I. MINH ĐỊNH

1. Tôi không tin những thứ như để mồ để mả, đồng bóng, bói toán, tam hợp và tứ hành xung… không có nghĩa là tôi không tin rằng có những lực lượng siêu nhiên đang tác động tới từng người, từng cộng đồng, thậm chí là tới toàn thể nhân lọai. Ngược lại, tôi tin rằng có những lực lượng mà loài người chưa biết và có thể chẳng bao giờ biết vì chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ, cho nên chúng ta không thể nào biết được cái toàn thể là vũ trụ bao la, trong đó có những lực lượng đang tác động tới cuộc sống của chúng ta. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng những lực lượng đó họat động theo ý của chúng, chúng ta không thể nào dùng đồng bóng, cúng kiếng hay đặt mồ đặt mả mà thay đổi được số phận của mình.

2. Tôi không tin vào số tử vi do con người đoán cho nhau không có nghĩa là tôi không tin rằng người ta không có số. Ngược lại, tôi tin rằng mỗi người đều có số phận của riêng mình, nhưng nếu coi số phận của mỗi người là một phương trình thì đấy là phương trình có cực kì nhiều ẩn số, chứ không phải chỉ có 5 ẩn số là giới, giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh và năm sinh và vì vậy mà không ai có thể đoán trước được.

II. ĐẶT MỒ ĐẶT MẢ

1. Trong kịch Hamlet (1601) có một câu rất ấn tượng và đáng nhớ: “Nhà vua béo và anh hành khất gầy chỉ là hai món ăn trên cùng một bàn tiệc”. Nghĩa là, chết rồi thì ai cũng như ai, cả anh hành khất lẫn nhà vua đều chỉ là món ăn của dòi bọ. Rất logic và rất duy vật. Nhưng có lẽ cũng chưa duy vật bằng Trang Tử (370-287 TCN). Sách Nam Hoa Kinh chép “Trang tử gần chết, các đệ tử muốn hậu táng, nhưng Trang tử không cho. Trang tử nói: Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm ngọc bích, tinh - tú làm ngọc châu, vạn - vật làm lễ tống. Đám táng của ta như vậy, không đủ sao? Mà còn thêm chi cho lắm việc!” Đệ tử thưa: “Chúng con sợ diều quạ ăn xác Thầy!” Trang tử nói: “Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho riêng đó, sao lại có thiên lệch thế!”

Thế mà vào cuối thập kỉ thứ hai của thiên niên kỉ thứ ba (cách Trang Tử tới 2.400 năm) vẫn còn tán tụng về những chỗ đắc địa, rồng cuộn hổ chầu thì chẳng phải là mất thì giờ và nhảm nhí hay sao?

2. Trong lịch sử dân tộc Trung Hoa có hai nhân vật đặc biệt gian hùng: Tần Thủy Hòang và Tào Tháo. Nếu có thể táng bố mẹ vào những nơi đắc địa để triều đình của mình tồn tại mãi thì hẳn là hai nhận vật này đã làm rồi, dưới trướng của họ thiếu gì người giỏi. Nhưng kết cục, triều đại của Tần Thủy Hòang chỉ kéo dài thêm 6 năm sau khi ông ta chết, còn nhà Nguỵ cũng chỉ kéo dài mấy chục năm mà thôi.

3. Một số dân tộc dùng điểu táng (cho chim ăn xác chết), thủy táng (thả trôi sông), hỏa táng (thiêu thành tro) hay những dân tộc theo Thiên Chúa giáo, bị cấm làm những việc dị đoan nhảm nhí không có trò đặt mồ đặt mà thì sao? Cha ông họ không phù hộ cho con cháu ư?

4. Hỏi: Bạn có thấy ông thầy địa lí nào xuất thân trâm anh thế phiệt hay con của các tứ trụ triều đình hay chưa?

Trả lời: Chắc chắn là chưa. Hầu hết đều là những người học hành không đến nơi đến chốn, khố rách áo ôm, chỉ được mỗi một cái là bẻm mép.

