Chào các bạn,
Rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ, có câu hỏi thường trực: Mình nên học nghề gì? Hay, mình nên làm nghề gì? Câu hỏi này mà không có câu trả lời thì chẳng biết nên thi vào đại học nào, hay tìm việc ở đâu.
Và thường là trả lời câu hỏi này không dễ. Chính vì vậy mà rất nhiều người không vui và cứ cảm tưởng mình như bèo dạt mây trôi, không có nơi để đứng vững.
Sở dĩ khó trả lời vì chúng ta thường có một số chuẩn mực để lựa chọn: nghề sang, nghề làm nhiều tiền, nghề nhiều người kính nể, nghề nhàn hạ, nghề được đi nhiều, nghề được học hỏi nhiều…
Các bạn có thấy những chuẩn này có vấn đề là chúng ở ngoài ta? Ta xem nghề như là trái cây, nhiều loại trái cây trước mặt và ta phải lựa một loại. Nhưng nghề nghiệp không phải là điều gì ngoài ta, mà là cuộc sống của ta. Chọn nghề gì thì phải sống với nghề đó, có lẽ là mười mấy tiếng một ngày – làm việc ở sở 8 tiếng hay 10 tiếng, và về nhà vẫn suy nghĩ về công việc vài tiếng nữa. Cho nên nghề chẳng phải là trái cam, muốn ăn lúc nào thì lấy ra ăn. Nghề sống với chúng ra nhiều giờ một ngày, và cả đời.
Cách dễ hơn và chính xác hơn là nhìn nghề nghiệp là một phần lớn của chính mình, và mình hỏi phần lớn đó dính với mình cả đời để làm gì? Ví dụ nghề bác sĩ: Mình dính với nghề bác sĩ cả đời để làm gì? Hỏi kiểu này thì nghề bác sĩ không còn là mục đích của đời ta, mà là một phương tiện, đề cùng ta đi tìm mục đích “làm bác sĩ để làm gì?” Tức là mục đích thật của ta nằm bên sau nghề nghiệp, chú không phải là chính nghề nghiệp.
Tức là ta đang đi vào mức sâu sắc. Tận cùng thật sâu, chúng ta chỉ có hai mục đích để chọn: Một là sống để phục vụ chính ta, hai là sống để phục vụ đời và phục vụ người.
Phục vụ chính ta, thì chúng ta đã biết, không là mục đích sống khỏe mạnh được. Nếu ta chỉ muốn lo cho mình và phục vụ mình, thì ta sẽ stress thường trực, vì rất thường xuyên ta sẽ thấy ta không được phục vụ. Tôi làm việc hùng hục thế này mà lương thấp quá; tại sao tôi giỏi hơn mọi người mà không cho tôi làm giám đốc mà lại chọn người dốt hơn tôi; đến chức này rồi thì tôi phải có xe ô tô và tài xế riêng chứ; tại sao công ty không có chính sách tử tế trọng dụng nhân tài như tôi; sao anh chàng này có quyền xây nhà cao lên để cản ánh nắng vào nhà tôi; tại sao nhà nước không sửa sang tốt con đường trước mặt nhà tôi…
Các bạn, khi chúng ta xem sống là để phục vụ chính mình, ta sẽ có hàng trăm vấn đề tương tự như trên, và do đó hàng trăm lý do để stress mỗi ngày. Chết sớm chứ sống sao được.
Mục đích duy nhất còn lại, mà các thánh nhân đều dạy, là sống là để phục vụ đời và phục vụ người. Nếu chúng ta nhận đây là mục đích của đời sống, thì vấn đề chọn nghề nghiệp trở thành dễ hơn rất nhiều, vì vấn đề bây giờ chỉ là: tôi muốn làm gì để phục vụ đời?
Mọi nghề bây giờ trở thành giống nhau – nghề nào cũng chỉ để phục vụ đời và phục vụ người. Chẳng nghề nào cao hơn và quý hơn nghề nào. Và mọi yếu tố chọn lựa khác như nghề nhiều tiền, nhiều danh tiếng, nhiều quyền lực, nhiều quý phái… không còn là yếu tố chọn lựa. Vấn đề trở thành giản dị hơn rất nhiều, và chỉ là: Nghề nào tôi thấy thích nhất để phục vụ đời và phục vụ người? Làm bác sĩ chữa bệnh, hay thầy giáo dạy học, hay kỹ sư với máy vi tính, hay kế toán với sổ sách và con số , hay chuyên gia tài chính để lo chuyện tiền bạc chi thu…
Những người chỉ nghĩ đến phục vụ đời và người thường không quan tâm quá đáng đến làm gì và ở đâu. Làm gì thì mình cũng làm để phục vụ đời phục vụ người, nên họ thường rất uyển chuyển, không chết cứng với công việc, đổi chỗ hay đổi nghề chẳng là chuyện lớn. Và chọn nghề thì cũng nhẹ nhàng thoải mái như thế.
Cho nên, các bạn, muốn cho việc chọn nghề dễ hơn, trước hết hãy có mục đích tối hậu: Sống là để phục vụ đời và phục vụ người.
Nắm mục đích này thật chặt rồi, các bạn sẽ thấy chọn nghề dễ hơn trước rất nhiều.
Chúc các bạn thoải mái trong nghề nghiệp.
Nguồn:https://dotchuoinon.com/2018/04/03/doi-song-co-muc-dich/?fbclid=IwAR2ifi71RA2nyzpfqfpBNtOYYLb20Jp6ys19V6m6WvYmXFTxbtNyxkXC6Ng
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL Khóa 5
Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm