhưng về cơ bản cuộc sống không có đáp án, nên những câu hỏi này luôn được đặt ra, một lần nữa, một lần nữa…
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.
----- Hết -----
Người thực hiện: Xuân Lộc
Nguồn hình ảnh: Hoàng Tường
Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Nguồn: https://doanhnhanplus.vn/long-trac-an-cang-can-hon-doi-voi-nguoi-pham-toi-355492.html
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5
Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh