null

“Luật pháp có thể không hiệu quả nếu như không phản ánh các chuẩn mực xã hội”, theo chuyên gia Stanford.

Nhà kinh tế học Stanford Matthew O. Jackson cho rằng, luật pháp có thể phản tác dụng nếu như bỏ qua các chuẩn mực xã hội, ví như sự kiện vấn đề về thuế năm 2014 hay cuộc ẩu đả tay đôi gây chết người tại Pháp năm 1626.

Bởi Clifton B. Parker

Các chuẩn mực xã hội (hay còn gọi là những quy tắc bất thành văn về những hành vi được chấp nhận) có thể thay đổi theo thời gian, ví dụ như thái độ của người Mỹ đối với hôn nhân đồng tính hay việc hợp pháp hóa cần sa. 

Các nhà kinh tế Matthew O. Jackson của Stanford và Daron Acemoglu của Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng, đôi khi các chuẩn mực xã hội có thể xung đột với luật pháp chính thức, dẫn tới hệ quả là phản tác dụng đối với toàn bộ những người liên quan. Lịch sử cũng làm rõ sự khác biệt giữa chuẩn mực xã hội và luật pháp.

Ví dụ, Pháp đã cấm những vụ đấu tay đôi (có sử dụng vũ khí hợp pháp) vào năm 1626, tuy nhiên tập tục này vẫn tiếp tục kéo dài sau đó. Trên thực tế, cho dù chính phủ đã cố gắng thi hành lệnh cấm một cách mạnh mẽ, nhưng các cuộc đấu tay đôi vẫn diễn ra với tỉ lệ cao - ước tính hơn 10.000 cuộc đấu đã diễn ra dẫn đến hơn 4.000 người chết trong 30 năm cuối của triều đại Vua Louis XIV, triều đại kết thúc năm 1715.

Jackson, giáo sư kinh tế William D. Eberle, cho rằng sở dĩ các luật chống đấu tay đôi này không hiệu quả là vì chúng đi ngược lại với một chuẩn mực “thâm căn cố đế”, điều này cũng không khuyến khích những người khác tham gia vào việc ngăn chặn việc đổ máu. 

(Nhà kinh tế Matthew O. Jackson nói rằng luật chống đấu tay đôi không hiệu quả vì chúng đi ngược lại với chuẩn mực xã hội sâu xa, điều này cũng không khuyến khích những người khác tham gia vào việc ngăn chặn việc đổ máu. - phần ảnh)

Ông nói, mặc dù những luật lệ xung đột với các chuẩn mực xã hội có vẻ không được thực thi, nhưng những luật lệ gây ảnh hưởng tới hành vi có thể thay đổi các chuẩn mực xã hội theo thời gian. Việc dần cấm hút thuốc ở những nơi công cộng ở Mỹ là một ví dụ - hiện tại các thực khách đều mong đợi một trải nghiệm không khói thuốc.

Trốn thuế là một ví dụ khác - tỉ lệ trốn thuế ở Hy Lạp vào năm 2011 lên tới 30%, trong khi ở Vương Quốc Anh, tỉ lệ này chỉ ở mức 7%. Việc trốn thuế có thể được coi là bình thường ở Hy Lạp, nhưng ở Anh thì không.

 

Vấn đề tố giác

Chuẩn mực cũng đóng vai trò trong việc kinh doanh. Hãy coi một doanh nghiệp hợp tác với các công ty khác như một phần của chuỗi cung ứng để đưa sản phẩm ra thị trường. Nếu chính phủ đánh thuế giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp này phải nộp trong quá trình hợp tác, thì sẽ không phù hợp với các chuẩn mực khi buộc một doanh nghiệp phải nộp thuế trong khi doanh nghiệp này vẫn phải cạnh tranh với một doanh nghiệp khác không trung thực và trốn thuế bất hợp pháp.

Do đó, các công ty vi phạm pháp luật sẽ thường tham gia vào các hoạt động phi pháp hơn khi họ hợp tác với những công ty vi phạm pháp luật khác - và tỷ lệ trốn thuế sẽ tăng cao, Jackson và Acemoglu đã viết trong một bài nghiên cứu gần đây. 