5. Hỏi: Vì sao người ta lại tin vào việc đặt mồ đặt mả?

Trả lời: Nếu quả thật đặt mồ đặt mả mà gây được ảnh hưởng tức thì tới số phận của người ta thì đây chắc chắn phải là mối bận tâm của những người nghèo khổ nhất, tương tự như những người nghèo nhất hiện nay quan tâm tới sổ số vậy. Nhưng, bạn đã thấy anh đánh giậm hay chị cấy thuê nào tìm thầy địa lí để táng bố mẹ mình chưa? Chắc chắn là chưa. Chỉ có những người đã giàu có hay đang trở thành giàu có mới làm những việc như thế mà thôi. Mà ngày xưa, cái thời sản xuất nông nghiệp, khi đã giầu rồi, đã có dăm ba mẫu ruộng rồi thì khó mà nghèo đi lắm. Vì thế mà thấy những nhà giàu có mà trước đó có thuê thầy địa lí tìm chỗ đặt mồ đặt mả là người ta liền trầm trồ: Nhà ấy được thầy địa lí chỉ chỗ đắc địa v.v... Còn thời nay, kinh tế thị trường, chỉ cần vài quyết định sai lầm là sạt nghiệp ngay, còn những người làm chính trị trong các chế độ dân chủ chỉ cần lỡ miệng vài lần là thân bại danh liệt liền, mả bố có tang ở đâu cũng không giúp được.

Tóm lại: Di cốt của tiền nhân là cái đáng kính trọng, nhưng chẳng thể nào giúp được người sống bất cứ chuyện gì. Chớ nên mất thì giờ bàn nhăng tán nhảm những chuyện như thế.

Hòn đất mà biết nói năng.

Thì thầy địa lí hàm răng không còn.

III. TỨ HÀNH XUNG

1. Để xác định ngày, giờ, năm tháng, người Trung Quốc cổ đại đặt tên các năm theo tên những con vật mà họ thường gặp hàng ngày là Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi (gọi là Thập Nhị Địa Chi hay mười hai con giáp), trong đó chỉ có con Rồng (Thìn) có lẽ là không có thật ngòai đời, nhưng lại có vị trí quan trọng trong tiềm thức của người Trung Quốc. Nhưng lúc đó, những người sống lâu có lẽ có tuổi thọ chừng 50-60 tuổi (nhân sinh thất thập cổ lai hi) cho nên nếu chu kì chỉ là 12 năm thì không thể nào mô tả được sự kiện diễn ra trong một đời người, mà cho thêm tên những con vật khác thì có thể là nhiều quá, khó nhờ. Cho nên người ta mới nghĩ ra Thiên Can hay Thập Can, gồm Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỉ. Thập Can kết hợp với Thập Nhị Địa Chi tạo thành một chu kì gọi là Lục Thập Hoa Giáp (60 năm) vì bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12 là 60. Như vậy là tạm đủ đối với những người cổ đại không đi ra khỏi lũy tre làng và tuổi thọ cao nhất cũng chừng 60 năm. Nhưng đối với người hiện đại thì như thế là chưa đủ, ví dụ, nếu nói cuộc Cách mạng năm Ất Dậu mà không chua thêm 1945 thì không ai tưởng tượng được cuộc Cách mạng này xảy ra khi nào, cách đây bao nhiêu năm. Tương tự như thế, nói đến Chiến thắng Đống Đa năm Kỉ Dậu thì người ta cũng phải viết thêm năm dương lịch 1780 v.v... Rõ ràng là có sự bất tiện.

2. Nhưng như thế vẫn chưa hết. Người Trung Hoa cổ đại còn quan niệm vũ trụ có âm và dương và được xây dựng từ năm thành tố gọi là Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), tương tự như đạo Phật quan niệm có bốn thành tố (Đất, Nước, Gió, Lửa). Đây là những quan niệm duy vật sơ khai, bây giờ chúng ta biết rằng vụ trụ được cấu tạo từ hơn một trăm nguyên tố. Ngũ Hành lại có tương sinh, tương khắc; các cặp tương sinh là Kim sinh Thủy (quan niệm đơn giản: nấu chảy kim lọai thì thành nước, những cắp khác cũng tương tự như thế), Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim; các cặp tương khắc là Kim khắc Mộc (dao chặt cây, các cặp khác cũng tương tự như thế), Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim.

