Quan niệm dân tộc, dân chủ của Phan Châu Trinh thì chúng ta đều biết. Về mặt lý luận, ông đã có những tác phẩm về quân trị, dân trị, có Thư thất điếu nổi tiếng. Về mặt văn chương, ông có thơ chữ Hán (như Chí thành thông thánh) và nhiều bài thơ khác (cả chữ Hán, chữ Nôm), lại có tập Tỉnh quốc hồn ca và truyện thơ Giai nhân kỳ ngộ. Bấy nhiêu tác phẩm đã cho ta rõ về tư tưởng Phan Châu Trinh hồi đầu thế kỷ XX. Trong con mắt của các nhà chí sĩ đương thời, ông được xem như là đại diện tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân chủ Việt nam. Ông tự ví mình với nhà hoạt động chính trị ở Ý (Mazzini), nên mới lấy cái biệt hiệu là Hy Mã (theo gương Mã Chí Nê). Phan Bội Châu thừa nhận ở ông là: “Tài Mã Nê đang ra sức hô hào” và “Lư Thoa, Mạnh Đức so sánh người xưa”. Với Phan Châu Trinh, đất nước Việt Nam sẽ được hứa hẹn là một ngày nào đó: “Cửa dân chủ treo đèn thêm sáng chói”.

Đó là nhìn chung Phan Châu Trinh trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh, xem như một lời danh ngôn. Nguyên văn chữ Hán, dịch ra thành tiếng Việt (báo Tiếng Dân số 613 năm 1933, trong toàn bài nhan đề là Hiện trạng Vấn đề): Vậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.

Có thể nói là Huỳnh Thúc Kháng đã chọn đúng một câu nói của Phan Châu Trinh, xứng đáng là một câu danh ngôn. Chi Bằng Học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng.

Câu danh ngôn này được phát biểu vào năm 1907, trên tờ Đăng Cổ Tùng Báo (Huỳnh Thúc Kháng nhớ toàn văn bài báo, nhưng lại không ghi cho biết số báo mấy, ra ngày nào). Lúc này phong trào học mới đang sôi nổi, trở thành phong trào duy tân khởi phát từ Quảng Nam, do các nhà nho tiến bộ chủ trì. Ở Hà Nội, Đông Kinh Nghĩa Thục phát động phong trào này. Các nhà chí sĩ khắp ba kỳ đều nhất tề hưởng ứng. Đã có một số tác phẩm lý luận, chính trị nêu rõ đường lối của cái học mới này: đó là bản Văn minh tân học sách. Phan Châu Trinh không có bài viết nào đề cập đến cái sách lược mới này, nhưng ông cũng là người được Đông Kinh Nghĩa Thục mời đến nói chuyện, giảng bài. Có thể nói là khác với hầu hết chí sĩ duy tân, - (có thể có một số người mà chúng ta chưa có tài liệu để tham khảo kỹ) là ông rất kiên trì quan điểm “Chi Bằng Học” trong suốt cuộc đời mình. Đã đến lượt, chúng ta có thể thu thập trong toàn bộ tác phẩm của ông, để hệ thống hóa lại quan niệm “Chi bằng học” của Phan Châu Trinh cho trọn vẹn.

Tượng cụ Phan Chu Trinh do nghệ nhân Nguyễn Long Bửu của làng đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước (Đà Nẵng) thực hiện

 

1- Trước hết, nói đến sự học, Phan Châu Trinh đã lên án cái học chữ Hán ở nước ta từ trước là cái học “ù ù cạc cạc”, “khiến cho con người tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn”. (1) Học chữ Nho đã thế, sau này học theo chữ Pháp nữa, cũng chẳng ích gì cho tầng lớp trẻ Việt Nam:

Học Tây đã lam nham như thế

Học Tàu còn ai kể vào đâu

Thừa ra quốc ngữ mấy câu

Trông gì mà đặng cái đầu thiếu niên?

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 249-252)

Bản chất cái học là như thế, nhưng các nhà cầm quyền (bọn thực dân và bọn vua quan phong kiến) còn tìm cách ngăn cản, hạn chế việc học. Do đó cái học ở Việt nam là cái học chẳng ra gì, thua kém toàn thế giới:

Thử xem khắp cõi dinh hoàn

Hai mươi thế kỷ, ai còn như ta

(Sách trên)

 

2- Về mục đích sự học, Phan Châu Trinh cũng xuất phát từ quan điểm dân chủ của ông. Cái gốc trước nhất là xét về chế độ chính trị, chế độ xã hội, ông nêu rõ chính cương (ông đã dùng hai chữ này) của mình:

Quyền vua đổi lại quyền dân

Chánh cang (chánh cương) trước phải vài phần khai minh

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 491-492)

“Khai Minh” là nói cho rõ ra. Rõ ở đây là rõ cái tinh thần dân chủ, tinh thần tự do. Phan Châu Trinh quan niệm cái học phải đi theo tinh thần của tự do dân chủ. Ở bài Hiện trạng vấn đề nói trên, ông đã đưa ra một hình ảnh: Ông mường tượng thấy mình đứng trên lầu cao mấy mươi tầng, thấy một vị thần mắt đưa tay ngoắt, trông ta mà mỉm cười, ấy là vị thần tự do vậy”.