Nhưng tố cáo có thể giúp ích trong việc giải quyết vấn đề này. Các nhà nghiên cứu viết: “Việc tố giác tư nhân có thể là mấu chốt của việc thi hành luật. Điều này ngụ ý rằng, một xã hội khi mà luật xung đột với các chuẩn mực xã hội sẽ không thể tận dụng việc thực thi tư nhân và sẽ có những luật kém hiệu quả.” 

Như trong trường hợp đấu tay đôi, các luật xung đột mạnh mẽ với các chuẩn mực hiện hành có xu hướng phản tác dụng, Jackson nói. "Việc thắt chặt luật đột ngột gây ra tình trạng vô pháp đáng kể.

Làm thế nào để xã hội có nhiều người tố giác hơn? Jackson nói: “Rất khó để xóa bỏ sự kỳ thị vì nó thường có nghĩa là đưa tin về một cộng đồng mà có ai đó là thành viên.”

Ông nói: “Việc khuyến khích tố giác có thể liên quan đến việc thay đổi lòng trung thành của một người khỏi cộng đồng nhỏ, trong đó một số người có thể phạm luật theo những cách có hại, sang cộng đồng rộng lớn hơn, là những người bị tổn hại bởi các hành động này.”

 

'Thuyết cửa sổ vỡ' bị nghi ngờ

Jackson nói rằng, một điều luật không thể được hiểu tách biệt với nhiều luật khác ảnh hưởng đến cùng một dân số.

Ông nói: “Ví dụ, luật nhập cư cứng rắn có thể khiến nhiều công ty thuê người nhập cư vào 'ngoài vòng pháp luật', sau đó ảnh hưởng đến thái độ của họ đối với việc tuân thủ các luật hoặc quy định khác, như là về an toàn lao động".

Do đó, nghiên cứu đưa ra một góc nhìn khác so với "thuyết cửa sổ vỡ" về thực thi pháp luật đã được đưa ra vào những năm 1980. Quan điểm đó cho rằng tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng cao ở nội thành là kết quả của thái độ dễ dãi đối với những tội phạm nhỏ hơn như vẽ bậy, phá hoại và trốn vé tàu điện ngầm. Do đó, Thành phố New York đã áp dụng một chiến lược trị an mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ tiếp theo.

Tuy nhiên, Jackson nói, "Luật nếu như không được xây dựng tốt - quá gay gắt - mà quy định về một loại hành vi - tội phạm ma túy quy mô nhỏ ở nội thành - có thể khiến luật chống lại các loại hành vi khác hoàn toàn vô hiệu." Vấn đề là những điều luật quá khắt khe đó lại khiến nhiều người trở thành ‘tội phạm’, do đó không khuyến khích công dân trở thành người tố giác sẵn sàng gọi cảnh sát.

Ông nói, một giải pháp hiệu quả hơn là "loại bỏ một số hành vi có ngoại ứng hoặc gây tổn thất nhỏ đến xã hội".

 

Thay đổi chuẩn mực

Jackson nói rằng các chuẩn mực thường ăn sâu đến mức mọi người thậm chí không nhận thấy mức độ mà chúng định hình hành vi: "Chúng làm cho các hành vi của chúng ta có vẻ tự nhiên."

Các chuẩn mực sẽ tự củng cố, vì sống trong một xã hội sẽ dễ dàng hơn nhiều khi hành vi của mọi người có thể đoán trước được và mọi người hiểu được những gì được mong đợi ở họ, ông nói.

Mặt trái của nó là sự phù hợp như vậy có thể khiến các quy chuẩn thậm chí rất tệ cũng khó thay đổi, Jackson nói.

Ông gợi ý hai cách khả thi để thay đổi thành công các chuẩn mực: nỗ lực thay đổi hành vi của các nhà lãnh đạo như Gandhi hoặc Martin Luther King một cách thành công, hoặc thay đổi dần luật lệ trong thời gian dài, chẳng hạn như các quy định về hút thuốc ở Mỹ.

 
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, 
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn
và sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Lương Thị Khánh Huyền