3. Tiến thêm một bước nữa, người ta ghép năm tháng vào với âm dương và ngũ hành, thành Tý (Dương Thủy), Sửu (Âm Thổ), Dần (Dương Mộc), Mão (Âm Mộc), Thìn (Dương Thổ), Tỵ (Âm Hỏa), Ngọ (Dương Hỏa), Mùi (Âm Thổ), Thân (Dương Kim), Dậu (Âm Kim), Tuất (Dương Thổ), Hợi (Âm Thủy). Và theo quy luật sinh khắc của ngũ hành, người ta nói rằng những người sinh trong một số năm nào đó thì xung khắc với nhau, cụ thể có 4 tuổi xung khắc nhau, gọi là Tứ Hành Xung như sau:

* Dần – Thân, Tỵ – Hợi khắc nhau

* Thìn – Tuất, Sửu– Mùi khắc nhau

* Tý – Ngọ, Mão – Dậu khắc nhau

Người ta nói, những người sinh trong những tuổi khắc nhau không nên lấy nhau, nếu lấy nhau sẽ gặp nhiều trắc trở. Có cả Tam hợp tức là 3 tuổi hợp nhau, nhưng ít người quan tâm thành ra không bàn ở đây vì dài quá.

4. Nhưng, không có bất cứ ở đâu, cả trên mặt đất, mặt biển hay trăng sao có bất kì dấu hiệu nào, ví dụ, chứng tỏ năm nay là năm Đinh Mùi. Đây là quy ước do con người đặt ra, nếu cái người đầu tiên nghĩ ra hệ thống can chi mà khởi đầu chu kì là năm Tý trước đó hay sau đó một vài năm thì năm nay có thể là năm Sửu, năm Dần hay bất kì năm nào khác. Mà năm Tý thuộc hành Thủy v.v... cũng là do con người tùy tiện đặt ra, chẳng có biểu hiện nào trong vũ trụ chứng tỏ điều đó.

Vì vậy mà Tứ Hành Xung chỉ là quan niệm giả tạo không đáng tin. Thêm nữa, Theo công trình nghiên cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM), tỷ lệ ly hôn/ kết hôn ở Việt Nam là 31,4%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn (mà nhiều người chắc chắn là đã tránh Tứ Hành Xung rồi).

ĐẠO LÝ là:

1. Các bậc làm cha làm mẹ chớ có tin vào Tứ Hành Xung mà cản trở tình duyên của con em, nhất là khi họ đã yêu nhau thắm thiết, có thẻ dẫn tới những bi kịch đáng tiếc.

2. Các bạn trẻ mới có gia đình mà gặp trục trặc chớ nghe người ta nói mình rơi vào Tứ Hành Xung mà đẩy nhanh tiến trình chia li, bao giờ cũng phải suy nghĩ cho thật kĩ.

Cách đây nhiều năm mình hay đến thăm một sư ông. Lần ấy có người hỏi: “Con, tuổi… cuới vào hôm nào thì hợp”, sư ông đáp: “Cưới chiều thứ bảy hay chủ nhật thì có nhiều phong bì”. Lại hỏi: “Con nên làm nhà theo hướng nào?”, sư ông hỏi lại: “Nhà phố hay quê?; đáp: “Phố ạ”, sư ông là trả lời: “Thế thì quay mặt ra đường chứ chả lẽ quay lưng đường à!” Thật là một sư ông hiểu đạo lí và sáng suốt.

IV. COI GIỜ TẨM LIỆM, CHÔN CẤT, XẢ TANG và MÀU XE

1. Chắc chắn, đối với đời của một con người thì giây phút hồn lìa khỏi xác là thời điểm quan trọng nhất, bởi vì còn sống thì còn có thể thay đổi tất cả mọi thứ, nhưng chết rồi là hết. Thời khắc đó còn quan trọng ở chỗ lúc hồn lìa khỏi xác cũng có thể là lúc những phúc thần, Đức Phật hay Chúa Jesus… có thể đi ngang qua và các ngài mang hồn theo làm đệ tử thì quá may mắn; nhưng cũng có thể lúc đó lại xuất hiện ác thần, hồ li tinh hay các ông Lenin, Mao Trạch Đông, Hitler, Popot… trên đường tuyển quân và họ lôi theo thì thật là khổ. Biết vậy, nhưng ai mà quyết định được giờ khắc lên đường ra khỏi cõi tạm này, cũng như làm sao biết được lúc nào phúc thần hay ác thần đi ngang quan địa phương mình để mà theo hay tránh.

