Chúng ta đều có những điểm mù. Vì tự thân không thể nào nhận diện được những vấn đề mà bản thân ta chưa bao giờ trông thấy, theo tác giả Chris Major, “Mỗi người đều cần ai đó hỗ trợ”. Đó chỉ là một bí quyết nhỏ để thay đổi cuộc đời mình. Hãy tìm hiểu thêm nhé:  

Bạn luôn có thể vượt lên. 

Tại nơi làm việc luôn có những thế lực bằng mọi cách sẽ khiến bạn chẳng bao giờ thành công, không thể nào chiến thắng và không học hỏi bất cứ thứ gì. Những thế lực tuy vô hình nhưng cực kì nguy hiểm. Vấn đề ở đây là: chúng hiện hữu ngay trong tâm trí bạn.  

Vậy bạn có thể vượt qua những trở ngại đó không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, và những bí quyết sau chính là giải pháp:  

Sự hiểu biết.  

Kẻ thù lớn nhất của việc học là sự hiểu biết, chính xác hơn, là tự cho rằng mình đã biết. Đây là phản ứng đầu tiên của não khi tiếp xúc với một điều mới lạ: “Xùy, thừa biết rồi”. Đầu óc của chúng ta vốn lười biếng nên mặc định cho rằng những điều mới mẻ chẳng khác lạ mấy so với kinh nghiệm hiểu biết của mình. Nhưng một khi ta tự cho mình đã biết tất cả, mọi sự quan tâm và chú ý đến vấn đề sẽ biến mất, đồng nghĩa mất đi mọi cơ hội học hỏi.  

Không sẵn sàng trở thành người bắt đầu. 

Bước đi đầu tiên và quan trọng nhất của quá trình thực học chính là trở thành “tân binh”. Một người mới bắt đầu học sẽ có những tuyên bố quan trọng sau: “Tôi cam kết sẽ học hỏi”, “Tôi chấp nhận có một người thầy hướng dẫn” và “Tôi hài lòng với vị trí người bắt đầu”. Mặc dù những điều trên là hiển nhiên, nhưng ta chẳng thể nào học nếu thiếu sự cam kết với bản thân. Việc học không tự nhiên diễn ra mà đòi hỏi những hành động kiên định. Majer khuyên rằng, “Không một ai học chỉ từ đọc sách hay nghe bài giảng ghi âm, mà chọn cho mình một người thầy mới nên là bước đi trước nhất. Hầu hết người lớn không bao giờ học được vì họ từ chối trở thành người bắt đầu. Là người bắt đầu đúng là chẳng hề ngầu tí nào nhưng đây chính là khởi điểm của tất cả.   

Không nhận thấy điểm mù. 

Majer cho rằng mỗi chúng ta đều có những điểm mù. Chỉ là chúng ta không thể nhận diện, không thể hiểu, cũng không thể nhận thức hay hình dung được những điều ta chưa bao giờ nhìn thấy . Vì thế chúng ta luôn cần ai đó giúp đỡ. Điểm mù là hoàn toàn bình thường, cực kì tự nhiên và rất phổ biến, nhưng chúng có thể đặt ra giới hạn ở mỗi người. Không chỉ sách vở và bài giảng mới mở ra cơ hội học tập, mà những đánh giá của bạn bè và đồng nghiệp cũng có thể giúp ta thấu hiểu hơn về mỗi hành động của mình. Hãy chấp nhận những điểm mù là một phần của bản chất để tự mở ra những cơ hội mới cho bản thân mình.  

Mong muốn sự nhàn hạ 

Sự nhàn hạ thực chất là trở ngại lớn. Có thể thấy dư luận thường phản ứng cực mạnh mẽ trước những ý tưởng mới, vì khi nếp suy nghĩ và hành động quen thuộc bị thử thách, phản ứng đầu tiên của ta hoặc bằng nỗi sợ hoặc với sự giận dữ. Tâm trí chúng ta cố bám vào sự ổn định và dễ đoán, và nhìn nhận sự mới mẻ là nguy hiểm. Hơn nữa, khái niệm học hỏi và thay đổi luôn có vẻ thú vị, và ai ai cũng ủng hộ sự học, miễn người học không phải là tôi và càng không phải bây giờ! Mỗi khi đứng trước những cơ hội mang đến sự thay đổi và phát triển lại cảm thấy bất an. Hàng loạt lý do tránh né, biện bạch và trì hoãn không ngừng tuôn ra. Tựu trung, hãy cẩn thận với bản tính mưu cầu sự an toàn của chính con người mình. Sự thật đáng buồn rằng, thực học và sự nhàn hạ không thể nào tồn tại cùng nhau và bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình.  