Có được tinh thần như vậy, thì mới biết chọn con đường mà học:

“Con nhà trông thấy đêm ngày

Nguồn trong, dòng sạch xưa nay lẽ thường,

Lớn lên học phải lựa trường

Bạn thầy, nghĩa lý, văn chương, trau dồi

(Bài ca dạy con, câu 21-24)

Từ mục đích sâu xa ấy, đi tới cái mục đích gần gũi, là phải “tự lực khai hóa”, phải sửa lại những tục xấu của đất nước mình”.

Hiền nhân, quân tử những người

Đứng lên mà sửa tục đời cho chăng?

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 255-256)

Muốn được như vậy, chủ yếu là phải biết học thế giới, học sự tiến bộ của các dân tộc trên hoàn cầu:

“Bây giờ phải tính làm sao

Rủ nhau đi học mọi điều văn minh

(Sách trên, câu 223-224)

Tất cả các nước trên thế giới này đều có những cái hay riêng cho ta học tập. Ta học cả Á, Âu, Mỹ và nhất là học những nước ở chung quanh ta.”

Kìa xem trong cõi Á Đông

Trung Hoa, Nhật Bản cũng dòng giống ta.

Nhìn ngoái lại Xiêm La gần đấy

Phi Liệp Bình chẳng mấy nhiêu xa (tức Philippin)

(Tỉnh quốc hồn ca II, câu 79-82)

Quan niệm Phan Châu Trinh đúng là một quan niệm mở.

 

3- Đi vào nội dung cụ thể, Phan Châu Trinh không có điều kiện đưa ra những chương trình học tập, nhưng ở một vài văn kiện, ta cũng thấy ông nêu được các nhiệm vụ rõ ràng, mà có phần chi tiết nữa. Trong Bức thư gửi Toàn quyền Đông Dương (bản dịch của Ngô Đức Kế in trên báo Tân Dân đã nói trên), ông nêu rõ một loạt 7 vấn đề, yêu cầu người Pháp phải nên thi hành thành chính sách, thì mới nâng cao được trình độ quốc dân, mà khiến cho người dân tin tưởng để vui lòng hợp tác. Đó là các vấn đề:

a. Đổi pháp luật – Dạy lớp sư phạm

b. Bỏ khoa cử - Học công thương

c. Mở trường học – Học mỹ nghệ…

d. Đặt tòa tu thư

Có thể không thể có một chương trình nào đầy đủ và chi tiết hơn. So với những gì đã được trình bày trong Văn minh tân học sách, so với chương trình giáo dục (qua các sách vở được công bố ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục), Phan Châu Trinh không bổ sung gì hơn, nhưng phương hướng và đề cương của ông là cụ thể. Cần lưu ý một điều nữa là, ông đã vạch những điều mà chính quyền thực dân Pháp có thể làm được – (mặc dầu chúng không bao giờ làm là lẽ tất nhiên).

Ngoài những điểm cơ bản ấy, có điều đáng chú ý thêm là Phan Châu Trinh rất quan tâm đến việc học nghề. Đây cũng là quan điểm trong thực nghiệp của các nhà duy tân. Nhưng ông Phan đã tỏ ra tha thiết hơn:

Ngồi thử nghĩ càng đau tấc dạ

Hỡi những người chí cả thương quê

Mau mau đi học lấy nghề

Học rồi, ta sẽ đem về dạy nhau

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 101-104)

Học nghề, là học những nghề gì? Theo Phan Châu Trinh, có những nghề cổ truyền cần phải phát huy. Nhân dân vốn có tài về những nghề thủ công mỹ nghệ, nhưng chưa hề có sự cải tiến, cần phải rút kinh nghiệm của người Âu Mỹ để cho hàng hóa của ta có thể tinh xảo hơn. Ở điểm này, có thể thấy là Phan Châu Trinh tỏ ra có nhiều hiểu biết về vốn cũ dân tộc:

Đời trước thế, thời sau cũng thế

Vật trăm năm giữ để trơ trơ

Đồ đồng, đồ gỗ, đồ tơ

Đồ sắt, đồ gốm so xưa khác nào.