Sau khi hồn đã đi rồi, mà theo William Shakespeare, qua lời của nhận vật Hamlet thì đấy chỉ còn là món khoái khẩu của dòi bọ, hay theo lời của Trang Tử thì bỏ trên mặt đất là mồi của cầy cáo, mà chôn xuống thì là mồi của giun dế, thì tại sao lại phải bận tâm về việc ngày giờ tẩm liệm, chôn cất, xả tang?

Mà tên gọi những ngày giờ đó, như đã nói trước đây, chỉ là do con người đặt ra, trên mặt đất, mặt biển, trong ánh mặt trời… không ở đâu có biểu hiện nói rằng, hôm nay, ngày 28 tháng 6 năm 2017 (âm lịch) là ngày Kỷ Dậu, tháng Đinh Mùi, năm Đinh Dậu. Vì vậy mà việc xem ngày giở để tẩm liệm, chôn cất, xả tang cũng là do con người bày đặt ra mà thôi.

Thiết nghĩ, ma chay là việc lớn, không ai có thể chuẩn bị đầy đủ được, vả lại cũng cần chờ đợi người thân ở xa về để đưa người vừa rời cõi tạm đoạn đường cuối cùng cho nên đám tang chỉ nên kéo dài ba ngày là vừa.

2. Màu xe. Người ta còn gán cả ngũ hành cho màu sắc và từ đó cũng sinh ra chọn màu xe cho hợp tuổi. Nếu không tin cách gán ghép âm dương ngũ hành cho tuổi tác thì tất nhiên cũng nên coi mua xe theo tuổi chỉ là trò mua vui mà thôi.

Vả lại đã tin là phải mua xe có màu hạp với tuổi thì cũng phải tìm cả màu nhà, màu cánh cổng, màu quần áo, chiều cao và chiều rộng của cổng, thậm chí cả giờ ăn, giờ ngủ vì ăn ngủ phải giờ xấu thì sao? Tóm lại, nếu tin vào những trò phong thủy đó thì có quá nhiều cái để lo, cuộc sống còn thú vị gì nữa. Cá nhân tôi luôn hành động phù hợp với hoàn cảnh, như các thiền sư nói: “Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền” và “Lấy vợ đàn bà làm nhà hướng nam”

V. SỐ TỬ VI

1. Những câu hỏi mà các nhà đoán số tử vi không thể nào trả lời nổi:

a. Tổng cộng chỉ có (12x365x60x2) = 255.600 lá số tử vi mà thôi. Trong khí đó, theo số liệu thống kê thì mổi năm riêng ở Việt Nam đã tăng thêm khoảng 1 triệu người, cộng với số người chết khoảng 500 ngàn, tức là mỗi năm có thêm 1,5 triệu trẻ em ra đời và sống đến lúc trưởng thành; như vậy là có 171 người có chung 1 lá số. Nếu tính trên toàn thế giới (7 tỉ người) thì sẽ có khoảng 13 ngàn người có chung 1 lá số, còn tính riêng ở Trung Quốc (1,3 tỉ người), nơi xuất phát tử vi đầu số thì sẽ có khoảng 2.500 người có chung 1 lá số. Số phận của những người đó có giống nhau hay không, thiết nghĩ chẳng cần nói thì cũng rõ. Ai còn nghi ngờ xin hãy vào một lớp mẫu giáo hay lớp 12 một trường trung học phổ thông nào đó thì sẽ thấy. Cụ thể hơn, chắc chắn là hiện nay đang có hàng chục cụ có lá số tử vi giống hệt là số của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong số đó cũng có một số cụ đang sống lay lắt những ngày cuối đời trong vùng thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra.

b. Chưa cần nói đến số phận trong tương lai xa xôi, 171 cháu bé sinh ra từ 9 giờ đến 11 giờ sáng ngày hôm nay (giờ Hợi), trong khi tôi đang viết những dòng này, đều có chung lá số tử vi, cũng tức là có cung phụ mẫu giống hệt nhau (có thể kể thêm cung huynh đệ), vậy cha mẹ của các cháu bé này có số phận giống nhau hay không? Theo tử vi thì phải giống nhau. Nhưng trên thực tế chắc chắn là không, 171 gia đình có con cháu sinh vào giờ đó trong ngày hôm nay chắc chắn là có những hoàn cảnh vô cùng khác nhau, có gia đình giàu có, sang trọng nhưng cũng có gia đình nghèo nàn.

c. Hai anh em ruột, có cha mẹ chung nhau, vậy cung phụ mẫu (có thể thêm cung huynh đệ) của họ có giống nhau hay không? Theo tử vi thì cung phụ mẫu (cả huynh đệ) của hai người này phải khác nhau, trừ khi họ sinh cách nhau đúng 60 năm. Ông bố nào cả ghen và mù quáng tin vào tử vi chắc sẽ nghi ngờ vợ ngoại tình và có thể đánh vợ tới chết.