Nhất định luôn luôn phải hiểu rõ tất cả.  

Mọi ý tưởng và kỹ năng mới đều có vẻ khó khăn, phức tạp và không hề rõ ràng, đơn giản vì chúng còn quá mới. Nhưng vốn con người luôn đòi hỏi sự nhàn hạ và cảm giác an toàn, chúng ta cần nắm bắt hết tất cả vì cho rằng những điều rõ ràng nghĩa là an toàn và chắc chắn. Khi một tình huống xa lạ xảy ra mà lại còn quá mù mờ, lập tức chúng ta sẽ gắn mác cho mọi tác nhân của sự thay đổi là “sai”. Chẳng hạn, một anh chàng tiền vệ sau buổi tập luyện sẽ càu nhàu: “Ông huấn luyện viên nói chắc nịch như thế ắt đòn tấn công này chẳng khó mấy”. Hoặc ta thường bắt gặp bản thân tự nhủ: “Nếu điều này hay thì chắc chắn không khó để hiểu”. Trong cả hai ví dụ, một người sẽ tự cho phép bản thân bỏ qua những bài tập mới và rút về chốn an nhàn của những điều quen thuộc, và chính hành động thoái lui này đóng lại mọi cơ hội học hỏi.  

Nhầm lẫn quan điểm với sự học, nhận thức với năng lực. 

Quan điểm khác với suy nghĩ. Con người không ngừng đưa ra hàng loạt quan điểm về mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều này hoàn toàn tự nhiên và bình thường, nhưng nó không đồng đẳng với tư duy và cũng chẳng hề liên quan đến sự học. Tư duy là quá trình cho ra những ý tưởng mới mẻ và những điều khác biệt,. Tư duy đòi hỏi nhiều năng lượng và sự tập trung, còn đưa ra ý kiến thì không cần đến cả hai. Học hỏi là quá trình phát triển năng lực mới và cần sự rèn luyện bền bỉ. Một khi cho rằng ta có quan điểm về một vấn đề, nghĩa là bản thân mình đã thật sự hiểu biết, và dưới hàng loạt quan điểm cá nhân, tự ta đã ngăn cách chính mình với việc học hỏi. Tương tự như việc nhầm lẫn nhận thức với sự học: chúng ta mù quáng cho rằng một nhận thức mới hiển nhiên bằng với một năng lực mới. Lĩnh hội nhận thức mới và sự phát triển của năng lực là hai quá trình hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân thất bại trong những công tác khai phóng bản thân và phát triển chuyên môn là quá trình này chỉ dừng lại ở mức thay đổi nhận thức, hoàn toàn không liên quan đến việc thiết lập năng lực mới.  

Muốn tất cả, muốn ngay bây giờ. 

Tâm lý này đặc biệt phổ biến ở môi trường doanh nghiệp. Xây dựng một hệ thống quản lí hoàn toàn mới đỏi hỏi thời gian vài tháng, hậm chí hàng năm mới mong nhìn thấy hiệu quả. Nhà quản trị càng có thâm niên thì phong cách quản trị càng ăn sâu vào thói quen, vì thế thời gian cần thiết để học hỏi và thay đổi càng lâu. Tổ chức chuyến đi nghỉ 2 ngày cho nhân viên nhằm tái cấu trúc cách thức làm việc đã được thiết lập qua hằng năm là một điều ngớ ngẩn. Tin tưởng vào một sự thay đổi tức thời có thể để lại hậu quả lâu dài cho mỗi cá nhân và tổ chức. Đừng để hệ tư tưởng thời đại của sự hài lòng nhất thời cùng sự thất bại của xã hội trong việc thành lập phương pháp học tập đúng đắn làm mờ mắt. Nếu thật sự muốn học, hãy quên việc tìm kiếm phép màu hay một công cụ tối tân nhất và vĩ đại nhất mà hãy bắt đầu tạo lập những thói quen mới.  