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 281-284)

Và trong việc học nghề, làm nghề như thế, Phan Châu Trinh tỏ ra có ý thức khuyến khích việc đua tài, việc cạnh tranh. Ông quan tâm đến việc thương mại. Có hàng hóa, là để đưa ra thế giới:

Nghề càng ngày càng đua càng tới

Vật càng ngày càng mới dễ coi

Chở chuyên đi bán nước ngoài

Lợi trong đã được, lợi ngoài lại thêm.

Càng nhìn càng nhận này là rất mới trong xã hội bế quan ngày xưa. Và so với yêu cầu của thời đại ta ngày nay trong vấn đề hiện đại hóa, công nghiệp hóa vẫn là gần gũi và cập nhật. Phan Châu Trinh nhận ra được cái thói phô trương của người mình: phát minh cơ xảo thì không có bao nhiêu, nhưng đua đòi để ăn chơi, để quảng cáo, để tiêu xài thật là quá đáng:

Đặng mấy kẻ phú hào chí khí

Dám đua gan, đấu trí cùng ai

Đua thì đua hại đua tai

Đua ăn tiệc lớn, đua xài bạc muôn

Đua những chuyện bán buôn quyền tước

Vứt bạc tiền như nước bỏ không

Còn như bách nghệ, canh nông

Lợi to ích lớn một đồng chẳng ly

Ty máy gỗ cùng ty máy sợi

Từ hỏa thuyền cho tới hỏa xa

Lợi gần cho chí lợi xa

Lời gì cũng để người ta nó làm

Rồi kết luận, ông thiết tha kêu gọi:

Thương ôi nỗi trời Nam biển Quế

Cũng là nòi trí tuệ anh thông

Sao cho gắng chí, gắng công

Sao cho chẳng phụ con Rồng cháu Tiên

(Tỉnh quốc hồn ca, câu 285-300)

*

* *

Bấy nhiêu điều lượm lặt và hệ thống hóa lại, chắc chưa thể thâu tóm hết quan niệm “bất như học” (Chi bằng học) của Phan Châu Trinh. Nhưng có lẽ cũng không thiếu sót là bao nhiêu. Và một phần nào cũng giúp cho ta thấy được quan niệm học của ông. Là một trong những nhà lãnh đạo tiên phong của phong trào duy tân, ông không có sự cách biệt nào với Văn minh tân học sách. Những người đồng chí gần gũi với ông như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đã chia sẻ với ông về quan niệm dạy và học. Phan Bội Châu tuy khác ông về chủ trương, biện pháp cứu nước, nhưng cũng là “tương phản nhi tương thành”.

Những điều ông Phan tỏ ra bất bình đối với bọn thống trị, bọn cầm quyền – (riêng về mặt khai hóa văn minh) – với cách nhìn của Phan Châu Trinh vẫn là nhất trí. Những ngày ở Nhật, gặp gỡ các du học sinh, Phan Châu Trinh đã tỏ ra đồng tình với Phan Bội Châu về sự tiếp thu cái mới. Chính vì vậy mà Phan Châu Trinh được cả nước hoan nghênh và cùng với Phan Bội Châu trở thành thần tượng của quốc dân đầu thế kỷ 20. Cái gốc trong quan niệm về sự học của Phan Châu Trinh, vẫn là vì tư tưởng dân tộc và dân chủ. Ông tha thiết với vận mệnh nước nhà, có sự bất bình thực sự với tình trạng lạc hậu của dân tộc. Tha thiết đến mức tình cảm của ông biến thành sự “giận thảm hờn sâu” (Giai nhân kỳ ngộ: câu 4867, 4868). Ông đã vì tôn trọng nhân dân, đòi hỏi cho dân có quyền, nghe theo dân mà đặt ra yêu cầu học tập “Quốc tương hưng tắc chính chư dân” (Tỉnh quốc hồn ca).

Có nghĩa là: Đất nước muốn hưng vượng thì phải nghe ở dân. Dân ta lúc này (đầu thế kỷ XX) đang cần một cái học thiết thực đảm bảo cho sự tồn vong của nòi giống. Quan niệm học ở Phan Châu Trinh cũng là quan niệm, là đòi hỏi của dân. Không thấy điều ấy, thì không thấy được cái vĩ đại và nét đại diện cho dân tộc ở Phan Châu Trinh được. Chính ông cũng nói:

Dân ta là thánh là thần

Bền gan chắc dạ, quỷ thần cũng kiêng

(Bài trên, câu 371, 372)

 

----- Hết -----

Chú thích/Tài liệu tham khảo:

Nguồn: Kỷ yếu Tọa đàm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh – Tam Kỳ - 2002.
(1). Thư gửi toàn quyền Đông Dương (chữ Hán, bản dịch của Ngô Đức Kế)

 
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5

Đinh Hải Đăng
Trương Nguyễn Nhật Hoàng
Trần Thị Thảo Phương
Lê Chiêu Trung
Đặng Phương Uyên
Trần Thị Hồng Xuyến