Tạm liệt kê vài câu hỏi khó như thế. Xin các thầy tử vi hãy trả lời trực tiếp, còn vị nào nói rằng đã trình bày sai quan niệm của người Trung Quốc cổ đại hay vị nào nói rằng ếch ngồi đáy giống cũng xin trình bày xem quan niệm của người xưa chính xác là như thế nào. Xin đa tạ.

2. Bản chất của lá số tử vi

Tương truyền rằng đời Gia Tĩnh (vua Minh Thế Tông) có lưu truyền cuốn Tử vi Đẩu số Toàn thư do tiến sĩ La Hồng Tiên biên soạn. Lời tựa nói Tử Vi đẩu số toàn thư là của tác giả Hi Di Trần Đoàn.

Các sách về Tử vi sau này cũng đều thống nhất rằng người đầu tiên tổng hợp, hệ thống lại thành môn bói này là Trần Đoàn tức Hi Di Lão Tổ, sống vào đời Bắc Tống, Trung Quốc.

Tuy xuất phát từ Trung Quốc, Tử Vi không được nổi bật lắm trong các môn bói toán khác. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam, nó trở thành môn học được ưa chuộng nhất. Dần dần, Tử Vi Việt Nam có thêm những dị biệt so với Tử Vi nguyên thủy của Trung Quốc.

Những dị biệt giữa Tử Vi Việt Nam và Trung Quốc bao gồm:

1. Cách an mệnh của Tử Vi Việt nam bắt đầu từ cung Dần, trong khi một số phái tử vi Trung quốc bắt đầu từ cung Tý

2. Cách tính tuế hạn của Tử Vi Việt Nam tùy thuộc vào chi của tuổi người xem. Trong khi tuế hạn của Trung quốc cố định.

Đối với những người không chuyên thì chỉ cần biết rằng cách lập lá số tử vi của Trung Quốc và Việt Nam là khác nhau. Và đây là câu hỏi lớn: Vì sao lại khác? Có phải vì nó lá món bói toán tuỳ tiện, thích thế nào cũng được?

Có những cuốn sách dạy an sao nói có 93 sao, nhưng cũng có cuốn nói có 89 sao, lại có môn phái Tử vi an sử dụng tới 118 sao.

Đại khái có 14 sao chính:

- Vòng Tử Vi có 6 sao: sao Tử vi, Thiên cơ, Thái dương, Vũ khúc, Thiên đồng và Liêm trinh.

- Vòng Thiên Phủ có 8 sao: Thiên phủ, Thái âm, Tham lang, Cự môn, Thiên tướng, Thiên lương, Thất sát và Phá quân.

Còn lại là các phụ tinh. Các sao này mang bản sắc riêng biệt được an định trong 12 Cung trên một Thiên Bàn.

Lá số tử vi bao gồm 12 cung như sau: 1. Cung Mệnh và Thân, 2. Cung Phụ Mẫu, 3. Cung Phúc Đức, 4. Cung Điền Trạch, 5. Cung Quan Lộc, 6. Cung Nô Bộc, 7. Cung Thiên Di, 8. Cung Tật Ách, 9. Cung Tài Bạch, 10. Cung Tử Tức, 11. Cung Phu thê, 12. Cung Huynh Đệ (hay cung Bào). Tức là đủ hết các thứ liên quan đến cuộc đời của một con người, từ công danh, tài lộc, cha mẹ, vợ con, đất đai, nhà cửa, kẻ hầu người hạ v.v... cho nên nó có thể làm cho những người nhẹ dạ nhầm lẫn là khoa học.

