Nguồn: Văn hóa Nghệ An
Thời gian gần đây tôi được đọc tác phẩm The Kingdom of God is Within You (Vương quốc Thiên chúa ở bên trong của anh) của văn hào Nga Lev Tolstoy. Tôi không tìm được nguyên bản tác phẩm này bằng tiếng Nga mà buộc phải làm việc với bản dịch tiếng Anh của dịch giả Constance Garnett(New York, 1894). Nhìn vào niên đại của bản dịch có thể thấy nó đã được thực hiện lúc sinh thời của Lev Tolstoy. Trong Lời nói đầucủa cuốn sách này (Lev Tolstoy, Yasnaia Poliana, 1893) Lev Tolstoy đã viết một đoạn như sau:" Như tôi đã dự đoán, cuốn sách của tôi bị cơ quan kiểm duyệt Nga cấm đoán; thế nhưng phần nào do danh tiếng văn chương của tôi, phần nào do cuốn sách kích thích trí tò mò, nên nó vẫn được lưu truyền dưới dạng chép tay hay in thạch bản ở nước Nga, hay thông qua các bản dịch ở nước ngoài; chuyện này xảy ra một mặt là từ những người chia sẻ những tín niệm của tôi, một loạt các tiểu luận súc tích bàn về đề tài, một mặt khác là một loạt các phê phán về những nguyên lí được viết ra trong cuốn sách của tôi." Cuốn sách là một công trình của Lev Tolstoy bàn về Tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng.
Trong cuốn sách LEV TOLSTOY "ĐƯỜNG SỐNG" (Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Tri Thức 2010) dịch giả Phạm Vĩnh Cư đã trích dịch nhiều tiểu luận của Lev Tolstoy bàn về tôn giáo. Tuy nhiên dung lượng của cuốn sách quá đồ sộ khiến cho các độc giả khó tiếp thu được những ý kiến sâu sắc của nhà văn vĩ đại bàn về đề tài nhạy cảm này. Trong buổi nói chuyện ở đây tôi muốn lọc ra một số ý kiến của Lev Tolstoy đã gây cho tôi nhiều ấn tượng, vì những ý kiến ấy bác bỏ nhiều định kiến khá phổ biến ngay trong thời hiện tại. Những gì được trình bày ở đây đều lấy từ hai tác phẩm trên.
Tolstoy minh định cách hiểu về tôn giáo của ông như sau: " Học thuyết của Kitô, cũng như mọi học thuyết tôn giáo, bao gồm hai bình diện: 1) học thuyết về cuộc sống con người - về việc mỗi con người riêng lẻ cần phải sống thế nào và tất cả mọi người phải sống với nhau thế nào - đạo đức học, và 2) giải thích vì sao loài người cần phải sống như thế chứ không phải một cách khác - siêu hình học... Hai bình diện này hiện diện trong tất cả các tôn giáo trên thế giới."
Tolstoy cho rằng đa số dân chúng thời hiện đại đã hiểu không đúng về thực chất của tôn giáo do bị tác động trong một thời gian dài bởi các giáo sĩ và bởi các những người sùng bái khoa học. Những người này đã "khiến cho các tín đồ và những người vô tín ngưỡng được thuyết phục thật vững chắc rằng họ đã hiểu biết lời dạy của Đức Kitô từ rất lâu rồi, và rằng họ hiểu nó thật đầy đủ, thật rõ ràng và dứt khoát, đến nỗi không thể có được một ý nghĩa nào khác với ý nghĩa mà họ gán cho nó". Lev Tolstoy nhận xét rằng: "Kitô giáo ngày nay được hiểu bởi tất cả những người rao giảng các học thuyết của giáo hội, xem nó như khải huyền kì diệu siêu tự nhiên về mọi thứ vốn được nhắc đi nhắc lại trong tín điều. Với những người vô tín ngưỡng, nó được xem như một minh họa cho khao khát của con người muốn tin vào siêu tự nhiên và nay con người đã vượt qua nó như một hiện tượng lịch sử, nó đã được biểu lộ đầy đủ trong Thiên chúa giáo, Chính thống giáo Hi Lạp và tôn giáo Tin lành, và hiện nay chẳng còn có ý nghĩa sinh động nào đối với chúng ta. Ý nghĩa của Phúc âm bị che giấu đối với các tín đồ bởi Giáo hội và đối với những người vô tín ngưỡng bởi Khoa học".