Bỏ quên vai trò thiết yếu của cơ thể 

Một điều chúng tôi học được từ rất lâu, khi làm việc cùng các vận động viên và binh lính, rằng trong khi trí óc đảm nhiệm việc hiểu, chính cơ thể chúng ta mới đang thật sự học. Hiểu biết có thẻ xảy ra nhanh chóng nhưng thực học hay hình thành năng lực mới cần sự luyện tập bền bỉ, và tất nhiên điều này cần một thời gian để hoàn thiện. Hãy nhớ về những bài học trước đây, bạn không đơn thuần chỉ học từ sách vở, đĩa băng, những bài nói truyền cảm hứng hay phương pháp có sẵn. Chúng có thể mang lại sự nhận biết và truyền cảm hứng, nhưng không phải sự học. Thực học cần luyện tập thường xuyên, và chỉ thông qua luyện tập thì năng lực mới được nâng cao. Những vận động viên hàng đầu vùi đầu vào luyện tập thay vì chỉ đọc sách về môn thể thao của họ. Tương tự với bất cứ khi nào bạn muốn học. Chúng ta có thể tìm hiểu rõ hơn về một chủ đề hay thậm chí về bản thân thông qua những trang sách, nhưng thực học chỉ có thể thông qua hàng giờ luyện tập, và đây cũng chính là cách duy nhất cơ thể học cùng ta.  

Tìm kiếm sự khác biệt có thể rất mệt mỏi, và mỉa mai thay, lại còn ngầm phá hoại tương lai chính mình.  

Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được sự biến đổi chân thật khi mãi truy tìm một điều mới lạ, thay vì tập trung tất cả thời gian và sự chú ý cho con đường dài hơi của quá trình phát triển năng lực. Sức mạnh của truyền thông hô hào những xu hướng, những giả thuyết và hệ thống mới nhất, sự huyễn hoặc rằng một điều vĩ đại sắp tới sẽ lấn át tất cả. Trong giới kinh doanh, điều này thể hiện như phương pháp đào tạo kiểu “buffet”. Lấy một chút từ Tom Peters, thêm một tí W Edwards Deming, một vài thói quen từ Stephen Covey, một vài ý của Warren Bennis, một chút lý thuyết của Peter Drucker, nhập chung với mô hình cải tiến năng suất Sáu Sigma, vài câu trích dẫn mặn mà, và thêm bài trình chiếu PowerPoint rực rỡ, và tèn ten! Kết quả là một chương trình đào tạo tạp nham “những tinh túy của nhân loại”. Nếu thiếu đi sự mạch lạc thì chương trình chắp vá kia chắc chắn thất bại trong việc truyền tải. Không có thiết kế và cấu trúc thống nhất thì kết quả chỉ là đống phế liệu hỗn độn có vẻ hào nhoáng thay vì xịn như chiếc xe bạn hằng ao ước. Dù vậy chúng ta vẫn mù quáng đeo bám một niềm tin vô nghĩa vào nhưng ý tưởng tân tiến. Chúng ta không thể học để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba nếu cứ theo đuổi những màn thể hiện mới mẻ hay cứ nhặt nhạnh những mẹo vặt từ những người đào tạo. Điều này cũng không hề giúp ích cho quá trình hoàn thiện bản thân của chính mình.  

Sống với tâm thế không ngừng đánh giá. 