Nhưng khoa tử vi hoàn toàn không khoa học gì hết, vì dù có 89, 93 hay 118 sao thì đây cũng là những tên gọi do một người nào đó nghĩ ra, chứ trên trời, dưới đất hay dưới biển hay trên vũ trụ cũng đều không có những thực thể nào như thế hết. Cách an sao vào mười hai cung cũng là do một người nào đó tự nghĩ ra. Nếu nói đây là MẶC KHẢI thì tại sao cách an mệnh của Tử Vi Việt nam bắt đầu từ cung Dần, trong khi một số phái tử vi Trung quốc bắt đầu từ cung Tý?

Như vậy, có thể kết luận: Tử vi là môn bói toán tuỳ tiện vì:

1. Khởi đầu của vòng lục thập hoa giáp (60) năm là do một ngưởi nào đó nghĩ ra, người đó có thể bắt đầu tính chu kì đầu tiên trước đó hoặc sau đó vài năm, và như thế năm nay có thể không phải là Đinh Dậu mà có thể là năm Dần, hay Thìn, hoặc Tỵ hay Ngọ v.v...

2. Những ngôi sao để an vào các cung cũng là do một người nào đó nghĩ ra chứ hoàn toàn không có thật.

3. Cách an các ngôi sao cũng tuỳ tiện vì vậy mà cách lập tử vi của Việt Nam (học trò) lại khác với cách lập của Trung Quốc (thầy).

Tóm lại, tôi cho rằng đây là một thú chơi của người xưa, khá rắc rối, có những quy luật mà họ tự đặt ra, tương tự như cờ tướng hay cờ vây, rất có ích cho người già luyện trí óc và chỉ có thế mà thôi. Những người trẻ tuổi chớ nên mù quáng tin vào những trò bói toán quàng xiên để khỏi vừa mất thì giờ vừa mất tiền toi.

Xin các thầy tử vi hãy trả lời trực tiếp, còn vị nào nói rằng đã trình bày sai quan niệm của người Trung Quốc cổ đại hay vị nào nói rằng ếch ngồi đáy giống cũng xin trình bày xem quan niệm của người xưa chính xác là như thế nào. Xin đa tạ.

3. Những câu chuyện tức cười về tử vi

1. Chuyện này có lẽ nhiều người biết. Hai người có chung một lá số, một ông làm vua, ông kia là dân thường, nhưng lại có mấy tổ ong mật; thế là cách “thầy” liền bảo: “Chỉ huy cả vạn con ong thì cũng là vua rồi”. Nếu bây giờ có “thầy” nào tìm được một cụ ông ở vùng thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra đang nuôi một đàn vịt nhưng có cùng lá số tử vi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bảo: “Thì cụ cũng chỉ huy cả trăm con vịt, cũng là vua còn gì” thì hẳn là cụ già này sẽ bảo: “Ừ tôi cùng tuổi, nhưng chữ TUỔI” của tôi không có Ô đâm ra thành TỦI”.

2. Chuyện này có thật 100%. Người xem số cho tôi cũng đồng thời xem cho một người khác hơn tôi chừng 20 tuổi và phán: “Thằng này nhất định sẽ phải lấy hai đời vợ. Ông bà tìm xem có đứa đi ở hay cấy thuê nào cưới cho nó một đứa”. Gia đình cưới cho anh này một chị cấy thuê và sau đó một thời gian ngắn thì họ bỏ nhau. Chưa cưới đã nghĩ đến bỏ, mà lại phận làm thuê ở xa tới, gia đình nhà chồng khinh rẻ, không bỏ mới là chuyện lạ. Nhưng sau chuyện này, uy tín của thầy lại càng cao thêm.

3. Cách đây nhiều năm mình có giao du với với một vị tiến sĩ, vị này tự khoe là thần sầu quỷ khóc về món tử vi và có lập lá số cho mấy người con của một người bạn quen chung. Chắc những lá số này đều tốt, bố mẹ sẽ thọ, tóm lại cả hai người bạn đều rất vui. Chẳng ngờ nửa năm sau người bạn nhờ lập số tử vi bỗng nhiên lăn ra chết. Mình tới đèo “thầy” đi viếng tang, đã nửa đường rồi mà “thầy” vẫn suýt soa, “sao lại chết, không thể tin được, không thể tin được”. Mình đành phải nói: “Chết thật rồi anh ơi, em ở đấy đêm qua mà. Tin đi anh”. Từ đó không hiểu sao không thấy anh này bàn về tử vi nữa.

