• Tác giả: Gene Kim, Kevin Behr và George Spafford
  • Năm xuất bản: 2013
  • Dịch giả: Minh Nguyệt
  • Đơn vị xuất bản: Alpha Books và Nhà Xuất Bản Lao Động

Dự Án Phượng Hoàng là cuốn tiểu thuyết của một lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) phải đối mặt với tất cả những vấn đề tiêu biểu và đặc trưng trong một tổ chức CNTT như quá tải ngân sách, dự án bất định, chưa kiểm chứng nhưng phải tung sản phẩm ra thị trường, sự hỗn loạn giữa các phòng ban, sự lệ thuộc vào những siêu sao khi siêu sao trở thành nút thắt cổ chai, sự mở rộng nhân sự nhưng năng suất suy giảm, không có sự kế thừa và sự phát triển liên tục của các tính năng, sản phẩm, sự rời rạc của các dự án sản phẩm/ tính năng, sự rệu rã của đội ngũ nhân sự…

Dự Án Phượng Hoàng được viết dựa trên nỗi đau của rất nhiều công ty có sản phẩm công nghệ hoặc công ty công nghệ về việc quy trình và tốc độ sản xuất của các sản phẩm công nghệ. Điều này đặc biệt trong kỷ nguyên mà lợi thế cạnh tranh yêu cầu thời gian đến thị trường thật ngắn cùng các thử nghiệm không ngừng, các công ty không thể theo kịp thì chắc chắn sẽ mất thị trường vào tay đổi thủ nhạy bén hơn.

Ngày nay tất cả các công ty đều là công ty công nghệ dù cho đang hoạt động trong lĩnh vực nào. Vì thế cách quản lý và thực hiện công việc công nghệ sẽ quyết định nhiều hơn đến sự thành công của công ty.

Mâu thuẫn chủ chốt của các công ty công nghệ là sự mâu thuẫn của bộ phận Phát Triển và bộ phận Vận Hành CNTT. Bộ phận Phát Triển đòi hỏi sự phản ứng nhanh trước các bối cảnh cạnh tranh thay đổi nhanh chóng; trong khi bộ phận vận hành CNTT cần cung cấp dịch vụ ổn định, tin cậy và bảo mật.

Chính mâu thuẫn này tạo nên vòng xoáy suy thoái - không đáp ứng yêu cầu phát triển kéo theo những lời hứa cải thiện để giữ khách, lời hứa kéo theo những dự án mới, dự án mới kéo theo sự leo thang của những khoản “nợ kỹ thuật", bàn giao sản phẩm trễ hơn và dẫn đến sự kiệt quệ sáng tạo của các thành viên trong bộ phận, sự mâu thuẫn lớn hơn giữa các bộ phận và giữa khách hàng với công ty.

Để giải quyết vòng xoáy suy thoái này, tác giả đề xuất phương pháp DevOps để vừa có thể giúp nâng cao hiệu suất vừa có thể cải thiện các điều kiện cho con người.

DevOps là từ kết hợp giữa Development (Phát Triển) + Operation (Vận Hành). Dựa trên nguyên tắc sản xuất tinh gọn, phương pháp DevOps mang đến những sự khác biệt sau:

  1. Nâng cao tốc độ phân phối sản phẩm/ dịch vụ đến với khách hàng: thay vì một tính năng, một sản phẩm phải mất nhiều tuần, nhiều tháng mới có thể đến với khách hàng, DevOps sử dụng nhiều phương pháp để có thể magn đến những thay đổi các tính năng, hoặc một phần tính năng sản phẩm đến khách hàng liên tục hàng ngày, hàng tuần với phạm vi nhỏ khách hàng và liên tục theo dõi, học hỏi và cải tiến liên tục tính năng đó để đáp ứng tốt nhất nhu cầu.
  2. Các nhóm nhỏ dài hạn thay vì nhóm lớn làm theo dự án. Vì thay đổi cách phát triển sản phẩm như mục trên nên cấu trúc nhóm phải là những nhóm dài hạn để nhóm có thể đi theo xuyên suốt các tính năng, sản phẩm thay vì so với trước đây là các nhóm dự án ngắn hạn, làm xong dự án là chuyển qua dự án khác khiến cho việc học tập liên tục của đội ngũ bị dừng lại và các dự án cũng dừng lại trong việc phát triển và cải tiến liên tục.
  3. Tinh thần tự chủ trong công việc. Việc thay đổi kể trên giúp cho đội ngũ tạo ra và cải thiện văn hóa hợp tác tín nhiệm nơi mọi người sẽ nhận được phần thưởng khi chập nhận rủi ro và đi kèm với đó là sự tự chủ và ra các quyết định trong công việc thay vì phải đợi sự phê duyệt từ các cấp có thẩm quyền, đặc biệt nếu các cấp thẩm quyền ở xa. Vì quá trình trên cho phép hạn chế rủi ro, phát hiện rủi ro sớm hơn, không ai chịu trách nhiệm mà vì đây là tiến trình học tập liên tục dựa trên việc học cách hệ thống thất bại trong một lối được hoạch định sẵn để có thể đưa ra các giải pháp nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy và bảo mật.
  4. Đo lường hiệu suất làm việc của bộ phận Dev: với việc chia thành các nhóm nhỏ dài hạn, công ty cũng có thể theo dõi và đo lường hiệu suất công việc của các nhóm được chính xác và cũng là cơ sở tạo động lực cho đội ngũ để dựa trên đó theo dõi năng suất của mình.

Thông qua Dự Án Phượng Hoàng, tác giả có đút kết thành “Sổ Tay DevOps: Một  hướng dẫn thiết yếu" cho các nhà quản trị. Cuốn sổ tay gồm 6 phần với lý thuyết DevOps và nguyên tắc sử dụng các phương pháp vào thực tế triển khai.

Chúc các bạn tìm thấy những hướng dẫn hữu ích cho công việc và công ty của mình với cuốn sách Dự Án Phượng Hoàng.

_________________________________
Bài Giới thiệu Sách này được viết,
thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 7

Trịnh Thanh Hà
Trần Ngọc Hiếu
Nguyễn Thị Kim Lài
Nguyễn Đức Máy
Nguyễn Trọng Nam
Dương Nguyễn Hồng Nhung
Đinh Huỳnh Mai Tú