Khi tiếp xúc với những điều mới, phản ứng đầu tiên là đánh giá, hoặc thích, hoặc không thích, đồng tình hoặc không đồng tình. Những đánh giá tự động và đơn giản này đóng kín cơ hội cho sự học đúng nghĩa. Nếu chúng ta thích một điều gì đấy, đồng nghĩa với việc ta ngừng lắng nghe vì trí não đã chuyển từ “thích” sang “ đã biết”: Tôi thích điều này vì nó giống X, và tôi chắc rằng X đúng”. Tương tự như thế, nếu ta đã không thích thì lặp tức tâm thức sẽ tự điều chỉnh thành: “Tôi không thích điều này, và vì thế nó sai, và nếu đã sai rồi thì chẳng cần nhọc công suy nghĩ”. Những lúc đồng tình hay phản đối cũng như vậy. Vì thế, mỗi lần đánh giá là ta đã chấp nhận bỏ qua cơ hội học hỏi. Nếu mình đồng tình thì ắt hẳn điều ấy đúng, vậy thì đâu cần thiết đào sâu vấn đề. Còn nếu mình không đồng tình thì lại chẳng cần chú ý, vì người phát ngôn phải là đứa ngốc, mà ai lại rảnh rỗi nghe đứa ngốc nói chuyện? Sống mà không ngừng suy xét sẽ đóng lại mọi khả năng học hỏi của bản thân.  

Hình tượng hóa 

Chúng ta tự tạo nên câu chuyện về bản thân và về thế giới, và nhập nhằng chúng với sự thật. Ta nhìn nhận sự yếu kém của bản thân trên một lĩnh vực và đồng nhất điều ấy với toàn bộ nền tảng con người chúng mình. Nhưng thiếu năng lực không đồng nghĩa với con người thiếu phẩm chất. Nếu tôi không thể đóng một chiếc đinh vào cột, không có nghĩa tôi ngu ngốc, lười biếng, không thể hợp tác hay không thể học hỏi. Chúng ta thường xuyên lấy sự bất cẩn của người mới bắt đầu để vẽ nên một câu chuyện: “Tôi không làm được, tôi quá già, quá non nớt, quá bận bịu, quá béo, quá vụng về,...” và có vô số từ khóa có thể điền tiếp vào chỗ trống trên. Một bài tuyên bố tự chê mình sẽ kéo theo những bản tuyên bố khác: “Tôi không đủ thông minh, tôi không đủ nhanh nhẹn, tôi không giỏi, đã qua thời của tôi mất rồi.” Một phiên bản khác của lời tường thuật trên nói như thế này: “Tôi không học được, nó quá phức tạp, quá chuyên môn”. Đằng sau những lời than phiền trên là một nguyên lý chung: Bản thân mình có gì đấy sai sai. Sự diễn dịch không cơ sở này dù phổ biến nhưng cực kì thảm họa, nó ngăn cản sự học hỏi và thử thách bản thân để phát triển. Mọi việc xảy ra đều là một phần của cuộc sống, và nếu chính ta cho phép chúng ngăn chặn ta tận hưởng theo ý của chính mình là không thể chấp nhận.  

Học tập là một thử thách mà chỉ có thể thực hiện thông qua thực hành, sự kiên nhẫn và kiên định. Ba phẩm chất trên là những tiêu chuẩn quyết định tâm huyết của người học. Cách duy nhất biến năng lực thành bản chất đòi hỏi hỏi thực hành liên tục. Thực hành cần thời gian và sự kiên nhẫn. Một người học kiên định phải tiếp tục rèn luyện kiên trì vượt mọi nghi ngờ,mỏi mệt, đánh giá tiêu cực, và tâm trạng bất ổn. Những nhân tố kìm hãm thực học có thể xuất hiện bất cứ khi nào. Có thể ta dễ tổn thương hơn số đông, nhưng kể cả những người mạnh mẽ và không nao núng thì những nhân tố trên vẫn bám theo như chiếc bóng. Nhưng đây không phải là bản chất cuộc sống, mà chỉ là câu chuyện mà ta tự vẽ nên, và giờ ta đã nhận biết được điều ấy,  ta có thể thay đổi câu chuyện của mình thông qua hành động cụ thể, và từ hành động chúng ta có thể thay đổi cuộc đời.

Nguồn bài viết gốc: https://www.beliefnet.com/inspiration/galleries/you-have-the-power-to-transform-your-life.aspx

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Thân Tiến Toàn
Nguyễn Văn Hưng
Nguyễn Ngọc Thùy Trâm
Lộc Quỳnh Như
Phan Hoàng Ngân
Lê Quang Minh

Với sự hỗ trợ từ (các) Cộng tác viên:
Võ Tuấn Kiệt
Võ Nam Du
Phạm Kim Hoàng