4. Có một người rất thông minh, giàu có, hình như tuổi có chữ MẬU; thế là cứ nói đến bạn bè là lại bảo thằng ấy có chữ MẬU; MẬU là rậm rạp, buôn bán thì có nhiều tiền, trồng cây thì xum xuê, mà nếu không thì chỗ nào đó lông phải rậm. Có tức cười không? Lông và tiền thì liên quan gì với nhau. Người ta hay nói CANH CÔ MẬU QUẢ và cứ thấy người nào ít anh em hay ít con là lại nhắc tới câu đó v.v..., nhưng xin nhắc lại CANH hay MẬU đều là do con người đặt ra, trên trời, dưới đất hay dười biển không có chỗ nào có CANH hay MẬU hết.

5. Có một câu hỏi nữa, xin liệt kê thêm để các “thầy” trả lời luôn một thể: Người sinh vào tháng nhuận thì lập lá số thế nào? Có người bảo nửa tháng đầu nhuận tính theo tháng trước, nửa sau thì tính theo tháng sau. Các vị có thấy vô lí không?

6. Ngày xưa người ta thường lấy lá số tử vi ngay từ khi mới lọt lòng. Nhưng phải trên 12 tuổi thì mới giải thích vì sợ nhỡ lá số nói là sau này sẽ làm đại tướng quân hay giàu nứt đố đổ vách mà lại chết yểu ngay từ năm hai ba tuổi thì “thầy” làm gì còn chỗ kiếm cơm.

TỬ VI - TỔNG KẾT

Có thể liệt kê chí ít là 7 mâu thuẫn nội tại của chính môn Tử vi:

1. Khởi đầu của vòng lục thập hoa giáp (60) năm là do một người nào đó nghĩ ra, người đó có thể bắt đầu tính chu kì đầu tiên trước đó hoặc sau đó vài năm, và như thế năm nay có thể không phải là Đinh Dậu mà có thể là năm Dần, hay Thìn, hoặc Tỵ hay Ngọ v.v...

2. Những sao để an vào các cung (12 cung) cũng là do một người nào đó nghĩ ra chứ hoàn toàn không có thật.

3. Cách an các ngôi sao cũng tuỳ tiện vì vậy mà cách lập tử vi của Việt Nam (học trò) lại khác với cách lập của Trung Quốc (thầy).

4. Ngay từ 7 giờ sáng đến 9 giờ sáng ngày hôm nay đã có 171 trẻ em Việt Nam ra đời, nghĩa là sẽ có 171 người có chung 1 lá số. Số phận của chúng có giống nhau hay không?

5. 171 cháu bé có chung lá số tử vi, cũng tức là có cung phụ mẫu giống hệt nhau (có thể kể thêm cung huynh đệ), vậy cha mẹ của các cháu bé này có số phận giống nhau hay không?

6. Hai anh em ruột, có cha mẹ chung, nhưng cung phụ mẫu (có thể thêm cung huynh đệ) của họ lại khác nhau. Các thầy tử vi trả lời sao đây?

7. Làm sao lập số tử vi cho những người sinh trong tháng nhuận (âm lịch)?

Tất cả những người nói rằng thông thạo Tử vi mà tôi (hay bạn) đã gặp đều không trả lời được những câu hỏi này. Như vậy, có thể kết luận rằng, Tử vi hoặc là một thú chơi giống như môn cớ tướng hay cờ vây của người Trung Quốc cổ đại hoặc là một môn bói toán tuỳ tiện, chẳng có giá trị gì.

ĐẠO LÍ ở đây là:

1. Các bạn trẻ nếu có năng lực và thì giờ thì nên đi sâu tìm hiểu chuyên môn mình đang làm, rồi học ngoại ngữ, bán hàng trên mạng hay đọc những cuốn sách có hàm lượng trí thức cao. Đấy là những việc ích nước lợi nhà. Chớ nên sa đà vào những chuyện bói toán nhảm nhí, chỉ mất thì giờ.

2. Các ông bố bà mẹ trẻ tuyệt đối không được nghe theo các “thầy” Tử vi mà mổ bụng lôi con ra sớm. Cực kì có hại.

Tạm dừng ở đây.

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến