Tên bài viết gốc: WHAT HAVING “A GROWTH MINDSET” ACTUALLY MEANS?

Những học giả hẳn rất hài lòng khi những lối tư duy của họ trở nên phổ biến. Và họ chắc hẳn còn vui hơn nữa khi chúng đã tạo được sự khác biệt - ví như tăng thêm động lực, sự sáng tạo hoặc năng suất làm việc. Nhưng sự phổ biến cũng có giá của nó: Mọi người đôi khi hiểu sai về những tư duy đó và dẫn tới việc không đạt được những lợi ích từ chúng. Điều này đã xảy tới với nghiên cứu của tôi về tư duy “phát triển” so với tư duy “cố định” ở các cá nhân và cũng như ở trong các tổ chức.

Tôi sẽ nêu tóm gọn các phát hiện: Những cá nhân tin rằng tài năng của họ có thể phát triển (thông qua làm việc chăm chỉ, có chiến lược đúng đắn, và nhận ý kiến đóng góp từ người khác) có tư duy phát triển. Họ có xu hướng đạt được nhiều thành công hơn so với những người có tư duy cố định (những người tin rằng tài năng của họ là món quà từ khi sinh ra). Điều này là do họ ít quan tâm về việc họ trông có thông minh không và dành nhiều năng lượng hơn cho việc học. Khi cả công ty áp dụng tư duy phát triển, những nhân viên của họ cũng có cảm giác được đảm bảo và trao nhiều quyền lực hơn; họ cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ tổ chức để hợp tác và phát triển. Ngược lại, những người ở trong những công ty có tư duy cố định  thì các nhân viên gian lận và lừa dối nhiều hơn, có lẽ là để dành lợi thế trong cuộc đua tài năng. “Tư duy phát triển” trở thành một từ thông dụng ở nhiều công ty lớn, thậm chí còn được đưa vào câu tuyên bố về sứ mệnh của họ. Nhưng khi thăm dò ý kiến, tôi thường phát hiện ra rằng sự hiểu biết của mọi người về vấn đề này còn hạn chế. Dưới đây là ba quan niệm sai lầm phổ biến:

  1. Tôi đã có, và luôn luôn có tư duy phát triển.

Mọi người thường nhầm lẫn tư duy phát triển với sự linh hoạt hoặc tư duy cởi mở hay có cái nhìn tích cực về những phẩm chất mà họ tin là mình luôn luôn có. Đồng nghiệp của tôi và tôi gọi điều này là tư duy phát triển giả tạo. Mọi người thực ra có tư duy trộn lẫn giữa phát triển và cố định, và “hỗn hợp” này phát triển liên tục cùng với kinh nghiệm. Không tồn tại tư duy phát triển thuần túy, chúng ta phải thừa nhận điều này để đạt được những hiệu quả mà ta trông đợi.

  1. Tư duy phát triển chỉ là lời khen và phần thưởng cho sự nỗ lực.

Điều này là không chính xác với những học sinh trong các trường học, với những nhân viên ở trong các tổ chức. Trong cả hai môi trường nói trên, kết quả là quan trọng. Sự nỗ lực mà không có kết quả thì không bao giờ là tốt. Điều quan trọng đó là không chỉ khen thưởng cho sự nỗ lực mà còn cả cho sự học hỏi và tiến bộ, đồng thời nhấn mạnh quá trình để đạt được những điều trên, ví dụ như tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, thử các chiến lược mới, và tận dụng có hiệu quả những thất bại để tiến lên phía trước. Trong tất cả những nghiên cứu của chúng tôi thì điểm mấu chốt đều có được từ việc tham gia sâu vào những quá trình này.

  1. Chỉ cần theo đuổi một tư duy phát triển thì những chuyện tốt sẽ đến.

Những tuyên bố về sứ mệnh luôn rất tuyệt vời. Bạn không thể bàn cãi về những giá trị lớn lao như sự tăng trưởng, gia tăng quyền lực và sự đổi mới. Nhưng chúng sẽ trở nên vô nghĩa với nhân viên nếu công ty không thực hiện các chính sách để biến những giá trị trên thành hiện thực và có thể đạt được. Các tổ chức thể hiện tư duy phát triển bằng cách khuyến khích chấp nhận mức độ rủi ro phù hợp, họ biết rằng một số rủi ro sẽ không giải quyết được. Họ khen thưởng các nhân viên dựa trên những bài học quan trọng mà họ học được, ngay cả khi một dự án không đạt được mục tiêu ban đầu của nó. Họ ủng hộ sự hợp tác vượt qua các rào cản giữa các tổ chức hơn là sự cạnh tranh giữa các nhân viên hoặc giữa các đơn vị. Họ cam kết về sự phát triển của tất cả các thành viên, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động như các cơ hội phát triển và thăng tiến về nhiều mặt. Và họ liên tục củng cố các giá trị tư duy phát triển bằng những chính sách cụ thể.

Ngay cả khi chúng ta sửa được những quan niệm sai lầm này thì vẫn không dễ để có được một tư duy phát triển. Một trong những lí do đó là tất cả chúng ta đều có những yếu tố khởi phát tư duy cố định của riêng mình. Khi ta đối mặt với thách thức, sự chỉ trích, hoặc bị đánh giá kém hơn so với người khác, thì chúng ta có thể trở nên bất an và bảo thủ hơn, điều này ngăn cản tư duy phát triển. Môi trường làm việc của chúng ta cũng có thể chứa đầy những yếu tố khởi phát tư duy cố định. Một công ty vận hành như một cuộc thi tài năng khiến mọi người khó suy nghĩ và hành động theo tư duy phát triển, ví dụ như chia sẻ thông tin, cộng tác, cải tiến, trông đợi sự phản hồi hoặc thừa nhận lỗi sai. Để duy trì một tư duy phát triển, chúng ta phải xác định và làm việc cùng với những yếu tố khởi phát kia. Nhiều nhà quản lý và điều hành đã được hưởng lợi từ việc học cách nhận ra khi nào tư duy cố định “của riêng” họ xuất hiện và điều này chỉ ra cho họ điều khiến họ thấy bị đe dọa hoặc phải phòng vệ. Điều quan trọng nhất là qua thời gian họ đã học được cách để thuyết phục nó trở thành bạn đồng hành với mình khi họ theo đuổi các mục tiêu đầy thách thức. Việc hiểu sâu về khái niệm tư duy phát triển và cách đưa nó vào quá trình làm việc là một việc khó khăn nhưng các cá nhân và tổ chức có thể đạt được nhiều thứ khi thực hiện được nó. Điều này mang lại cho họ cảm giác chính xác hơn về việc họ là ai, đại diện cho cái gì và cách mà họ muốn để tiến về phía trước.

Nguồn bài viết gốc: http://hbr.org/2016/01/what-having-a-growth-mindset-actually-means

_____________________________________
Bài viết này được chọn lọc, biên dịch,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trần Hồng Hạnh
Nguyễn Đức Hiếu
Lê Hoàng Mạnh Hùng
Nguyễn Thị Phương Thảo
Đặng Minh Quân
Tô Nghiệp Siêu
Trịnh Quang Đồng Thảo