Lev Tolstoy khẳng định rằng tôn giáo không phải là biểu thị của một thời phù hợp với sự phát triển của nhân loại, rồi sau đó trở thành lỗi thời, như khoa học hình dung như vậy. Tôn giáo là một biểu thị cố hữu trong cuộc sống của nhân loại, vừa không có gì thay thế được lại vừa là cố hữu ở thời hiện tại cũng như bất cứ thời nào khác. Thực chất của những lời dạy bảo tôn giáo là nhằm chỉ ra định hướng tinh thần cho con người phải sống và cư xử với nhau theo cách thức như thế nào để có được an lạc trong cuộc sống. Theo Lev Tolstoy, nhân loại trong lịch sử đã có ba kiểu cách định hướng cuộc sống của con người: thứ nhất là bám vào cá nhân hay quan điểm súc vật về cuộc sống, xem mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cá nhân; thứ hai là bám vào xã hội hay quan điểm ngoại đạo (pagan view) về cuộc sống, xem mục đích cuộc sống là thỏa mãn ý chí của cộng đồng mà anh ta thuộc về (bộ lạc, gia đình, thị tộc, quốc gia); thứ ba là bám vào toàn thể thế giới, hay quan điểm siêu phàm (divine view) về cuộc sống, hướng về cội nguồn của cuộc sống - Thượng Đế.
Theo Lev Tolstoy, những người thuộc giới khoa học không chịu thâm nhập vào quan điểm siêu phàm về cuộc sống mà tôn giáo thuyết giảng, họ lại nhìn nó đơn thuần ở những vẻ bề ngoài. Họ thường quy giản nó về khía cạnh giáo điều đơn thuần - về thuyết Ba-ngôi (Trinity), về lễ chuộc tội, về những phép lạ, về Giáo hội, về những lễ ban phước v..v... - những người thuộc giới khoa học xem nó chỉ như là một trong vô số các tôn giáo đã từng xuất hiện ở trong nhân loại, và bảo rằng giờ đây nó đã hết tác dụng lịch sử, đang sống những ngày tàn của mình, đang héo lụi đi trước ánh sáng của khoa học và sự khai sáng chân chính. Lev Tolstoy nhận xét rằng: "Đánh giá giá trị của Kitô giáo bằng các hiện tượng này thì cũng giống như người điếc phán xét đặc tính và chất lượng của âm nhạc bằng cách nhìn vào cử động của các nhạc công".
Lev Tolstoy kết luận: "Sau mười tám thế kỉ giáo dục Kitô giáo, cái thế giới văn minh vốn được đại diện bởi những nhà tư tưởng tiên tiến nhất vẫn duy trì niềm tin rằng Kitô giáo là tôn giáo của các giáo điều, rằng lời dạy của nó liên quan đến cuộc sống là bất hợp lí, và có tính chất phá hoại đối với các nghĩa vụ đạo đức hiện thực đã được luật hóa phù hợp với bản chất con người; rồi chính cái học thuyết báo thù mà Đức Kitô đã bác bỏ và thay thế nó bằng lời dạy của mình, thì họ lại cho rằng nó có ích lợi thực tiễn hơn đối với chúng ta".
Theo Lev Tolstoy, lời dạy của Đức Kitô hướng dẫn con người khác hẳn với cách thức mà các mệnh lệnh được đặt ra hướng dẫn con người ở trong quan niệm thấp hơn về cuộc sống. Những mệnh lệnh trong quan niệm nhà nước về cuộc sống chỉ hướng dẫn người ta bằng đòi hỏi họ một thực hiện chính xác quy tắc hay lề luật. Lời dạy của Đức Kitô hướng dẫn người ta bằng cách chỉ ra cho họ thấy tính hoàn hảo vô hạn của Cha họ ở trên Trời, mỗi người hướng vào đó phấn đấu một cách độc lập và tự nguyện, bất kể mức độ không hoàn hảo của anh ta lúc này ra sao.
Đức Kitô dạy bảo không phải những thiên thần, mà dạy bảo những con người vốn đang sống và hoạt động trong cuộc sống súc vật. Và Đức Kitô đưa thêm vào một lực đẩy mới - thừa nhận sự hoàn hảo siêu phàm - tác động vào lực đẩy súc vật đó, và như vậy hướng chuyển động được tạo ra dưới tác động của hai lực đẩy đó.
Đức Kitô thừa nhận sự tồn tại của hai lực đẩy đó trong sơ đồ hợp lực hình bình hành, hai lực đẩy vĩnh hằng không thể hủy hoại, mà cuộc sống của con người luôn bao hàm chúng: lực đẩy của bản chất súc vật ở con người và lực đẩy của ý thức về nguồn gốc ruột thịt của con người với Thượng đế. Trong khi không nói gì về lực đẩy súc vật vốn tự thân khẳng định và luôn luôn là như vậy, nên độc lập với ý chí con người, Đức Kitô chỉ nói về lực đẩy siêu phàm, kêu gọi con người nhận biết nó nhiều hơn, giải phóng cho lực đẩy đó khỏi tất cả những gì kìm hãm nó và thực hành nó với cường độ cao hơn. Cuộc sống chân chính của con người bao hàm trong quá trình giải phóng và gia tăng lực đẩy đó. Sự hoàn hảo siêu phàm là đường tiệm cận của đời sống nhân bản luôn cố hướng tới nó, luôn đến gần được, nhưng chỉ đạt đến nó ở vô hạn.
Sự khác biệt giữa học thuyết Kitô giáo và các học thuyết trước đó là ở chỗ, học thuyết xã hội bảo rằng:" Hãy sống đối nghịch với bản chất của anh [hiểu chỉ như bản chất súc vật] và bắt nó phục tùng theo quy luật ngoại tại của gia đình, xã hội, và nhà nước." Kitô giáo nói rằng:" Hãy sống phù hợp theo bản chất của anh [hiểu như bản chất siêu phàm]; đừng để nó lệ thuộc vào bất cứ thứ gì - kể cả chính anh (một bản ngã súc vật) và cả những người khác nữa - rồi anh sẽ đạt được chính cái mục đích mà anh khao khát, khi anh khuất phục được cái bản ngã ngoại tại của anh."
Đối với con người của nhận thức xã hội về cuộc sống, phúc lợi cá nhân đòi hỏi việc mở rộng ra mãi lĩnh vực của tình yêu; tình yêu là tất yếu và bị giới hạn vào các đối tượng nhất định - cái tôi, gia đình, xã hội. Với nhận thức Kitô giáo về cuộc sống, tình yêu không phải là tất yếu và không giới hạn vào một đối tượng nào; đó là năng lực mang tính bản chất của linh hồn con người. Con người yêu thương, không phải vì lợi ích của anh ta mà yêu thương cái này hay cái kia, nhưng bởi vì tình yêu là bản chất của linh hồn anh ta, bởi vì anh ta không thể không yêu thương.
Học thuyết Kitô giáo chứng tỏ cho con người thấy bản chất của linh hồn anh ta là tình thương yêu - rằng hạnh phúc của anh ta không phụ thuộc vào yêu thương đối tượng này hay đối tượng kia, mà yêu thương cái nguyên lí toàn thể - Thượng Đế, vốn được anh ta thừa nhận ở bên trong của chính mình như tình thương yêu, cho nên anh ta yêu thương mọi vật và mọi người.
Lev Tolstoy nhận xét về tình trạng xã hội thời hiện đại như sau:
"Chưa bao giờ có tình trạng [như hiện nay] là một thiểu số giàu có và cầm quyền, có học hơn và có ảnh hưởng hơn cả đến quần chúng, lại không những không tin vào tôn giáo hiện hữu, mà còn đinh ninh rằng trong thời đại ngày nay không cần một tôn giáo nào hết, và họ nhồi sọ cho những người đang hồ nghi vào tính chân lí của tôn giáo, không phải tuyên tín một học thuyết tôn giáo có lí hơn và sáng rõ hơn học thuyết hiện hữu, mà nhồi sọ rằng tôn giáo nói chung đã lỗi thời, và trong đời sống xã hội đương thời đã trở thành một cơ quan không chỉ vô bổ mà còn có hại, na ná như ruột thừa trong cơ thể con người. Tôn giáo được loại người ấy nghiên cứu không phải như một cái gì đó được ta hiểu biết theo kinh nghiệm nội tâm, mà như một hiện tượng ngoại tại, như thể một chứng bệnh đang mắc mà ta có thể nghiên cứu chỉ theo những triệu chứng bên ngoài.
...
Tín ngưỡng cũng là tôn giáo, chỉ với một khác biệt, ấy là dưới từ tôn giáo chúng ta hiểu một hiện tượng được quan sát từ bên ngoài, còn chúng ta gọi cũng hiện tượng ấy là tín ngưỡng được con người chiêm nghiệm bên trong mình. Tín ngưỡng là quan hệ hữu thức của con người với thế giới vô tận mà từ đó phát sinh định hướng hoạt động của nó.
...
Nếu con người không coi tất cả mọi người là anh em của mình và mạng sống của con người không được xem là vật thiêng liêng nhất, không những không được xâm hại mà còn phải duy trì và giữ gìn, coi đó là nghĩa vụ hàng đầu không thể bỏ qua - tức là nếu loài người không có quan hệ tôn giáo với nhau thì họ sẽ luôn luôn hãm hại nhau vì lợi ích của cá nhân mình.
...những người trong thế giới chúng ta, do không có tôn giáo, đã bày biện cho mình một lối sống tàn ác nhất, thú tính nhất, vô luân nhất, đồng thời cũng phát triển những hoạt động trí não phức tạp, tế vi và trống rỗng, cốt để che đi sự độc ác của lối sống ấy đến độ phức tạp không cần thiết và cực kì rối rắm, khiến cho đa số nhân loại mất đi khả năng nhìn thấy sự khác biệt giữa thiện và ác, chân lí và giả dối.
...
"Nhưng làm gì có tôn giáo chân chính? Tất cả các tôn giáo đều khác nhau vô cùng và chúng ta không có quyền gọi một tôn giáo nào là chân chính chỉ vì nó hợp với thị hiếu của chúng ta hơn" - một số người sẽ nói, họ thường xem xét tôn giáo chỉ theo những hình thức bề ngoài của chúng như một thứ bệnh mà họ cảm thấy mình không mắc, nhưng những người khác vẫn mắc phải. Nhưng điều đó không đúng: các tôn giáo khác nhau về hình thức bề ngoài, nhưng tất cả đều giống nhau trong những nguyên lí cơ bản. Và chính những nguyên lí cơ bản ấy của mọi tôn giáo hợp thành cái tôn giáo chân chính mà một mình nó tương thích với mọi người trong thời đại chúng ta và duy nhất sự hấp thu nó có thể cứu thoát họ khỏi những tai họa của họ.
...
Đối với chúng ta tôn giáo chân chính là đạo Kitô ở những điểm làm cho nó tương đồng không phải với những hình thức bề ngoài, mà với những luận điểm cơ bản của đạo Bà la môn, đạo Khổng, Đạo giáo, đạo Phật, đạo Do thái, thậm chí cả đạo Hồi.
...
Nội dung của những luận điểm ấy là: có Thượng Đế, khởi nguyên của tất cả; trong từng con người có một phần nhỏ của khởi nguyên thần thánh ấy mà nó [con người] có thể làm giảm thiểu hay gia tăng bằng cuộc sống của mình; để gia tăng khởi nguyên ấy con người cần phải kiềm chế những dục vọng của mình và tăng cường tình thương yêu; phương sách thực tiễn để đạt được điều ấy là đối xử với người khác như ta muốn được người khác đối xử với ta. Tất cả những điều ấy đều là những điểm chung cả cho đạo Bà la môn, cả cho đạo Do Thái, cả cho đạo Khổng, cả cho Đạo giáo, cả cho đạo Phật, cả cho đạo Kitô, cả cho đạo Hồi (Nếu đạo Phật không đưa ra giới thuyết về Thượng Đế thì nó vẫn thừa nhận cái mà con người hòa mình vào, nhấn chìm vào, khi đạt niết bàn. Song cái mà con người hội nhập khi chìm vào niết bàn chính là cái khởi nguyên được xem là Thượng Đế trong đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi).
...
Quy luật của đời sống con người nói rằng sự cải thiện cuộc sống cho từng con người riêng lẻ cũng như cả xã hội loài người chỉ có thể đạt được thông qua công cuộc hoàn thiện nội tại ,đạo đức - tinh thần.
...
Hình thành một vòng luẩn quẩn: sự thiếu vắng tôn giáo khiến cho cuộc sống thú tính dựa trên bạo lực có khả năng trở thành hiện thực; cuộc sống thú tính dựa trên bạo lực ngày càng làm cho con người mất đi khả năng thoát khỏi thôi miên và [việc] hấp thụ tôn giáo chân chính trở thành bất khả.
Nguyễn Văn Trọng
Văn hóa Nghệ An
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6
Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh